GIÁO DỤC THỂ CHẤT TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON – Học Và Làm

[ad_1]

Description: https://hanoiacademy.edu.vn/wp-content/uploads/2017/04/GDTC-tre-em-o-do-tuoi-MN-3.jpgGiáo dục thể chất là một bộ môn học trong chương trình giáo dục mầm non. Hiện nay giáo dục thể chất ngày càng có ý nghĩa quan trọng bởi cơ thể trẻ giai đoạn này còn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về các hệ thần kinh, cơ xương, bộ máy hô hấp, bên cạnh đó một số bé chưa mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động thể chất, chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm. Nếu giáo dục và vận động không đúng cách sẽ dễ dẫn đến sự phát triển sai lệch, không cân đối trên cơ thể bé, vì vậy chăm sóc và  giáo dục thể chất đúng cách là điểm tựa giúp bé phát triển toàn diện.

Để xây dựng cơ sở ban đầu cho giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện, giáo dục mầm non cần phải được tiến hành một cách tổng hợp và đồng bộ các mặt sau đây:

Description: https://hanoiacademy.edu.vn/wp-content/uploads/2017/04/GDTC-tre-em-o-do-tuoi-MN-4.jpg– Giáo dục thể chất

– Giáo dục trí tuệ

– Giáo dục đạo đức

– Giáo dục thẩm mĩ

– Giáo dục lao động.

Những mặt giáo dục trên đây gắn bó, bổ sung cho nhau trong quá trình hình thành cơ sở ban đầu về nhân cách con người phát triển toàn diện. Tuy nhiên, do đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ ở mỗi thời kì khác nhau là khác nhau, nên cần phải xác định được các nhiệm vụ nội dung, phương pháp, biện pháp… chăm sóc và giáo dục phù hợp với đặc điểm tăng trưởng và phát triển của từng thời kì.

1. Giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi mầm non

1.1. Khái niệm và ý nghĩa của giáo dục thể chất cho trẻ lứa tuổi mầm non

1.1.1. Khái niệm giáo dục thể chất

Nói đến giáo dục thể chất là nói đến giáo dục và phát triển thể chất của con người. Đó là quá trình sư phạm hướng vào việc hoàn thiện cơ thể con người về mặt hình thái và chức năng, hình thành các kĩ năng, kĩ xảo vận động cơ bản trong đời sống, phát triển các phẩm chất và khả năng thể lực của con người, hình thành lối sống lành mạnh trong cuộc sống, học tập và lao động.

Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là quá trình tác động đến nhiều mặt vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ vận động và sinh hoạt hợp lí nhằm bảo vệ và làm cho cơ thể trẻ được khoẻ mạnh, phát triển hài hoà, cân đối, tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

1.1.2. Ý nghĩa của giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất là một mặt quan trọng trong giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện, nó làm cho con người được phát triển và hoàn thiện về mặt thể chất để có thể tham gia vào các mặt của đời sống xã hội.

Đối với lứa tuổi mầm non, giáo dục thể chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của gia đình và trường mầm non. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, ở lứa tuổi này, quá trình tăng trưởng diễn ra rất nhanh (nhanh nhất trong cuộc đời con người), nhưng cơ thể của trẻ còn quá non nớt, dễ chịu ảnh hưởng của những tác động bên ngoài, sức đề kháng của trẻ còn kém nên dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Sự phát triển lệch lạc ban đầu ở tuổi này về thể chất sẽ để lại hậu quả suốt đời và sửa lại rất khó khăn. Ví dụ: dẹt đầu, lác mắt, chân vòng kiềng, suy dinh dưỡng… là hậu quả của sự thiếu hiểu biết của người lớn trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em trong những năm đầu.

Trẻ có thể phát triển tốt về cơ thể nếu người lớn chú ý đầy đủ và đúng mức đến việc bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ cho trẻ. Đứa trẻ khoẻ mạnh, phát triển hài hoà, cân đối về cơ thể sẽ là cơ sở về mặt thể chất để phát triển toàn diện nhân cách của trẻ sau này. Bàn về vai trò của giáo dục mầm non, Hồ Chủ tịch đã dạy: “Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ tốt sau này các cháu thành người tốt”.

Sự phát triển thể chất của trẻ ở lứa tuổi này đặt cơ sở cho sự phát triển thể chất suốt đời sau này của trẻ, đồng thời nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lí và nhân cách của trẻ.

Cơ thể khoẻ mạnh giúp trẻ trở nên hoạt bát, hồn nhiên hơn và có những xúc cảm, tình cảm lành mạnh với mình, với người khác và với thế giới xung quanh.

Description: https://hanoiacademy.edu.vn/wp-content/uploads/2017/04/GDTC-tre-em-o-do-tuoi-MN-7.jpgGiáo dục thể chất gắn liền với giáo dục trí tuệ cho trẻ. Bởi lẽ, cơ thể trẻ phát triển khoẻ mạnh, hệ thần kinh được phát triển thăng bằng, các giác quan tinh tường… sẽ giúp cho đứa trẻ tích cực hoạt động, tích cực tiếp xúc và làm quen với môi trường xung quanh. Nhờ đó mà hoạt động nhận cảm của trẻ thêm phong phú và chính xác, tư duy trở nên nhạy bén. Mặt khác, trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo sẽ say sưa, hứng thú hơn trong quá trình tri giác cái đẹp của thế giới xung quanh (đồ dùng, đồ chơi…) và tự nó có khả năng tạo ra cái đẹp và sống theo cái đẹp (biết giữ gìn đồ chơi sạch đẹp, biết gọn gàng, ngăn nắp,…). Trẻ khoẻ mạnh sẽ thích lao động, thích làm những công việc tự phục vụ mình và giúp đỡ bạn bè, người lớn xung quanh.

Ở nước ta, trong những năm gần đây đã tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em, song tỉ lệ trẻ mắc các bệnh: còi xương, suy dinh dưỡng; các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hoá… còn khá cao. Nguyên nhân không hoàn toàn là do điều kiện kinh tế, mà chủ yếu là do thiếu kiến thức chăm sóc – giáo dục thể chất cho trẻ (thiếu hiểu biết đầy đủ về chế độ dinh dưỡng, luyện tập, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, về phương pháp chăm sóc sức khoẻ… cho trẻ).

Như vậy, giáo dục thể chất cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ là rất quan trọng, các bậc cha mẹ, những người nuôi dạy trẻ cần phải đặt giáo dục thể chất lên nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình nuôi – dạy trẻ.

1.2. Nhiệm vụ, nội dung và phương pháp của giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ

1.2.1. Nhiệm vụ

Để tạo cho đứa trẻ có một cơ thể khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, phát triển hài hoà, cân đối, người ta đề ra ba nhiệm vụ giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ như sau:

– Bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục trẻ em lứa tuổi nhà trẻ. Bởi vì ở tuổi này cơ thể trẻ phát triển rất nhanh, nhưng sức đề kháng còn yếu, các cơ quan còn non yếu, cần phải được chăm sóc đặc biệt nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ diễn ra đúng lúc, nâng cao khả năng miễn dịch đối với những bệnh trẻ thường mắc phải. Nhiệm vụ này bao gồm: nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học (nuôi bằng sữa mẹ dưới 6 tháng tuổi, cho ăn đủ chất, đủ lượng, hợp vệ sinh và theo một chế độ sinh hoạt khoa học; chăm sóc hợp lý (tắm, rửa, quần áo, chơi, học…); rèn luyện một cách khoa học (các bài tập vận động, trò chơi, dạo chơi…).

– Phát triển và hoàn thiện các vận động của trẻ. Nhờ có tính thích nghi của hệ thần kinh, khi sức khoẻ của trẻ được bảo vệ và tăng cường, kĩ năng vận động của trẻ được hình thành, phát triển và hoàn thiện dần. Đó là những vận động lẫy, bò, ngồi, đứng, đi, chạy, nhảy và vận động của bàn tay, ngón tay, khả năng phối hợp thị giác, thính giác và vận động.

– Hình thành một số thói quen văn hoá vệ sinh ban đầu cho trẻ. Đó là những thói quen ăn uống, vệ sinh, sinh hoạt (tắm rửa, chơi tập); thói quen tự phục vụ… Những thói quen này được hình thành trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện theo mọi chế độ sinh hoạt mang tính khoa học, diễn ra một cách thường xuyên, liên tục và ổn định.

1.2.2. Nội dung và phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ

Để thực hiện được ba nhiệm vụ giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, người lớn cần tổ chức tốt chế độ sinh hoạt hằng ngày, tổ chức vận động hợp lí và có sự quan tâm chu đáo về sức khoẻ, về vệ sinh cho trẻ. Đó là những nội dung chủ yếu của giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ.

a) Tổ chức chế độ sinh hoạt hằng ngày hợp lí

– Chế độ sinh hoạt hằng ngày và ý nghĩa của nó

Chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ là một quy trình khoa học nhằm phân phối thời gian và trình tự các hoạt động trong ngày cũng như việc ăn uống, nghỉ ngơi một cách hợp lí nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ được xây dựng dựa trên đặc điểm sinh lí và tâm lí của trẻ. Do vậy, nếu xây dựng được chế độ sinh hoạt hằng ngày hợp lí và thực hiện nó một cách nghiêm túc (đúng mốc thời gian cho từng hoạt động, luôn điều hoà giữa thức và ngủ, giữa hoạt động tĩnh và hoạt động động…) có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục thể chất cho trẻ. Trước hết, chế độ sinh hoạt hằng ngày hợp lí đảm bảo cho trẻ thoả mãn các nhu cầu về ăn, ngủ, hoạt động, giữ cho hệ thần kinh được thăng bằng, trẻ luôn luôn ở trạng thái thoải mái, vui vẻ. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, ổn định chế độ sinh hoạt hằng ngày còn hình thành ở trẻ nền nếp và những thói quen tốt trong cuộc sống.

Chế độ sinh hoạt hợp lí vừa là nội dung vừa là phương tiện để phát triển tâm lí của trẻ. Thông qua thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày: ăn uống, vệ sinh, đặc biệt là chơi tập, hoạt động nhận cảm của trẻ được phát triển, vốn từ ngày một phong phú, xúc cảm, tình cảm và đạo đức, óc thẩm mĩ cũng được hình thành và phát triển.

Như vậy, có thể nói rằng chế độ sinh hoạt hằng ngày vừa là nội dung vừa là phương tiện để giáo dục thể chất nói riêng và giáo dục toàn diện cho trẻ.

Để có một chế độ sinh hoạt hằng ngày hợp lí cho trẻ cần phải quán triệt một số yêu cầu sau đây khi xây dựng chế độ sinh hoạt hằng ngày và thực hiện nó.

– Chế độ sinh hoạt phải làm thoả mãn nhu cầu phát triển của trẻ, phù hợp với độ tuổi. Bởi lẽ, mỗi thời kì phát triển của cơ thể, nhu cầu ăn, ngủ, chơi tập… của trẻ khác nhau. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ cần phải có chế độ sinh hoạt phù hợp. Căn cứ vào nhu cầu phát triển của trẻ, ở trường mầm non người ta có chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi như: chế độ sinh hoạt cho trẻ từ 3– 6 tháng; chế độ sinh hoạt cho trẻ từ 6– 12 tháng; từ 12– 18 tháng; từ 18– 24 tháng; từ 24 tháng– 36 tháng.

– Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho trẻ và tạo ra cảm giác an toàn cho trẻ.

– Không được áp đặt theo ý muốn chủ quan của người lớn, mà phải xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của trẻ; phải tạo điều kiện để trẻ phát triển một cách tối ưu những khả năng vốn có của trẻ.

– Khi thực hiện chế độ sinh hoạt cần phải linh hoạt, mềm dẻo dựa trên hoàn cảnh, điều kiện và đặc điểm riêng của trẻ, song không được cắt xén một nội dung nào.

– Đảm bảo cho trẻ được hoạt động tích cực (nhưng không quá sức), được nghỉ ngơi một cách thoải mái nhằm phục hồi những năng lượng đã tiêu hao trong các hoạt động; tạo ra sự cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi, giữa hoạt động tĩnh và hoạt động động.

– Đảm bảo trình tự được lặp đi lặp lại, tránh xáo trộn nhiều các trật tự cần thiết, nhằm tạo nếp và thói quen cho trẻ.

– Chế độ sinh hoạt phải phù hợp với khí hậu từng mùa, từng vùng và điều kiện kinh tế của địa phương, gia đình.

– Những nội dung chủ yếu trong chế độ sinh hoạt của trẻ lứa tuổi nhà trẻ và cách thực hiện

Nội dung chủ yếu trong chế độ sinh hoạt của trẻ lứa tuổi nhà trẻ gồm:

– Tổ chức ăn uống cho trẻ.

– Tổ chức ngủ cho trẻ.

– Tổ chức chơi – tập cho trẻ.

Tuỳ theo từng lứa tuổi cụ thể mà có sự khác nhau trong việc tổ chức chế độ ăn uống, ngủ, chơi tập cho trẻ. Chẳng hạn, trẻ dưới một tuổi cần đảm bảo thời gian dành cho ngủ nhiều hơn, còn đối với trẻ 2– 3 tuổi thì thời gian thức – chơi tập nhiều hơn.

* Tổ chức ăn uống cho trẻ

Ăn uống là nhu cầu tất yếu của mọi sinh vật. Song phương thức thoả mãn nhu cầu này ở con người khác xa với mọi sinh vật khác. Ăn uống đối với trẻ em không chỉ cốt no, mà thông qua ăn uống trẻ thoả mãn nhu cầu giao lưu tình cảm với những người xung quanh, mở mang hiểu biết về thế giới xung quanh.

– Để tăng cường sức khoẻ, phát triển thể chất và mang lại niềm vui cho trẻ trong khi ăn uống cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau đây:

+ Thức ăn, đồ uống phải đảm bảo vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng: prôtit, lipit, tinh bột, khoáng chất… phù hợp với nhu cầu của trẻ ở độ tuổi của nó (không ép đứa trẻ ăn vượt quá nhu cầu dinh dưỡng mà nó cần). Bú mẹ là tốt nhất đối với trẻ trong năm đầu. Ngoài bú mẹ, cần cho trẻ ăn thêm những thức ăn khác như: hoa quả tươi, rau tươi, sữa và các loại thức ăn bằng sữa được chế biến từ lỏng đến đặc dần, từ mềm đến rắn dần. Không nên cho trẻ ăn cơm quá sớm (trước 18 tháng), nhưng cũng không nên kéo dài thời gian cho trẻ ăn bột, ăn cháo (24– 36 tháng), sẽ không có lợi cho hoạt động tiêu hoá của dạ dày. Cần tổ chức cho trẻ ăn uống hợp lí, đúng giờ với không khí thoải mái, vui vẻ để tạo ra cảm giác ngon miệng và mong muốn được ăn khi đến bữa. Đồng thời phải tập cho trẻ ăn thức ăn đa dạng về khẩu phần và chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức khoẻ cho trẻ.

– Quá trình tổ chức cho trẻ ăn uống và những yêu cầu cơ bản khi cho trẻ ăn uống.

+ Trước khi cho trẻ ăn uống, cần vệ sinh chân tay, mặt mũi và đeo yếm cho trẻ; thức ăn phải được nấu chín, không quá nóng, không quá nguội, lạnh; bát đĩa, thìa phải khô, sạch; bàn ghế phải vừa tầm thước của trẻ, kê ở nơi thoáng mát. Một việc rất quan trọng trước khi cho trẻ ăn uống người lớn phải tạo cho trẻ tâm thế thoải mái, vui vẻ và có nhu cầu ăn uống.

+ Trong quá trình cho trẻ ăn, người lớn tạo cho trẻ cảm giác ăn ngon miệng, động viên trẻ ăn hết tiêu chuẩn, hình thành mối quan hệ thân thiết giữa trẻ với người lớn ngay trong khi cho trẻ ăn (nói chuyện với trẻ, âu yếm trẻ, khuyến khích, động viên trẻ ăn…). Một điều cần quan tâm khi cho trẻ ăn là, người lớn phải quan sát, theo dõi những biểu hiện của trẻ trong khi ăn: trẻ có ăn ngon miệng hay không nguyên nhân và những giải pháp cần thiết. Đối với những trẻ lười ăn, chưa tự xúc cơm… cần phải được giúp đỡ kịp thời.

+ Sau khi cho trẻ ăn. Sau khi trẻ ăn xong, cần giúp trẻ vệ sinh mồm miệng, chân tay và uống nước tráng miệng (uống đủ lượng nước cần thiết); không để trẻ vận động mạnh (chạy nhảy, nô đùa) không nên cho trẻ đi ngủ ngay sau khi ăn, mà cần có một thời gian để trẻ xuôi cơm.

* Tổ chức cho trẻ ngủ

Giấc ngủ tạo ra sự cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi, giúp cho cơ bắp, thần kinh được thư giãn, phục hồi sau những vận động trước đó. Trẻ càng nhỏ thì sức làm việc của hệ thần kinh càng yếu vì thế trẻ mau mệt mỏi. Giấc ngủ sâu là liều thuốc bổ giúp trẻ bù đắp lại sức làm việc của não bộ.

Những yêu cầu cơ bản của việc tổ chức cho trẻ ngủ:

+ Khi xác định chế độ sinh hoạt hằng ngày, không chỉ tính đến lứa tuổi mà còn tính đến đặc điểm cá nhân của trẻ: trạng thái sức khoẻ, kiểu hình thần kinh. Những đứa trẻ có kiểu hình thần kinh yếu cần được nghỉ ngơi dài hơn. Nếu trẻ thường ngủ trước giờ quy định theo chế độ hằng ngày, thì cần kéo dài giấc ngủ của trẻ hoặc quay lại chế độ của nhóm tuổi trước đó.

+ Tạo mọi điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi để trẻ ngủ sâu, ngon giấc trong một thời gian hợp lí. Thời gian ngủ cần thiết của mỗi độ tuổi như sau:

 

 

Trẻ dưới 4 tháng tuổi: từ 18 – 20 giờ/ ngày

.

Trẻ 4 – 5 tháng tuổi: từ 16 – 18 giờ/ ngày.

Trẻ 6 – 12 tháng tuổi: từ 14 – 16 giờ/ ngày.

Trẻ 12 – 24 tháng tuổi: từ 12 – 14 giờ/ ngày.

Trẻ 24 – 36 tháng tuổi: từ 10 – 12 giờ/ ngày.

Không nên cho trẻ thức khuya cùng người lớn.

+ Tập cho trẻ có thói quen ngủ đúng giờ, đã nằm là ngủ ngay (đây là điều khó nhưng có thể rèn được).

– Quá trình tổ chức cho trẻ ngủ và những yêu cầu khi cho trẻ ngủ.

+ Trước khi trẻ ngủ, người lớn cần tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, yên ổn (an toàn) khi đi ngủ. Không để trẻ chơi đùa quá nhiều trước khi ngủ, không doạ nạt, kể chuyện gây sợ hãi cho trẻ trước khi ngủ.

Chỗ ngủ của trẻ phải thoáng mát, hợp vệ sinh (mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, không quá sáng, không quá tối, không hôi hám, ruồi muỗi…). Khi trẻ đi ngủ, nên đặt cho trẻ nằm theo tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, không nên cho trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp.

+ Trong khi trẻ ngủ, để trẻ đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng cần tạo ra một không gian yên tĩnh, đầm ấm, an toàn cho trẻ. Hát ru, sự vỗ về âu yếm là rất cần thiết khi cho trẻ ngủ.

+ Sau giấc ngủ (khi trẻ thức dậy). Khi thức dậy, nhiều trẻ (nhất là trẻ nhỏ) thường khóc (mếu máo) nếu không thấy người lớn ở gần. Do vậy, người lớn cần phải có mặt trong thời gian trẻ thức tỉnh. Khi trẻ thức tỉnh không nên cho trẻ dậy ngay mà cần cho trẻ nằm chơi một mình (nếu trẻ lớn thì đưa đồ chơi để trẻ tự chơi ở tư thế nằm, hoặc ngồi). Sau đó cho trẻ đi vệ sinh và rửa mặt mũi cho trẻ.

* Tổ chức vệ sinh cá nhân cho trẻ

Tập cho trẻ nhỏ biết giữ vệ sinh cá nhân là một việc làm khó nhưng rất cần thiết, nó giúp trẻ quen dần với nếp sống vệ sinh, sạch sẽ, ngăn nắp. Những nếp sống này có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ.

Nội dung tổ chức vệ sinh cá nhân cho trẻ bao gồm: vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, mắt, mũi, tai, họng; vệ sinh quần áo cho trẻ và tập cho trẻ đi tiểu, tiện có giờ giấc, đúng nơi quy định.

* Tổ chức chế độ chơi tập cho trẻ

Trong chế độ sinh hoạt hằng ngày, chế độ chơi tập vừa là nội dung vừa là phương tiện để giáo dục thể chất cho trẻ. Đồng thời, nó cũng là phương tiện, con đường để giáo dục trí tuệ, đạo đức,… cho trẻ. Chế độ chơi tập chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ khi nó được tính toán một cách hợp lí sự luân phiên giữa hoạt động tĩnh và hoạt động động; phát huy được sự tham gia tích cực của các vận động tay chân và trí não, phù hợp với đặc điểm phát triển của từng độ tuổi.

Trong chế độ sinh hoạt hằng ngày cũng cần tính đến việc rèn luyện cho trẻ thích nghi tốt hơn với điều kiện sống. Để trẻ thích nghi được với môi trường cần phải tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài trời, được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên (nắng; gió…). Qua tiếp xúc trực tiếp với môi trường thiên nhiên, trẻ không chỉ “dạn dày” với nắng, gió mà còn tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ trước những tác động của môi trường. Đành rằng việc tập luyện này phải diễn ra một cách có hệ thống, thường xuyên và cần tính đến đặc tính cá nhân của trẻ.

b) Tổ chức tập luyện và phát triển vận động cho trẻ tuổi nhà trẻ

Vận động là nhu cầu tự nhiên của con người, nó giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống con người nói chung và trẻ em lứa tuổi nhà trẻ nói riêng, bởi vì vận động là cơ sở của mọi hoạt động. Một đứa trẻ hiếu động thường thông minh hơn đứa trẻ lười vận động và chậm chạp. Sự phát triển vận động của trẻ không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển thể chất mà còn kéo theo sự phát triển tâm lí của trẻ.

Sự phát triển vận động là kết quả không chỉ của sự trưởng thành về cơ thể mà còn là sản phẩm của việc dạy dỗ. Dạy trẻ dưới ba tuổi những vận động cơ bản: lẫy, bò, ngồi, đi, chạy, nhảy, bước qua những chướng ngại vật… là nhiệm vụ cơ bản của người lớn.

Trong ba năm đầu, người lớn cần tạo điều kiện cho trẻ vận động một cách tích cực, phù hợp với độ tuổi. Khi lập chương trình tập luyện, phát triển vận động cho trẻ cần quán triệt các nguyên tắc sau đây:

– Chọn các bài tập và trò chơi có tác động chung đến sự vận động của cơ thể, đặc biệt là sự vận động tích cực của cơ bắp.

– Chọn các bài tập và trò chơi gây hứng thú đối với trẻ, đồng thời đặt ra nhiệm vụ vừa sức nhằm phát triển các vận động cơ bản.

– Khi tổ chức những buổi tập luyện (dưới hình thức chơi tập hay các bài tập luyện) cần phải tính đến độ tuổi, thậm chí đến đặc điểm riêng của trẻ để có những mức độ yêu cầu khác nhau. Ví dụ đối với trẻ dưới 1 tuổi, những bài tập phù hợp cần tập luyện cho trẻ là xoa bóp, tập lẫy, tập trườn, tập đứng lên ngồi xuống, tập đi men và bước đầu tập đi. Đối với trẻ 2 – 3 tuổi, ta có thể sử dụng những trò chơi vận động đơn giản mà trẻ hứng thú nhằm phát triển các vận động cơ bản như: đi chạy, nhảy, bò…, đặc biệt là dùng các bài tập đi tự do, những bài tập thể dục buổi sáng…

– Tập luyện cho trẻ vận động một cách thường xuyên, có hệ thống từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; tạo điều kiện cho mọi trẻ đều được vận động; động viên, khuyến khích, kích thích trẻ tích cực vận động, song tránh để trẻ vận động quá sức; luân phiên giữa các hoạt động tĩnh và hoạt động động, không để trẻ bị mệt vì những vận động quá phức tạp, vượt quá khả năng của trẻ.

– Dụng cụ tập luyện của trẻ phải phù hợp với vận động cần tập luyện cho trẻ, phải hấp dẫn – thu hút trẻ tích cực vận động (màu sắc đẹp, hình thức ngộ nghĩnh, có thể phát ra âm thanh…) và an toàn đối với trẻ (không sắc nhọn, không gây dị ứng da, an toàn khi trẻ “vô tình” ngậm…).

1.3. Nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo

1.3.1. Nhiệm vụ

Mục tiêu của giáo dục mẫu giáo là nhằm hình thành những cơ sở đầu tiên của nhân cách phát triển hài hoà về tinh thần, đạo đức và thể lực. Để thực hiện mục tiêu đó, giáo dục thể chất trong trường mẫu giáo có những nhiệm vụ cụ thể sau:

– Tiếp tục bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, đảm bảo sự tăng trưởng hài hoà của hè

+ Bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt (ăn, ngủ, thức) hợp lí, tích cực phòng bệnh, phòng tai nạn, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, sinh hoạt và thân thể, không để trẻ mệt mỏi vì hoạt động quá sức hoặc thần kinh căng thẳng.

+ Tổ chức rèn luyện có thể trẻ một cách hợp lí (tập thể dục và chơi các trò chơi vận động) nhằm tăng cường sức khoẻ, phát triển cân đối hình dạng và các chức năng của cơ thể, tăng cường khả năng thích ứng của trẻ với những thay đổi của thời tiết hoặc môi trường bên ngoài (nóng, lạnh, ẩm, hanh).

– Rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo vận động cơ bản và những phẩm chất vận động:

+ Hình thành, phát triển và hoàn thiện các kĩ năng, kĩ xảo vận động cơ bản (đi, chạy, nhảy, leo trèo), rèn luyện năng lực phối hợp cảm giác (chủ yếu là thị giác với thính giác), phối hợp các vận động của các bộ phận cơ thể với nhau (đầu, tay, chân, mình), vận động tĩnh của tay (cánh tay, cổ tay, các ngón tay), năng lực định hướng trong vận động (phải, trái, trên, dưới, đằng trước, đằng sau, trình tự các vận động).

+ Từng bước rèn luyện những phẩm chất của vận động, giúp cho trẻ vận động ngày càng nhanh nhẹn, linh hoạt, dẻo dai, gọn gàng (không có những động tác thừa như nghoẹo cổ, thè lưỡi, mím miệng khi thao tác tay, xô cả người về phía trước khi đá v.v…), ngày càng chính xác và khéo léo hơn.

– Giáo dục nếp sống, kĩ năng và thói quen vệ sinh

+ Trường mẫu giáo có nhiệm vụ giáo dục cho trẻ nếp sống có giờ giấc. Rèn luyện cho trẻ thói quen ăn, ngủ, thức đúng giờ và dễ dàng thích nghi khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác (ăn, ngủ, chơi, lao động v.v…). Những thói quen này không những khiến trẻ ăn ngon, ngủ say, hoạt động thoải mái, ảnh hưởng tốt đến sức khoẻ của trẻ mà còn rất cần thiết để trẻ dễ dàng thích nghi với thời khoá biểu học tập sau này ở trường tiểu học.

+ Giáo dục kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ sức khoẻ và tăng cường thể lực.

Có nhiều kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh về thân thể, về ăn uống, về quần áo và vệ sinh môi trường có thể hình thành ở trẻ và từng bước trở thành thói quen của trẻ.

1.3.2. Nội dung và phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo

a) Giáo dục các kĩ năng và thói quen vệ sinh

Như đã trình bày, giáo dục các kĩ năng và thói quen vệ sinh là một khâu quan trọng trong hệ thống giáo dục thể chất và trong việc hình thành nhân cách. Việc giáo dục kĩ năng và thói quen vệ sinh cho trẻ mẫu giáo gồm những nội dung cơ bản sau:

– Vệ sinh thân thể: Có thói quen rửa và giữ gìn sạch sẽ thân thể: biết rửa tay, súc miệng, biết dùng mùi xoa…

– Vệ sinh ăn uống: Rửa tay trước khi ăn, nhai kĩ, không bốc tay, làm rơi vãi thức ăn trong khi ăn, ăn xong rửa tay, súc miệng, lau mồm.

b) Tổ chức ăn cho trẻ

Cơ thể trẻ lứa tuổi mẫu giáo đang ở giai đoạn phát triển nhanh nên đòi hỏi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Ăn uống thiếu thốn hay quá no đều hạn chế sự phát triển, gây rối loạn tiêu hoá, phá hoại quá trình trao đổi chất và sức đề kháng của cơ thể, làm cho trẻ yếu ớt và do đó ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển tâm lí của trẻ.

Chế độ ăn uống hợp lí được xây dựng trên cơ sở mức năng lượng cần thiết ở độ tuổi (quy ra calo), sự kết hợp các thành phần thức ăn theo cấu tạo các thành phần hoá học (prôtit, lipit, gluxit, muối khoáng, vitamin), sự đa dạng của các loại thức ăn và cách nấu nướng.

Một số yêu cầu khi tổ chức bữa ăn cho trẻ:

– Phòng ăn sạch sẽ, thoáng mát. Bàn ghế sắp xếp thuận tiện cho trẻ ngồi xuống và đứng lên.

– Bàn ăn, bát đĩa phù hợp với lứa tuổi và được xếp có thẩm mĩ, giản tiện.

– Trước khi ăn khoảng nửa giờ, cần kết thúc các buổi đi dạo, các trò chơi đòi hỏi vận động căng thẳng. Thời gian này cần các trò chơi, các giờ học yên tĩnh. Tránh gây ra những căng thẳng thần kinh hoặc sự giận dỗi ở trẻ.

– Cho trẻ rửa tay, rửa mặt trước khi ăn, khi ngồi vào bàn được ăn ngay không phải chờ đợi lâu.

Hình thành cho trẻ các kĩ năng và thói quen ăn có văn hoá: Không ăn vội vàng, nhai kĩ; lấy thức ăn từng ít một; cầm thìa, bát, đũa đúng động tác, nhai nhỏ nhẹ. Với trẻ lớn cần có kĩ năng sử dụng các đồ dùng nhà bếp, có kĩ năng tự phục vụ. Như vậy, việc tổ chức cho trẻ ăn phải nhằm giáo dục trẻ tính độc lập và những thói quen văn hoá – vệ sinh thích hợp với lứa tuổi.

– Phát hiện nguyên nhân trẻ ăn không ngon miệng và đưa ra biện pháp khắc phục.

Bình thường, với bữa ăn tổ chức đúng đắn, trẻ ăn uống tự giác, vui vẻ và ngon lành. Song có nhiều trường hợp trẻ ghê sợ bữa ăn, có thái độ chống đối hay ăn uống uể oải. Khi ấy, nếu sử dụng phương pháp ép buộc, thậm chí cả phương pháp dỗ dành, khen gợi, đánh lạc hướng đều là không đúng và gây tác hại, gây ra tâm lí tiêu cực với bữa ăn.

– Cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân làm cho trẻ em không ngon miệng, thậm chí ghê sợ bữa ăn để từ đó đưa ra cách khắc phục hợp lí. Các nguyên nhân rất đa dạng, có thể là:

+ Thức ăn khô, khó nuốt.

+ Do tình trạng sức khoẻ không bình thường.

+ Do thức ăn lạ với trẻ, không thích hợp với trẻ vì gia đình chưa bao giờ cho ăn.

+ Do các em được nuông chiều ở nhà, khi ăn bao giờ cũng được người lớn dỗ dành v.v…

Từ các nguyên nhân trên, nhà giáo dục đưa ra các biện pháp khắc phục tích cực nhất, cần thiết với mỗi trẻ.

Cần thường xuyên trao đổi với cha mẹ về vấn đề ăn uống của trẻ để cùng phối hợp tất cho việc xây dựng chế độ ăn hợp lí cho mỗi trẻ và có tác dụng giáo dục hành vi và thói quen có văn hoá khi ăn.

c) Tổ chức cho trẻ ngủ

Giấc ngủ của trẻ có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi khả năng làm việc của các tế bào thần kinh. Một giấc ngủ sâu, đủ độ dài là phương tiện cơ bản để ngăn ngừa tình trạng quá mệt mỏi của hệ thần kinh và cơ thể.

Tình trạng ngủ nông, thường xuyên ngủ không đủ giấc có liên quan đến sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh. Những trẻ ngủ ít thì sự mệt mỏi thái quá càng dồn lại và sự hưng phấn xúc cảm tiêu cực càng dễ phát sinh, vì điều đó thường thể hiện ở sự trái tính trái nết ở đứa trẻ. Một giấc ngủ tốt vừa là một trong những điều kiện căn bản vừa là một trong những dấu hiệu của sức khoẻ trẻ em.

Từ lúc mới sinh cho tới 7 tuổi các thông số khác nhau về giấc ngủ có sự thay đổi:

– Sự hình thành giấc ngủ, độ dài chung của giấc ngủ, số giấc ngủ trong một ngày đêm giảm đi.

– Nhịp độ luân phiên giữa ngủ và thức cũng thay đổi. Ngủ dài về đêm và tăng thời gian thức nhiều về ban ngày.

Trong một giấc ngủ có các thời kì ngủ nông và ngủ sâu. Lúc đầu ngủ thiu thiu (ngủ nông) rồi tới thời kì ngủ sâu và sau đó là thời kì ngủ sâu lần thứ hai nhưng có yếu đi, cuối cùng là ngủ nông chuyển sang trạng thái thức dậy tự nhiên. Ở thời kì ngủ sâu thứ hai mới có sự ức chế ngủ sâu nhất và năng lực hoạt động của các tế bào thần kinh mới được phục hồi hoàn toàn. Ở thời kì nhất, giấc ngủ còn nông, những kích thích ngoại cảnh dễ dàng đánh thức trẻ. Bởi vậy, cần biết tổ chức đúng đắn cho giấc ngủ của trẻ.

– Tổ chức cho trẻ ngủ

+ Ngay từ đầu cần rèn luyện cho trẻ có thái độ tích cực đối với giấc ngủ.

+ Tính chất của sự chuyển từ thức sang ngủ ở các độ tuổi khác nhau là do những nguyên nhân khác nhau quyết định. Thường thường những khó khăn chuyển sang giấc ngủ là do trẻ có những hứng thú khác nhau, do sự phát triển của các quá trình nhận thức, do nhu cầu về các loại hoạt động và trò chơi ngày càng phức tạp. Nếu chưa tạo được cho trẻ nhu cầu mà cứ bắt trẻ ngừng chơi vào lúc cho trẻ đi ngủ sẽ làm cho trẻ khó chịu, có xúc cảm tiêu cực và muốn kéo dài thời điểm đi ngủ.

+ Một phương tiện cơ bản để tạo ra nhu cầu ngủ ở trẻ một cách đúng đắn (cảm giác hài lòng khi đi ngủ, ngủ thiếp đi nhanh chóng mà không cần tác động phụ thêm vào) là việc tạo ra một chế độ ngày – đêm thích hợp với lứa tuổi và những đặc điểm cá nhân trẻ. Muốn vậy cần tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ ngủ nhanh, ngủ sâu vào những giờ giấc đã định cho giấc ngủ.

+ Cần tạo ra trạng thái yên tĩnh cần thiết trước giờ ngủ: không có những hoạt động kích thích mạnh hưng phấn của trẻ, không làm ồn, không để ánh sáng chói chiếu vào phòng ngủ, phòng ngủ phải thoáng khí.

+ Cho trẻ ngủ đúng giờ để tạo ra phản xạ có điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện thói quen ngủ nhanh, ngủ ngon giấc.

+ Không nên có những hình thức giao tiếp gây xúc cảm tiêu cực và tạo ra hưng phấn cao ở vùng vỏ đại não.

– Chăm sóc cho trẻ lúc ngủ

+ Đặt cho trẻ ngủ với thái độ ân cần, giúp trẻ nằm đúng tư thế (nằm nghiêng, không nằm sấp, không co ro đầu gối).

+ Giúp đỡ riêng cho các trẻ yếu.

Gắn liền những công việc chuẩn bị đi ngủ với việc phát triển tính độc lập ngày càng cao ở các độ tuổi. Biến những thao tác chuẩn bị ngủ (cởi quần áo, bít tất, chuẩn bị giường chiếu v.v…) thành những nhân tố tích cực kích thích giấc ngủ.

Do sự khác biệt cá nhân, nên cho trẻ ngủ và thức dậy theo nhóm mà không nên làm đồng loạt. Tốt nhất là rèn luyện cho trẻ tự mình thức dậy trong vòng 30 – 45 phút.

Trường mẫu giáo cần phối hợp với gia đình để tổ chức cho trẻ ngủ buổi tối ở gia đình được tốt. Giúp cho gia đình hiểu rõ các phương pháp đúng đắn để tổ chức giấc ngủ cho trẻ. Không được cho trẻ dùng đồ uống kích thích mạnh như chè, cà phê, không kể chuyện sợ hãi; không cho trẻ xem truyền hình quá nhiều; cho trẻ ngủ đúng giờ trong trạng thái yên tĩnh.

d) Sự phát triển vận động

Giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo được thực hiện trong hai nhóm phương tiện và phương pháp: nhóm thứ nhất về chế độ sinh hoạt hằng ngày và nhóm thứ hai thuộc về các vận động của trẻ.

Vận động giữ vị trí quan trọng trong giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo. Vận động làm cho các cơ bắp và toàn bộ cơ thể hoạt động, do đó tăng cường hoạt động của các hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, tăng cường sự trao đổi chất và tăng cường sức khoẻ. Các vận động làm cơ sở chung cho mọi hoạt động. Sự thành công và kết quả của mỗi hoạt động phụ thuộc vào cường độ, sự khéo léo, nhịp nhàng của các vận động. Sự hoàn thiện các vận động còn có ý nghĩa đối với sự phát triển tâm lí.

Sự phát triển vận động gắn chặt với sự phát triển toàn bộ cơ thể và tâm lí của trẻ. Bởi vậy khi lập chương trình giáo dục thể chất nhằm phát triển vận động cần dựa trên những cơ sở:

– Ưu tiên lựa chọn các bài tập, trò chơi vận động lao động có tác dụng chung đến cơ thể và động viên nhiều cơ bắp tham gia.

– Chọn các bài tập, trò chơi gây hứng thú và đồng thời đặt ra trước trẻ một nhiệm vụ vừa sức.

– Tăng cường các nhóm cơ bắp còn yếu về mặt sinh lí và giáo dục tư thế đúng.

– Giáo dục kĩ năng hành động và vận động trong tập thể.

Sự phát triển vận động được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo như trò chơi vận động, thể dục buổi sáng, tiết học thể dục, dạo chơi, các trò chơi thể thao, lao động.

– Các trò chơi vận động, trò chơi thể thao là các hình thức hoạt động hấp dẫn trẻ em và có tác động giáo dục nhiều vận động cơ bản và sự phối hợp các vận động ấy. Các trò chơi vận động rất phong phú và đa dạng được lựa chọn trong chương trình phù hợp với từng độ tuổi. Với trẻ mẫu giáo bé, trò chơi bao gồm các vận động đơn giản kết hợp một cách khác nhau (đi, chạy, nhảy thấp) với các luật chơi đơn giản. Với trẻ mẫu giáo nhỡ, lớn thì nội dung vận động và luật chơi phức tạp hơn, đòi hỏi các em hiểu điều kiện chơi, vận động chính xác và đúng luật chơi.

Thể dục buổi sáng với tiết học thể dục là các hình thức giáo dục thể chất có mục đích, có kế hoạch và sự định hướng trong sự phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo. Các bài tập thể dục nhằm phát triển chung, các bài tập phát triển các nhóm cơ, các bài tập phát triển các vận động cơ bản giúp trẻ từ mức độ vận động tự do, rời rạc không định hướng tới mức độ thực hiện các vận động một cách chủ động, phối hợp nhịp nhàng các động tác, giữ được sự cân bằng cho cơ thể khi hoạt động là một bước tiến lớn lao.

Bài tập thể dục có tác động tốt đến hoạt động sinh lí của cơ thể. Cơ bắp được vận động thích hợp sẽ tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng cường sự làm việc của các cơ quan bên trong của hệ tim mạch, hệ hô hấp chẳng hạn, sẽ diễn ra trong các bài tập về tuần hoàn có hệ thống. Đặc biệt là sự làm việc toàn vẹn của các tế bào thần kinh của não được tăng cường sẽ có tác động trở lại đối với toàn bộ vận động và hoạt động của các cơ quan. Bởi vậy, sự phát triển của vận động sẽ phục vụ cho những chỉ số phát triển chung về tâm lí của trẻ.

Đi dạo của trẻ ở ngoài trời với không khí trong lành có tầm quan trọng đối với việc phát triển thể lực của trẻ. Đi dạo là phương tiện rèn luyện thích hợp nhất đối với cơ thể trẻ. Đi dạo giúp trẻ thích nghi với những biến đổi của thời tiết và môi trường, giúp trẻ vận động nhiều làm tăng cường sự trao đổi chất, giúp trẻ rèn luyện các phẩm chất linh hoạt, khéo léo, mạnh dạn và dẻo dai hơn. Trẻ được rèn luyện các kĩ năng và kĩ xảo vận động, củng cố hệ cơ và nâng cao trương lực sống.

Nội dung đi dạo rất phong phú. Có thể kết hợp trong giờ đi dạo các hoạt động khác nhau như các trò chơi, học tập, lao động và phát triển ngôn ngữ.

Muốn đạt được hiệu quả cao, cô giáo cần làm các công tác chuẩn bị tất cho các buổi đi dạo. Chuẩn bị về mặt tâm lí để gây hứng thú cho cuộc đi dạo. Chuẩn bị cơ sở vật chất như quần áo, giày, dép, mũ, có phương tiện vui chơi ngoài trời. Đặc biệt cần phải chuẩn bị về nội dung trong cả quá trình đi dạo để hoạt động của trẻ được liên tục, hấp dẫn và vừa với sức trẻ.

Đi dạo cũng gắn liền với việc xây dựng sân trường của trường mẫu giáo với những thiết bị cần thiết. Sân chơi phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu sư phạm, vệ sinh và đáp ứng được các hoạt động đa dạng của trẻ trong giờ đi dạo, hoạt động ngoài trời.

1.4. Phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ lứa tuổi mầm non

Phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là tập hợp các đối tượng vật chất và tinh thần được sử dụng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện thể chất cho trẻ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất cho trẻ. Phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ tuổi mầm non rất đa dạng và phong phú. Trong đó có những phương tiện cơ bản sau:

– Chế độ sinh hoạt hợp lí, phù hợp với từng độ tuổi. Đó là chế độ ăn, ngủ, chơi tập, vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp… được sắp xếp một cách khoa học sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất nói riêng, giáo dục toàn diện cho trẻ nói chung. Ví dụ: chế độ ăn uống điều độ và đủ chất sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động tiêu hoá và đáp ứng kịp thời các chất dinh dưỡng cần thiết cho các cơ quan, giúp cho cơ thể trẻ được tăng trưởng và phát triển tốt. Giấc ngủ bình thường, hợp lí sẽ đảm bảo sự nghỉ ngơi và tăng khả năng làm việc của hệ thần kinh.

– Môi trường thiên nhiên xung quanh trẻ. Ánh sáng, không khí và nước là những yếu tố thiên nhiên rất cần thiết cho cơ thể con người. Tận dụng được các yếu tố này trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ và khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường thiên nhiên, nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật cho trẻ.

+ Ánh sáng mặt trời chứa những tia tử ngoại được da hấp thụ để sản sinh Vitamin D, làm tăng cường khả năng trao đổi chất của cơ thể, giúp xương phát triển tốt, tăng khả năng làm việc của não.

+ Không khí trong lành có chứa nhiều hợp chất đặc biệt, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, tăng lượng máu nhờ hấp thụ ô–xi. Cho trẻ tiếp xúc với môi trường có tác dụng rèn luyện cơ thể, giúp cho cơ thể trẻ thích ứng được với nhiệt độ môi trường luôn thay đổi. Nhờ đó mà trẻ tránh được những bệnh cảm lạnh, cảm nắng…

+ Nước sạch không chỉ cần thiết cho việc ăn uống của con người mà nó còn cần thiết giúp cho việc tắm rửa, vệ sinh cho con người, đặc biệt là trẻ em. Khi tắm gội, nước giúp rửa sạch các vết bẩn trên da, làm giãn nở và lưu thông mạch máu, nâng cao trương lực cơ và thúc đẩy chúng hoạt động tích cực, làm hưng phấn hệ thần kinh, gây cảm giác sảng khoái.

Ngoài ánh sáng, không khí và nước, cây xanh cũng rất cần thiết cho cơ thể trẻ trong quá trình trao đổi chất với môi trường.

– Các bài tập luyện, các hình thức tổ chức hoạt động, giúp cho trẻ phát triển và hoàn thiện các vận động cơ bản như: lẫy, bò, ngồi, đi, chạy, cử động của bàn tay, ngón tay… Đó là các bài tập xoa bóp, các bài tập phát triển chung, các bài tập phát triển vận động và những trò chơi vận động dành cho trẻ em từng độ tuổi.

 

Description: Image result for Giáo dục thể chất trẻ em lÆ°a tuổi mầm nonBởi vậy không chỉ ba mẹ mà thầy cô cũng cần chú trọng  hơn việc nâng cao rèn luyện thể chất của trẻ. Thầy cô nên gia tăng các hoạt động thể dục thể thao hay đơn giản là thầy cô có thể tích hợp nhiều các hoạt động thể chất vào việc học cho trẻ. Điều này vừa tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện sức khoẻ lại vừa giúp trẻ củng cố kiến thức, nhớ lâu hơn trong việc học tập.

 

“Cơ thể không vận động giống như nước trong ao tù”, vì vậy, tạo điều kiện cho trẻ vận động chính là cho trẻ “không gian” phát triển bản thân và thể hiện tính tự lập đang dần định hình ở lứa tuổi mầm non. Đồng thời, qua việc tham gia các môn thể thao phối hợp dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên chuyên nghiệp, các bé biết mô phỏng, làm đúng các động tác từ dễ đến khó, từ đó tăng tính tích cực, sự tự giác, sức chịu đựng cũng như khả năng thích ứng. Các bé có được những tố chất này sẽ là “một thế hệ công dân “mới” được phát triển toàn diện về cả thể lực, trí lực, đạo đức và tâm hồn, là nền tảng cho mọi cấp bậc giáo dục tiếp theo sau nhằm tạo ra những công dân “toàn cầu” xuất sắc”

 

GIÁO DỤC HỌC MẦM NON