Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 10 – Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất
Mục Lục
Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 10 – Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất giúp HS giải bài tập, hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS trong các quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và với môi trường sống:
Bài 1 trang 23 GDCD 10: Theo quan điểm triết học Mác – Lê nin, thế nào là vận động?
Trả lời:
Theo quan điểm triết học Mác – Lê nin, vận động là mọi biến đổi nói chung của các sự vật, hiện tượng, quá trình từ đơn giản đến tư duy.
Bài 2 trang 23 GDCD 10: Theo quan điểm triết học Mác – Lê nin, thế nào là phát triển?
Trả lời:
“Phát triển” là một phạm trù (khái niệm riêng và rộng) dùng để khái quát quá trình tiến lên từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
– Sự phát triển mang tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú
Bài 3 trang 23 GDCD 10: Hãy chứng minh rằng, vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất?
Trả lời:
– Vật chất (sự vật, hiện tượng là các dạng tồn tại của vật chất) tồn tại bằng cách vận động.
– Bằng vận động và thông qua vận động mà các sự vật, hiện tượng biểu hiện và bộc lộ sự tồn tại của mình.
– Không thể có vật chất mà không có vận động và ngược lại.
– Theo quan điểm triết học Mác – Lê nin, vận động là sự tự thân vận động của vật chất, được tạo nên sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố, các mặt, các quá trình trong cấu trúc vật chất.
=> Vật chất vô hạn, vô tận, không tự sinh ra cũng không tự mất đi, và vận động là một thuộc tính không thể tách rời vật chất do vậy bản thân sự vận động cũng không thể bị mất đi hoặc sáng tạo ra. Kết luận này được chứng minh bằng định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng.
Bài 4 trang 23 GDCD 10: Một học sinh chuyển từ cấp THCS lên cấp THPT có được coi là bước phát triển không? Tại sao?
Trả lời:
Theo phép biện chứng duy vật, khái niệm “phát triển” dùng để chỉ quá trình vận động theo chiều hướng đi lên của sự vật: Từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.
Do vậy, một học sinh chuyển từ cấp THCS lên cấp THPT được xem là bước phát triển.
Bài 5 trang 23 GDCD 10: Em hãy nêu một vài ví dụ về sự phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân của nước ta hiện nay. Trong mỗi ví dụ ấy, cần nói rõ nội dung sự phát triển là gì?
Trả lời:
– Trong lĩnh vực nông nghiệp: Có sự ra đời của các công cụ lao động mới (máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, mô hình trồng cây kĩ thuật cao…) phát triển từ nông nghiệp thủ công (lao động bằng sức người) sang sử dụng máy móc, khoa học kĩ thuật thay thế dần sức người.
– Trong lĩnh vực công nghiệp: Tự động hóa các dây chuyền sản xuất, xuất hiện các ngành nghề mới như công nghệ thông tin, công nghiệp hóa dầu…phát triển từ cơ giới hóa sang tự động hóa,đa dạng hóa ngành nghề, nguyên liệu.
– Trong đời sống nhân dân: Cuộc sống ngày càng được cải thiện phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần (trước đây người dân mong ước ăn no mặc ấm, nay là ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa to đẹp, thẩm mĩ hơn, các đồ gia dụng và nội thất hiện đại hơn, hoạt động sinh hoạt văn hóa,thể dục thể thao được nâng cao, trình độ dân trí phát triển hơn)
Bài 6 trang 23 GDCD 10: Hãy sắp xếp các hiện tượng sau đây theo các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất từ thấp đến cao?
a) Sự dao động của con lắc
b) Sự biến đổi của công cụ lao động từ đồ đá đến kim loại
c) Ma sát sinh ra nhiệt
d) Chim bay
đ) Sự chuyển hóa của các chất hóa học
e) Cây cối ra hoa, kết quả
g) Nước bay hơi
h) Sự trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường
i) Sự thay đổi của các chế độ xã hội từ cộng sản nguyên thủy đến nay.
Trả lời:
– Vận động cơ học: Chim bay và sự dao động của con lắc.
– Vận động vật lí: Ma sát sinh ra nhiệt và nước bay hơi.
– Vận động hóa học: Sự chuyển hóa của các chất hóa học.
– Vận động sinh học: Sự trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và cây cối ra hoa, kết quả.
– Vận động xã hội: Sự biến đổi của công cụ lao động từ đồ đá đến kim loại và sự thay đổi của các chế độ xã hội từ cộng sản nguyên thủy đến nay.