GIẢI MÃ KHÁI NIỆM ‘NHÀ NƯỚC’
Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng
Nhà nước là gì? Nhà nước có “tiêu vong” hay không như C. Mác và Ph. Ăngghen đã từng dự báo? Trong bài viết này, tác giả chủ yếu phân tích thực chất, hạn chế hiểu biết, đề xuất giải pháp cách tư duy chân thật để nhận thức đúng khái niệm nhà nước, xây dựng quốc gia kiến tạo phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thực chất khái niệm ‘nhà nước’
Trong Mục 1 Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; tuy nhiên, trong Mục 2 Điều 2 lại ghi nhận “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”. Vậy nhà nước (government) và nước (country) có gì khác nhau? Để hiểu rõ vấn đề này, trước hết, cần phải phân tích làm sáng tỏ nhà nước là gì?
Nhà nước bao hàm các thuật ngữ “nhà” và “nước”.Trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (2005), thuật ngữ nhà được hiểu là tập hợp “những ông vua cùng một dòng họ kế tiếp nhau trị vì”, tức là nói về cơ quan hành pháp (chính phủ hay chính quyền trung ương) trong tổ chức chính quyền của “nhà nước” chưa kiến tạo phát triển; thuật ngữ nước được hiểu là “vùng đất, trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị – xã hội”, tức là nói về cơ quan lập pháp (quốc hội hay nghị viện) trong tổ chức chính quyền của “nước nhà” không kiến tạo phát triển.
Nhà và nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hình thành nhà nước. Trong Từ điển Tiếng Việt, nhà nước được hiểu là tổ chức chính trị – xã hội, do “chính phủ đứng đầu, quản lý công việc chung của một nước”, tức là nói về quốc hội, chính phủ, toà án, viện kiểm sát hay viện công tố (cơ quan tư pháp) trong tổ chức“chính quyền dân sự” (chính quyền nhân dân) của “quốc gia” (nước) kiến tạo “sự phát triển” – khái niệm biểu hiện thực chất sự cân đối, cân bằng, hài hoà về môi trường sống của các cá thể, tập thể, xã hội loài vật trong thế giới tự nhiên, sự công bằng, bình đẳng, công lý về quyền lợi vật chất, giá trị tinh thần, đời sống tâm linh của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người.
Điều đó có nghĩa, về thực chất, nhà nước là nói về chính quyền dân sự của một nước hay quốc gia trong xã hội loài người. Nhà nước, nước nhà, quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển, dạng mô hình: bản chất sự thật nhà nước chưa kiến tạo phát triển – thực chất thật quốc gia kiến tạo phát triển – tính chất thật sự nước nhà không kiến tạo phát triển.
Từ các phân tích cho thấy rằng, về thực chất, trong quốc gia là không thể có nhà nước mà chỉ có chính quyền dân sự, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Theo đó, trong quốc gia cũng không thể có giai cấp, mà chỉ có các cá nhân (cá thể), nhóm (tập thể), cộng đồng (xã hội) người cùng sinh sống, làm việc ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nói cách khác, trong quốc gia, xã hội loài người là không thể có “giai cấp nông dân” hay “giai cấp công nhân” như đã được ghi nhận tại Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 2013; không thể có hiện tượng giai cấp, nhà nước “tiêu vong” như C. Mác và Ph. Ăngghen đã từng dự báo.
Hạn chế hiểu biết khái niệm nhà nước trên thế giới và ở Việt Nam
Hạn chế hiểu biết trên thế giới
Hiểu biết khái niệm nhà nước của công dân, kể cả người nghiên cứu ở các quốc gia trên thế giới còn hạn chế. Nhiều thế kỷ qua, những người nghiên cứu chỉ nhìn nhận tính chất hình thức nước nhà, bản chất nội dung nhà nước, chứ không nhìn nhận thực chất nguyên lý quốc gia hay nước tồn tại ở giữa, dạng mô hình: bản chất nhà nước– thực chất quốc gia– tính chất nước nhà.
Hiện nay, nhiều công dân kể cả những người nghiên cứu chưa hiểu biết rõ thực chất mối liên hệ giữa nhà nước và tri thức khoa học như sau: nhà nước biểu hiện bản chất tri thức chưa khoa học; nước nhà biểu hiện tính chất tri thức không khoa học; còn nước, quốc gia biểu hiện thực chất tri thức khoa học. Tức là, những người nghiên cứu từ cổ xưa cho đến nay đã hiểu biết chưa khoa học về thuật ngữ, khái niệm nói chung, nhà nước nói riêng.
Hạn chế hiểu biết khái niệm nhà nước làm cho công dân, người lãnh đạo, nghiên cứu chưa hiểu biết rõ mối liên hệ giữa hình thức tăng trưởng kinh tế về “lượng” biểu hiện nước nhà không kiến tạo phát triển; bản chất nội dung tăng trưởng kinh tế về “chất” biểu hiện nhà nước chưa kiến tạo phát triển; thực chất nguyên lý tăng trưởng kinh tế về “chất lượng” biểu hiện quốc gia kiến tạo phát triển. Sự thiếu hiểu biết này được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căn bệnh sùng bái tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Tức là, nhiều công dân, người lãnh đạo, quản lý, quản trị ở các quốc gia chỉ quan tâm mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chứ ít coi trọng mục tiêu chỉ số phát triển con người (HDI); ít coi trọng phát triển tự nhiên, xã hội, con người, quốc gia.
Hạn chế hiểu biết ở Việt Nam
Hiểu biết khái niệm nhà nước ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thậm chí sai lầm; bởi vì, nhà nước được những người nghiên cứu đồng nhất với nước, quốc gia. Chẳng hạn, trong Từ điển Tiếng Việt như đã nêu ở trên, nhà nước được nhìn nhận chung chung là tổ chức do chính phủ đứng đầu “quản lý công việc chung của một nước”, chứ không nhìn nhận rõ là chính quyền dân sự quản trị công việc chung trong một nước; nước được nhìn nhận chung chung là “vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị – xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định. Nước Việt Nam”, chứ không phân biệt rõ mối liên hệ giữa nước, quốc gia với chính quyền và cộng đồng xã hội. Tức là, nhiều người nghiên cứu đã không phân biệt rõ sự khác nhau giữa nội dung nhà nước, hình thức nước nhà, và nguyên lý quốc gia hay nước tồn tại ở giữa, dạng mô hình: nhà nước– nước–nước nhà.
Hạn chế hiểu biết khái niệm nhà nước làm cho công dân, đội ngũ cán bộ (đại biểu dân cử, công chức, viên chức, thẩm phán, kiểm sát viên)có tư tưởng sai lầm khi gắn quyền lực chính trị với bạo lực và đấu tranh giai cấp; làm cho nhiều người nghiên cứu không hiểu rõ mối liên hệ giữa bản chất nội dung pháp luậtvàthực chất nguyên lý pháp quyền trong quốc gia. Hạn chế này còn làm cho nhiều công dân, cán bộ, người nghiên cứu không hiểu rõ thực chất pháp luật của nhân dân chứ không phải “pháp luật của nhà nước” như đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản (2021); đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước” như đã được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều khái niệm chưa và không liêm chính học thuật đang được ghi nhận, sử dụng rộng rãi trong các văn bản pháp luật, hành chính hiện hành, xuất phát từ việc hiểu biết chưa đúng khái niệm nhà nước,như: kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước, bí mật nhà nước, quản lý nhà nước, sở hữu nhà nước, lợi ích nhà nước, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là cụm từ “tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của công dân trong Bộ luật hình sự bị coi là phạm tội và bị chính quyền trung ương (Chính phủ) bắt bỏ tù. Tức là, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã bộc lộ là tổ chức chính trị thiếu liêm chính (thiếu liêm khiết) trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của quốc gia; hay về thực chất, ở Việt Nam là chưa có chính quyền của nhân dân, các công chức lãnh đạo chưa biết quản trị quốc gia mà chỉ biết “quản lý nhà nước”– khái niệm chưa liêm chính học thuật.
Giải pháp nhận thức đúng khái niệm nhà nước, xây dựng quốc gia kiến tạo phát triển bền vững ở Việt Nam
1) Thay đổi cách tư duy, hình thành cách tư duy chân thật
Từ các phân tích ở phần trên, tác giả bài viết này cho rằng, hạn chế hiểu biết khái niệm nhà nước là do tư duy chưa chân thật của công dân nói chung, người nghiên cứu nói riêng. Tư duy chưa chân thật có nguồn gốc xuất phát từ ý thức hệ tư tưởng chưa tiến bộ, chưa sáng tạo của công dân làm việc trong chính quyền và xã hội dân sự, như: lòng tham vật chất, quyền lực, tiền bạc, danh vọng; hay quan điểm, quan niệm chưa khoa học, chưa đúng về nhà nước. Tức là, tư tưởng chưa tiến bộ, quan điểm, quan niệm chưa đúng về thuật ngữ, khái niệm nói chung, nhà nước nói riêng được nhìn nhận là cội nguồn dẫn đến tư tưởng độc tài, độc quyền, độc đoán, chủ quan, kiêu ngạo; dẫn đến tư duy thiếu khoa học, hành động bạo lực, xung đột, nội chiến, chiến tranh điêu tàn giữa các cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người.
Do vậy, để nhận thức đúng khái niệm nhà nước, tác giả bài viết khuyến nghị rằng, những người nghiên cứu ở Việt Nam cần phải thay đổi cách tư duy của mình, hình thành cách tư duy chân thật cho công dân; bởi vì, công dân thiếu chân thật khi giao tiếp, học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học trong chính quyền và xã hội dân sự sẽ làm cho quốc gia kém phát triển, thậm chí phản phát triển, đưa cộng đồng dân tộc mình trở lại thời kỳ nô lệ kiểu mới, thậm chí bị diệt vong bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bá quyền.
2) Xây dựng pháp luật của nhân dân
Hiện nay pháp luật (phép luật) chưa phải của nhân dân mà là của “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “pháp luật của nhà nước” như đã được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản. Do vậy, xây dựng quốc gia kiến tạo phát triển bền vững cần phải xây dựng pháp luật của nhân dân. Pháp luật của nhân dân biểu hiện ở các mặt chủ yếu như sau: pháp luật chưa của nhân dân, chưa bảo vệ được công lý; pháp luật không của nhân dân, không bảo vệ được công lý; pháp luật của nhân dân, bảo vệ được công lý, dạng mô hình: bản chất pháp luật chưa của nhân dân – thực chất pháp luật của nhân dân– tính chất pháp luật không của nhân dân. Tức là, pháp luật không của nhân dân là không xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững; pháp luật chưa của nhân dân là chưa xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững; còn pháp luật của nhân dân là xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững.
3) Xây dựng chính quyền của nhân dân
Hiện nay chính quyền chưa phải của nhân dân mà là của Đảng Cộng sản, bởi vì Đảng được coi là lực lượng “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Điều 4 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ, hay quyền lực là của Nhà nước (quyền lực nhà nước) như Điều 2 Hiến pháp 2013 đã xác định. Do vậy,xây dựng quốc gia kiến tạo phát triển bền vững cần phải xây dựng chính quyền của nhân dân. Chính quyền của nhân dân biểu hiện ở các mặt chủ yếu như sau: chính quyền chưa của nhân dân gắn với quyền lực chưa của nhân dân; chính quyền không của nhân dân gắn với quyền lực không của nhân dân; chính quyền của nhân dân gắn với quyền lực của nhân dân, dạng mô hình: bản chất chính quyền chưa của nhân dân –thực chất chính quyền của nhân dân – tính chất chính quyền không của nhân dân. Tức là, chính quyền chưa của nhân dân thì chưa xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững; chính quyền không của nhân dân thì không xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững; chính quyền của nhân dân thì xây dựng được quốc gia kiến tạo phát triển bền vững.
Kết luận
Nhà nước biểu hiện thực chất chính quyền của nhân dân trong quốc gia.Quốc gia không thể phát triển bền vững khi các công dân làm việc không khoa học, không chân thật, đặc biệt là công dân có chức trách làm việc trong chính quyền. Do vậy, việc nhận thức đúng khái niệm nhà nước là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để nhận thức đúng khái niệm này, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong quốc gia cần phải tôn trọng sự thực và công lý, xây dựng chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân chứ không phải chính quyền do một cá nhân, nhóm đảng phái nào đó thao túng, nắm giữ, chi phối, hay do “giai cấp công nhân lãnh đạo”; đồng thời xây dựng nền giáo dục khai phóng, khoa học và nhân văn, hình thành những công dân, người lãnh đạo biết tư duy chân thật, sáng tạo, hành động có trách nhiệm, nhằm xây dựng xã hội dân chủ, quốc gia pháp quyền kiến tạo phát triển bền vững ở Việt Nam.
…………………………………
Tài liệu trích dẫn, tham khảo chính:
1. C. Mác, Ph. Ăngghen. Toàn tập.Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật. Hà Nội, 1994, t. 21, tr. 255-257.
2. Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980 và 1992). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
3. Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
4. https://diendankhaiphong.org/ban-ve-khai-niem-hoc-thuat/
5. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/toa-n-va-n-ba-n-tuye-n-ngo-n-do-c-la-p-771240.html
6. https://trithucvn.org/van-hoa/dien-van-cua-dan-dan-va-vi-dan-tong-thong-abraham-lincoln.html
7. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Anh-Việt.Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
8. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật. Hà Nội, 2021, t. 1.
9. Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2005.