Gia Lai: Bảo đảm công tác y tế theo từng cấp độ dịch COVID-19 | Y tế | Vietnam+ (VietnamPlus)

Gia Lai: Bao dam cong tac y te theo tung cap do dich COVID-19 hinh anh 1

Áp dụng mô hình điều trị F0 tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở nên phức tạp với số lượng ca F0 tăng đột biến, gia tăng các trường hợp tử vong do mắc COVID-19.

Đặc biệt, số lượng F0 trong cộng đồng; các trường hợp lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng tăng cao trong thời gian gần đây khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, tỉnh Gia Lai đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, nhằm khống chế dịch COVID-19.

F0 tăng đột biến sau Tết

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, chỉ tính từ ngày 7/3 đến 9 giờ ngày 8/3,  tỉnh ghi nhận trên 2.100 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2. Trong đó, trên 1.310 trường hợp do lây nhiễm từ cộng đồng; 787 trường hợp là F1; 9 trường hợp là người đi từ địa phương khác về tỉnh.

Như vậy, tính từ ngày 26/4/2021 đến sáng 8/3, tỉnh đã ghi nhận 35.577 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với 62 ca tử vong (trong đó hơn 65% số tử vong là do bệnh nền nặng và chưa tiêm vaccine).

Đặc biệt, trong số ca mắc COVID-19 từ ngày 7 đến sáng 8/3, nhiều trường hợp lây nhiễm từ cộng đồng ở mức cao như huyện Chư Prông có 105/166 F0 cộng đồng; huyện Đăk Đoa có 94/174 F0 cộng đồng; thành phố Pleiku có 444/579 F0 cộng đồng.

[Tỉnh Gia Lai xây dựng kịch bản, phương án khống chế dịch COVID-19]

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai cho thấy thời điểm trước Tết, số ca mắc COVID-19 trong ngày chỉ ở mức dưới 100 trường hợp. Có thời điểm, Gia Lai đã gần như khoanh vùng được các khu vực nguy cơ cao và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhiều phường, xã đã “zero COVID.”

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng F0 tăng đột biến cùng với sự chủ quan của đa số người dân đã và đang khiến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Gia Lai bước vào đợt dịch mới.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho thấy từ ngày 10/2, số ca mắc COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh. Đặc biệt, từ ngày 27/2 đến ngày 8/3, số ca mắc vượt mốc trên 1.000 trường hợp/ngày. Có thời điểm như các ngày 6/2 trên 2.000 ca mắc, 8/2 với trên 2.100 trường hợp.

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhận định sau dịp Tết, Gia Lai có đợt dịch thứ 5. Vì vậy, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, khuyến cáo nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tâm lý chủ quan trong người dân rất lớn, đi đôi tâm lý cực đoan. Có dấu hiệu xuất hiện tình trạng giấu bệnh, tự test, tự mua thuốc uống, hoặc truyền tai nhau thuốc của “bác sỹ google”… Điều này không chỉ tự gây nguy hiểm cho bản thân người bệnh mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch chung của tỉnh.

Bảo đảm công tác y tế theo từng cấp độ dịch

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, mặc dù tỷ lệ bao phủ vaccine tại tỉnh đã đạt ở mức cao, nhưng số trường hợp mắc COVID-19 vẫn tăng đột biến trong thời gian qua. Dự báo trong thời gian tới, khi các hoạt động kinh tế-xã hội đang từng bước trở lại trạng thai bình thường có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế.

Gia Lai: Bao dam cong tac y te theo tung cap do dich COVID-19 hinh anh 2

Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tiến hành lấy mẫu xét nghiệm có liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân dân; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trong tình hình mới, tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Các địa phương tập trung tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cộng đồng, triển khai thêm một số biện pháp cần thiết để đáp ứng tình hình mới; đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị…), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh Gia Lai yêu cầu ngành Y tế rà soát, bổ sung các nội dung trong kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế theo từng cấp độ dịch; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19. Trong đó, tăng cường sự phối hợp cùng các địa phương đánh gia năng lực quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại các tuyến xã; bảo đảm đáp ứng về giường bệnh COVID-19 tại cơ sở thu dung điều trị cấp huyện và giường hồi sức cấp cứu (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ tại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất.

Ngành Y tế triển khai kế hoạch bảo đảm năng lực điều trị tại các cơ sở khám – chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp oxy y tế; triển khai kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, đội cấp cứu lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà; địa bàn có dịch bệnh cấp 3 trở lên phải có phương án mở rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, không để quá tải diện rộng.

Ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện kết hợp nhiều phương án xét nghiệm nhằm sớm phát hiện F0. Trong đó, thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan quản lý đơn vị, địa bàn tự tổ chức xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Song song với công tác kiểm soát dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với phương châm “thần tốc hơn nữa;” đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi được cấp vaccine; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Tỉnh triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19./.

Quang Thái (TTXVN/Vietnam+)