Đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch: Chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 624 tỉ lên 2.250 tỉ đồng – Caf…
Tổng vốn đầu tư của đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tăng từ 5.329 tỉ đồng lên hơn 6.955 tỉ đồng do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.
Ảnh minh họa
Theo quyết định vừa được Bộ GTVT phê duyệt, dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch sẽ tăng mức đầu tư lên thêm 1.600 tỉ đồng.
Cụ thể, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 6.955 tỉ đồng, con số này trước đó là hơn 5.329 tỉ đồng. Phần phát sinh là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 624 tỉ đồng lên hơn 2.250 tỉ đồng.
Trong đó, trên địa bàn TP.HCM chi phí giải phóng mặt bằng tăng từ 149 tỉ đồng lên gần 1.600 tỉ đồng. Con số này ở Đồng Nai tăng từ 476 tỉ đồng lên hơn 651 tỉ đồng.
Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn của dự án cũng có sự thay đổi. Cụ thể, hơn 190 triệu USD là vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc. Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.779 tỉ đồng.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ GTVT yêu cầu UBND TP.HCM và Đồng Nai tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân theo đúng quy định.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng.
Trong đó, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km đi qua địa bàn TP.HCM (6,3km) và Đồng Nai (2,45km).
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là một trong các dự án hạ tầng đang được trình Quốc hội thông qua. Trong kì họp mới đây của Quốc hội, nhiều đại biểu kiến nghị sớm hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án quan trọng này.
Theo đại biểu Quốc hội, dự án Vành đai 3 không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.
Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cho biết hai dự án Đường vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.