Đương sự, nguyên đơn, bị đơn là gì? Được quy định thế nào trong vụ án dân sự?
Khái niệm về đương sự, nguyên đơn và bị đơn là gì? Đặc điểm, quyền và nghĩa vụ như thế nào? Được quy định như thế nào trong các vụ án dân sự? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây. Mời quý đọc giả đón đọc.
Mục Lục
Đương sự là gì?
Đương sự là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, tham gia tố tụng với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thông thường đương sự sẽ bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của đương sự
Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự: Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:
- Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.
- Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.
- Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.
- Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
- Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
- Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
- Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
- Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.
- Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
- Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này.
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.
- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.
- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.
- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
- Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.
- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này.
- Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định.
- Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Đương sự trong vụ án dân sự gồm những ai?
Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn là gì?
Tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nguyên đơn.
Nguyên đơn được xem là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm hại.
Nguyên đơn cũng có thể là cơ quan, tổ chức do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Đặc điểm của nguyên đơn
Nguyên đơn là người có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự theo luật quy định. Trong trường hợp nguyên đơn chưa đủ năng lực hành vi dân sự thì người khởi kiện có thể là người đại diện hợp pháp của họ hoặc được xác định theo quyết định của Tòa án.
Nguyên đơn có thể là cá nhân, pháp nhân, tổ chức,… trong một vụ án có thể có nhiều nguyên đơn.
Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn
Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn được quy định tại Điều 70, Điều 71 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Nguyên đơn có tất cả các quyền, nghĩa vụ của đương sự được quy định tại Điều 70 và thêm các quyền được quy định riêng tại Điều 71.
Điều 71. Quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn: các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
- Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
- Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
>> Tham khảo: dịch vụ luật sư tranh tụng uy tín tại Tòa án nhân dân cấp cao TPHCM.
Bị đơn là gì?
Tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về bị đơn.
Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Đặc điểm của bị đơn
Về chủ thể, bị đơn cũng có các đặc điểm chủ thể giống với nguyên đơn. Khi tham gia tố tụng, bị đơn tham gia với tư cách chủ động, buộc tham gia để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng nếu bị đơn có đơn phản tố thì có thể làm thay đổi chủ thể trong vụ án và thay đổi quá trình giải quyết vụ án.
Quyền và nghĩa vụ của bị đơn
Cũng như nguyên đơn, bị đơn có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của đương sự tại Điều 70 và có các quyền riêng tại Điều 72 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn:
- Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
- Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
- Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
- Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
- Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
- Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.
Các đương sự khác trong tố tụng dân sự
Đương sự khác trong tố tụng dân sự là người có quyền, nghĩa vụ liên quan, được quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của đương sự theo luật định và có quyền, nghĩa vụ riêng được quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Điều 73. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:
a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 của Bộ luật này;
b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 72 của Bộ luật này.
Hy vọng qua bài viết trên quý đọc giả đã hiểu thế nào là đương sự, nguyên đơn, bị đơn trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Nếu bạn còn vướng mắc về các vấn đề pháp lý khác chưa rõ cần được giải đáp. Vui lòng gửi câu hỏi về Luật Nguyễn Hưng qua email [email protected]. Hoặc liên hệ qua điện thoại: (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn trực tiếp Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Đánh giá