E ngại tiêm chủng mở rộng?

E ngại tiêm chủng mở rộng? - Ảnh 1.

Phụ huynh chờ tiêm chủng dịch vụ cho con ở Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Văcxin tiêm chủng mở rộng đang bị e ngại, nên các bậc cha mẹ đổ xô đưa con đi tiêm văcxin dịch vụ. 

Mỗi mũi tiêm dịch vụ giá khá cao, gần 1 triệu đồng, nếu mua theo gói có thể lên tới xấp xỉ 20 triệu đồng cho các văcxin cần thiết trong thời gian đầu đời. Nhưng văcxin dịch vụ cũng cháy hàng. 

Ông Vũ Tuấn Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, vừa có văn bản khẩn, yêu cầu các nhà cung cấp điều chuyển văcxin, ưu tiên cung ứng ngay cho những nơi đang thiếu, tránh xảy ra tình trạng thiếu cục bộ (như vừa xảy ra tại Quảng Nam và Đà Nẵng).

Loại văcxin nào cũng gây một tỉ lệ phản ứng nhất định. Sốt thông thường sau tiêm văcxin là bình thường. Nếu chỉ vì trẻ sốt mà không tiêm văcxin thì có thể xảy ra “đại dịch” do trẻ không có đề kháng trước các loại bệnh truyền nhiễm, khi đó còn nguy hiểm hơn bội phần.

Ông LÊ QUANG HÙNG (giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định)

Văcxin ComBE Five gây phản ứng sau tiêm cao hơn?

Đã có khoảng 400.000 liều văcxin ComBE Five (là văcxin 5 trong 1, ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib, được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng) sử dụng tại 63 tỉnh thành từ tháng

12-2018 đến nay. Cha mẹ, thậm chí một số cán bộ tiêm chủng có lo ngại tỉ lệ phản ứng sau tiêm văcxin này cao hơn loại tương tự từng sử dụng trước đây (văcxin Quinvaxem được dùng trước đây do Hàn Quốc sản xuất). Nhưng theo ông Đặng Đức Anh – giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, tỉ lệ phản ứng sau tiêm ComBE Five và Quinvaxem tương đương.

Nam Định là địa phương đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan đến ComBE Five cuối tháng 12-2018. Theo một lãnh đạo Sở Y tế Nam Định, tỉnh này đã sử dụng Quinvaxem trong gần 10 năm mà không xảy ra bất kỳ trường hợp tử vong sau tiêm nào, vừa mới dùng ComBE Five thì xảy ra vụ việc đau lòng, hai cháu bé tử vong sau tiêm.

Ông Trần Minh Điển, phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cũng cho rằng tỉ lệ sốt sau tiêm ComBE Five là tương tự Quinvaxem. Tuy nhiên có những vụ phản ứng sau tiêm cho thấy có những bất thường từ khi sử dụng ComBE Five. 

Như tại tỉnh Bình Định, ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm hồi đầu tháng 3 và tỉnh buộc phải tạm ngưng sử dụng lô văcxin liên quan, chuyển lô văcxin mới (một phần do lô cũ đã gần cạn), nhưng cuối tháng 3 lại ghi nhận một trẻ có phản ứng nặng sau tiêm. 

Hai lô văcxin đều ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm là đặc biệt, cần phải theo dõi về quy trình khám sàng lọc, tư vấn trước và sau tiêm, cụ thể về loại văcxin đang được sử dụng. 

Theo ông Đặng Đức Anh, sau tiêm văcxin ComBE Five, trẻ có thể sốt nhẹ (<38,50C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, đây là những phản ứng thông thường với tỉ lệ tới 50%, nhưng cũng có thể gặp phản ứng nặng như sốt cao, co giật, phản ứng phản vệ với tỉ lệ 20/1 triệu liều tiêm, các trường hợp này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Tiêm ComBE Five: trẻ sốt thì nên nhập viện ngay

Tỉnh Bình Định vừa kết thúc đợt tiêm văcxin ComBE Five thứ 5 kể từ khi triển khai tiêm chủng loại văcxin này vào tháng

10-2018. Thông tin từ phòng quản lý tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định cho biết trong đợt tiêm mới nhất vào cuối tháng 3, có hơn 5.400 trẻ được tiêm ComBE Five, trong đó 168 ca có phản ứng thông thường và 1 ca phản ứng nặng. Tính từ tháng

10-2018 đến nay, qua 5 đợt tiêm văcxin ComBE Five thay thế cho Quinvaxem, toàn tỉnh Bình Định đã tiêm cho 23.261 trẻ trong độ tuổi. 

Ngành y tế Bình Định ghi nhận tỉ lệ trẻ bị phản ứng sau tiêm loại văcxin này cao hơn so với các loại văcxin đã sử dụng trước đó, có 689 trẻ bị phản ứng thông thường, 20 trẻ bị phản ứng nặng, trong đó có 1 trẻ ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) tử vong vào cuối tháng 2-2019. 

Chính vì số ca phản ứng sau tiêm ComBE Five tương đối cao, nên phụ huynh cũng dè dặt cho trẻ tiêm chủng loại văcxin này. So với số trẻ trong độ tuổi cần tiêm văcxin 5 trong 1 để ngừa bệnh, thì số trẻ đã tiêm ở Bình Định mới đạt hơn 51%.

Theo ông Lê Quang Hùng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, loại văcxin nào cũng gây một tỉ lệ phản ứng nhất định và người dân đừng quá lo lắng trước việc trẻ bị sốt sau khi tiêm văcxin. Tuy nhiên, vì ComBE Five là văcxin mới nên ngành y tế Bình Định khuyến cáo phụ huynh là sau tiêm văcxin, hãy theo dõi chặt tình trạng của trẻ. 

“Nếu trẻ có biểu hiện khác thường, sốt cao, khó thở, tím môi thì đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, nếu được thì cứ đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và nhập viện trong thời gian ngắn nhất. Trẻ phản ứng thông thường thì sau 1-2 ngày là xuất viện, còn trẻ nặng thì được điều trị tích cực ngay sau những biểu hiện đầu tiên” – ông Hùng nói.

Đại diện một trung tâm y tế huyện cũng cho hay phản ứng sau tiêm văcxin ComBE Five có thể đến muộn hơn so với Quinvaxem, do đó thời gian cần theo dõi trẻ sau tiêm cũng dài hơn.

Có nên tìm văcxin mới?

Khi bắt đầu đưa ComBE Five vào sử dụng tại VN, Bộ Y tế cho hay văcxin này đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại nước sản xuất là Ấn Độ. Văcxin này cũng được dùng tại 43 quốc gia, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. 

Tuy nhiên, những phản ứng nặng sau tiêm ghi nhận liên tiếp thời gian gần đây cho thấy rất nên sớm tìm thêm một loại văcxin tương tự nhưng ít phản ứng sau tiêm hơn, tránh những bất thường với sức khỏe của trẻ. Một lãnh đạo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng đồng thuận với ý kiến này. 

Theo vị này, có một hãng văcxin khác của Ấn Độ cũng có văcxin 5 trong 1 tương tự Quinvaxem và ComBE Five, văcxin đó cũng có thành phần ho gà toàn tế bào (thành phần được cho là liên quan tới các phản ứng nặng sau tiêm), nhưng hãng này đã cung cấp 20 triệu liều văcxin (ngừa hai căn bệnh khác) ở VN và không gây phản ứng nặng nào. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu loại văcxin tương tự do hãng này sản xuất”- vị lãnh đạo này cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh nên tiêm chủng đầy đủ cho trẻ và điều cần thiết nhất hiện nay là cơ quan y tế không để tình trạng thiếu văcxin diễn ra ở bất cứ đâu.

Đưa con đi tiêm văcxin 6 trong 1

tiemchung

Một ca tiêm chủng – Ảnh: D.PHAN

Liên tục trong nhiều ngày từ sau tết đến nay, tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng luôn bị quá tải.

Mỗi khi cơ sở này thông báo có đợt văcxin “6 trong 1” (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viêm gan B và bại liệt) mới về thì tình cảnh chen lấn, xếp hàng từ rạng sáng lại diễn ra.

Đặc biệt, chiếm phần đông trong số này chính là các phụ huynh ngoại tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (nơi khá xa) cũng đưa con về Đà Nẵng tiêm chủng dịch vụ.

Theo ghi nhận, tỉ lệ phụ huynh ngoại tỉnh đưa con đi tiêm văcxin “6 trong 1” tại Đà Nẵng chiếm gần 50%, trong đó chủ yếu là ở tỉnh Quảng Nam. Tình trạng quá tải ở đây đặc biệt nghiêm trọng vào các đợt tiêm cuối tháng 3 vừa qua.

Theo BS Trần Bảo Ngọc – phó trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, tình trạng quá tải xảy ra một phần do trong năm nay có nhiều phụ huynh ở ngoại tỉnh cũng đổ về Đà Nẵng.

Quá trình tiếp xúc với phụ huynh, BS Ngọc cho biết phụ huynh ở một số nơi vẫn còn tâm lý chưa tin vào văcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng và có nơi văcxin về chưa đều nên phụ huynh phải đưa con đi tiêm dịch vụ.

Trẻ dưới 1 tuổi đi tiêm còn thấp

Một cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cho biết do ComBE Five là loại văcxin nguyên bào, nên phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ là điều khó tránh, nếu thực hiện đúng kỹ thuật bảo quản văcxin, kỹ thuật tiêm (nên lắc kỹ văcxin trước khi tiêm) sẽ hạn chế được phản ứng phụ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ – cho biết do được tập huấn rất kỹ về bảo quản, kỹ thuật tiêm, theo dõi sau tiêm… trong chiến dịch tiêm văcxin ComBE Five, các trường hợp có phản ứng đều là phản ứng sốt nhẹ. Tuy nhiên, kết quả tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi bổ sung trong tháng 1-2019 còn khá thấp (59,1%)…

Vì sao không có vắcxin chống bách bệnh? Vì sao không có vắcxin chống bách bệnh?

TTO – Các tác nhân gây bệnh luôn có sự biến đổi trong khi kinh phí dành cho nghiên cứu vắcxin ít, thời gian nghiên cứu lâu khiến một số loại bệnh hiện vẫn chưa có vắcxin.