Giá trị bền vững trong quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ HOÀNG VĂN THỤ

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung cơ bản trong lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu cao nhất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thiết lập một xã hội mới tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa tư bản, thiết lập một chế độ dân chủ cho đông đảo nhân dân lao động, một nền dân chủ nhân văn, tiến bộ, vì hạnh phúc con người. Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa không phải nảy sinh từ hư vô, mà được sinh thành và phát triển lên từ chế độ dân chủ tư sản. Xét trên tổng thể lịch sử phát triển dân chủ của xã hội loài người thì chế độ dân chủ tư sản được coi như là một nấc thang, một giai đoạn tất yếu, hay nói cách khác, nếu không có chế độ dân chủ tư sản thì không có chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chế độ dân chủ tư sản không chỉ là sản phẩm riêng của giai cấp tư sản, mà là thành quả của cuộc đấu tranh, bền bỉ lâu dài của nhân loại tiến bộ, của nhân dân lao động được kết tinh dưới chủ nghĩa tư bản. Dân chủ tư sản về nội dung, cũng như cơ chế, công nghệ dân chủ mang tính chất giai cấp của giai cấp tư sản, nhưng cũng hàm chứa nhiều yếu tố mang tính nhân loại, tính nhân văn mà chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa có thể kế thừa và phát triển.

Những thành tựu dân chủ đạt được trước chủ nghĩa xã hội, mà đỉnh cao nhất của nó là dân chủ tư sản xét về ý nghĩa khách quan của nó đều có ý nghĩa tiến bộ vì nó là từng bước chuẩn bị tiến tới nền dân chủ rộng rãi, triệt để và hoàn thiện nhất đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cho dù các nền dân chủ trước đây, kể cả dân chủ tư sản, chưa đem lại và không thể đem lại quyền lực xã hội cho đa số quần chúng lao động, nhưng nó vẫn trở nên cần thiết đối với sự tiến bộ xã hội. Nó tích lũy và làm chín muồi dần dần ý thức dân chủ, tinh thần phản kháng mọi tình trạng bất công và sự áp bức, bóc lột đối với con người. nó thức tỉnh con người, thúc đẩy con người trong cuộc đấu tranh giành lấy dân chủ, tự do cho chính mình. Nó là môi trường, là “trường học” thực tiễn giáo dục và nâng cao ý thức dân chủ, tập hợp, lôi cuốn quần chúng lao động vào cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ của quần chúng lao động càng sâu rộng, chế độ dân chủ tư sản càng phát triển càng tiến gần chủ nghĩa xã hội bấy nhiêu. Nói về điều đó Lênin đã khẳng định rằng, chính chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển của nó đã tạo các tiền đề, điều kiện cho sự chính muồi đầy đủ của dân chủ và mỗi khi dân chủ đã phát triển đầy đủ thì nó không thể dung nạp được trật tự tư sản.

 Hơn nữa, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xét về bản chất của nó, là có khả năng vượt qua được những hạn chế, những trở ngại mà chế độ dân chủ tư sản không thể vượt qua. Nếu như trong chế độ dân chủ tư sản, nhà nước càng dân chủ bao nhiêu, mở rộng các quyền hạn, quyền tự do và những đảm bảo cho những quyền đó bao nhiêu, thì càng làm sâu thêm tính chất không dung hợp với chủ nghĩa tư bản bấy nhiêu. Cho nên chế độ nhà nước càng dân chủ, thì chế độ tư bản chủ nghĩa càng không thể chứa đựng nổi. Còn đối với chủ nghĩa xã hội thì ngược lại – như Lênin đã chỉ ra – “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn”, là một trong những nhiệm vụ cấu thành của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là vấn đề có tính quy luật của sự phát triển và hoàn thiện của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa tạo ra những những tiền đề, điều kiện để phát triển dân chủ đến cùng.  Trong chủ nghĩa xã hội về chính trị đó là sự thống trị chính trị của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân, xét về bản chất, là giai cấp tiên tiến nhất, giai cấp cách mạng nhất và là giai cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của quảng đại quần chúng lao động. Đó là điểm khác nhau hết sức quan trọng với các giai cấp cầm quyền trong các chế độ bóc lột. Có sự thống nhất về lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế là tiền đề, cơ sở cho sự bình đẳng về các mặt khác trong đời sống xã hội, cho sự bình đẳng về chính trị và xã hội. Trong chủ nghĩa xã hội “giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị”, “giành lấy dân chủ”, nhưng “giành lấy dân chủ” cho phải cho riêng mình mà cho số đông, cho quảng đại quần chúng lao động. Về nền tảng kinh tế, chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội dựa trên nền kinh tế phát triển cao với lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong nền kinh tế đó nhân dân, trước hết là nhân dân lao động làm chủ các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Đó là tiền đề kinh tế hết sức trọng yếu để khẳng định quyền dân chủ, quyền làm chủ của quảng đại quần chúng nhân dân trong xã hội.

Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, do đó không chỉ kế thừa những giá trị đã đạt được dưới chủ nghĩa tư bản, mà còn phát triển thêm những giá trị mới, những điều kiện mới phát huy dân chủ. Cụ thể:

Một là, tạo ra được những điều kiện vật chất và tinh thần để nhân dân được hưởng những quyền dân chủ đã được ghi nhận trong hiến pháp, pháp luật. Khi nói đến bước đầu tiên của xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã nhấn mạnh rằng: “trọng tâm phải chuyển từ chỗ thừa nhận, về mặt hình thức những quyền tự do (như dưới chế độ đại nghị tư sản) đến chổ bảo đảm thực tế cho những người  lao động – những người đã lật đổ bọn bóc lột được hưởng những quyền tự do.”. Như vậy, xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa bước đầu tiên chưa phải là ghi nhận những quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Điều đó nhân loại đã đạt được ở mức độ nhất định trong chủ nghĩa tư bản. Điều quan trọng đầu tiên là phải tạo ra những điều kiện để nhân dân được hưởng, thực hiện được những quyền dân chủ đó trong thực tế. Làm được điều đó là đã thực hiện được một bước chuyển biến từ “lượng thành chất” của chế độ dân chủ.

Hai là, sức sống của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển thêm những quyền dân chủ cho nhân dân. Lôi cuốn quần chúng nhân dân lao động không chỉ tham gia một cách độc lập vào việc tuyển cử, mà cả vào việc quản lý hàng ngày (quản lý xã hội, quản lý nhà nước – dân chủ tham gia). Trong lịch sử dân chủ thời cổ đại cho đến tư bản, quyền công dân và quyền làm chủ xã hội là không đồng nhất với nhau. Do đó dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ ban bố và thực hiện một số quyền công dân như kiểu dân chủ tư sản, mà tạo ra cơ chế sao cho quyền lực của nhân dân là quyền lực tối cao. Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định, dân chủ xã hội chủ nghĩa tức là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để quản lý công việc nhà nước. Nhân dân có quyền làm chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nói về giá trị mới này của dân chủ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin viết: “lôi cuốn có hệ thống ngày càng nhiều công dân, rồi sau đó là toàn thể công dân vào việc trực tiếp và hàng ngày gánh phần trách nhiệm nặng nề của mình trong công tác quản lý nhà nước.”

Dân chủ và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau, đòi hỏi có nhau. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyên lý hết sức cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều khi chúng ta thường nhấn mạnh vế dân chủ là mục tiêu, coi nhẹ vai trò động lực của dân chủ. Mục đích của chủ nghĩa xã hội là giành lại quyền dân chủ, quyền làm chủ cho nhân dân. Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra, sẽ không có chủ nghĩa xã hội chân chính và chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không đạt được mục tiêu đó của mình, nếu không coi dân chủ là động lực, không lấy dân chủ làm động lực.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I Lênin hết sức quan tâm vai trò động lực của dân chủ. V.I.Lê nin đã chỉ ra rằng: “thiểu số người, tức là đảng, không thể thực hiện  chủ nghĩa xã hội được. Chỉ có hàng chục triệu người, khi đã học được cách tự mình thiết lập chủ nghĩa xã hội thì mới thực hiện được chủ nghĩa xã hội”. Rằng: “Tính sáng tạo sinh động của quần chúng, đó là nhân tố cơ bản của xã hội mới… chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống, tính chất máy móc hành chính và quan liêu không dung hợp được với tinh thần của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội sinh động sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân.” Vì vậy, V.I.Lê nin lưu ý rằng: “Không nên sợ nhân dân. Sự giải quyết của đa số công nhân và nông dân không phải là trạng thái vô chính phủ. Đó là điều duy nhất có khả năng đảm bảo cho chế độ dân chủ nói chung và cho việc thành công trong sự tìm tòi những biện pháp thích đáng để thoát khỏi sự sụp đổ về kinh tế, nói riêng”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Chỉ người nào tin tưởng vào nhân dân, dấn mình vào nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân mới là người chiến thắng và giữ được chính quyền”

Trong cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã hết sức chú ý đến vai trò động lực của dân chủ. Hồ Chí Minh cho rằng: “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, của dân chủ, coi dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn của công việc trên con đường phát triển, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; rằng: dân ta là tài năng, trí tuệ và sáng tạo, họ biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Tin vào dân, vào sức mạnh của dân chủ, Người kịch liệt phê phán các biểu hiện: xa dân, khinh dân, sợ dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không thương yêu nhân dân. Những biểu hiện đó là nguyên nhân của căn bệnh nguy hiểm quan liêu, mệnh lệnh, dẫn đến kết quả là “hỏng việc”.

Không phải ngẫu nhiên V.I.Lênin và Hồ Chí Minh – những người trực tiếp lãnh đạo cách mạng lại nhấn mạnh vai trò động lực của dân chủ. Nhấn mạnh vai trò động lực của dân chủ trước hết, vì thiếu dân chủ cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không có sức mạnh, sẽ không thành công. Thứ nữa, khi đã có chính quyền trong tay, không ít cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện “xa dân”, “tự cao, tự đại”, “bệnh kiêu ngạo cộng sản”, “không tin vào khả năng của nhân dân, coi khinh nhân dân” và “sợ nhân dân”. Từ đó họ không quan tâm đến việc xây dựng và phát huy dân chủ. Miệng hô hào dân chủ, nhưng làm thì mệnh lệnh, độc đoán; cấp trên không dân chủ đối với mình thì thấy khó chịu, nhưng lại không muốn dân chủ đối với cấp dưới. Họ coi dân chủ như một phương tiện thuận lợi cho mình, khi cần thì dùng, không cần thì bỏ. Đối với họ dân chủ nhiều khi chỉ là “vật trang trí”, “sự đối phó” với cấp dưới, với nhân dân, với dư luận. Những sai lầm nghiêm trọng dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua có nguyên nhân do không thấy được vai trò của dân chủ, coi dân chủ là cái để ban phát, muốn mở ra cũng được, khép vào lúc nào  cũng được.

Thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam càng ngày càng khẳng định vai trò to lớn của dân chủ. Sự xuất hiện tình trạng mất ổn định, những “điểm nóng”, khiếu kiện đông người không phải do dân chủ, do mở rộng dân chủ, mà ngược lại do thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch từ phía chính quyền. Cũng chính từ việc giải quyết những “điểm nóng” mà quy chế dân chủ cơ sở được hình thành. Qua thực tế xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo ra nền dân chủ xã hội chủ nghĩa tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được cũng cố. Đảng và Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, đảm bảo lợi ích của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng, nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được coi trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở cơ sở; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, ngăn chặn đẩy lùi những vi phạm dân chủ, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; bầu không khí dân chủ, ý thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên; quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia, bàn bạc và giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở; cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của nhân dân, tôn trọng quyền giám sát, tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân; năng lực làm chủ của nhân dân ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.

Như vậy, lý luận và nhất là thực tiễn chứng tỏ rằng phát huy dân chủ, mở rộng dân chủ, thực hành trong thực tế dân chủ không phải như một số người lo ngại là sẽ mất ổn định, mà là ngược lại chính trị, kinh tế – xã hội ổn định và phát triển hơn. Xu thế chung sự phát triển của lịch sử theo quy luật từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện, những nền dân chủ chỉ để phục vụ cho lợi ích của một nhóm giai cấp thống trị nhất định phải được thay thế bởi một nền dân chủ cho đông đảo nhân dân lao động, một nền dân chủ nhân văn, tiến bộ vì hạnh phúc con người. Đó là giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ xã hội chủ nghĩa./.

 

ThS. Lê Thị Thảo

       GV Khoa Lý luận cơ sở