Gánh nặng chi phí khiến Sao Thái Dương lỗ 8 tỷ đồng năm 2022

Theo báo cáo tài chính công bố, năm 2022, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương ghi nhận lỗ sau thuế hơn 8 tỷ đồng, do giảm mạnh doanh thu và mức tăng đột biến của chi phí quản lý doanh nghiệp so với năm 2021. 

CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) vừa công bố BCTC quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 36 tỷ đồng, giá vốn hàng bán đạt 37,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 78% và 79% so với quý 4/2021. Do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận khoản lỗ 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,2 tỷ đồng.

Doanh thu về hoạt động tài chính tăng gấp 1,84 lần lên hơn 2,4 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm nhẹ 1,4%, đạt 3,1 tỷ đồng.

Nhờ khoản lãi từ hoạt động tài chính, quý 4/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng, chỉ gần bằng 16% kết quả của cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sao Thái Dương đạt 170 tỷ đồng, giá vốn hàng bán đạt 168,9 tỷ đồng, giảm lần lượt 66% và 65% so với năm trước. Do đó, lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh 79% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,2 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 11% so với cùng kỳ, lên gần 29,2 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng gấp 3,97 lần lên gần 12,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh gấp 5,55 lần cùng kỳ lên 22, 2 tỷ đồng.

Do chi phí tăng cao, Sao Thái Dương ghi nhận lỗ sau thuế gần 8,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18,5 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 trong vòng nửa thập kỷ trở lại đây, công ty ghi nhận lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm 2022, SJF đặt mục tiêu đạt 350 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đến hết năm 2022 công ty chỉ đạt gần 50% kế hoạch doanh thu và không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mức tăng vọt của chi phí quản lý doanh nghiệp và giá vốn hàng bán ở mức cao so với doanh thu.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SJF đã giảm 10% xuống gần 1.049 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đạt 407 tỷ đồng, tăng 47% so với con số đầu năm. Khoản đầu tư tài chính dài hạn giữ nguyên ở con số gần 149 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của Khách hàng giảm mạnh từ 268 tỷ đồng xuống còn 87 tỷ đồng, tương đương giảm 68%.

Nợ phải trả của công ty giảm 34% xuống 209 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt hơn 71 tỷ đồng, giảm 40%, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 43 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần con số đầu năm.

Gánh nặng chi phí khiến Sao Thái Dương lỗ 8 tỷ đồng năm 2022 ảnh 1

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SJF đã chứng kiến những đà giảm mạnh liên tục từ khoảng cuối tháng 3/2022, cổ phiếu đã giảm từ vùng giá khoảng 17.400 đồng/cp xuống khoảng 2.740 đồng/cp. Vào lúc 11h phiên giao dịch sáng 13/2, cổ phiếu SJF giảm 2,1% và giao dịch ở mức 3.320 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 263 tỷ đồng.

CTCP đầu tư Sao Thái Dương được thành lập năm 2012 với mục đích ban đầu là cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (mỹ phẩm, tóc..) có nguồn gốc từ thiên nhiên (thảo dược hay hữu cơ như Sakura, Ecoparadise..) từ các thị trường phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc..) đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Tới nay, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp giải pháp sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ vi sinh, đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cung cấp thực phẩm sạch chất lượng cao, và sản xuất tre ép công nghiệp. SJF độc quyền sở hữu tại Việt Nam 3 gói giải pháp công nghệ sinh học tiên tiến Nhật Bản.