Giá dịch vụ y tế cần phù hợp để góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Theo dự thảo Thông tư, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một như: Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế…, tối đa 300.000 đồng/lần khám.
Các cơ sở y tế khác tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Một giường bệnh tại phòng điều trị theo yêu cầu ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội (Ảnh: Lê Nga)
Đáng chú ý, giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, và phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/ngày. Giá giảm còn 1,7 triệu đồng, 1,2 triệu đồng, và 900.000 đồng cho các loại phòng có 2, 3, 4 giường. Ở các địa phương còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng một giường, giảm dần còn 1,2 triệu đồng, 800.000-600.000 đồng cho các loại phòng 2, 3, 4 giường.
Giá giường điều trị ban ngày do cơ sở y tế quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú.
Do chưa có khung giá từ Bộ Y tế nên các cơ sở y tế công lập hiện áp dụng giá khám, tiền giường dịch vụ khác nhau. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, phòng hai giường giá 1 triệu đồng/giường, trong khi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phòng một giường giá hơn 2 triệu đồng/ngày đêm. Như vậy, giá giường nằm trong Dự thảo cao hơn khoảng một triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế cũng xây dựng Dự thảo tương tự với giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một tối đa 4 triệu đồng/ngày, giá khám cao nhất 500.000 đồng/lần; các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng/lần. Tuy nhiên, mức tăng này ảnh hưởng tới giá chỉ số tiêu dùng, do đó Chính phủ không phê duyệt. Sau đó, khung giá tiếp tục bị hoãn ban hành do COVID-19 bùng phát và Chính phủ yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế.
Đến tháng 6/2022, Chính phủ cho phép tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, gồm giá bảo hiểm và không bảo hiểm, giá khám theo yêu cầu. Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án giá phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Về chi phí khám, có bệnh viện tại Hà Nội đang áp dụng 4 mức giá khám bệnh theo yêu cầu, cụ thể Giáo sư khám giá 550.000 đồng, Phó Giáo sư khám giá 450.000 đồng, Tiến sĩ khám giá 350.000 đồng, còn Thạc sĩ khám giá 250.000 đồng.
Theo Dự thảo, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư, phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chi phí để xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư, và phát triển dịch vụ.
Ngoài ra, đối với dịch vụ khám bệnh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở y tế công lập có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn.
Đối với dịch vụ giường điều trị, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất.
Xung quanh câu chuyện này, bạn đọc Tô Thúy Nga, sống tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Nhiều bệnh viện tư hiện nay đã áp dụng giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu đồng. Bệnh nhân nằm điều trị tại đây nhưng có thể mời chuyên gia cao cấp từ các bệnh viện khác đến khám, hội chẩn hay phẫu thuật, điều trị. Phòng một giường bệnh, có thêm giường nằm cho người nhà, khu vực tiếp khách… không khác gì một phòng khách sạn hạng sang, lại được chăm sóc y tế 24/24 trong khi phòng khách sạn chỉ để nghỉ ngơi, ngủ rồi lại đi chơi, đi họp. Chưa kể, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, có nhu cầu điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân từ ăn uống, chăm sóc theo bệnh lý, tắm giặt, người nhà chỉ cần vào thăm nom. Việc quy định các mức giá khác nhau lần này, trên lý thuyết đáp ứng những nhu cầu khám chữa bệnh khác nhau của người dân, tránh “chảy máu” ngoại tệ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Thừa nhận điểm ưu việt của Dự thảo lần này là mức giá kịch khung đã giảm so với lần dự thảo trước (giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng/ngày), bạn đọc Nguyễn Việt Hùng, sống tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho rằng giá giường bệnh 3 triệu đồng/ngày đã gấp đôi mức lương cơ sở, kể cả là giường “dịch vụ”, “theo yêu cầu” vẫn là rất cao so với bình quân thu nhập.
Từng là lãnh đạo Trung tâm y tế quận Long Biên, bạn đọc Tạ Đức Minh, 72 tuổi, cho rằng đang tồn tại tình trạng giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí. Và thứ giá “lý thuyết” này cũng là lý do khiến Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2019 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả. Hai bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài Thu, sống tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh quá tải bệnh viện với hình ảnh bệnh nhân nằm ghép, nằm trở đầu, thậm chí “xếp cá hộp” cả ở hành lang, lối đi, trên băng ca… đã tồn tại từ lâu nay. Điều người dân mong muốn là thêm bệnh viện, thêm giường để họ được thật sự là bệnh nhân, chứ không phải là quy định những đẳng cấp giường bệnh khác nhau, để lấy đi số ít ỏi giường bệnh ở bệnh viện công.
Như vậy, có thể thấy dư luận xã hội tại một số vùng miền cơ bản đồng tình với Dự thảo, người dân mong muốn ngành Y tế nên có sự thống nhất, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với điều kiện thực tế kinh tế xã hội của từng vùng.
Và điều quan trọng là Nhà nước cần bảo đảm chi trả đúng và đủ đối với giá dịch vụ y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, bởi phần lớn những người sử dụng dịch vụ công là người dân nghèo.
Lý do là hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá và đã lỗi thời, thu không đủ bù chi nên cần điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật song hành với quy định giá khám và giường bệnh./.