Giá thành là gì? Các loại giá thành cụ thể trong sản xuất

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến hành vi quyết định lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng chính là giá thành sản phẩm. Để có thể hình dung chính xác khái niệm giá thành và các loại giá thành cụ thể, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Giá thành là gì? Cùng tìm hiểu về giá thành

Khái niệm tổng quan về giá thành

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta – những người tiêu dùng luôn quan tâm đến tình trạng giá thành của các loại sản phẩm đang sử dụng. Song, giá thành được định nghĩa cụ thể như thế nào?

Giá thành là thuật ngữ chỉ chỉ phí sản xuất tính trên một đơn vị/ một khối lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhất định. Giá thành chỉ chi phí ấn định trong điều kiện sản xuất bình thường, hiệu suất trung bình mà doanh nghiệp tham gia sản xuất. Giá thành phản ánh một cách tổng quát hiệu quả, chất lượng của quá trình sản xuất và điều hành sản xuất; việc sử dụng nguồn vốn, chi phí, nguyên/vật liệu trong quá trình sản xuất; hiệu quả lao động. 

Giá thành không những là điều kiện bắt buộc đối với bất kỳ sản phẩm nào trên hệ thống thị trường mà còn là chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp nói riêng và ngành công nghiệp sản xuất nói chung. Giá thành cũng là căn cứ để từ đó, doanh nghiệp xác định giá bán hàng hoá và đánh giá hiệu quả sản xuất.

Trong mỗi doanh nghiệp, bộ phận kế toán là chủ thể thực hiện nhiệm vụ tính toán, ấn định giá thành sản phẩm của doanh nghiệp đó. Để có thể tính được giá thành chính xác, kế toán viên phải căn cứ vào các yếu tố trong quá trình sản xuất như đặc điểm, hình thức sản xuất, cơ cấu sản xuất, công nghệ-kỹ thuật trong quá trình sản xuất và các đặc điểm khác liên quan đến sản xuất. Tuỳ thuộc theo từng đặc điểm này mà sẽ có cách tính giá thành khác nhau. 

Phân chia các loại giá thành cụ thể

Dựa theo thời gian tính và căn cứ tính giá thành, có thể chia thành: giá thành định mức và giá thành thực tế. 

Giá thành định mức là giá thành được tính dựa trên cơ sở chi phí mức sản xuất xác định thực tế của doanh nghiệp với từng đơn vị sản phẩm cụ thể. Giá thành định mức được kế toán viên tính toán trước khi bộ phận sản xuất thực hiện quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm được tiến hành. Đây là công cụ hữu ích nhằm giúp các doanh nghiệp có thể xác định, đánh giá hệ thống sản xuất, nhận định được hiện trạng sử dụng nguồn vốn, nguyên vật liệu, lao động và các yếu tố khác trong quá trình sản xuất liệu đã được tận dụng và khai thác hiệu quả hay chưa. Thông qua việc tính toán, doanh nghiệp sẽ đề xuất các giải pháp, phương hướng hiệu quả nhằm nâng cao hiệu suất trong hoạt động sản xuất nói riêng và quá trình kinh doanh nói chung.

Giá thành là gì? Phân chia các loại giá thành cụ thể

Giá thành thực tế là giá thành được tính dựa trên chi phí sản xuất và sản lượng sản phẩm thực tế mà doanh nghiệp sản xuất được trong một thời kỳ nhất định. Khác với giá thành định mức, giá thành thực tế được tính toán sau khi quá trình sản xuất hoàn thiện. Đây là một chỉ tiêu nhằm đánh giá quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Dựa vào phạm vi tính toán, có thể chia thành giá thành sản xuất và giá thành toàn bộ

Giá thành sản xuất là giá thành phản ánh chi phí sản xuất, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công, nhà xưởng, dịch vụ sản xuất đã sử dụng,…Giá thành sản xuất là căn cứ để tính giá bán sản phẩm và mức lợi nhuận thu được sau này, được ghi vào sổ sách lưu kho hoặc giao cho khách hàng.

Giá thành toàn bộ là tổng hợp của giá thành sản xuất, chi phí thực hiện quy trình bán hàng và các chi phí quản lý doanh nghiệp. Giá thành toàn bộ là một căn cứ quan trọng nhằm xác định mức lợi nhuận thu được của sản phẩm đã bán trước khi chi trả thuế.

Với những thông tin về khái niệm giá thành cũng như phân loại giá thành cụ thể trên đây, hy vọng các bạn đã có được những kiến thức cần thiết khi tìm hiểu về khái niệm này, bên cạnh đó có thể vận dụng kiến thức có được vào thực tiễn cuộc sống khi tiếp cận với thuật ngữ “giá thành” vốn đã trở nên rất phổ biến trong nền kinh tế sản xuất.

>> Xem thêm: