GDP Trung Quốc tăng 8.1%, trên đà thành nền kinh tế lớn nhất thế giới
GDP Trung Quốc tăng 8.1% trong năm 2021. Ảnh: Xinhua
Hoàn cầu Thời báo dẫn số liệu do Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17.1 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội – GDP của Trung Quốc năm 2021 đạt 114,37 nghìn tỉ nhân dân tệ (18 nghìn tỉ USD).
Ông Liu Xuezhi, chuyên gia kinh tế vĩ mô cấp cao của Ngân hàng Truyền thông, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 tiếp tục “phục hồi nhẹ” trong thời kỳ hậu COVID-19, với các chỉ số kinh tế chính hoạt động ở mức tương đối ổn định.
Quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2021 tăng 2 nghìn tỉ USD so với năm 2020, hay gần tương đương với GDP của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới là Italia vào năm 2020, dựa trên tính toán của Hoàn cầu Thời báo.
“Quy mô sản lượng kinh tế gia tăng trong năm 2021 cũng đạt mức cao mới” – ông Tian Yun, cựu phó giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, cho hay. Ông ước tính rằng từ năm 2020 đến năm 2021, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đóng góp hơn 50% vào tỷ trọng của thế giới, làm nổi bật vai trò của Trung Quốc như là mỏ neo và ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng GDP 2,3%. Tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc giai đoạn 2020-2021 là 5,1%, cũng dẫn đầu hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Mỹ dự kiến tăng 5,6% vào năm 2021, và tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính là 1,05% trong giai đoạn 2020-2021.
Trong quý 4 năm 2021, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 4,0%. Tăng trưởng kinh tế trong quý 1, 2 và 3 lần lượt là 18,3%, 7,9% và 4,9%.
Đồ họa tăng trưởng GDP Trung Quốc từ năm 2012 đến 2021. Ảnh: NBS/Global Times
“Tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc giảm dần trong suốt cả năm. Áp lực giảm đã lên đến đỉnh điểm vào quý 3, nhưng hầu hết đã được giải tỏa trong quý 4, có nghĩa là nền kinh tế đã chạm đáy và có thể khởi đầu thuận lợi trong năm nay” – Tian nói.
Mặc dù áp dụng chiến lược zero-COVID, song sản lượng nhà máy của Trung Quốc – được thúc đẩy bởi cả nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài và chuỗi cung ứng linh hoạt trong nước – tiếp tục chuỗi hoạt động sôi động vào năm 2021, trong khi đầu tư vào sản xuất và bất động sản giảm và sự hồi sinh của COVID-19 ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Theo NBS, doanh số bán lẻ tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 44,08 nghìn tỉ nhân dân tệ trong năm 2021. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng 9,6% và đầu tư vào tài sản cố định tăng 4,9%, đạt 54,45 nghìn tỉ nhân dân tệ.
Năm 2021, khối lượng ngoại thương của Trung Quốc đạt 6,05 nghìn tỉ USD, lần đầu tiên vượt qua cột mốc 6 nghìn tỉ USD.
Các nhà phân tích cho biết trong thời gian tới, sự lan rộng của biến thể Omicron ở Bắc Kinh, Chu Hải và Thiên Tân cũng như sự trỗi dậy của biến thể Delta đã phủ bóng đen lên chi tiêu trong dịp Tết nguyên đán và triển vọng kinh tế cho quý 1 năm 2022, mặc dù tác động này có thể sẽ biến mất vào quý 2.
Theo một báo cáo của Viện Khoa học Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức vừa phải vào khoảng 5,5% vào năm 2022.
“Năm nay, các nhà chức trách được phép điều chỉnh để có một chính sách tài khóa chủ động hơn nhằm thúc đẩy kinh tế, nhưng sẽ không phải là biện pháp kích thích ồ ạt” – ông Tian nói.
Số liệu kinh tế của Trung Quốc đánh dấu một sự bắt kịp hơn nữa với Mỹ – quốc gia được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021.
Trước đó, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, nhưng cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Justin Lin cho rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu này sớm nhất là vào năm 2028.
Cuộc đua song mã sẽ trở nên sôi động vào năm 2022, khi mức tăng trưởng của Trung Quốc được IMF dự báo là 5,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng của Mỹ dự kiến là 5,2%.
SONG MINH/Báo Lao Động