Elizabeth Đệ Nhị và những thành tựu của vị Nữ hoàng thời phi thực dân hóa – Tạp chí đặc biệt
Sau 70 năm trị vì, đứng đầu nhà nước quân chủ lập hiến, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị đã qua đời ở tuổi 96 vào chiều ngày 08/09/2022. Với sức mạnh mềm, Nữ hoàng đã cứu lấy hoàng gia, duy trì sức ảnh hưởng của Anh Quốc trong thời hiện đại, ngay cả khi cánh cửa thực dân đã đóng lại ở đất nước mà “mặt trời không bao giờ lặn”.
Quảng cáo
Ngay khi có thông tin sức khoẻ của Nữ hoàng suy yếu, chiều hôm 08/09, nhiều người đã đến trước điện Buckingham để cầu nguyện. Cho đến khi thông tin bà qua đời, chính thức được công bố vào chiều tối cùng ngày, quảng trường trước điện Buckingham đã chật kín. Người cầm hoa, người cầm nến, tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính đối với vị Nữ hoàng của hàng triệu người dân trên toàn thế giới. Đám đông đồng thanh hát quốc ca “God Save the Queen” – “Xin chúa phù hộ Nữ hoàng”. Một số người không cầm được nước mắt.
“Tôi chưa từng là một người hâm mộ hoàng gia, và tôi không biết tại sao tôi lại xúc động đến vậy. Tôi chỉ nghe tin bà mất cách nay vài phút thôi. Trước đó, tôi không nghĩ là tôi sẽ đau lòng như thế này. Tôi cũng vừa mới nhận ra là Nữ hoàng là một người rất quan trọng, nhất là đối với sự ổn định.”
Mục Lục
Biểu tượng của sự ổn định
Sự ổn định đó, đến từ cách tiếp cận bình tĩnh, có chút trấn an của Nữ hoàng, theo Forbes. Elisabeth II đưa ra những bài phát biểu trong lúc đất nước cần bà nhất : từ cuộc khủng hoảng năm 1956 khi Ai Cập chiếm giữ kênh đào Suez, làm suy giảm sức ảnh hưởng Anh Quốc, hay cuộc khủng hoảng lao động những năm 1980, cho đến các vụ khủng bố năm 2005 ở Luân Đôn và cả trong đại dịch Covid-19. Theo tác giả của cuốn Queen of our Times, ông Robert, được AP trích dẫn : “Trong thế giới mà chính trị và chính trị gia thường làm cho người ta thất vọng thì bà ấy là người thể hiện sự chân thành.” Bà đã vượt qua rào cản giai cấp, khiến những người theo chủ nghĩa “cộng hòa” cũng phải miễn cưỡng tôn trọng bà cũng như thể chế mà bà trị vì.
Người cứu lấy hoàng gia Anh
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi chế độ quân chủ của Anh dường như có nguy cơ bị xoá bỏ giống như nhiều chế độ khác. Nữ hoàng Elizabeth II là người thực sự cứu lấy hoàng gia, trang Vanity Fair khẳng định. Năm 1947, trong dịp sinh nhật lần thứ 21, khi đó Elizabeth, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, khi vẫn còn là công chúa bà đã tuyên thệ : “ Tôi tuyên bố trước toàn thể dân chúng, tôi sẽ cống hiến cả cuộc đời mình, dù ngắn hay dài để phục vụ mọi người và phục vụ hoàng gia vĩ đại nhất của tất cả chúng ta”, hãng tin Reuters trích dẫn.
Cam kết đó, Nữ hoàng đã thực hiện trọn vẹn. Chỉ hai ngày trước khi qua đời, tay chống gậy, vẻ mặt yếu ớt, bà đã thực hiện nghi thức bổ nhiệm tân thủ tướng Anh Liz Truss, hôm 06/09 tại lâu đài Balmoral ở Scotland.
Chế độ quân chủ lập hiến thời hiện đại
Qua nhiều thập kỷ đầy biến động chính trị, xã hội và văn hóa, Elizabeth Đệ Nhị đã thành công duy trì chế độ quân chủ và sự phổ biến của Hoàng Gia, theo hãng tin Reuters. Khi nước Anh phát triển thành một xã hội bình đẳng hơn, giai cấp thống trị phải nhường chỗ cho tầng lớp trung lưu. Những người theo hệ tư tưởng cha truyền con nối mất chỗ đứng trong Quốc Hội Anh. Bà đã tìm cách hiện đại hoá chế độ quân chủ, đưa thể chế vào thế giới hiện đại.
Elisabeth Đệ Nhị đã xuất hiện trên truyền hình thường xuyên và nhiều lần trò chuyện trực tiếp với người dân. Bà cũng điều chỉnh cách nhìn nhận về cuộc hôn nhân hoàng gia trong thế giới hiện đại, chấp thuận ly hôn và tự do yêu đương. Tạp chí Forbes cho biết bà cũng “chạy theo” công nghệ, lần đầu tiên đăng bài trên Twitter vào năm 2014. Nữ hoàng cũng là vị quân vương đầu tiên gửi lời chúc Giáng Sinh hàng năm qua video.
Nữ hoàng Elizabeth II cùng thành viên hoàng gia ở ban công cung điện Buckingham. 02/06/2022.
AFP – DANIEL LEAL
Giảng viên lịch sử tại đại học Luân Đôn, bà Anna Whitelock trả lời hãng tin Reuters : “ Định nghĩa thành công của bất kỳ vị quân vương nào đó là duy trì chế độ quân chủ và bảo đảm sự kế vị. Đó là những gì bà ấy làm được. Bà đã duy trì chế độ quân chủ qua thời kỳ vạn biến, và bảo đảm có người kế vị.”
Đối với phần lớn thế giới, Elizabeth Đệ Nhị là hiện thân của nước Anh. Hình ảnh Nữ hoàng xuất hiện trên đồng bảng Anh, những con tem hay những tấm thiệp. Thế nhưng bà lại là một người bí ẩn, không bao giờ trả lời phỏng vấn và hiếm khi bày tỏ cảm xúc hoặc đưa ra quan điểm cá nhân trước công chúng, Reuters nhắc lại Nữ hoàng không tham gia vào chính trị, không nắm thực quyền. Hoàng gia mà bà đại diện chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống dòng tộc và sự thống nhất của quốc gia.
Nữ hoàng thời phi thực dân hóa
Giáo sư tại đại học Birmingham, ông Kehinde Andrews, và cũng tác giả của cuốn “Thời đại mới của đế quốc” (The new age of empire), cho rằng tùy theo định nghĩa “làm tròn trách nhiệm là gì”.
“Nếu như làm trong nghĩa vụ của một Nữ hoàng đại diện cho quyền tối cao của người da trắng và đại diện cho mối liên hệ với chủ nghĩa thuộc địa, thì tôi nghĩ rằng đúng là bà ý đã làm rất tốt”, Reuters trích dẫn.
Trong suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng đã chứng kiến sự tan rã của gần như toàn bộ Đế Quốc Anh và sự ra đời của khoảng 50 quốc gia độc lập. Elizabeth Đệ Nhị đã giúp Anh Quốc làm mờ đi một “lịch sử phi thực dân hóa đẫm máu”, với tư cách là một nguyên thủ quốc gia và cũng là quân chủ của 15 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung (Common Wealth). Tổ chức liên chính phủ này, gồm hơn 50 nước, hầu hết từng là thuộc địa của Anh Quốc, gia nhập trên tinh thần tự nguyện. Nữ hoàng phát biểu trước Quốc Hội Anh về tổ chức này năm 1997:
“Trong suốt 25 năm trị vì, tôi đã chứng kiến đế chế trở thành một khối thịnh vượng chung. Ngai vàng, từng là hiện thân của sự thống trị, nay trở thành biểu tượng của sự liên kết tự do và tự nguyện. Đây là một sự tiến bộ chưa từng có.”
Khối Thịnh Vượng Chung “bình đẳng”
Song hành cùng 15 thủ tướng Anh, Nữ hoàng Elizabeth được ví như “hoàng thân trao trả độc lập cho nhiều quốc gia nhất trên thế giới’, theo Le Monde. Năm 1953, khi thời đại Elisabeth II chính thức được mở ra, cũng là thời điểm mà quá trình thực dân hoá diễn ra nhanh chóng. Dù không có thực quyền chính trị, nhưng tài ngoại giao, khéo léo của bà đã giúp dàn xếp các cuộc trao trả độc lập diễn ra trong hoà bình cho 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hồng Kông và Nam Phi, theo The Independant.
Phải kể đến mối quan hệ nhạy cảm giữa Anh Quốc với các nước thuộc địa cũ của Anh ở châu Phi mà Nữ hoàng đã cố gắng duy trì. Trong 70 năm qua, Elizabeth II đã đến thăm 25 quốc gia ở châu Phi, (trong tổng số gần 130 nước), không ngừng củng cố mối quan hệ của mình với các nước châu Phi thuộc Khối Thịnh Vượng Chung. Giảng viên tại đại học Sciences Po Strasbourg bà Virginie Roiron cho biết trên đài RFI Pháp ngữ :
“Từ năm 1952-1953, Nữ hoàng đã cố gắng để tổ chức này thống nhất và không bị tan rã. Phải kể đến chuyến thăm Ghana của Nữ hoàng năm 1961. Mối lo ngại vào thời điểm đó là Ghana xích lại gần Liên Xô. Chuyến thăm của Nữ hoàng lúc đó rất quan trọng, để chỉ ra rằng khối Thịnh Vượng Chung không phải là đế quốc Anh dưới một hình thức khác mà là một tổ chức đa chủng tộc.
Với tư cách là lãnh đạo của khối, Nữ hoàng đã thực hiện những hành động khá là kín đáo. Ví dụ như tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Lusaka, thủ đô Zambie – thuộc địa cũ của Anh, hay việc tìm ra giải pháp cho phép Zimbabwe độc lập và cả lời mời Nelson Mandela ngay khi ông ra khỏi tù, ngay cả khi ông vẫn chưa chính thức trở thành lãnh đạo của một nước thuộc khối Thịnh Vượng Chung. Những hành động của bà nhằm mục đích làm vững chắc khối, Nữ hoàng thúc đẩy sự bình đẳng trong khối”.
Cam kết chống phân biệt chủng tộc
Theo Washington Post, bà đã từng làm việc “sau hậu trường” để khiến Khối Thịnh Vượng Chung lên án phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, nhưng lại bị chính phủ của thủ tướng Margaret Thatcher phản đối. Nữ hoàng cũng là người ủng hộ phong trào Black Lives Matter, trong khi gia đình hoàng gia lại bị cáo buộc có thái độ phân biệt chủng tộc, liên quan đến cặp đôi hoàng gia xứ Sussex Harry – Meghan.
Ngoài ra, Elizabeth Đệ Nhị cũng là một trong những người tích cực hoạt động từ thiện. Theo The Guardian, Nữ hoàng là một người làm từ thiện nhiều hơn bất kỳ vị vua nào khác trong lịch sử. Cá nhân bà hỗ trợ hơn 600 tổ chức từ thiện, trong tổng số 3000 tổ chức trên thế giới mà toàn bộ thành viên hoàng gia cùng hỗ trợ, theo Borgen Magazine.
Tương lai của một nước Anh vắng bóng Nữ hoàng
Sự ra đi của Elizabeth II chấm dứt kỷ nguyên trị vì lâu nhất của hoàng gia Anh, đặt lên câu hỏi liệu người kế vị, vua Charles III có tiếp nối, duy trì sự hiện diện của hoàng gia Anh cũng như sự tồn tại của Khối Thịnh Vượng chung, giống như cách mà Nữ hoàng đã làm hay không. Được chỉ định nối dõi hoàng tộc từ năm 3 tuổi, nhưng lên ngôi ở tuổi 73. Le Monde nhận định rằng đây có lẽ là số phận “bi kịch” của một vị vua lớn tuổi vì thời gian trị vì của ông sẽ ngắn hơn nhiều so với mẹ của mình. Vị vua mới khó có thể giành được tình cảm và sự quan tâm đông đảo của công chúng so với cố Nữ hoàng. Cách trị vì của hoàng gia Anh cũng sẽ khác : hiện đại hơn, cam kết nhiều hơn, nhất là với các vấn đề về môi trường – một chủ đề mà Charles III đặc biệt quan tâm.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký
Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế