Đường ưu tiên là gì? Thứ tự các loại đường được ưu tiên, xe ưu tiên

Đường ưu tiên là gì? Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia giao thông? Thứ tự các loại đường được ưu tiên, xe ưu tiên? Các trường hợp ưu tiên khác? Mức xử phạt đối với hành vi không nhường đường, cản trở xe được quyền ưu tiên?

    Việc tuân thủ các quy định của Luật giao thông hiện nay vẫn đang là vấn đề đáng báo động. Bởi lẽ, nhiều cá nhân khi tham gia giao thông có hành vi cố ý vi phạm hoặc không am hiểu về luật giao thông mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc. Chắc hẳn nhiều người khi tham gia giao thông sẽ thắc mắc khi có nhiều phương tiện được phép lưu thông trên một số tuyến đường ưu tiên.

    Tư vấn luật về đường ưu tiên, xe ưu tiên khi tham gia giao thông: 1900.6568

    Căn cứ pháp lý:

    • Luật giao thông đường bộ 2008;
    • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ;
    • Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử lý vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt;

    1. Đường ưu tiên là gì?

    Hiện nay, để tạo ra sự thuận lợi cũng như việc giải quyết được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giao thông. Pháp luật nước ta đã phê duyệt để hình thành nên các tuyến đường ưu tiên, xe ưu tiên giúp người dân, hoặc các tổ chức có thể kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách như cứu thương, chữa cháy, an ninh, quốc phòng hoặc các vấn đề kịp thời khác…Chính vì vậy, việc hình thành các tuyến đường ưu tiên, xe ưu tiên là điều rất cần thiết.

    Đường ưu tiên là đường mà các phương tiện tham gia giao thông đường bộ ở trên đó được các phương tiện giao thông đến từ các hướng khác nhường đường khi đi đến nơi đường giao nhau, trên những đường này sẽ được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

    Bên cạnh đó, làn đường ưu tiên cũng được giải thích như sau:

    Làn đường ưu tiên là làn đường mà các phương tiện tham gia giao thông sẽ được các phương tiện khác nhường đường khi cùng tham gia giao thông. Và xe ưu tiên là những phương tiện giao thông đang đi làm có tín hiệu xin ưu tiên. Khi gặp những loại xe này các phương tiện giao thông khác đi di chuyển cùng chiều hoặc ngược chiều đều phải đi dẹp sang 2 bên để nhường đường.

    Hiện nay, có các loại xe ưu tiên sau đây:

    • Xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ
    • Xe quân sự
    • Xe công an;
    • Xe cứu thương;
    • Xe hộ đê-xe đi làm nhiệm vụ khắc phục thiên tai, dịch bệnh;
    • Đoàn xe tang;

    Đường ưu tiên theo tiếng Anh là: Priority road

    Đường ưu tiên Priority road Làn ưu tiên Priority lane Xe ưu tiên Priority vehicle Người vi phạm Contravener Xử phạt Penalize Xe cứu thương Ambulance Xe cứu hỏa Fire-engine Xe tang Hearse Xe quân sự Military vehicle

    Xem thêm: Chính sách ưu tiên đối với xe hộ đê

    2. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia giao thông:

    Pháp luật nước ta quy định cụ thể các hành vi bị cấm đối với người tham gia giao thông như sau:

    – Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

    – Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

    – Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

    – Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

    – Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

    – Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

    – Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

    – Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

    Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

    • Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

    Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

    • Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
    • Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.
    • Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
    • Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
    • Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.
    • Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.
    • Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
    • Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
    • Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
    • Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.
    • Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.
    • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
    • Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
    • Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

    Xem thêm: Quy định về quản lý biển xe hộ đê làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão

    3. Thứ tự các loại đường được ưu tiên, xe ưu tiên:

    Thứ nhất, đối với thứ tự xe ưu tiên

    Theo quy định của Luật giao thông đường bộ quy định các xe được quyền ưu tiên sẽ được xếp theo thứ tư như sau:

    • Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
    • Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
    • Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
    • Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
    • Đoàn xe tang.

    Lưu ý: Đối với các loại xe theo quy định ưu tiên trừ xe tang thì khi tham gia giao thông phải có tính hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Và đối với tín hiệu của xe ưu tiên sẽ được Chính phủ quy định cụ thể loại tín hiệu phù hợp với mỗi loại xe.

    Khi có tín hiệu của xe được ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

    Thứ hai, đối với đường ưu tiên

    Thứ tự đường ưu tiên được sắp xếp như sau:

    – Đường cao tốc;

    – Quốc lộ;

    – Đường đô thị;

    – Đường tỉnh;

    – Đường huyện;

    – Đường xã;

    – Đường chuyên dùng.

    Lưu ý: Nếu hai đường cùng thứ tự, giao nhau cùng mức, việc xác định đường nào là đường ưu tiên được xem xét lần lượt theo quy định như sau:

    • Được cấp có thẩm quyền quy định là đường ưu tiên;
    • Đường có cấp kỹ thuật cao hơn thì được ưu tiên;
    • Khi lưu lượng xe khác nhau, đường có lưu lượng xe trung bình ngày đêm lớn hơn thì được ưu tiên;
    • Khi lưu lượng xe trung bình ngày đêm bằng nhau, đường có nhiều xe ô tô vận tải công cộng lớn hơn thì được ưu tiên;
    • Đường nào có mặt đường cấp cao hơn thì được ưu tiên

    Xem thêm: Quy định pháp luật về nhường đường cho xe ưu tiên

    4. Các trường hợp ưu tiên khác:

    Thứ nhất, qua phà, qua cầu phao

    – Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.

    – Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật.

    – Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

    – Thứ tự ưu tiên qua phà, qua cầu phao quy định như sau:

    + Các xe được quyền ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này;

    + Xe chở thư báo;

    + Xe chở thực phẩm tươi sống;

    + Xe chở khách công cộng.

    Trong trường hợp các xe cùng loại ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.

    Thứ hai, nhường đường tại nơi đường giao nhau

    Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

    – Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

    – Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

    – Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

    Thứ ba, đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt

    – Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

    – Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

    – Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

    – Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

    – Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

    – Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển phương tiện đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

    Xem thêm: Cấp Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

    5. Mức xử phạt đối với hành vi không nhường đường, cản trở xe được quyền ưu tiên:

    -Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ khi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

    – Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ khi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

    – Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ khi  không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

    – Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ khi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về đường ưu tiên là gì và thứ tự các loại đường ưu tiên, xe ưu tiên. Trường hợp quý khách có thắc mắc xin vui lòng liền hệ để được giải đáp.