Giá thành sản xuất là gì? Bao gồm những gì? Cách tính ra sao?
Trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh cũng là lợi nhuận. Muốn đạt được lợi nhuận cao thì doanh nghiệp phải có biện pháp đẩy mạnh doanh thu cũng như chi phí sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp phải nắm rõ nguồn hình thành chi phí và xác định các chi phí phát sinh. Trong doanh nghiệp sản xuất, giá thành sản xuất được xem là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp, muốn giảm được chi phí thì doanh nghiệp phải tính toán một cách chính xác và kịp thời giá thành của sản phẩm. Không những thế, giá thành SX là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để hạch toán chi phí, doanh thu cho mỗi doanh nghiệp.
Giá thành sản xuất là gì?
Giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ được hiểu đơn giản là chi phí sản xuất tính cho một khối lượng hoặc một đơn vị sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất và hoàn thiện trong điều kiện sản xuất bình thường.
Giá thành SX được cấu thành bởi 3 khoản mục chi phí sau:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Là khoản chi phí nguyên vật liệu để tạo thành sản phẩm và dịch vụ;
- Chi phí nhân công trực tiếp: Để biến nguyên vật liệu thành sản phẩm thì phải có sức lao động bỏ ra. Doanh nghiệp sẽ phải trả tiền công cho người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm, dịch vụ;
- Chi phí sản xuất chung: Là những khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra sản phẩm (bao gồm chi phí quản lý bộ phận, công xưởng, chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền điện, tiền nước…).
Giá thành SX là chỉ tiêu chất lượng vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất cũng như với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, đây là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh chất lượng của hoạt động sản xuất và quản lý sản xuất, phản ánh đầy đủ kết quả sử dụng tài sản, tiền vốn, nguyên vật liệu, lao động trong quá trình sản xuất. Đây cũng là căn cứ quan trọng để kế toán sản xuất xác định giá bán và hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất.
Giá thành sản xuất bao gồm những gì?
Giá thành sản xuất sản phẩm bao gồm nhiều loại khác nhau, tùy theo yêu cầu quản lý cũng như các tiêu thức phân loại mà chia thành các loại tương ứng.
Phân loại giá thành theo thời gian và cơ sở số liệu tính giá thành
Căn cứ vào thời điểm tính giá thành và cơ sở số liệu tính giá thành, giá thành SX được chia thành 3 loại sau:
Mục Lục
Giá thành kế hoạch
Là giá thành được tính dựa trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch và sản lượng kế hoạch. Việc xác định giá thành kế hoạch được thực hiện trước quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm và do bộ phận kế hoạch đảm nhận. Giá thành kế hoạch là một trong những mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, là căn cứ để so sánh, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp.
Giá thành định mức
Là giá thành sản xuất được tính dựa trên cơ sở các định mức chi phí sản xuất hiện hành và chỉ tính duy nhất cho một đơn vị sản phẩm. Việc xác định giá thành định mức cũng được thực hiện trước khi bắt tay vào sản xuất, chế tạo sản phẩm. Giá thành định mức là một trong những công cụ quản lý định mức của doanh nghiệp, được coi là thước đo chính xác để đánh giá kết quả sử dụng tài sản, tiền vốn, vật liệu, cũng như lao động trong sản xuất. Giá thành định mức giúp doanh nghiệp đánh giá đúng đắn các giải pháp kinh tế, kỹ thuật đã áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Giá thành thực tế
Là giá thành sản xuất được tính trên cơ sở số liệu chi phí sản xuất thực tế đã phát sinh và được tập hợp trong kỳ và sản lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất được trong kỳ. Giá thành thực tế chỉ có thể tính toán được khi quá trình sản xuất sản phẩm đã hoàn thành. Giá thành thực tế được coi là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp nhằm xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong ba loại giá thành SX trên, giá thành định mức được sử dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực kế toán quản trị, với mục đích so sánh với giá thành thực tế nhằm tìm ra những chênh lệch và bản chất của các chênh lệch này (về giá cả, về năng suất…). Ngoài ra, giá thành định mức cũng được sử dụng để tìm ra nguyên nhân của các chênh lệch đó. Hay nói cách khác, giá thành định mức là giá thành được sử dụng cho mục đích kiểm soát quản lý.
Phân loại giá thành theo phạm vi tính toán
Theo cách phân loại này, giá thành sản phẩm được chia thành 2 loại chính là giá thành SX và giá thành toàn bộ.
Giá thành toàn bộ của sản phẩm tiêu thụ
Bao gồm giá thành SX, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tính cho sản phẩm, dịch vụ đã bán. Giá thành toàn bộ của sản phẩm là một trong những căn cứ để tính toán và xác định mức lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
Dựa vào giá thành toàn bộ, doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định được kết quả sản xuất kinh doanh là lãi hay lỗ. Dựa vào bản chất, giá thành toàn bộ thông thường sẽ đóng vai trò chủ yếu trong các quyết định mang tính chiến lược dài hạn, chẳng hạn quyết định ngừng hay tiếp tục sản xuất một loại sản phẩm nào đó. Vì thế, chỉ tiêu giá thành toàn bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quản trị doanh nghiệp.
Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, việc xác định giá thành toàn bộ của từng loại sản phẩm một cách thường xuyên (ví dụ hàng tháng) khá phức tạp và mang đến rất ít lợi ích nếu như doanh nghiệp không phải đứng trước bất kỳ sự lựa chọn mang tính quyết định nào.
Trong giá thành sản xuất toàn bộ, toàn bộ định phí sẽ được tính hết vào giá thành SX, vì thế phương pháp tính toán giá thành SX toàn bộ còn được gọi là phương pháp định phí toàn bộ.
Giá thành sản xuất theo biến phí
Giá thành sản xuất của sản phẩm bao gồm 3 loại chi phí: nguyên vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung tính cho sản phẩm. Giá thành SX được ứng dụng để ghi chép sổ kế toán thành phẩm đã nhập kho hoặc giao cho khách hàng. Đây là căn cứ để xác định giá vốn hàng bán, tính toán lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ ở các doanh nghiệp sản xuất. Giá thành SX theo biến phí chỉ bao gồm các biến phí trực tiếp và biến phí gián tiếp. Vì thế, trong phương pháp tính toán theo biến phí, các chi phí sản xuất cố định sẽ được tính ngay vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh như các chi phí thời kỳ trong niên độ mà sẽ không tính vào giá thành SX.
Do chỉ bao gồm biến phí sản xuất nên được gọi là giá thành sản SX bộ phận. Trên cơ sở giá thành sản SX bộ phận, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng xác định được lãi gộp trên biến phí (phần đóng góp) và cho phép mô hình hoá một cách đơn giản mối quan hệ giá thành – khối lượng, lợi nhuận.
Ưu nhược điểm của chỉ tiêu giá thành sản xuất theo biến phí
Ưu điểm:
- Xác định và tính toán đơn giản, nhanh chóng.
- Là cơ sở dùng để xác định điểm hoà vốn (sản lượng và doanh thu hoà vốn).
- Cung cấp số liệu cho nhà quản lý doanh nghiệp để đưa ra các quyết định ngắn hạn.
Như vậy, giá thành sản xuất theo biến phí sẽ chủ yếu được sử dụng trong hoạt động kiểm soát, trong đó nhà quản lý sẽ phải đưa ra các quyết định mang tính thuần túy, tức thời và thứ yếu.
Nhược điểm:
Vì quá đơn giản và là giá thành bộ phận nên giá thành SX theo biến phí sẽ có nhiều nhược điểm cơ bản như sau:
- Biến phí không phải là thông tin duy nhất thích hợp cho các quyết định ngắn hạn. Những quyết định mang tính thường xuyên có thể ảnh hưởng dài hạn đến định phí, chẳng hạn: Khi buộc các bộ phận chức năng phải thực hiện thêm các nghiệp vụ hành chính sẽ làm tăng chi phí sử dụng trong các bộ phận này, từ đó làm tăng định phí của doanh nghiệp.
- Việc phân biệt giữa biến phí và định phí chỉ mang tính tương đối. Một chi phí có thể là biến phí ở bộ phận này nhưng lại là định phí đối với toàn doanh nghiệp (ví dụ một chi phí được phân bổ cho một phân xưởng theo quy mô hoạt động).
- Chỉ tiêu này thường hướng những nhà quản lý doanh nghiệp vào các mục đích ngắn hạn và bỏ qua chi phí cố định – loại chi phí mà họ không kiểm soát được.
Điều này chỉ ra rằng có thể chuẩn hoá chi phí cố định thay vì bỏ qua chi phí này. Vì vậy, ngoài hai chỉ tiêu trên, chỉ tiêu giá thành SX có phân bổ hợp lý chi phí cố định cũng được sử dụng rộng rãi trong kế toán quản trị.
Giá thành sản xuất có phân bổ hợp lý chi phí cố định
Giá thành SX có phân bổ hợp lý chi phí cố định bao gồm hai nội dung sau:
- Toàn bộ biến phí sản xuất (trực tiếp và gián tiếp).
- Phần định phí được phân bổ dựa trên cơ sở mức hoạt động thực tế so với mức hoạt động tiêu chuẩn (theo công suất thiết kế và định mức).
Chỉ tiêu giá thành SX có phân bổ hợp lý chi phí cố định sẽ khắc phục được nhược điểm của chỉ tiêu giá thành theo biến phí và được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kiểm soát quản lý ở doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Kế toán quản trị chi phí: Khái niệm, mục tiêu, phương pháp
Cách tính giá thành sản xuất
Quy trình hạch toán giá thành sản xuất
Để công việc tính toán giá thành được thực hiện chính xác, người quản lý phải nắm rõ đối tượng tập hợp chi phí sản xuất để cung cấp số liệu cho việc tính giá thành theo từng đối tượng trong doanh nghiệp. Ngược lại xác định đúng đắn đối tượng tính giá thành sẽ là cơ sở để bộ phận kế toán doanh nghiệp xác định đối tượng tập hợp chi phí sản xuất sao cho phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác tính giá thành.
Trong đó, đối tượng tính giá thành bao gồm các loại sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ doanh nghiệp đã cung cấp cho khách hàng. Hai đối tượng này cần phải tính tổng giá thành và giá thành đơn vị. Ngoài ra, chi phí sản xuất phát sinh phải gắn liền với nơi diễn ra hoạt động sản xuất và sản phẩm được sản xuất. Nhân viên kế toán cần xác định chính xác đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, từ đó tổ chức thực hiện công tác tập hợp chi phí sản xuất, cung cấp số liệu cho việc tính toán giá thành sản xuất.
Các công thức tính giá thành sản xuất
Để có được số liệu chính xác phục vụ cho việc tính giá thành sản xuất sản phẩm, dịch vụ, nhân viên kế toán cần thường xuyên tổ chức tập hợp chi phí. Trong đó, các chi phí trực tiếp sẽ được tổng hợp theo đối tượng tập hợp chi phí hoặc đối tượng tính giá thành. Các chi phí sản xuất chung được lựa chọn theo tiêu chí thích hợp (tiền công, chi phí trực tiếp…) và phân bổ hợp lý cho từng đối tượng.
Công thức tính giá thành sản xuất sản phẩm
Giá thành đơn vị sản xuất sản phẩm = Tổng giá thành sản phẩm đã hoàn thành / Tổng số lượng sản phẩm đã hoàn thành
Trong đó:
Tổng giá thành sản phẩm đã hoàn thành = (giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ công) + (chi phí sản xuất trong kỳ) – (giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ)
Sản phẩm dở dang là sản phẩm chưa hoàn thành, còn đang tiến hành sản xuất trên dây chuyền hay ở các phân xưởng sản xuất. Đánh giá giá trị sản phẩm dở dang sẽ được thực hiện bằng các phương pháp như phương pháp ước lượng tương đương hoặc phương pháp chi phí trực tiếp…
Một số cách tính giá thành sản xuất phổ biến hiện nay
1. Phương pháp tính giá thành giản đơn (phương pháp trực tiếp)
Phương pháp này thích hợp với những sản phẩm có quy trình công nghệ sản xuất đơn giản, khép kín, sản xuất với quy mô lớn, chu kỳ sản xuất ngắn và xen kẽ, liên tục (như sản phẩm điện, nước, than, bánh kẹo…).
2. Phương pháp tính giá thành theo hệ số
Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất, trong đó sử dụng cùng loại nguyên vật liệu nhưng kết quả sản xuất lại thu được nhiều sản phẩm chính khác nhau.
3. Phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ
Đây là phương pháp khá phù hợp với loại hình doanh nghiệp mà trong cùng một quy trình công nghệ, kết quả sản xuất thu được một nhóm sản phẩm cùng loại với nhiều chủng loại, phẩm chất và quy cách khác nhau.
4. Phương pháp loại trừ chi phí
Các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp này là các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất ngoài thu được sản phẩm chính còn thu được cả những sản phẩm phụ, điển hình là các doanh nghiệp chế biến dầu thô hay các doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ.
5. Phương pháp tổng cộng chi phí
Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất tương đối phức tạp, quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm phải trải qua nhiều bộ phận sản xuất, nhiều giai đoạn công nghệ khác nhau.
6. Phương pháp liên hợp
Đây là phương pháp thường được áp dụng cho các doanh nghiệp có quy trình công nghệ phức tạp chẳng hạn chế biến liên tục, có nhiều công đoạn liên kết với nhau. Mỗi công đoạn của quy trình có một thành phẩm riêng biệt và thành phẩm của công đoạn trước là nguyên liệu của công đoạn sau. Các loại hình doanh nghiệp điển hình thường áp dụng phương pháp này là doanh nghiệp chế biến đồ hộp, đồ gia dụng hay quần áo thời trang,…
7. Phương pháp tính giá thành theo định mức
Phương pháp này thích hợp với những doanh nghiệp đã xây dựng được cho mình định mức kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh và ổn định.
Trên cơ sở các phương pháp tính giá thành sản phẩm bên trên, khi áp dụng vào từng doanh nghiệp, nhân viên kế toán cần căn cứ vào các điều kiện thực tế về các khía cạnh như: đặc điểm tổ chức sản xuất, đặc điểm quy trình công nghệ cũng như đối tượng tập hợp chi phí sản xuất. Từ việc xác định đó, nhà quản lý có thể lựa chọn và áp dụng phương pháp tính giá thành thích hợp.
Lời kết
Việc hiểu rõ khái niệm giá thành sản xuất và xác định được đối tượng tính giá thành đúng đắn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các doanh nghiệp sản xuất. Khi xác định được phương pháp tính giá thành SX phù hợp, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng doanh thu đồng thời cắt giảm các chi phí, từ đó đem lại lợi nhuận cao nhất.
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được các thắc mắc của bạn đọc về vấn đề giá thành SX trong doanh nghiệp. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy để lại bình luận dưới bài viết này để được SimERP giải đáp nhanh chóng nhé!