Gai xanh – lựa chọn tiềm năng: Những người tiên phong ở xứ Thanh
Thứ Ba 10/05/2022 , 06:13 (GMT+7)
Bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu đã trở thành đặc sản ở xứ Thanh. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới phát triển vài năm nay.
Thay thế xứng đáng những cây trồng kém hiệu quả
Cây gai xanh đem lại nguồn thu lớn cho gia đình bà Phạm Thị Thanh. Ảnh: Võ Dũng.
Nhiều địa phương tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc… của tỉnh Thanh Hóa hiện đã chuyển một phần diện tích đất trồng sắn, mía, keo… kém hiệu quả sang trồng cây gai nguyên liệu. Bước đầu, cây gai xanh nguyên liệu đang cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây trồng khác.
Năm 2019, bà Phạm Thị Thanh ở thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) gom đất và chuyển đổi 7ha đất trồng sắn, mía kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh lấy sợi. Sau 1 năm trồng, bà thu hoạch 4 lứa, bình quân đạt 2 tấn sợi/ha/năm. Với giá bán cho Nhà máy Dệt sợi An Phước (Tập đoàn An Phước Viramie) theo hợp đồng từ 45 – 47 triệu đồng/tấn (tùy loại), năm đầu tiên gia đình bà Thanh thu về trên 90 triệu đồng/ha.
Theo bà Thanh, đầu tư ban đầu để trồng 1ha cây gai xanh nguyên liệu mất khoảng 40 – 45 triệu đồng. Năm đầu tiên, nếu hộ nào chăm sóc tốt thì đã có lãi. Cây gai xanh có thời gian lưu gốc 10 năm, mỗi năm có thể cắt 4 lần nên người trồng gai có việc làm và thu nhập gần như quanh năm.
Cũng theo bà Thanh, diện tích bà chuyển đổi ở khu vực gò cao, trước đây trồng mía, sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên gia đình quyết định tìm một loại cây trồng khác thay thế. May thay, Nhà máy Dệt sợi An Phước (đóng tại xã Cẩm Tú) thành lập, gia đình bà đã tìm đến cây gai xanh.
Đặc điểm của cây gai xanh là không chịu được ngập úng và thích hợp với gò đất cao, nhu cầu nước tưới không nhiều như một số loại cây trồng khác. Trong khi đó, các huyện miền núi có diện tích đất gò cao lớn nên vùng nguyên liệu gai có tiềm năng có thể mở rộng.
Cũng nhờ hiệu quả từ cây gai xanh nguyên liệu, đến năm 2021 bà Thanh tiếp tục trồng thêm 12ha và đang dự định mở rộng để phát triển kinh tế.
“Ngày xưa chỉ trồng một vài sào cây gai xanh để bán cho các hộ sản xuất bánh gai nhưng nay chuyển sang lấy sợi, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chất đất ở đây phù hợp với cây gai xanh, người dân cũng sẵn có kinh nghiệm trồng gai nên nhanh chóng tiếp cận với cách trồng, chăm sóc và thu hoạch theo yêu cầu của nhà máy. Năm đầu chỉ thu khoảng 2 tấn sợi/ha nhưng những năm tiếp theo gia đình tôi đều thu 3,5 – 4 tấn. Với giá bán cho nhà máy như hiện tại thì mỗi ha gai lấy sợi có thể thu về gần 180 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều những loại cây trồng khác”, bà Thanh chia sẻ.
Nhiều hộ đã chuyển đổi một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây gai xanh. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết, hiện tại địa phương đã trồng được 80ha cây gai xanh nguyên liệu, có liên kết với Nhà máy Dệt sợi An Phước. Theo kế hoạch, năm 2022, Cẩm Tú sẽ trồng thêm 15ha nữa, quỹ đất có thể chuyển sang trồng cây gai xanh vẫn còn khoảng 30 – 40ha.
Nói về hiệu quả của cây gai lấy sợi, ông Phương cho biết: “Đây từng là vựa mía của huyện Cẩm Thủy nhưng hiện nay nhiều diện tích đã được chuyển sang trồng gai lấy sợi. Năm đầu, sản lượng sợi có thể chỉ đạt 2 tấn/ha nhưng những năm tiếp theo có thể đạt 3,5 – 4 tấn. Theo hợp đồng hộ dân ký trực tiếp với Nhà máy Dệt sợi An Phước thì bình quân mỗi ha trồng cây gai xanh nông dân sẽ thu về 150 – 180 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần trồng mía và gấp 4 – 5 lần trồng sắn. Nếu việc liên kết và thu mua ổn định, giá cả như hiện nay thì nông dân có thể làm giàu từ cây gai xanh”.
Vừa cho lợi nhuận cao vừa phục hồi đất
Ông Cao Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) cho biết, hiện nông dân trong xã đã trồng được trên 20ha gai lấy sợi. Tất cả các hộ trồng gai trên địa bàn xã đều trực tiếp hoặc thông qua HTX để liên kết với Nhà máy Dệt sợi An Phước. Sản phẩm làm ra đến đâu được nhà máy thu mua đến đó với giá cam kết ban đầu tốt nên bà con đang rất hồ hởi. Dự kiến, năm 2022, Cẩm Giang sẽ trồng thêm 10ha.
Cây gai xanh không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn có tác dụng cải tạo đất. Ảnh: Võ Dũng.
Cũng theo ông Vũ, việc trồng gai lấy sợi không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn có nhiều lợi ích về mặt môi trường. Các loại cây trồng khác có chu kỳ sinh trưởng phát triển ngắn, thường thu hoạch hàng năm, phá gốc nên sẽ gia tăng độ xói mòn đất. Trong khi đó, cây gai xanh lưu gốc 10 năm nên về cơ bản sẽ chống xói mòn. Bên cạnh đó, lá và thân cây gai xanh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi, cải tạo đất. Thông thường, sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được nông dân băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ cho đất. Do có hàm lượng protein cao, thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất.
Bà Hoàng Thị Ngân, người dân tộc Mường tại thôn Sun, xã Cẩm Giang cho hay, một năm trước gia đình bà chuyển 1,3ha trước nay trồng ngô, mía sang trồng gai lấy sợi. Khi trồng cây gai xanh, thường vào khoảng 75 ngày thì cho thu hoạch, các lứa tiếp theo chỉ vào khoảng 45 – 55 ngày.
Theo bà Ngân, cây gai không những có đầu ra ổn định bằng việc liên kết với Nhà máy Dệt sợi An Phước mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những cây trồng truyền thống ở đây. Bên cạnh đó, gai lấy sợi đầu tư một lần nhưng thu hoạch được trong vòng 10 năm. Chăm bón cũng khá đơn giản, việc bón phân không cần số lượng lớn mà sau khi thu hoạch, chuốt vỏ xong, gia đình bà thường cắt nhỏ thân và lá rải vào giữa các luống gai. Chúng phân hủy rất nhanh và tạo ra độ mùn, tơi xốp, giữ ẩm cho đất.
“Thửa đất này trước đây trồng ngô, mía, hàng năm phải mất một lượng phân bón rất lớn nhưng từ khi chuyển sang trồng gai lấy sợi thì lượng phân bón giảm hơn một nửa. Đầu tư giảm rất nhiều nhưng số tiền thu về lại tăng gấp 2 – 3 lần nên tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với mía, sắn. Ngoài ra, lá gai cũng được gia đình tôi sử dụng để chăn nuôi dê và bò. Trồng cây gai xanh thì chỉ chú ý đến việc sâu thường xuất hiện vào dịp cuối năm. Sau khi thu hoạch người trồng cần phun thuốc diệt sâu và thực tế cũng chỉ phun 1 – 2 lần trong năm thôi”, bà Ngân nói.
Ông Cao Anh Vũ cho biết, tuy cây gai xanh lấy sợi cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lại kén đất, khả năng chịu ngập úng rất kém. Vì vậy, địa phương cũng khuyến cáo người dân không vì lợi ích lớn của cây gai xanh mà thay đổi cơ cấu cây trồng không phù hợp. Phát triển vùng nguyên liệu gai nhưng phải dựa trên đặc tính sinh trưởng, thích ứng với từng vùng đất.
“Cây gai cho hiệu quả cao, cải tạo đất nhưng chỉ hợp với đồng cao cưỡng, không bị ngập úng. Hiện nay chúng tôi đã rà soát và chỉ khuyến cáo người dân nên trồng gai ở những chân đất phù hợp, tránh trường hợp trồng ồ ạt nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Vũ cho hay.
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện đã trồng 670ha gai lấy sợi (bằng 10% tổng quy hoạch), trong đó có 460ha lưu gốc. Diện tích gai lấy sợi tập trung tại các huyện Cẩm Thủy (341ha), Thạch Thành (trên 100ha), Bá Thước (67ha)…
Nhờ hiệu quả từ cây gai xanh sợi và mối liên kết bền vững cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh và Nhà máy Dệt sợi An Phước, cây gai xanh đang nổi lên, thay thế xứng đáng nhiều loại cây trồng truyền thống như mía, sắn, keo… Đây được kỳ vọng là đối tượng cây trồng có thể giúp nông dân Thanh Hóa làm giàu trong thời gian tới.