Giá xăng tăng cao: Sao không cất ôtô để đi xe đạp, xe buýt?

Vũ Minh

  –  

Thứ tư, 23/02/2022 13:32 (GMT+7)

Giá xăng tăng cao, đạt ngưỡng kỷ lục tạo áp lực lên đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh. Đó là điều ai cũng thấy rõ. Nhưng thử đặt lại vấn đề: Liệu xăng tăng cao có mang lại điều gì tích cực không?

Giá xăng tăng cao: Sao không cất ôtô để đi xe đạp, xe buýt?
Giá xăng tăng, người dân cần tự điều chỉnh cuộc sống để thích nghi. Ảnh ĐH

Xăng tăng cao: Giảm tắc đường

Chưa có số thống kê cụ thể về việc với mức giá xăng tăng cao như hiện nay có bao nhiêu người sẽ hạn chế xử dụng xe cá nhân, đặc biệt là ôtô?

Cùng kỳ này năm trước, giá xăng A95 ở mức 18.000 đồng/ lít. Kỳ tăng mới nhất chạm ngưỡng 26.282 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi lít xăng hơn 8.000 đồng/lít.

Thử làm một con tính nhỏ, một chiếc ôtô cho quãng đường đi làm 15km, tính cả đi về là 30km mỗi ngày. Như vậy mỗi tháng sẽ di chuyển gần 1.000km, tiêu thụ ở mức trung bình (di chuyển trong nội đô) 10km/lít xăng, thì tổng số xăng tiêu thụ khoảng 100 lít. Mức chi tiêu cho nhiên liệu sẽ là hơn 2,6 triệu mỗi tháng, tăng 800.000 đồng/ tháng so với cùng thời điểm năm ngoái. Đây là con số đáng suy nghĩ và đáng cân nhắc để “cất” ôtô.

Cả Hà Nội và TPHCM đều đang loay hoay (và có phần bế tắc) cho câu chuyện hạn chế xe cá nhân vào nội đô thì tăng giá xăng sẽ trở thành “yếu tố tự nhiên” để người dân hạn chế xe ôtô cá nhân. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi ôtô chiếm 20 lần xe máy. Từ đó giảm ôtô sẽ giảm nguy cơ tắc đường.

Chuyển sang phương tiện công cộng

Các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM tìm mọi cách để khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện nhưng không thành công. Tỉ lệ người dân dùng phương tiện công cộng thấp dù đã tăng xe, tăng chuyến, bình ổn giá vé.

Xe buýt sẽ là một lựa chọn khi giá xăng tăng. Ảnh TTXe buýt sẽ là một lựa chọn khi giá xăng tăng. Ảnh TT 

Giá xăng tăng cao, giải pháp dùng phương tiện công cộng sẽ phải tính đến. Thử làm một con tính: Một người đi làm bằng ôtô cá nhân, hàng ngày đi 10km đến chỗ làm, tiêu thụ 1 lít xăng, tương đương 26.200 đồng. Trong khi đó, giá xe bus hiện nay, kể cả BRT cũng chỉ 7.000 đồng cho từng đó quãng đường. Giá tàu điện trên cao khoảng 12.000 đồng/ lượt. Như vậy đã giảm được 1/2 chi phí. Việc dùng phương tiện công cộng sẽ tiết kiệm được khoảng 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Kích thích dùng nhiên liệu sạch

Xe đạp, xe máy điện, xe ôtô điện sẽ được ưu tiên sử dụng khi giá xăng tăng cao. Thậm chí ngay trong lĩnh vực xăng dầu, việc sự dụng nhiên liệu phối trộn với Ethanon sẽ là giải pháp thay thế. Hiện nay, Ethanol không bị đánh thuế môi trường (trong khi xăng bị đánh tới 4000 đồng/ lít). Nếu có chính sách nâng dần tỉ lệ Ethanon từ 5% hiện nay (xăng E5) lên mức 7% (E7) hoặc 10% (E10) như nhiều nước đã làm thì giá xăng trộn Ethanon sẽ giảm xuống sâu hơn so với A95 ở mức đủ kích thích để dùng xăng E. Đó cũng là giải pháp để giảm tác động vào môi trường từ xăng phù hợp với Cam kết của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; kế hoạch giảm phát thải khí metan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện.

Trong lúc chờ các chính sách mới cũng như giá dầu thế giới giảm, thì giá xăng tăng cũng khiến người tiêu dùng phải linh hoạt, thích nghi và thay đổi về đời sống để phù hợp: Nó là câu chuyện tiết kiệm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ…, đó không phải là những yếu tố tích cực hay sao?

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Bạn đọc có thể cùng thảo luận về chủ đề này khi đăng nhập và viết ý kiến của mình tại phần bình luận phía cuối bài. Các ý kiến phù hợp sẽ sớm được đăng tải.