ENTERPRISE VALUE – ROLE AND PURPOSE OF BUSINESS VALUATION

Xin lỗi, Trình duyệt của bạn không hỗ trợ JavaScript!

Bạn hãy dùng những trình duyệt khác hoặt phiên bản trình duyệt cao hơn để sử dụng website tốt nhất!
Chào bạn…

GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP – VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

1. Giá trị doanh nghiệp        

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Quá trình kinh doanh thực hiện một cách liên tục, một số hoặc tất các các giai đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường đều nhằm mục đích để sinh lợi. Vì vậy, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế vị lợi, nhưng thực tế có một số tổ chức doanh nghiệp có các hoạt động không hoàn toàn nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Giá trị doanh nghiệp luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của các cá nhân và các tổ chức có lợi ích liên quan, gắn bó trực tiếp đến doanh nghiệp được xuất phát chủ yếu từ các yêu cầu quản lý và các giao dịch. Giá trị doanh nghiệp là tổng giá trị của tất cả các tài sản hữu hình và tài sản vô hình sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó nhằm mang lại lợi ích cho các chủ sở hữu và các nhà cung cấp tín dụng. Hay nói cách khác, giá trị doanh nghiệp là giá trị tài sản của doanh nghiệp, tại mỗi thời điểm, kỳ vọng về dòng tiền trong tương lai của các tài sản doanh nghiệp tạo ra được chiết khấu với tỷ suất sinh lợi được điều chỉnh với mức rủi ro thích hợp sẽ xác định được giá trị của doanh nghiệp.

 

2. Vai trò của thẩm định giá doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu xác định giá trị doanh nghiệp là một đòi hỏi hoàn toàn tự nhiên. Trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong hoạt động quản trị kinh doanh luôn cần thiết thông tin về giá trị doanh nghiệp. Do đó, thẩm định giá doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế, cụ thể hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp có một số vai trò quan trọng như:

  • Đối với Nhà nước

Hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp cung cấp các thông tin và dữ liệu cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nền kinh tế vĩ mô của cơ quan Nhà nước, từ đó đưa ra các chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, thẩm định giá doanh nghiệp giúp các cơ quan quản lý ban ngành của Nhà nước nắm được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có chính sách quản lý cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp như thu thế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản và các loại thuế khác.

  • Đối với các nhà đầu tư

Mong muốn của bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đều là khoản vốn được bảo toàn và đạt được mức lợi nhuận cao nhất tại từng mức độ rủi ro khác nhau trong khả năng chấp nhận được. Do đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp là cơ sở để các nhà đầu tư đưa ra các quyết định đúng đắn về đầu tư, hợp tác, liên doanh liên kết, tài trợ, tiếp tục cấp tín dụng hoặc thu hồi vốn. Do giá trị doanh nghiệp phản ánh được hiệu quả kinh doanh, khả năng sinh lời, tài chính, uy tín, cơ hội và tiềm năng phát triển phát triển trong tương lai của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư.

Thẩm định giá doanh nghiệp là cơ sở để giải quyết và xử lý các tranh chấp nảy sinh giữa các cổ đông của doanh nghiệp khi phân chia cổ tức, vi phạm hợp đồng…

  • Đối với doanh nghiệp

Thẩm định giá doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thị trường về các hoạt động: Mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, liên doanh liên kết, vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh…

Mục tiêu cơ bản của các nhà quản trị doanh nghiệp xét cho cũng vẫn là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Do đó, kết quả của hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp giúp các nhà quản trị doanh nghiệp có những phân tích, đánh giá chính xác về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình. Từ đó, nhìn nhận được cơ hội và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình để đưa ra các quyết định đúng đắn liên quan đến tài chính và chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn cũng như dài hạn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và kiểm soát được lợi nhuận một cách hiệu quả.

 

3. Mục đích của thẩm định giá doanh nghiệp

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới ngày càng diễn ra mạnh mẽ thì hoạt động thẩm định giá là một đòi hỏi tất yếu. Trong đó, thẩm định giá doanh nghiệp là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động thẩm định giá tài sản. Đối với mỗi chủ thể khác nhau trên thị trường thì việc tiếp cận giá trị doanh nghiệp cũng với những mục đích khác nhau. Cụ thể, hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp sẽ phục vụ cho các mục đích sau:

  • Mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp;
  • Liên doanh, liên kết;
  • Đầu tư, góp vốn;
  • Mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành trên thị trường;
  • Cổ phần hóa, phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO);
  • Vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh;
  • Thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về Thuế;
  • Thanh lý doanh nghiệp;
  • Giải quyết, xử lý tranh chấp;
  • Cải tổ nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Việt Nam đang trên đà phát triển và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế cũng như tự do hóa thương mại với sự tham gia của nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, các hoạt động như mua bán, sáp nhập, hợp nhất và chia nhỏ doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng sôi động. Để thực hiện được các giao dịch đó, các bên liên quan đều muốn nắm bắt được thông tin về đối tác một cách toàn diện và đòi hỏi phải có sự đánh giá trên phạm vi rộng lớn các yếu tố tác động đến doanh nghiệp thì giá trị doanh nghiệp là yếu tố đáp ứng được yêu cầu đó. Thẩm định giá doanh nghiệp cung cấp bức tranh tổng thể và chi tiết về tình hình của doanh nghiệp như cơ cấu vốn, hiệu quả kinh doanh, cơ hội và tiềm năng kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp. Do đó, giá trị doanh nghiệp còn là cơ sở để các bên thương thảo với nhau trong quá trình giao dịch mua bán, sáp nhập, hợp nhất và chia nhỏ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước ta đang đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường. Công tác thẩm định giá doanh nghiệp là một bước không thể thiếu và cũng là yếu tố quyết định đến sự thành công của quy trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thẩm định giá doanh nghiệp giúp xác định được quy mô vốn điều lệ, cơ cấu vốn, số lượng cổ phần bán ra công chúng, phần vốn Nhà nước nắm giữ để giữ được vai trò chỉ đạo đối với các ngành quan trọng, mức giá sàn để tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân có thể huy động được nhanh và nhiều vốn nhất thông qua việc tiến hành IPO trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có áp đặt một số quy tắc và yêu cầu nhất định về những thông tin mà doanh nghiệp buộc phải công khai để có thể thực hiện IPO. Giá cả của các loại chứng khoán được quyết định bởi giá trị thực của doanh nghiệp; do đó, việc nghiên cứu giá trị doanh nghiệp giúp các nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội kinh doanh chứng khoán phát hiện được các hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường, thâu tóm quyền kiểm soát doanh nghiệp để từ đó đưa ra các chính sách thích hợp để bình ổn và điều tiết thị trường cũng như nâng cao hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường như hiện nay thì không thể không nói đến vai trò và sự cần thiết của hoạt động thẩm định giá. Trong tương lai, ngành thẩm định giá nói chung và thầm định giá doanh nghiệp nói riêng sẽ tiếp tục đồng hành và phát triển ngày càng sâu rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cho nhiều mục đích khác nhau của doanh nghiệp.

Bài viết liên quan

Tin tức

  • TIÊU ĐIỂM THÁNG 3 - 2021

    TIÊU ĐIỂM THÁNG 3 – 2021

  • TIÊU ĐIỂM THÁNG 2 - 2021

    TIÊU ĐIỂM THÁNG 2 – 2021

  • Thực Trạng Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước

    Thực Trạng Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước

  • QUY TRÌNH THỰC HIỆN THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

    QUY TRÌNH THỰC HIỆN THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

  • PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

    PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

  • PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

    PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

  • PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

    PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

  • PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA THU NHẬP

    PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA THU NHẬP

  • PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TRONG THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

    PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TRONG THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

  • QUY TRÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP THEO PHƯƠNG PHÁP TÀI SẢN

    QUY TRÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP THEO PHƯƠNG PHÁP TÀI SẢN

© Bản quyền thuộc về MyWebsite. Thiet Ke Web Bởi 123Corp