Giá vốn hàng bán là gì? Cách tính giá vốn hàng bán đúng chuẩn
Khái niệm giá vốn hàng bán là gì?
Theo Wkipedia: Giá vốn hàng bán (COGS) là giá trị tồn trữ của hàng bán trong một khoảng thời gian cụ thể. Chi phí được liên kết với hàng hóa cụ thể bằng cách sử dụng một trong các công thức sau như Nhập trước – Xuất trước (FIFO), Xác định cụ thể hoặc Chi phí trung bình. Chi phí bao gồm tất cả những chi phí chuyển đổi, chi phí mua và các chi phí khác phát sinh trong việc đưa hàng tồn kho đến vị trí, điều kiện hiện tại của chúng. Chi phí hàng hóa của các doanh nghiệp gồm có vật liệu, lao động, cũng như chi phí phân bổ. Các chi phí của các hàng hóa chưa bán được hoãn lại như chi phí của hàng tồn kho cho đến khi hàng tồn kho được bán hoặc là ghi giảm giá trị.
Cách tính giá vốn hàng bán
Trên thế giới hiện nay đang tồn tại 3 cách tính giá vốn hàng bán, cụ thể như sau:
Công thức tính FIFO (Nhập trước xuất trước)
Cách tính này được hiểu là nhập trước thì xuất trước. Công thức tính giá vốn FIFO chỉ phù hợp đối với các mặt hàng có hạn sử dụng, hoặc các cửa hàng điện máy, điện thoại, máy tính hay sử dụng. Trong mô hình bán lẻ tạp hóa rất ít dùng, vì việc tính toán dữ liệu rắc rối và gặp nhiều phức tạp.
Khi giá tăng, kết quả dựa theo phương pháp FIFO, giá vốn hàng bán thấp hơn. Điều này trong điều kiện lạm phát, làm tăng lợi nhuận ròng và kết quả là mức đóng thuế TNDN cao hơn.
Công thức tính LIFO (Nhập sau xuất trước)
Cách tính theo công thức LIFO (nhập sau xuất trước) ngày nay rất ít khi được sử dụng, giờ chỉ còn 2 nước là Mỹ với Nhật chấp nhận cách tính này. Tuy nhiên, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) tại Mỹ lại phủ nhận cho rằng công thức tính giá vốn hàng bán như trên thiếu sự chính xác.
Một nhược điểm rất cụ thể trong cách tính giá vốn hàng bán LIFO là định giá hàng tồn kho không đáng tin cậy. Đối với trường hợp hàng tồn kho là sản phẩm cũ và có giá trị lỗi thời so với giá hiện hành.
Công thức tính Bình quân gia quyền
Theo phương pháp tính này, mỗi lần nhập hàng thì giá vốn sẽ được tính lại dựa theo công thức:
MAC = ( A + B ) / C
Với :
MAC : Giá vốn hàng bán của sản phẩm tính theo bình quân tức thời
A : Giá trị kho hiện tại trước nhập = Tồn kho trước nhập * giá MAC trước nhập
B : Giá trị kho nhập mới = Tồn nhập mới * giá nhập kho đã phân bổ chi phí
C : Tổng tồn = Tồn trước nhập + tồn sau nhập
Với phương pháp tính giá vốn hàng bán này, cần bảo đảm thông tin số hàng tồn kho của bạn cần chính xác tuyệt đối. Bởi khi số lượng hàng tồn kho sai, sẽ dẫn đến cả tử số và mẫu số đều sai. Giá vốn hàng bán sai thì sẽ không thể tính giá trị tồn kho và lãi gộp đúng được.
Cách hoạch toán giá vốn hàng bán
Đối với doanh nghiệp kế toán hành HTK theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Khi xuất bán các sản phẩm và hàng hóa (kể cả sản phẩm dùng làm dụng cụ, thiết bị thay thế đi kèm sản phẩm và hàng hóa), dịch vụ hoàn thành đã được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154, 155,156, 157, …
b) Phản ánh khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán:
- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn so với công suất bình thường thì kế toán cần tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến của một đơn vị sản phẩm dựa theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được ghi nhận vào GVHB trong kỳ ghi:
Nợ TK 632 – Gía vốn hàng bán
Có Tk 154 – Chi phí SXKD dở dang, hoặc
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung
- Phản ánh khoản mất mát, hao hụt của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do cá nhân gây ra, ghi
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 152, 153, 156, 138 (1381), …
- Phản ánh chi phí xây dựng tài sản cố định vượt quá mức bình thường khi không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang
c) Hạch toán của khoản trích lập hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước, kế toán cần trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước, kế toán hoàn nhập vào phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 632 – GVHB
d) Các nghiệp vụ kinh tế có liên quan đến hoạt động kinh doanh đầu tư Bất động sản:
- Định kỳ tính và trích khấu hao BĐS đầu tư đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 2147 – Hao mòn BĐS đầu tư
- Khi phát sinh chi phí có liên quan đến BĐS đầu tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thỏa mãn các điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)
Có TK 111, 112, 152, 153, 334, …
- Các chi phí liên quan đến việc cho thuê hoạt động BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 111, 112, 331, 334, …
- Kế toán giảm nguyên giá, cũng như giá trị hao mòn của BĐS đầu tư (nếu có) do thanh lý, bán ghi:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – Hao mòn BĐS đầu tư)
Nợ TK 632 – GVHB (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (nguyên giá)
- Các chi phí thanh lý, bán BĐS đầu tư phát sinh, ghi:
Nợ TK 632 – GVHB (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331, …
đ) Phương pháp kế toán chi phí trích trước để thực hiện tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán đối với các doanh nghiệp là chủ đầu tư:
- Khi trích trước chi phí nhằm tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 335 – Chi phí phải trả
- Các chi phí đầu tư và xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu tập hợp để tính vào chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
- Khi các khoản chi phí trích trước đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh và kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước, cũng như ghi giảm chi phí kinh doanh, sản xuất dở dang, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
- Khi toàn bộ dự án bất động sản đã hoàn thành, kế toán cần phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trước còn lại, ghi:
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh)
e) Trường hợp sử dụng sản phẩm sản xuất ra chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
g) Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:
Nợ các TK 155, 156
Có TK 632 – GVHB
h) Trường hợp các khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán cần căn cứ vào tình hình biến động của hàng tồn kho nhằm phân bổ số chiết khấu thương mại và làm giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thụ, số đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc là đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331…
Có các TK 152, 153, 154, 155, 156 (giá trị khoản GGHB, CKTM của hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị khoản GGHB, CKTM của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị khoản GGHB, CKTM của số hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ)
k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các hàng hóa, bất động sản đầu tư, dịch vụ được xác định là đã bán vào trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – GVHB.
Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
a) Đối với doanh nghiệp thương mại:
Cuối kỳ, xác định, kết chuyển trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 611 – Mua hàng
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã bán được xác định là đã bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
b) Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ:
Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành phẩm tồn kho vào đầu kỳ cho tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 155 – Thành phẩm
Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng vẫn chưa được xác định là đã bán vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” ghi:
Nợ TK 632 – GVHB
Có TK 157 – Hàng gửi đi bán
Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập kho và giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 631 – Giá thành sản phẩm
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Có TK 632 – GVHB
Cuối kỳ, xác định trị giá thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán ghi:
Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán
Có TK 632 – GVHB
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm và dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
Nguồn: st