Giá vàng hôm nay 11/7

BNEWS

BNEWS/TTXVN liên tục cập nhật giá vàng trong nước các thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC, giá vàng Rồng Thăng Long…

Bảng giá vàng 9999, 24K, 18K, 14K, 10K, vàng SJC, DOJI, PNJ hôm nay 11/7 tăng hay giảm? Giá vàng hôm nay 11/7 bao nhiêu một lượng?

 

Dưới đây là bảng giá vàng hôm nay được cập nhật mới nhất từ Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu:

Giá vàng trong nước đã chứng kiến một tuần biến động với hầu hết phiên giao dịch cùng pha với giá vàng thế giới. Song dù giao động cùng pha như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn ghi nhận khoảng cách lớn.

Ở thời điểm chốt phiên cuối tuần 9/7, khi giá vàng thế giới đang ở ngưỡng 1.742,3 USD/ounce. Sau khi quy đổi, vàng thế giới giao dịch khoảng 49,85 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC cập nhật cùng thời điểm giao dịch tại 67,95 – 68,57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Nghĩa là chênh lệch giữa hai thị trường khoảng 19 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông với nhau, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn giá thế giới.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nguồn vàng SJC trong thời gian qua chủ yếu mua đi bán lại. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, khi giá vàng SJC xuống thấp và nhu cầu đối với loại vàng này cao hơn, tình trạng khan hiếm càng tăng lên. Diễn biến trên thị trường vàng trong nước khiến giá vàng thế giới dù giảm sốc nhưng giá vàng SJC không giảm tương xứng.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC nên nguồn cung từ kênh này không có. Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường”, chuyên gia Trần Duy Phương nói.

Trong khi đó, các chuyên gia thế giới dự báo giá vàng tới đây khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng.

Các chuyên gia trong nước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm cân nhắc sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế.

Xét về phương diện đầu tư, PGS. TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, vàng là phương tiện tích trữ, nếu có vàng để đấy thì không bao giờ mất, nhưng bỏ tiền để đầu tư, kiếm lời trên vàng thì rủi ro rất lớn. Nhất là với nhà đầu tư không đủ khả năng đánh giá, thẩm định và có những phản ứng kịp thời vì diễn biến giá vàng rất nhanh.

Trong khi Nhà nước quản lý nhưng thực tế không đứng ra can thiệp trực tiếp vào giá vàng nên không thể biết được sự lên, xuống của giá vàng ra sao, PGS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định, đầu tư vàng là bài toán khá nhạy cảm. Những người đầu tư vàng trong thời điểm hiện nay phải là những người tính toán hết sức chuyên nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2022 tỏ ra khá bất lợi đối với các nhà giao dịch trên hầu hết các thị trường ngoại trừ lĩnh vực năng lượng, với việc đồng USD tăng vọt do lạm phát và Fed mạnh tay điều chỉnh lãi suất.

Theo ông Colin Cieszynski, Trưởng chiến lược gia thị trường tại Công ty Quản lý tài sản SIA Wealth Management, sang tuần tới, biến động của đồng USD có thể tiếp tục là động lực chính cho thị trường vàng.

Chuyên gia lưu ý một số báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào tuần sau có thể làm thay đổi thị trường, bao gồm lạm phát của Trung Quốc vào cuối tuần cũng như báo cáo lạm phát giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ trong tuần.

Nhà phân tích Suki Cooper của Ngân hàng Standard Charted cho biết, trong khi giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng, thị trường đã quay trở lại tìm tín hiệu từ đồng USD – vốn được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn hơn so với vàng.

Chuyên gia này cũng đánh giá vàng còn dễ bị tác động bởi giá sàn yếu hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu theo mùa. Trong giai đoạn tới, vàng có thể đối mặt một mốc hỗ trợ quan trọng là 1.690 USD/ounce.

Chuyên gia Stephen Innes của Công ty Dịch vụ tài chính SPI Asset Management cho biết, những nhà đầu tư đang hy vọng một số tín hiệu từ Fed có thể cứu vãn giá vàng, giữa bối cảnh thị trường đã chuyển từ nỗi lo lạm phát sang lo ngại suy thoái kinh tế.

Đã có hai trong số những quan chức có tiếng nói lớn nhất tại Fed cho biết họ vẫn ủng hộ một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào cuối tháng này, nhưng sau đó sẽ giảm tốc việc điều chỉnh lãi suất.

Ông Carsten Menke, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Next Generation Research tại Ngân hàng Julius Baer cho biết trong ngắn hạn, giá vàng dự kiến vẫn được nỗi lo về rủi ro suy thoái hỗ trợ. Sau đợt điều chỉnh gần đây, ông nhận định giá kim loại quý này sẽ được củng cố.

Tuy nhiên, chuyên gia của Julius Baer thừa nhận một sự phục hồi lâu dài ít có khả năng xảy ra nếu như Fed có thể chống lại lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Trên thị trường Việt Nam, đóng phiên giao dịch cuối tuần 9/7, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,95 – 68,57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng trong nước đã ghi nhận 3 phiên giảm và chỉ 2 phiên tăng. Về giá trị giao dịch, chiều giảm có thời điểm tới 250 nghìn đồng/lượng, trong đó chiều tăng không quá 50 nghìn đồng/lượng. Với mức giao động này, giá vàng đã “đánh mất” 250 nghìn đồng/lượng cả tuần qua.

Cùng kỳ, giá vàng kỳ hạn Mỹ nhích nhẹ trong phiên 9/7, nhưng vẫn giảm 3,3% và kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ tư liên tiếp do đồng USD mạnh gây áp lực lên các thị trường hàng hóa.

Theo đó, giá vàng Mỹ giao tháng 8/2022 tăng 2,6 USD, tương đương gần 0,2%, lên chốt ở mức 1.742,3 USD/ounce./.

Xem thêm:

>>Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn khi thị trường dự báo bất định

>>Giá vàng châu Á chịu sức ép khi đồng USD mạnh lên trong chiều 8/7