GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON – Học Và Làm

[ad_1]

NỘI DUNG

  1. Khái niệm và ý nghĩa của giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non

–  Khái niệm: Giáo dục thẩm mỹ là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục đến trẻ, nhằm giúp trẻ biết nhận ra cái đẹp, có hứng thú, yêu thích cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp trong sinh hoạt và hoạt động cá nhân.

–  Ý nghĩa: Giáo dục thẩm mỹ mà trung tâm là giáo dục cái đẹp và đưa cái đẹp vào trong đời sống một cách sáng tạo, là một nhiệm vụ rất quan trọng của giáo dục nhân cách phát triển toàn diện.

 Tình yêu cái đẹp, xúc cảm thẩm mỹ nảy sinh rất sớm ở lứa tuổi này. Nhu cầu muốn làm cho mình trở nên đẹp, nhu cầu khám phá cái đẹp ở xung quanh là động lực tinh thần mạnh mẽ ở mỗi đứa trẻ. Tuổi thơ luôn nhìn thế giới bằng cặp mắt trong sáng, tất cả đối với trẻ dường như rực rỡ hơn, mặt trời chói lọi hơn, chị “Hằng Nga” huyền bí hơn, bông hoa rực rỡ, dòng sông tung sóng, cơn giông ập đến v.v… chúng bộc lộ xúc cảm thẩm mỹ thật hồn nhiên và trong trẻo. Lứa tuổi này tiếp nhận và hình thành năng lực sáng tạo thẩm mỹ ban đầu rất cần thiết cho việc hình thành tài năng sáng tạo về sau.

Giáo dục thẩm mỹ có mối liên hệ mật thiết với giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, lao động và thể chất. Những cảm xúc thẩm mỹ có ảnh hưởng lớn đến bộ mặt đạo đức của con người và làm cho tình cảm con người thêm cao thượng.

2. Nhiệm vụ, nội dung giáo dục thẩm mỹ cho trẻ

       +  Phát triển khả năng cảm nhận cái đẹp: Cung cấp và làm giàu ấn tượng xung quanh cho trẻ, trên cơ sở đó phát triển tri giác thẩm mỹ của trẻ.

+  Hình thành xúc cảm thẩm mỹ: khả năng biểu đạt qua các hình thức hoạt động nghệ thuật. Phát triển ở trẻ năng lực xúc cảm thẩm mĩ và hứng thú với nghệ thuật. Bước đầu giáo dục thị hiếu nghệ thuật cho trẻ.

+ Phát triển khả năng sáng tạo, khả năng hoạt động nghệ thuật

  1. Thực hiện nội dung giáo dục thẩm mỹ cho trẻ

  • Dạy trẻ quan sát và cảm thụ vẻ đẹp của thiên nhiên

       Thiên nhiên và cuộc sống xung quanh bản thân nó đã chứa đựng rất nhiều vẻ đẹp, rất nhiều những điều bất ngờ và thú vị. Trẻ càng nhìn, càng nghe nhiều màu sắc, nhiều âm thanh của thiên nhiên, của cuộc sống bao nhiêu thì cảm giác và tri giác của trẻ càng trở nên nhạy bén, tinh tế bấy nhiêu và phạm vi xúc cảm biểu hiện sự phát triển tinh thần của trẻ càng trở nên rộng lớn.

       Trong quá trình tiếp xúc với thiên nhiên với cỏ cây, hoa, lá, các con vật… trẻ được tiếp xúc và cảm nhận cái đẹp ở xung quanh, từ đó khơi gợi ở trẻ nguồn cảm hứng vô tận cho việc sáng tạo ra cái đẹp.

       Giáo viên cần tổ chức và tạo điều kiện cho trẻ được quan sát, nhận ra cái đẹp của thiên nhiên bằng cách gợi ý cho trẻ như  khi quan sát vườn trường, cô có thể đặt các câu hỏi như: Vườn trường hôm nay có gì đẹp? Con thấy cây nào nào đẹp nhất? Vì sao? Các con hãy lắng nghe xem trong vườn có âm thanh gì không? Theo các con đấy là tiếng hót của con gì?. Chỉ ra cho trẻ những thay đổi của màu sắc, âm thanh của cảnh vật xung quanh qua các mùa.Chẳng hạn: Mùa … trường mình có gì đẹp? Con thích mùa … ở điểm nào? Tại sao? Mùa nào con thích nhất?

       Có thể tổ chức cho trẻ quan sát một số lần cùng một hiện tượng từ đó trẻ mới nhận thấy vè đẹp sâu sắc. Nếu chỉ một lần thì trẻ chưa cảm thụ được hết, nhận thức vẫn còn mờ nhạt, trẻ dễ quên.

  • Giáo dục vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày

  • Giáo dục vẻ đẹp trong mối quan hệ với những người thân xung quanh

Trước hết cần chỉ cho trẻ thấy cái đẹp trong lỗi cư xử của mỗi người đối với người thân xung quanh. Đó là thái độ tôn trọng lễ phép với người lớn, nói năng nhẹ nhàng, yêu thương những người thân

Trong quá trình giáo dục trẻ, giáo viên cũng nên khai thác những vể đẹp từ chính trẻ và các bạn trong lớp bằng các câu hỏi như: Lớp ta hôm nay bạn nào gọn gàng nhất? Tóc ai chải mượt và đẹp nhất? Con thích áo (váy) của bạn nào nhất? Vì sao? Con hãy nhìn vào gương xem cô chải lại tóc cho con thế này có đẹp hơn không?

  • Dạy trẻ hành vi văn hóa

Giáo dục cái đẹp cho trẻ không thể bỏ qua việc rèn luyện hành vi văn hóa. Chính những cử chỉ, hành vi đẹp đẽ là thể hiện thái độ đúng đắn với mọi người và điều đó phải được tiến hành gaios dục một cách toàn diện, tỉ mỉ từ dáng đi, kiểu đứng, ăn uống đến việc giữ gìn vệ sinh.

  • Giáo dục trẻ vẻ đẹp trong mối quan hệ với đồ vật xung quanh

Trẻ nhỏ thường rất hứng thú với đồ vật, đồ chơi có màu sắc tươi sáng, phát ra âm thanh hoặc chuyển động được. Do vậy, người lớn cần làm cho trẻ chú ý đến các sự vật, hiện tượng và dạy trẻ biết nhìn ra, phát hiện được cái đẹ của thế giới đồ vật. Đồng thời dạy cho trẻ các qui tắc ứng xử đúng đắn, đẹp, có văn hóa với những đồ vật xung quanh

Việc giáo dục cái đẹp cho trẻ nhỏ cũng cần chú ý đến việc sắp xếp, trang trí phòng học, phòng chơi… Một môi trường sạch, đẹp, gọn gàng sẽ ảnh hưởng tốt đến xúc cảm, tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của trẻ. Trẻ vừa học, vừa khám phá  trong môi trường vừa cảm nhận cái hay, cái đẹp từ đó. Giáo viên cần thiết kế môi trường trong và ngoài lớp phù hợp với các mục đích giáo dục và mang tính thẩm mỹ cao. Tường ở lớp phải được sơn màu phù hợp với chức năng của từng phòng, với từng loại hình hoạt động của trẻ. Màu sơn tường phải tươi sáng và được trang trí bằng những hình ảnh vui nhộn, khơi gợi xúc cảm tích cực và trí tưởng tượng của trẻ. Các đồ dùng, đồ chơi phải được lựa chọn và sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, mang tính mở để tạo cơ hội tối đa cho trẻ hoạt động ở các góc. Ở góc khoa học có thể chuẩn bị các nguyên vật liệu mở như các loại vải vụn, giấy vụn nhiều màu sắc, các loại hạt, lá cây, quả khô, vỏ của các động vật thân mềm, lông của một vài loại chim… Mỗi lớp cũng cần thiết kế một góc thiên nhiên, vừa tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc trực tiếp và khám phá các đối tượng là vật thật, vừa giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp từ màu sắc, hương vị và âm thanh của thiên nhiên. Giáo viên cần chọn các loại hoa, cây cảnh có màu sắc, hình dạng, cấu tạo, hương thơm đa dạng và các con vật bé nhỏ, có tiếng kêu hoặc cách vận động ngộ nghĩnh. Các đối tượng này cần phải được chính cô và trẻ chăm sóc cẩn thận để luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.

  • Bước đầu cho trẻ làm quen với nghệ thuật

Nghệ thuật là một phương tiện toàn diện và vô tận để giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Thông qua việc cho trẻ  tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật giúp trẻ nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, vẻ đẹp của cuộc sống, của nhân cách con người. Do vậy nhiệm vụ của người giáo viên mầm non là phải biết lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật phù hợp với nhận thức, tâm lý của trẻ để hướng dẫn, giúp trẻ cảm thụ được tính thẩm mỹ ở mỗi tác phẩm.

Cho trẻ tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật (văn học, âm nhạc, hội hoạ…) đa dạng, phong phú và phù hợp với lứa tuổi, giúp trẻ làm quen với cái đẹp trong các tác phẩm nghệ thuật, trong nội dung và hình thức biểu hiện của nó.

Tập cho trẻ một số kĩ năng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật như kể chuyện, đọc thơ, múa hát, vẽ….

Tạo cơ hội cho trẻ sáng tạo khi tham gia các hoạt động nghệ thuật

 

CÂU HỎI, BÀI TẬP

  1. Phân tích khái niệm và ý nghĩa của giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non.

  2. Quan sát môi trường lớp học tại trường mầm non, hãy chỉ ra các yếu tố phù hợp và chưa phù hợp của môi trường đó trong giáo dục thẩm mĩ cho trẻ.

  3. Phân tích các nội dung giáo dục thẩm mĩ cho trẻ mầm non. Liên hệ thực tiễn thực hiện các nội dung này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Hòa, Giáo dục học mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2009.

  2. Karen Kearns, The Big Picture: Working in Children’s Services Series, Pearson Australia, 2010

  3. Penny Tassoni, Kath Bulman et al., Early Years Care and Education, Heinemann Educational Publishers, 1999.

  4. Penny Tassoni, Certificate Child Care and Education, Heinemann Educational Publishers, 2000

    https://Facebook.com/phanhieutcmiendong