[GỢI Ý] Cách Làm Bullet Journal Cho Học Sinh Đơn Giản

Thực ra Bullet Journal luôn mang dấu ấn cá nhân, nên cách làm Bullet Journal cho học sinh cũng phụ thuộc vào cá tính của mỗi người. Có bạn thích tối giản, bạn khác lại thích màu mè. Có bạn muốn tập trung vào phần này, bạn khác lại muốn chú trọng vào phần kia. Chính vì không có công thức nào chung như thế, nên phần thông tin được Learn With Me đề cập bên dưới cũng chỉ mang tính gợi ý thôi nha.

Đối tượng sử dụng Bullet Journal thường xuyên nhất chính là những bạn còn đang ở trong độ tuổi cắp sách đến trường. Đây là điều dễ hiểu, bởi quãng đời học sinh, sinh viên luôn gắn liền với bút, vở và văn phòng phẩm – các công cụ cần thiết để bạn có được những trang BuJo xinh xắn.

Không chỉ vậy, BuJo cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho độ tuổi này khi vừa giúp bạn quản lý thời gian học – chơi hiệu quả, vừa là một hình thức thư giãn lành mạnh sau những giờ học tập căng thẳng. Do đó, nếu chưa biết cách làm Bullet Journal cho học sinh ra sao, đây chính là bài viết dành cho bạn.

Gợi ý về cách làm Bullet Journal cho học sinh

Trước khi tìm hiểu về cách làm BuJo cho lứa tuổi học sinh, bạn cần nắm rõ thông tin cơ bản nhất về Bullet Journal. Bởi nếu chưa hiểu hình thức ghi chép sáng tạo này là gì, bao gồm những phần chính nào, bạn cũng khó lòng áp dụng BuJo hiệu quả.

Dưới đây là 2 bài viết quan trọng cung cấp những thông tin cơ bản về BuJo, bạn nên tham khảo qua:

✤ Bullet Journal là gì?

✤ Làm Buller Journal cần những gì?

Sau khi đã hiểu một chút về Bullet Journal và chuẩn bị đầy đủ sổ, bút cùng những phụ kiện trang trí cần thiết, bạn hãy bắt tay làm Bullet Journal dành riêng cho mục đích học tập nhé:

Phần 1:  Thông tin cá nhân

Hãy bắt đầu cuốn BuJo bằng thông tin cá nhân của bạn. Phần này không chỉ giúp đề phòng trường hợp cuốn sổ bị thất lạc đâu đó (thường hiếm khi xảy ra), mà còn là phần đầu tiên giúp bạn mang dấu ấn cá nhân lên cuốn Bullet Journal của mình.

Nếu cuốn sổ của bạn ngay từ khi mua về đã có sẵn trang viết thông tin cá nhân, bạn không nhất thiết phải làm thêm trang này. Còn nếu không, bạn nên dành trang giấy đầu tiên để viết tên, link Facebook, Instagram, Mail,… của chính bản thân nhé.

Thông tin cá nhân trong BuJoThông tin cá nhân trong BuJo

Phần 2: Future Log

Đây là phần dành cho các sự kiện tương lai. Ở phần này, bạn có thể viết lại lịch của các tháng tiếp theo trong năm và ghi những sự kiện quan trọng. Chẳng hạn ngày thi cuối kỳ, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi, sinh nhật của những người thương yêu.

Mặt khác, đề ra các mục tiêu trong năm như thành tích học tập, ngoại khóa, tài chính,… cũng là một hình thức được nhiều bạn áp dụng trong phần Fututer Log.

Future LogFuture Log

Phần 3: Keywords (Từ khóa)

Đã làm Bullet Journal thì nhất định phải có Keywords. Việc sử dụng Keywords như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Mình thấy một số bạn dùng màu sắc để phân biệt các loại kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ. Một vài bạn khác thì dùng hình khối như hình vuông, tam giác, chữ nhật,… để biểu hiện mức độ hoàn thành của nhiệm vụ (đã hoàn thành, đang làm dở, chưa làm, chuyển qua hôm sau,…).

Mục đích của việc sử dụng Keywords chủ yếu là tiết kiệm thời gian lẫn không gian ghi chép. Vì thế, dựa trên thói quen của mình, bạn có thể đề ra Keywords sao cho thuận tiện và dễ nhớ nhất, chứ đừng “bắt chước” những ký hiệu mà bản thân cảm thấy xa lạ.

Bên cạnh quy định Keywords cho các bài kiểm tra hay mức độ hoàn thành của nhiệm vụ, bạn cũng đừng quên “gán” từ khóa cho những yếu tố khác như deadlines, ngày quan trọng, sự kiện, ghi chú,… Hoặc phân chia Keywords theo từng mục như bên dưới cũng là một ý tưởng hay ho nè.

KeywordsKeywords

Phần 4: Monthly Log

Phần này quá quen thuộc rồi nhỉ? Bạn chỉ cần kẻ 30 – 31 ô tương ứng với các ngày trong tháng. Tại đây, bạn nhớ đánh dấu những ngày quan trọng. Chẳng hạn ngày có bài kiểm tra, ngày sinh nhật của đứa bạn trong lớp, ngày bắt đầu lớp học thêm mới hay ngày đóng học phí.

Với các bạn nữ, đừng quên đánh dấu ngày “dâu” ghé nha, sẽ hữu ích lắm đấy. Nếu còn khoảng trống phía dưới, bạn có thể dùng viết phần ghi chú, chẳng hạn cảm nhận của bạn sau khi 1 tháng kết thúc. Để xem tháng vừa qua, bạn có học hành chăm chỉ không nào?

Monthly LogMonthly Log

Phần 5: Weekly Log

Có nhiều template về Weekly Log để bạn tham khảo lắm nè. Nếu đang bí ý tưởng, không biết phải làm Weekly Log trên Bullet Journal ra sao, bạn chỉ cần gõ Weekly Log trên Google hoặc Pinterest là xong.

Đây cũng là một phần mang đậm dấu ấn cá nhân. Do vậy, việc làm trang Bullet Journal cho 1 tuần như thế nào cũng thùy thuộc vào sở thích của chính bạn. Tuy nhiên, ngoài phần dành cho từng ngày, bạn đừng quên dành một phần cho Nhiệm vụ cả tuần (chẳng hạn chuẩn bị bài tập nhóm, thuyết trình, lên ý tưởng cho vở kịch của lớp,…) và Ghi chú (để note lại một nội dung quan trọng nào đó, chẳng hạn thời gian xem MV comeback của idol).

Weekly LogWeekly Log

Thỉnh thoảng, mình còn cho thêm phần Thư giãn vào Weekly Log để ghi lại những bản nhạc mình hay nghe, bộ phim mình đã xem hay cuốn sách mình đã đọc trong tuần. Một vài bạn khác thì thêm phần Habit Tracker để theo dõi thời gian ngủ, thời gian học hay thói quen uống nước nữa cơ.

Bạn nhớ lên bố cục cho Weekly Log trước khi bắt đầu tuần mới nhé. Chứ nếu để khi tuần đó diễn ra mới bắt đầu loay hoay làm thì thường không kịp đâu đó.

Kết:

Ngoài những phần quen thuộc kể trên, khi làm Bullet Journal cho học sinh, bạn còn có thể thêm Thời khóa biểu (nếu Thời khóa biểu trường bạn không thay đổi quá thường xuyên), Thu chi (Tài chính), Bảng điểm, Thông tin liên lạc của thầy cô và bạn bè, hay bất kỳ một nội dung nào khác mà bạn thích.

Như vậy, về cơ bản, cách làm Bullet Journal cho học sinh cũng không có nhiều điểm khác biệt so với các làm BuJo thông thường. Dù làm theo phong cách nào, bạn cũng đừng quên BuJo chỉ thật sự mang lại ý nghĩa khi giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả và sắp xếp việc học hợp lý, chứ không chỉ là cuốn sổ đẹp đơn thuần đâu nha!

Biết đâu bạn thấy bài viết này thú vị: