Đừng tùy tiện dùng thuốc nội tiết kéo dài tuổi thanh xuân – Bệnh viện Nhân Dân 115

Khi bước vào thời kì tiền mãn kinh, mãn kinh, tâm sinh lý người phụ nữ thường rối loạn thất thường do suy giảm hormone. Việc tự ý mua thuốc bổ sung nội tiết tố có thể dẫn đến ung thư niêm mạc, ung thư vú, nhồi máu cơ tim…

Mãn kinh là một hiện tượng tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ. Đây là tuổi chấm dứt hoàn toàn kinh nguyệt (48 – 53 tuổi) sau khi buồng trứng ngưng tiết estrogen. Tiền mãn kinh là thời gian 2 – 5 năm trước khi mãn kinh, là sự thiếu hụt estrogen do giảm chức năng buồng trứng.

Những dấu hiệu bắt đầu bước vào thời kỳ tiền mãn kinh?

Các triệu chứng hay dấu hiệu cho biết người phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi khác nhau ở mỗi người. Việc giảm sút nội tiết tố sinh dục estrogen trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề khó chịu ở phụ nữ.

Khi bước vào độ tuổi này, người phụ nữ có thể xuất hiện một số dấu hiệu như: Rối loạn kinh nguyệt, ra máu âm đạo bất thường, ra máu dài ngày, bốc hỏa, chóng mặt, nhức đầu, lo âu, hồi hộp, mệt mỏi, tê các đầu ngón tay… Ngoài ra, có thể sẽ khó ngủ, mất ngủ, cảm giác nặng ngực, tiểu gắt, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ và khô âm đạo, giao hợp đau, ra máu…

BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Loan – Chuyên khoa sản phụ khoa BV Nhân dân 115 khám và hướng dẫn cách sử dụng thuốc nội tiết cho bệnh nhân một cách khoa học, theo phác đồ có và chỉ dẫn của bác sĩ.

Có nên sử dụng nội tiết trong tiền mãn kinh và mãn kinh?

Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ khi thấy cơ thể mệt mỏi, bốc hỏa… liền tự ý mua thuốc sổ sung nội tiết tố mà không có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Vậy, liệu dùng thuốc nội tiết có thể cải thiện đáng kể rối loạn ở tuổi mãn kinh không và việc sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Trả lời về vấn đề này, theo BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Loan – Chuyên khoa sản phụ khoa BV Nhân dân 115, khi dùng estrogen thay thế sẽ làm giảm các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh một cách rõ rệt, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, làm cho phụ nữ thấy thoải mái hơn, có thể tiếp tục các hoạt động xã hội. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống loãng xương, giúp phòng ngừa gãy xương hông và cột sống.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng lợi ích mà nó đem lại thì cũng chứa không ít những nguy cơ cao dẫn đến một số bệnh lý như: Làm dày nội mạc tử cung dẫn đến tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, tăng nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, thuyên tắt mạch và ung thư vú.

“Hiện nay, chất lượng cuộc sống ngày càng được quan tâm, vì vậy việc dùng nội tiết thay thế để làm giảm bớt những khó chịu của phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh được khuyến khích. Tuy nhiên, trước khi sử dụng phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và cần khám tầm soát một cách cẩn thận các yếu tố nguy cơ. Hơn nữa, việc theo dõi định kỳ có hệ thống theo đúng phác đồ điều trị cũng rất quan trọng. Do đó, để sử dụng một cách an toàn và hiệu quả, chị em phụ nữ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa phụ khoa để được tư vấn và điều trị” – BS Loan khuyến cáo.

Lời khuyên về dinh dưỡng cho phụ nữ ở độ tuổi tiễn mãn kinh, mãn kinh

Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân – Trưởng khoa dinh dưỡng BV Nhân dân 115, chị em phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh có nguy cơ cao bị loãng xương, nên cần tăng cường sử dụng những thực phẩm giàu canxi, vitamin D như uống sữa, ăn trứng và các loại hải sản.

Ngoài ra, khi bước vào giai đoạn này cơ thể người phụ nữ thường suy giảm nội tiết tố làm tăng nguy cơ mắc những bệnh về tim mạch, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… Vì thế, cần phải có chế độ ăn để kiểm soát mỡ máu, giảm mặn trong khẩu phần ăn bằng cách giới hạn lượng cholesterol xấu, giảm sử dụng các loại thực phẩm như nội tạng động vật, hạn chế dầu mỡ, các thực phẩm chiên, rán và hạn chế thịt đỏ.

Mặt khác, không riêng gì người bị tiểu đường mà tất cả những người lớn tuổi đều nên hạn chế tối đa sử dụng chất ngọt như chè, bánh kẹo ngọt, nước ngọt…

Việc bổ sung chất xơ rất quan trọng cho cơ thể, ví dụ khoai lang sẽ giàu chất xơ hơn khoai tây, bánh mì đen giàu chất xơ hơn bánh mì trắng, gạo lứt tốt hơn gạo thường… Ngoài ra, cần tăng cường đạm và các thực phẩm từ đậu nành, đậu phụ, uống nhiều sữa đậu nành vì trong đó có chứa nhiều chất phytoestrogen tốt cho người phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Đặc biệt, cần bổ sung thêm chất giàu Omega 3 như các loại cá, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia sẽ có lợi cho tim mạch.

“Bên cạnh dinh dưỡng thì một chế độ vận động hợp lý cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe phụ nữ thời điểm này. Nhất là ở người tiền mãn kinh thường bị các chứng rối loạn về tiền đình, nên môn thể thao phù hợp nhất là đi bộ, chạy bộ, tập yoga… đều dặn ít nhất 5 lần/tuần, mỗi lần tập từ 30 – 60 phút và tăng dần sẽ giúp cải thiện, tăng cường cholesterol tốt. Không chỉ vậy, vận động đều đặn sẽ giúp xương chắc khỏe và làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương” – BS Vân đưa ra lời khuyên.

Viết Hưởng