EVNNPC đảm bảo cấp điện đúng tiến độ cho Khu công nghiệp Sông Khoai
Công ty Điện lực Quảng Ninh vừa cho biết đã đảm bảo đúng tiến độ cấp điện cho Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), phản hồi việc công ty Jinko Solar tại đây cho biết họ thiệt hại mỗi ngày khoảng 2 triệu USD do thiếu điện.
Liên quan đến phản ánh của Công ty Jinko Solar với tỉnh Quảng Ninh về việc hiện nhà máy của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Ninh) đã đi vào hoạt động, nhưng không đủ điện đưa ra tại Hội nghị gặp mặt Doanh nghiệp lần thứ nhất của năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh mới đây, Công ty Điện lực Quảng Ninh – đơn vị đang đảm trách việc bán điện tới các hộ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh cho biết đã đảm bảo đúng tiến độ cấp điện cho Khu công nghiệp này.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, KCN Sông Khoai do Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long là chủ đầu tư và đang bán điện trực tiếp qua trạm biến áp 110 kV Amata 1 công suất 1×63 MVA cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) là nhà đầu tư thứ cấp nằm trong hàng rào quản lý của Khu công nghiệp Sông Khoai. Như vậy, JinKo Solar mua điện trực tiếp từ Công ty Amata Hạ Long.
Tháng 9/2021, tỉnh Quảng Ninh trao giấy phép đầu tư cho Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Dự án Jinko Solar 2) có vốn đầu tư hơn 365 triệu USD tại Khu công nghiệp Sông Khoai. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam). Đây là dự án thứ 2 trong năm 2021 mà Jinko Solar đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai, cũng là dự án thứ cấp thứ 2 đầu tư vào khu công nghiệp này
Trước đó, ngày 31/3/2021 dự án thứ cấp đầu tiên đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai là Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam do Công ty Jinko Solar Hong Kong thực hiện. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Jinko Solar đặt tại Khu công nghiệp Sông Khoai là gần 900 triệu USD.
Trước đó, Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long đã ký thỏa thuận đấu nối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) có đăng ký nhu cầu nhận điện tại trạm biến áp 110 kV Amata 1 công suất 1×63 MVA tối đa là 15 MW.
Tới ngày 5/4/2022, Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long có văn bản số 58/VB-ACHL/2022 đề nghị chấp thuận tăng công suất nhận điện của trạm biến áp biến áp 110 kV Amata 1 từ 15 MW lên 25 MW và lên 66 MW sau khi đóng điện trạm biến áp 220 kV Yên Hưng và đường dây 110 kV xuất tuyến sau trạm biến áp 220 kV Yên Hưng; tăng từ 66 MW lên 165 MW sau khi đóng điện Đường dây 110 kV cấp điện cho trạm biến áp 110 kV Amata 1.
Tiếp đó vào ngày 27/4/2022, EVNNPC đã có văn bản trả lời và nêu rõ các nội dung đảm bảo cấp điện cho Khu công nghiệp Amata. Cụ thể, xuất tuyến 110 kV sau trạm biến áp 220 kV Yên Hưng có kế hoạch đóng điện đồng bộ với trạm biến áp 220 kV Yên Hưng (do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư) vào tháng 6/2022, sau khi đóng điện sẽ đảm bảo cung cấp điện cho KCN Sông Khoai.
EVNNPC đã kịp thời triển khai các dự án để đảm bảo cấp điện đúng tiến độ theo nhu cầu tăng công suất nhận điện mà Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long đề nghị. Đối với các phụ tải có nhu cầu tăng công suất đột biến không có trong Quy hoạch phát triển Điện lực, Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long có trách nhiệm thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch và đăng ký sớm với ngành điện để có kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện đảm bảo cung cấp đủ công suất sử dụng điện của khách hàng.
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, dù Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long đã đề nghị tăng công suất mua điện, nhưng việc đầu tư thêm đường dây và trạm biến áp phải có thời gian, bởi việc đầu tư mới phải tuân thủ quy định được cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện hiện có.