Đuôi sao chổi khổng lồ của Sao Thủy khi nó tiến sát Mặt trời như thế nào?
TPO – Ngay sau khi sao Thủy tiến đến điểm gần Mặt trời nhất, cái đuôi khổng lồ giống như sao chổi của nó trở nên rõ ràng một cách bất thường trên bầu trời đêm và được chụp lại trong một bức ảnh mới tuyệt đẹp.
Sao Thủy đã được phát hiện giống như một sao chổi trong vài ngày qua khi hành tinh láng giềng của Mặt trời tiến đến điểm gần nhất, để lộ chiếc đuôi khổng lồ có vệt dài trên bầu trời đêm. Một nhiếp ảnh gia thiên văn đã chụp được một bức ảnh thực sự hoành tráng về thời khắc này.
Sao chổi quay quanh những khối đá, khí và bụi đông lạnh hầu như luôn được nhìn thấy với những chiếc đuôi kép đặc biệt chạy phía sau chúng – một chiếc được tạo ra từ khí rò rỉ từ bên trong chúng và một chiếc khác được tạo ra bởi bụi từ bề mặt của chúng. Hai cái đuôi này bị thổi bay khỏi sao chổi theo cùng một hướng bởi các hạt tích điện từ mặt trời được gọi là gió Mặt trời.
Sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất của hệ Mặt trời, có một đuôi giống sao chổi được tạo thành chủ yếu từ các ion natri, phân tán khỏi bề mặt hành tinh do gió Mặt trời và các tác động của tiểu thiên thạch.
Các nhà nghiên cứu đã biết về đuôi của Sao Thủy từ năm 2001 và từ đó phát hiện ra rằng nó lớn lên và co lại dựa trên khoảng cách của hành tinh này với Mặt trời.
Vào lúc cao điểm, chiếc đuôi kéo dài tới khoảng 24 triệu km, theo Spaceweather.com, lớn hơn khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng khoảng 62 lần. Cái đuôi kéo dài khoảng cách rất lớn này là do sao Thủy có bầu khí quyển rất yếu và ở gần Mặt trời. Điều này khiến gió Mặt trời dễ dàng xé toạc bề mặt hành tinh.
Sao Thủy và đuôi của nó tỏa sáng trên bầu trời đêm
Vì những lý do chưa rõ, đuôi của Sao Thủy có thể nhìn thấy rõ nhất từ Trái đất đúng 16 ngày sau điểm cận Mặt trời hoặc điểm mà hành tinh này ở gần Mặt trời nhất, theo Spaceweather.com.
Sao Thủy đạt điểm gần Mặt trời nhất vào ngày 1/4, nghĩa là đuôi của nó sáng nhất vào ngày 17/4. Nhưng vào ngày 12/4 vừa qua, nhà nhiếp ảnh thiên văn Sebastian Voltmer đã chụp được một hình ảnh tuyệt đẹp về Sao Thủy từ một điểm gần Spicheren, một xã ở đông bắc nước Pháp.
Đối với một người quan sát bình thường, rất khó nhìn thấy đuôi của Sao Thủy, đó là lý do tại sao nó vẫn chưa được khám phá cho đến tận thế kỷ 21. Nhưng Voltmer đã có thể chụp ảnh chùm khói khổng lồ nhờ một bộ lọc chuyên dụng làm nổi bật các bước sóng ánh sáng màu vàng, được phát ra bởi các hạt natri bị kích thích ở đuôi.
“Nếu không có bộ lọc như vậy, đuôi của Sao Thủy gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường,” Voltmer nói.
Sao Thủy không phải là thiên thể duy nhất trong hệ Mặt trời có đuôi giống sao chổi một cách đáng ngạc nhiên. Mặt trăng cũng có một cái đuôi chỉ có thể nhìn thấy mỗi tháng một lần khi Trái đất đi qua nó và quấn nó như một chiếc khăn quàng cổ. Giống như sao Thủy, phần đuôi của Mặt trăng cũng được cấu tạo chủ yếu từ hàng triệu nguyên tử natri.
Theo Live Science