Giá cả và giá trị! :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Thực tế cuộc sống buộc chúng ta phải chấp nhận rằng có rất nhiều thứ giá trị nhưng không có giá về mặt tiền bạc và ngược lại, vô khối thứ đắt giá nhưng lại chẳng đáng hoặc không mấy giá trị…

Giá cả là sự ước định về khía cạnh thương mại khiến đồ vật có thể trao đổi mua bán được, còn giá trị có thể tiếp cận theo phương diện sử dụng, thẩm mỹ, lịch sử hay văn hóa.

Trong một thị trường vận hành lành mạnh, giá cả và giá trị tương đối gần nhau. Nhưng khi mà khoảng cách này bị đẩy ra quá xa có nghĩa là đang tồn tại sự phi lý nào đấy.Người ta thấy rõ sự bất hợp lý này nếu biết một chiếc xe Matiz giá thành tại Hàn Quốc chỉ vào khoảng 2.000 USD nhưng lại được bán với giá từ 9.000 – 12.000 ở Việt Nam. Hay xe Toyota Camry loại sang tại Nhật giá trên 20.000 USD nhưng một chiếc xe cùng loại tại Việt Nam (chưa nói đến chất lượng khác xa nhau) lại được bán tới 65.000 USD.

Tương tự, một căn hộ chung cư ở khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính (Hà Nội), giá ban đầu chỉ khoảng 700 triệu đồng nhưng rốt cuộc bị nhiều tầng lớp trung gian “đẩy” lên mãi, buộc nhiều người vẫn phải cắn răng bỏ ra 1,3-1,4 tỷ đồng để sở hữu một căn hộ như vậy dù chưa biết chất lượng tốt xấu đến đâu…

Sở dĩ sự vô lý như trên có thể tồn tại được là vì có sự “nuông chiều” của những người quản lý, cộng với sự ham lợi nhuận quá đáng của một số doanh nghiệp. Chính phủ lập hàng rào bảo hộ cho Vama (Hiệp hội các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) bằng cách áp thuế chừng 300% đối với xe con nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện cho Vama thực hiện nội địa hóa.

Kết cục sau 10 năm ưu ái, chính sách nội địa hóa đã chết yểu, còn người tiêu dùng vẫn phải è cổ mua xe với mức giá đắt nhất nhì thế giới. Tương tự, những đặc quyền dành cho một vài Cty kinh doanh cộng với các thủ tục hành chính mù mờ, nạn đầu cơ đã dẫn tới sự khan hiếm giả tạo, khiến giá nhà đất tại Hà Nội luôn ở mức “trên trời”.

Quyền lợi của người tiêu dùng đã bị hy sinh đủ lâu cho tới khi Nhà nước không thể khoanh tay mãi trước sự quá đáng của doanh nghiệp cũng như sự kiên nhẫn, sức chịu đựng của người tiêu dùng đã cạn kiệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã phải lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội về vấn đề này và nhiều khách hàng đã quay lưng lại với ô tô dù đang ở thời điểm được coi là “mùa vàng” trong năm.

Sự ế ẩm bất thường của thị trường ô tô năm nay cũng như tình trạng “đóng băng” thị trường nhà đất lâu nay đã phần nào lý giải cho thái độ này. Chưa nói đến sức ép của mở cửa cạnh tranh, nhưng các doanh nghiệp có tầm nhìn và lương tâm sẽ không để giá cả và giá trị quá xa nhau.