GD hoà nhập: Đòi hỏi giáo viên có tầm hiểu biết sâu rộng
GD&TĐ – Vấn đề hòa nhập cho trẻ khuyết tật được đặt ra trong các nhà trường phổ thông, nhằm đáp ứng nhu cầu được học tập và tiếp cận với xã hội. Điều này đòi hỏi đội ngũ giáo viên tại các sở giáo dục phải được trang bị tốt các kiến thức và kỹ năng giáo dục đặc biệt.
TS Lê Thị Thúy Hằng, Khoa GDĐB – Trường CĐSP Trung ương cho rằng: Năng lực sư phạm là yêu cầu quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của nghề dạy học nói chung và đối với mỗi giáo viên nói riêng. Hiện nay, hoạt động sư phạm ở các trường hòa nhập, các trường và trung tâm chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật rất đa dạng và phong phú.
Điều này đòi hỏi người giáo viên dạy giáo dục đặc biệt không chỉ vững kiến thức chuyên môn GDĐB mà còn phải có tầm hiểu biết sâu rộng, có kỹ năng tổ chức, kỹ năng chăm sóc, tổ chức quá trình dạy học và giáo dục của mình một cách có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của hai đối tượng học sinh (học sinh bình thường và học sinh khuyết tật). Để có được những năng lực sư phạm như vậy, đòi hỏi sinh viên phải tự trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như thực hành các kỹ năng sư phạm của bản thân cùng với sự hỗ trợ của các giảng viên và các phương tiện hỗ trợ quá trình dạy học.
Theo PGS. TS Lê Văn Tạc, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, nhu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học hòa nhập và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phải đáp ứng các kiến thức như: Các kiến thức giáo dục hòa nhập về đặc điểm phát triển của trẻ thuộc các dạng khuyết tật, lập kế hoạch giáo dục cá nhân, xác định khả năng và nhu cầu của trẻ và đánh giá kết quả giáo dục trẻ khuyết tật là những vấn đề cần thiết nhất.
Vì vậy để đảm nhiệm tốt vai trò giáo dục học sinh đặc biệt, giáo viên mầm non có nhiệm vụ: Thực hiện can thiệp sớm bao gồm xây dựng môi trường dạy và học có các hoạt động can thiệp sớm và giáo dục cá nhân; Điều chỉnh chương trình cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật; Làm và sử dụng các công cụ, thiết bị dạy học và đồ dùng, đồ chơi; Hướng dẫn phụ huynh trẻ khuyết tật; Làm và sử dụng các hồ sơ của trẻ; Nâng cao nhận thức cho gia đình, những người liên quan và cộng đồng về khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật.
Việc thực hiện giáo dục hòa nhập sẽ bao gồm: Xây dựng môi trường học tập có tính đa dạng; Xây dựng môi trường học tập có sự hợp tác giữa: Trẻ – trẻ; giáo viên – trẻ; giáo viên – phụ huynh/người chăm sóc; giáo viên – đồng nghiệp; giáo viên – giáo viên hỗ trợ của trường; giáo viên – cán bộ khác; Thu thập thông tin về trẻ; Xác định khả năng, nhu cầu và mong muốn của trẻ; Lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và soạn kế hoạch bài học; Tiến hành các hoạt động theo chương trình Giáo dục Mầm non dựa trên chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Đối với giáo viên tiểu học cũng phải đảm đương các nhiệm vụ: Thực hiện giáo dục hòa nhập: Xây dựng môi trường học tập có tính đa dạng; Xây dựng môi trường học tập có sự hợp tác giữa: Học sinh – học sinh; giáo viên – học sinh; giáo viên – phụ huynh/người chăm sóc; giáo viên – đồng nghiệp; giáo viên – giáo viên hỗ trợ của trường; giáo viên – cán bộ khác; Thu thập thông tin về trẻ; Xác định khả năng, nhu cầu và mong muốn của trẻ; Lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và soạn kế hoạch bài học; Dạy các môn học của theo chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT.
GV và cán bộ QL cần đáp ứng các kĩ năng như: kĩ năng về xác định khả năng của trẻ thuộc các dạng khuyết tật, kĩ năng lập kế hoạch giáo dục cá nhân, kĩ năng đặc thù dạy trẻ, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với trẻ khuyết tật và đánh giá kết quả giáo dục vẫn được đề cập trong khảo sát là rất cần thiết của cả giáo viên các trường mầm non, tiểu học.