Ghi từ “vùng đỏ” Phương Liễu
Phóng viên: Trong đợt bùng phát dịch lần này, Phương Liễu trở thành “vùng đỏ” của huyện Quế Võ. Anh có thể chia sẻ về tình hình của địa phương?
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên: Phương Liễu đang là vùng đỏ – màu biểu thị cho cấp độ dịch cao nhất – cấp độ 4. Tính từ ngày 14-10 đến 2-12, địa phương ghi nhận 555 F0, phần lớn là công nhân làm trong KCN ở trọ trên địa bàn và người thân trong gia đình. Số ca mắc COVID-19 chiếm hơn nửa tổng số mắc toàn huyện, song số ca ghi nhận mỗi ngày không đều, có ngày lên đến 40, có ngày rải rác vài ca. Liên quan đến các F0, xã có 836 F1 nguy cơ cao phải cách ly tập trung, 536 F1 nguy cơ thấp và đủ điều kiện cách ly tại nhà. Hiện cũng có 358 F0 đã xuất viện và 706 F1 hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Xã Phương Liễu hiện có khoảng 38 nghìn người dân sinh sống, trong đó hơn 11 nghìn là người dân địa phương, còn lại là công nhân, người lao động tạm trú tại các khu nhà trọ. Với diện tích 7,2 km2, mật độ dân số được coi là dày nhất của huyện, trong khi đó số lượng công nhân, người lao động lưu trú luôn biến động, khó quản lý, người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống nhiều và biến động liên tục… nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn chắc chắn còn rất gian nan.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên (áo blouse, đứng) giám sát công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại điểm tiêm Trường THCS xã Đại Xuân trong Cụm do anh phụ trách.
Phóng viên: Nhân lực của Trạm chỉ có 7 cán bộ, nhân viên y tế, các anh làm thế nào để xoay xở với khối lượng công việc nhiều như thế?
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên: Trạm chỉ có 7 cán bộ, nhân viên y tế nên Trung tâm Y tế huyện điều động thêm 4 người, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng hỗ trợ chúng tôi trong công tác truy vết, lấy mẫu và tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, với khối lượng công việc phải nói là khổng lồ, chúng tôi phải vận dụng linh hoạt tất cả những kinh nghiệm chống dịch trước đây trong bối cảnh mới để thích ứng.
Hiện nay, Phương Liễu đang áp dụng biện pháp chống dịch ở cấp độ 4. Trạm phân mảng cụ thể cho cán bộ, nhân viên y tế, người phụ trách hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, người đảm nhiệm công tác truy vết và người chuyên theo dõi kết quả xét nghiệm… Việc ứng phó, xử lý tình huống dịch cũng hết sức linh hoạt tùy từng thời điểm, từng ổ dịch, từng địa bàn… Những ngày qua, anh chị em của Trạm và lực lượng tăng cường đều nỗ lực hết mình với công việc và chỉ nghỉ ngơi khi quá mệt, vì chúng tôi luôn trong tình trạng làm không hết việc.
Công tác giám sát y tế với các trường hợp F1 cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi thành lập nhóm Zalo, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và khai báo hằng ngày, nếu có bất thường thông báo ngay để có biện pháp xử trí kịp thời. Hoạt động này có sự phối hợp chặt chẽ với các thôn và Tổ COVID cộng đồng nên khá nhịp nhàng.
Tại tất cả các nhà trọ đều có dán số điện thoại của Trạm trưởng Trạm Y tế. Tôi liên tục trả lời điện thoại từ người dân và hầu hết đều liên quan đến COVID-19. Bản thân tôi không bao giờ để điện thoại hết pin, có khi điện thoại nóng cả đêm, như tổng đài tư vấn. Và thường thì vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép, vì tôi không muốn thông tin bị nhầm lẫn. Những thông tin cơ bản cần xác nhận lại gồm: Tên tuổi, tạm trú nhà ai, ở đâu, sốt bao nhiêu độ… Việc xử lý sẽ ưu tiên cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà có ho, sốt. Sau khi khai thác thông tin và xác định nguy cơ, chúng tôi phân loại, nếu nguy cơ thấp lấy mẫu xét nghiệm ngay, nguy cơ cao sẽ chuyển Trung tâm Y tế thực hiện cách ly, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên khám sức khỏe cho người dân.
Phóng viên: Cùng là y tế tuyến cơ sở, nhưng phụ trách địa bàn có KCN, đông công nhân có vẻ vất vả hơn rất nhiều so với nơi khác, anh có nghĩ thế không?
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên: Không phải nghĩ đâu mà thực tế là như vậy. Khi dịch COVID-19 chưa xâm nhập và bùng phát, Trạm Y tế xã Phương Liễu đã phải đảm nhiệm khối lượng công việc chuyên môn lớn do dân số trên địa bàn rất đông.
Chúng tôi có đội ngũ cộng tác viên y tế đến các thôn, họ rất nhiệt huyết với công việc, nhưng với số dân đông như vậy, họ cũng làm không xuể. Đơn cử như thôn Giang Liễu, có đến 17 nghìn dân – còn đông hơn cả 1 xã thì chỉ với 1 cộng tác viên vừa làm Dân số – KHHGĐ, vừa làm y tế… quả là thách thức. Trong khi đó, họ chỉ được khoản phụ cấp chưa đến 500 nghìn đồng mỗi tháng nên nhiều người làm một thời gian lại bỏ. Những người kiên trì đều nói họ làm vì muốn chia sẻ sự vất vả với cán bộ y tế.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn có chế độ đặc thù, động viên được đội ngũ những người làm y tế tuyến cơ sở tại địa bàn có KCN. Số lượng cộng tác viên cũng nên được chia theo số hộ dân thì mọi hoạt động mới phát huy tối đa hiệu quả.
Phóng viên: Vậy theo anh, làm thế nào để Phương Liễu chuyển màu cấp độ dịch từ đỏ sang cam rồi trở lại xanh?
Bác sĩ Nguyễn Văn Huyên: Để chuyển màu cấp độ dịch phải căn cứ tiêu chí theo quy định, trong đó có tỷ lệ bao phủ vắc-xin và số ca mắc mới trong cộng đồng/ 100.000 dân. Bởi vậy, cùng với các biện pháp hành chính khác, việc nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân có ý nghĩa quan trọng.
Hiện nay, tỷ lệ phủ vắc-xin cho người trên 18 tuổi ở Phương Liễu đạt khoảng 98%; chúng tôi đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và luôn trong tâm thế sẵn sàng triển khai tiêm vắc-xin ngay khi được phân bổ.
Có một thực tế là một bộ phận người dân sau khi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có biểu hiện chủ quan, lơ là việc thực hiện các biện pháp chủ động theo 5K. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch trong cộng đồng. Tôi nghĩ rằng, ý thức và sự tự giác của mỗi người dân luôn đóng vai trò quyết định để chúng ta thích ứng linh hoạt, chung sống an toàn với dịch bệnh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh! Chúc anh và các đồng nghiệp nhiều sức khỏe và nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân!