Giá thành là gì? Ý nghĩa của giá thành sản phẩm?
Giá thành sản phẩm là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển của một doanh nghiệp. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu khái niệm về giá thành, giá thành sản phẩm và ý nghĩa của nó, cụ thể:
Mục Lục
1. Khái niệm về giá thành
Giá thành là toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để hoàn thành việc sản xuất sản phẩm. Nó được biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí, chi phí lao động, nguyên vật liệu… của các sản phẩm trong quá trình sản xuất mà doanh nghiệp hoàn thành sản xuất trong điều kiện công suất bình thường.
2. Khái niệm về giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm là một thuật ngữ kế toán đề cập đến tổng chi phí liên quan đến việc tạo ra một sản phẩm và chuẩn bị bán sản phẩm. Trong sản xuất, giá thành sản phẩm là các khoản chi bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công và chi phí sản xuất chung. Trong bán lẻ, chi phí sản phẩm có thể bao gồm các khoản chi liên quan đến nhà cung cấp, cộng với bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc dự trữ sản phẩm.
Trong nền kinh tế thị trường và sự hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, chất lượng và giá thành sản phẩm luôn là vấn đề mà các nhà sản xuất quan tâm hàng đầu. Phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng được xem là nhân tố quyết định đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nói chung.
Bản chất của giá thành sản phẩm: Trong doanh nghiệp sản xuất, chi phí sản xuất chỉ là một mặt thể hiện sự chi phí. Để đánh giá chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí sản xuất mà doanh nghiệp đó chi ra phải được xem xét trong mối quan hệ với mặt thứ hai của quá trình sản xuất kinh doanh mang tên kết quả sản xuất thu được. Mối quan hệ giữa hai mặt này đã hình thành nên chỉ tiêu đánh giá giá thành sản phẩm.
Giá thành sản xuất sản phẩm bao gồm những chi phí về lao động (cả lao động sống và lao động vật hóa) cùng với các chi phí khác được sử dụng với mục đích sản xuất hoàn thành một khối lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, lao vụ nhất định. Sự khác nhau cơ bản giữa giá thành sản phẩm và chi phí thể hiện ở:
- Thứ nhất, chi phí sản xuất hợp thành giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, không phải toàn bộ chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ đều được tính vào giá thành sản phẩm trong kỳ.
- Thứ hai, giá thành sản phẩm biểu hiện lượng chi phí sản xuất để hoàn thành việc sản xuất một khối lượng sản phẩm hay một đơn vị sản phẩm nhất định.
- Thứ ba, giá thành sản phẩm là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp trong hệ thống các chỉ tiêu quản lý của doanh nghiệp. Nó phản ánh kết quả sử dụng các loại tài sản trong quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như tính đúng đắn của những giải pháp quản lý nhằm vào mục đích hạ thấp chi phí, nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp.
3. Phân loại giá thành sản phẩm
Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau sẽ có đặc thù riêng khác nhau. Do đó, giá thành sản phẩm cũng được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu thức khác nhau. Tuy nhiên, thông thường giá thành sản phẩm sẽ được phân thành hai loại chính dựa trên thời điểm xác định và nội dung cấu thành giá thành sản phẩm. Cụ thể sẽ được đề cập ngay sau đây:
– Phân loại giá thành sản phẩm theo thời điểm xác định:
Theo thời điểm xác định, giá thành sản phẩm được phân ra làm 03 loại, bao gồm: Giá thành kế hoạch, giá thành thực tế và giá thành định mức:
- Giá thành định mức: Là loại giá thành được tính toán dựa trên cơ sở định mức về kinh tế kỹ thuật. Đây là cơ sở để phân tích, so sánh giữa giá cả thực tế và giá thành kế hoạch từ đó đưa ra những kết luận, biện pháp quản lý phù hợp.
- Giá thành kế hoạch: Tức là giá thành được đề xuất ra trước khi bắt đầu đi vào quá trình sản xuất sản phẩm. Chúng được xây dựng dựa trên các định mức về kinh tế kỹ thuật, số liệu phân tích tình hình thực tế của kỳ trước và các định mức. Mối quan hệ giữa giá thành định mức và giá thành kế hoạch là: Giá thành kế hoạch = Giá thành định mức * Tổng sản phẩm theo kế hoạch.
- Giá thành thực tế: Là giá thành được đưa ra sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất hoặc một thời kỳ sản xuất, được xác định trên cơ sở chi phí thực tế đã chi ra để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
– Phân loại theo nội dung cấu thành giá thành:
Theo đó, giá thành sản phẩm sẽ được phân ra làm 02 loại, bao gồm:
- Giá thành sản xuất: Là các chi phí phát sinh cho việc sản xuất sản phẩm ở phân xưởng. Bao gồm:
- Nguyên liệu trực tiếp: Là toàn bộ chi phí cho nguyên liệu vật liệu hoặc các bộ phận trực tiếp đi vào sản xuất sản phẩm. Ví dụ: Đối với một công ty sản xuất đồ chơi, chi phí nguyên liệu trực tiếp chính là nhựa.
- Lao động trực tiếp: Chi phí nhân công trực tiếp chính là tiền lương, phúc lợi và bảo hiểm mà công ty hay doanh nghiệp chi trả cho người lao động trực tiếp sản xuất và sản xuất hàng hóa.
- Chi phí sản xuất chung: Chi phí sản xuất chung bao gồm các chi phí trực tiếp liên quan đến nhà máy như chi phí máy móc và chi phí vận hành máy móc. Bên cạnh đó, mức chi phí này còn bao gồm một số chi phí gián tiếp như các nguồn nguyên liệu gián tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất nhưng không có nguồn gốc trực tiếp đối với sản phẩm (ví dụ keo,dầu,…) và nguồn lao động gián tiếp là những người không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm (như nhân viên bảo vệ, giám sát,..).
- Giá thành toàn bộ: Hay còn được gọi là giá thành tiêu thụ hoặc giá thành đầy đủ. Là toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình sản xuất ra một khối lượng sản phẩm hoàn thành và tiêu thụ xong khối lượng sản phẩm đó. Cụ thể như sau:
- Giá thành sản xuất của toàn bộ sản phẩm tiêu thụ.
- Chi phí bán hàng: tổng các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm như chi phí marketing, vận chuyển,…
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: là các chi phí được dùng cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp.
4. Ý nghĩa của việc tính giá thành sản phẩm là gì?
Trong kinh doanh, doanh nghiệp phải dự kiến giá thành sản phẩm và đề ra các biện pháp thực hiện dự kiến đó, hay nói cách khác doanh nghiệp phải tiến hành xây dựng kế hoạch giá thành. Từ đó, giá thành sản phẩm sẽ có ý nghĩa đặc trưng riêng:
- Thứ nhất, giá thành sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể dựa vào đó để đưa ra các phương án tiết kiệm chi phí nhằm tăng lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của đơn vị.
- Thứ hai, giá thành sản phẩm được coi là thước đo giữa mức chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp. Đây là căn cứ để doanh nghiệp xác định hiệu quả sản xuất và đề ra các phương án kinh doanh phù hợp. Trước khi quyết định sản xuất bất kỳ một loại hàng hóa nào, doanh nghiệp cần phải nắm rõ nhu cầu của thị trường, giá cả và chi phí sản xuất cũng như chi phí tiêu thụ sản phẩm. Từ đó biết được hiệu quả kinh doanh của sản phẩm và doanh nghiệp sẽ đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm nào để sản xuất và sản xuất với số lượng bao nhiêu nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất.
- Thứ ba, giá thành sản phẩm là một công cụ quan trọng để kiểm soát tình hình, hoạt động sản xuất kinh doanh, xem xét hiệu quả của các biện pháp tổ chức kỹ thuật. Điều này được thực hiện thông qua việc phân tích biến động giá giữa các kỳ. Giá thành là yếu tố cần thiết để các doanh nghiệp có thể xây dựng chính sách giá cả đối với từng loại sản phẩm.
Việc hạ giá thành sản phẩm sẽ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tăng lợi nhuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng qui mô sản xuất… Do đó, để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp phải áp dụng những thành tựu của tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ vào sản xuất; tổ chức lao động và sử dụng con người một cách hợp lí; bố trí hợp lí các khâu sản xuất; hạn chế sự lãng phí nguyên liệu, giảm thấp tỉ lệ sản phẩm hỏng; tổ chức sử dụng vốn hợp lí, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu, tránh những tổn thất trong sản xuất…
5. Làm thế nào để giảm giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp?
Khi giá thành của sản phẩm giảm sẽ là điều kiện để kích thích nhu cầu mua sắm của khách từ đó tăng tổng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp và mang lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Dưới đây là những cách mà doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm giá thành sản phẩm ra thị trường:
- Giảm chi phí vật liệu: Giảm chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm đồng nghĩa với việc giảm lượng tiêu hao nguyên vật liệu thực tế. Điều này có thể được thực hiện bằng cách phân công lao động phù hợp, quản lý lao động hiệu quả và sử dụng máy móc thiết bị sản xuất tối ưu… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể hạ thấp đơn giá vật liệu bằng cách tìm các nguồn cung mới, sử dụng vật liệu có giá thành rẻ hơn vẫn đảm bảo chất lượng tương đương…
- Giảm chi phí nhân công: Một số giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí nhân công bằng cách tuyển dụng và phân bổ lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc. Quản lý nhân công một cách hiệu quả để tăng năng suất lao động. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề cho nhân công từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.
- Giảm chi phí khấu hao: Chi phí khấu hao có thể được giảm bớt bằng cách sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại có kỹ thuật cao. Đồng thời, doanh nghiệp không nên đầu tư xây dựng nhà xưởng với kiến trúc không cần thiết.
- Giảm chi phí dịch vụ mua ngoài: Chi phí dịch vụ mua ngoài cũng phát sinh khi doanh nghiệp quyết định mua nguyên vật liệu mà không tự sản xuất.
Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Minh Khuê về giá thành và ý nghĩa của giá thành sản phẩm. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn.