Giá trị và ý nghĩa của 10 cuộc cải cách lớn trong lịch sử và việc vận dụng trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (tiếp theo và hết)

Ngày 30/01/2023, Tạp chí Tổ chức nhà nước đã đăng bài viết “Giá trị và ý nghĩa của 10 cuộc cải cách lớn trong lịch sử đối với cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay”. Dưới đây là những nội dung tiếp theo của bài viết.

Ảnh minh họa

Giá trị và ý nghĩa của 10 cuộc cải cách lớn trong lịch sử đối với cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay (từ 1-8).

9. Những đề nghị cải cách của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ 

Bối cảnh: danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), xuất thân trong một gia đình công giáo tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Nhà nghèo, nhưng bản tính thông minh, học hành chăm chỉ, ông sớm được truyền tụng là “Trạng Tộ” nức tiếng trong vùng. Do được tiếp xúc với văn minh, kỹ nghệ phương Tây, ông có vốn kiến thức sâu rộng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật; có hoài bão lớn, khát khao canh tân đất nước. Năm 1861, ông về Sài Gòn lúc thực dân Pháp đã chiếm được Gia Định. Trong một thời gian ngắn, ông đóng vai trò phiên dịch nhằm góp phần giảng hòa giữa triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp.

Những nội dung cải cách hành chính: từ đầu năm 1861 đến đầu năm 1866, ông gửi cho triều đình nhà Nguyễn 11 văn bản. Đặc biệt, “Tế cấp luận” là văn bản quan trọng, bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường, phát triển đất nước, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, thương nghiệp, quốc phòng, ngoại giao, giáo dục, văn hóa xã hội. 

Ông là một nhà cải cách đi từ đổi mới tư duy đến đổi mới hành động. Tư duy và khát vọng cải cách của ông được thể hiện qua 58 bản điều trần, tuy chưa thành hiện thực nhưng để lại nhiều bài học quý giá, nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự đóng góp to lớn của ông đối với đất nước. Những tư duy đổi mới của ông bao trùm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hành chính. Đó là chủ trương sáp nhập một số tỉnh, huyện để tinh giản biên chế và tăng lương cho người làm việc trong bộ máy nhà nước, vẽ bản đồ cương giới, điều tra dân số và thống kê tất cả các mặt sinh hoạt của đất nước. Đề nghị lập thêm Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao và tòa án phải được độc lập, Nhà vua chỉ có quyền ân xá chứ không kết án. Tuy những đề nghị này chưa được triều đình thực hiện nhưng có hiệu quả là góp phần thúc đẩy mở mang dân trí, thức tỉnh nhân tâm nhằm đi vào con đường yêu nước, canh tân.

10. Trào lưu Duy Tân (đổi mới) đầu thế kỷ XX

Bối cảnh: đầu thế kỷ XX, những ảnh hưởng tư tưởng từ bên ngoài cộng với những biến đổi về xã hội, kinh tế trong nước đã tạo điều kiện cho tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các cộng sự của ông đã dấy lên cuộc vận động Duy Tân trên khắp cả nước (đầu tiên là ở Quảng Nam).

Những nội dung cải cách hành chính: trào lưu cải cách Duy Tân có ba mục tiêu đổi mới: chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Nghĩa là phải thức tỉnh lòng yêu nước, mở mang trí tuệ cho dân và làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được no đủ. Trên cơ sở đổi mới đó sẽ vận động nước Pháp cải cách bộ máy cai trị. Thực hiện dân chủ tiến được bước nào chắc bước ấy mới hy vọng về sau được(4).

Năm 1901, nhà cách mạng Phan Bội Châu và Đặng Thái Thân dẫn đầu định ra một kế hoạch hành động lớn gồm ba điểm: 1) Liên kết với người đảng cũ Cần Vương, các trai tráng ở chốn sơn lâm xướng khởi nghĩa quân, đánh giặc trả thù với thủ đoạn bạo động; 2) Kén chọn một vị minh chủ trong Hoàng thân, ngầm liên kết với những người có thế lực ở trong triều làm nội viện và tập hợp với cả những người trung nghĩa ở Nam Bắc để cùng nhau hành động; 3) Nếu hai kế hoạch trên cần đến ngoại viện thì sẽ xuất dương cầu viện(5). Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX được khởi đầu ở Quảng Nam đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của nó và vai trò lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước, tiến bộ. Phong trào có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân đòi nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách cai trị.

Vận dụng những kinh nghiệm lịch sử trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 có mục tiêu chung nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021-2030(6). Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung trọng tâm là: cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã tiếp tục chỉ đạo, cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng về cải cách hành chính nhà nước thời gian tới. 

Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Các cuộc cải cách lớn trong lịch sử đều có một điểm chung đó là xuất phát từ sự khủng hoảng suy thoái nền kinh tế xã hội, từ sự yếu kém trong quản lý của các triều đại và nhà nước đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mục tiêu của các cuộc cải cách là giúp cho đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng, xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Những nhà cải cách đều là những nhân vật ưu tú của thời đại, của lịch sử, họ là những con người có hoài bão, có tầm nhìn vượt thời đại (Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Quang Trung…) và đều có chung một tư tưởng mong “Quốc thái dân an”. Soi chiếu vào những kết quả trong lịch sử dân tộc, không thể phủ nhận công lao to lớn của các nhà cải cách. Dù được nhìn nhận ở góc độ nào thì giá trị trường tồn của những cuộc cải cách đó với những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra vẫn luôn được kế thừa, vận dụng và phát huy trong quá trình cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, thể hiện ở những nội dung sau: 

Một là, đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược trên cơ sở nắm bắt những ưu điểm, hạn chế, thời cơ và thách thức để thực hiện những biện pháp đổi mới trong cải cách hành chính. Những biện pháp đổi mới được thực hiện thời Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, vua Lê Thánh Tông, vua Quang Trung, Trần Thủ Độ hay vua Minh Mệnh… đều là kết quả của những nhà chiến lược tài năng với tầm nhìn vượt thời đại. Tư duy mới mẻ, không ngại thử thách những điều chưa từng có là những phẩm chất đáng quý của những nhà cải cách lớn. Soi chiếu vào thực tiễn, Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cũng là những thời cơ to lớn. Đó là tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ thông tin, quá trình dân chủ hóa, và nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu… Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với nền hành chính, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo thế và lực cho nền hành chính thống nhất từ trung ương tới địa phương, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, cần phát huy mạnh mẽ vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính. Nổi bật trong các cuộc cải cách trong lịch sử là vị trí, vai trò, phẩm chất, tài năng của các nhân vật đề xướng và lãnh đạo. Những nhà cải cách như Khúc Thừa Dụ, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Lê Thánh Tông, Quang Trung… đều là những người có đức độ, tài năng và tầm nhìn vượt thời đại. Họ là linh hồn của các cuộc cải cách, là người kiến tạo, đồng thời là nhân tố quyết định cho thành công của những cuộc cải cách đó. Họ rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát các cuộc cải cách đó đến cùng. Trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính có trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác cải cách hành chính; trách nhiệm trong việc xử lý các khuyết điểm, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Nghị quyết số 76/NQ-CP nêu rõ: “Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác… Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”. Gắn với phát huy mạnh mẽ vai trò người đứng đầu, Đảng, Nhà nước cũng cần phải sớm ban hành chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Ba là, cải cách từ con người và vì con người. Mục tiêu của các cuộc cải cách hành chính đều hướng tới việc củng cố năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, đảm bảo sự vững bền của triều đại, từ đó tăng cường đời sống kinh tế – xã hội cho Nhân dân, sự bình an, hạnh phúc cho xã hội. Các cuộc cải cách cũng tập trung vào xây dựng đội ngũ quan lại, những người làm việc cho triều đình, cho nhà nước như cải cách chế độ thi cử, biện pháp để lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng hiệu quả nhân tài, kiểm soát quyền lực và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nghị quyết số 76/NQ-CP nhấn mạnh: “Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước”. Đây thực sự là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả cải cách hành chính cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cải cách hành chính được nhìn nhận sự thành công nếu hội tụ các yếu tố: 1) Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; 2) Chú trọng khâu “đột phá”; 3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra. Các nhà cải cách trong lịch sử luôn gắn việc tiến hành nhiều biện pháp đổi mới với chú trọng khâu kiểm tra, giám sát. Ví dụ, ở triều vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mệnh, kiểm tra, giám sát quan lại được tổ chức thường xuyên và rất linh hoạt. Bộ máy kiểm tra, giám sát thường xuyên do các cơ quan chức năng như Ngự sử đài, Đô sát viện, Bộ hình, Lục tự… thực hiện. Khi một địa phương nào đó có tham nhũng hay những “vấn đề nóng”, Vua sẽ cử ngay những đoàn “Kinh lược đại sứ” của triều đình đến để xem xét, giải quyết. Những người dẫn đầu các đoàn “Kinh lược đại sứ” này đều là những người có uy tín, thường là rất công minh và nghiêm khắc. Không chỉ kiểm tra, giám sát từ “bên ngoài”, mà còn có nhiều giải pháp để kiểm tra, giám sát từ “bên trong” tổ chức. Đối với cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP “tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình” cũng được đặt ra như một trong những yêu cầu quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Thông qua công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những vướng mắc hoặc sai sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao, ghi nhận và biểu dương những sáng kiến cải cách hành chính, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm.

Vua Lê Thánh Tông đã từng nói với các quan đại thần trong triều: “Làm quan mà tham nhũng thì dân ai oán, đem khí dữ trái khí hoà, mối tệ này phải kiên quyết loại bỏ”(7). Chính vì vậy, cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 tiếp tục thực hiện theo phương châm: “Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức”, “kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị”. Đặc biệt là tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đang là vấn đề “nóng” hiện nay.

Tóm lại, trong lịch sử dân tộc đã có rất nhiều cuộc cải cách được tiến hành và mỗi cuộc cải cách đều có sứ mệnh lịch sử riêng, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử. Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những bối cảnh khác nhau, những yêu cầu quản lý khác nhau đòi hỏi những mục tiêu và biện pháp cải cách đặc thù, phù hợp. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho đất nước phồn thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; xây dựng và vận hành Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng, kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu từ các cuộc cải cách trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn luôn là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng./.

—————————

Ghi chú:

(4) Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, Nxb Đà Nẵng, 1993, tr.37.

(5) Tủ sách tài liệu sử, Phan Bội Châu niên biểu, Nhóm nghiên cứu Sử địa xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr.25-26.

(6) Chính phủ, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, kỷ nhà Lê, Nxb Khoa học xã hội, H.1985, tr.350.

 

TS Phùng Thị Phong Lan – Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ

tcnn.vn