Đừng lơ là khi bị chó cắn
Tiêm vắcxin Verorab ngừa bệnh dại cho trẻ bị chó cắn tại Viện Pasteur TP.HCM – Ảnh: T.T.D
BS Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) – nhấn mạnh: bệnh dại ở người có nhiều triệu chứng và trong đó không hề có triệu chứng tru hay kêu như tiếng chó sủa.
Nếu chỉ thấy miệng ai đó phát ra tiếng kêu như chó sủa, lè lưỡi là không có giá trị gì trong việc chẩn đoán bệnh dại.
Hiểu về bệnh dại
Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế – Cục Y tế dự phòng năm 2014, bệnh dại là bệnh nhiễm virút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi nước bọt của động vật bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách rồi vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.
BS Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM) cho biết nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy vào lượng virút trong nước bọt con vật nhiều hay ít, mức độ vết thương và vị trí vết cắn (nơi có nhiều dây thần kinh hay không, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virút xâm nhập).
Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Chẳng hạn như nếu bị chó dại cắn vào chân thì thời gian phát bệnh có thể là một tháng đến vài tháng, còn nếu bị cắn ở tay thì thời gian phát bệnh chỉ sau một tuần.
Triệu chứng từng giai đoạn
Để nhận biết các triệu chứng của bệnh dại, tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, các bác sĩ nêu ra rõ từng triệu chứng trong từng giai đoạn:
Thời gian đầu của người bị chó dại cắn sẽ cảm thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Sau khi bị cắn, những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết.
Cùng lúc này còn có các triệu chứng kèm theo như sốt, đau đầu, lo lắng, trằn trọc, bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.
Đến một giai đoạn nguy hiểm hơn là tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt.
Việc bị co thắt hô hấp, co thắt thanh quản gây khó thở. Lúc này người bệnh sẽ sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng.
Nếu không chữa kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển đến liệt, bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới, rồi lan lên trên.
Bệnh sẽ có những lúc kích thích quá độ, những phản ứng dữ tợn, trở nên hung bạo. Cho nên người bị chó dại cắn thường có những hành vi không bình thường như chống lại những người xung quanh. Lúc này thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.
Xử trí sao khi bị chó dại cắn?
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo nếu chẳng may bị chó, mèo cắn, kể cả con vật đã được tiêm phòng dại, cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iôt hoặc povidone – iodine (nếu có). Lưu ý nên rửa nhẹ nhàng, tránh làm lở loét vết thương.
Nếu rửa vết thương sâu, lớn, chảy máu thì phải rửa nhanh, tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Sau khi rửa xong, nếu máu vẫn còn chảy thì nâng cao vùng bị cắn để tránh chảy máu nhiều hoặc cầm máu bằng bông gạc sạch.
Cần theo dõi trong vòng 15 ngày, nếu chó phát dại, chết hoặc mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đi tiêm văcxin phòng dại.
Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh, ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải tiêm phòng văcxin dại vì chúng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nạn nhân.