Đức Giê-su Ki-tô – Đường đau khổ

ĐỨC GIÊ-SU
KI-TÔ – ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

WHĐ (03.3.2022) – Là con người, ai cũng phải gặp đau khổ. Đau khổ gắn liền
với cuộc sống con người từ khi hình thành trong lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt
lìa đời. Tuy nhiên, thật khó để đưa ra một định nghĩa tổng quát về đau khổ bởi
vì các hình thức đau khổ thật đa dạng. Chẳng hạn, có những người đau khổ vì bệnh
tật, vì cô đơn, vì nghèo khổ, vì thiếu hiểu biết, vì sợ hãi, vì bị vu oan giá họa;
có những người đau khổ vì những lầm lỗi trong tư tưởng, lời nói hay việc làm;
có những người đau khổ vì yêu thương, vì muốn sống thánh thiện, vì xả thân cứu
giúp người khác; có những người đau khổ vì ‘quá khôn ngoan và nhiều hiểu biết’
như tác giả sách Giảng viên khẳng định:
“Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm
khổ đau”
(Gv 1,18); có những người đau khổ vì chiến tranh, vì bất công xã hội,
vì bị phân biệt chủng tộc; có những người đau khổ vì thảm họa thiên nhiên như động
đất, núi lửa, thời tiết thất thường hay dịch bệnh.

‘Bóng dáng đau khổ’ hiện diện trong mọi nơi, mọi lúc của đời sống con
người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Không ai được mọi người yêu mến
mà không đau khổ vì họ; không ai khỏe mạnh mà không phải ra công tập luyện;
không ai thành đạt mà không phải đổ mồ hôi; không ai giỏi giang mà không phải
kiên tâm học hỏi; không ai thánh thiện mà không phải chịu nhiều hy sinh. Người
trẻ cũng như người già, người giàu cũng như người nghèo, người vui cũng như người
buồn, người sang cũng như người hèn, ai ai cũng phải đối diện với đau khổ. Người
lạc quan hay người thất vọng đều cảm nhận đau khổ bao phủ đời mình. Quả thực,
đau khổ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người cũng như các hình
thái xã hội: Có những người tìm cách để thoát khỏi đau khổ nhưng lại phải chịu
nhiều đau khổ hơn; có những người tìm cách để quên đi đau khổ nhưng lại nhớ đến
đau khổ nhiều hơn; có những người tìm cách phủ nhận đau khổ nhưng đau khổ càng
hiện diện cách rõ nét hơn. Kinh nghiệm cuộc sống cho mọi người nhận thức rằng
trong xã hội loài người, không có niềm vui nào lại không pha chút buồn phiền;
không có thành công nào lại không vương mùi thất bại; không có tình yêu nào lại
vắng bóng ghét ghen. Tắt một lời, không có gì liên quan đến con người mà miễn
nhiễm đau khổ: Con người muốn được bình an nhưng gian nan luôn kề cận; con người
muốn ánh sáng nhưng bóng tối lại bao trùm; con người muốn tự do nhưng phải
đương đầu với muôn hình thức giới hạn.

Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, đau khổ không chỉ gắn liền với con người mà
còn với muôn vật muôn loài. Điều này được thánh Phao-lô diễn tả trong thư gửi
tín hữu Rô-ma: “Muôn loài thọ tạo những
ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Thật
vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn
quại như sắp sinh nở”
(Rm 8,19-22). Giáo
Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Trong sự
khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế
giới trong ‘tiến trình’ hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên
Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái
hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên
nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì
cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý”
(GLGHCG 310). Như thế, đau
khổ gắn liền với tội lỗi, với sự tự do của con người cũng như với tiến trình biến
đổi của thế giới thụ tạo.

Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, ba hình thức đau khổ đáng để chúng
ta quan tâm là: (1) đau khổ thể lý, (2) đau khổ luân lý và (3) đau khổ đời đời.
Đau khổ thể lý được xem là đau khổ tự nhiên liên quan đến thân thể con người.
Đau khổ luân lý liên quan đến đến tội lỗi, chẳng hạn, những tội lỗi về tư tưởng,
lời nói và hành vi của con người trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân
và muôn vật muôn loài. Đau khổ đời đời là hậu quả của sự tự do chọn lựa đời sống
luân lý của mỗi người. Trong gia đình nhân loại, không ai có thể miễn nhiễm khỏi
đau khổ thể lý và đau khổ luân lý. Với thời gian, đau khổ thể lý sẽ qua đi. Đặc
biệt, đau khổ thể lý đạt đỉnh điểm trong cái chết của mỗi người. Đau khổ luân
lý được hòa giải nhờ tin tưởng, lắng nghe và thực thi giáo huấn của Đức Giê-su.
Còn đau khổ đời đời thuộc về những ai từ chối tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được
Đức Giê-su thực hiện. Đây là hình thức đau khổ chung quyết và không thể thay đổi.

Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là tác giả
của sự dữ hay đau khổ trong thế giới thụ tạo, bởi vì “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo sách
Sáng Thế, khi con người vô ơn, khi con người kiêu ngạo, khi con người bất tuân
mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng là khi tội lỗi xâm nhập trần gian và khi tội lỗi
xâm nhập trần gian cũng là khi con người phải đối diện với muôn hình thức đau
khổ (St 3,1-19). Tác giả sách Khôn Ngoan (sách này được thu thập và soạn thảo
cuối cùng trong các sách Cựu Ước, khoảng năm 130 trước Công Nguyên), viết rõ
hơn: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình
ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã
xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết

(Kn 2,23-24). Dưới nhãn quan của truyền thống Do-thái Giáo thuở ban đầu, đau khổ
của con người được xem là hậu quả của tội lỗi. Quan điểm này vẫn còn khá thịnh hành
theo dòng lịch sử dân Do-thái cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới. Tuy
nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận biết rằng đau khổ không nhất thiết
do hậu quả của tội lỗi.

Câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước giúp con người có cái nhìn mới mẻ hơn
về đau khổ. Theo đó, đau khổ được nhìn nhận như là thử thách của Thiên Chúa đối
với con người. Ông Gióp bị mất mát quá lớn cũng như mang lấy bệnh tật hiểm
nguy. Trong thất vọng, người vợ của ông nói: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi?
Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”
(G 2,9). Những người bạn
của ông thì lại cho rằng vì tội lỗi của bản thân mà ông phải chuốc lấy tai họa,
chẳng hạn như ông Ê-li-phát, người Tê-man nói: “Điều tôi thấy rành rành là những người vun trồng tội ác và gieo
tai rắc họa cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai”
(G 4,8). Tuy nhiên, ông
Gióp luôn minh chứng rằng mình vô tội và trong mọi hoàn cảnh, ông ca ngợi lòng
nhân từ của Thiên Chúa. Với ông, dù giàu nghèo hay sống chết, ông luôn tín thác
vào Người. Ông nói: “Thân trần truồng
sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức
Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa!”
(G 1,21). Với niềm tin vững
chắc, tâm hồn ông luôn hướng về môi trường vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ông nói: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống,
và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy,
thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn
Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết
mong chờ”
(G 19,25-27). Câu chuyện ông Gióp cho thấy hai ý nghĩa của đau khổ
vượt xa quan niệm truyền thống: (1) Xét theo chiều kích luân lý: Đau khổ có thể
cảnh báo con người xa lánh tội lỗi, tránh được tính kiêu căng hay tự mãn, giữ
linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm và nhất
là đau khổ giáo dục con người (G 33,15-24). (2) Xét theo chiều kích tín lý: Đau
khổ nhằm để thử thách, để xem lòng kính sợ Thiên Chúa của ông Gióp có hoàn toàn
vô vị lợi hay không. Vì luôn trung tín với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, cuối
cùng ông đã được Thiên Chúa ân thưởng gấp bội và lìa bỏ cõi trần trong bình an
(G 42,10-17). Hình ảnh ông Gióp được xem là hình ảnh báo trước Đức Giê-su, Đấng
Công Chính phải chịu đau khổ cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su cảm nhận sâu xa những đau khổ của
kiếp người, chẳng hạn như Người sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo hèn; hành
trình rao giảng là hành trình không nhà cửa; Người mệt nhọc, lo lắng, buồn phiền,
khóc lóc; Người bị bà con quê hương xa lánh, những bậc vị vọng trong dân
Do-thái khinh bỉ, những người ngoại bang chê cười; Người bị kết tội phá vỡ tập
tục truyền thống tổ tiên, nói phạm thượng, gây náo loạn cộng đồng. Thư gửi tín
hữu Do-thái nói về Đức Giê-su: “Vì bản
thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp
những ai bị thử thách
” (Dt 2,18). Do đó, Người quan tâm đến mọi người, đặc
biệt những ai đau khổ về tâm hồn, thể xác. Chẳng hạn, Người chạnh lòng thương
những người vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9,36); chạnh lòng
thương trước những người đói khát và hóa bánh ra nhiều cho họ ăn (Mt 14,13-21);
chạnh lòng thương trước những người mù lòa và cho họ được sáng mắt (Mt
20,29-34); chạnh lòng thương trước người bị phong hủi và chữa anh khỏi bệnh (Mc
1,40-45); chạnh lòng thương trước đứa trẻ bị quỷ ám mắc bệnh động kinh và cho
em được khỏe mạnh (Mc 9,14-29); chạnh lòng thương trước cái chết của con trai
bà góa thành Na-in và làm cho con trai bà hồi sinh (Lc 7,11-17); chạnh lòng
thương trước người mù từ lúc mới sinh và giúp ông thoát cảnh tăm tối (Ga
9,1-41). Không những thế, Người đồng hóa mình với những người khổ đau, chẳng hạn
như những người đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, tù đày trong xã hội
(Mt 25,31-46).

Trước những người đau khổ, Đức
Giê-su dạy các môn đệ rằng không phải mọi hình thức đau khổ là do tội của họ
hay của những người thân thuộc. Chẳng hạn, thánh Gio-an trình thuật: “Khi ấy Ðức Giê-su nhìn thấy một người
mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người
này mới sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Ðức Giêsu trả lời: Không phải
anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để
các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”
(Ga 9,1-3). Một mặt,
chúng ta thấy rằng Đức Giê-su không phủ nhận đau khổ do tội gây nên. Mặt khác,
Người mời gọi mọi người hãy mở trí lòng để có thể đón nhận chương trình của
Thiên Chúa đối với các hình thức đau khổ trong gia đình nhân loại. Chỉ Đức
Giê-su, chỉ Thiên Chúa mới thấu rõ ngọn ngành của đau khổ, còn con người cần biết
cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc xoa dịu đau khổ cho của chị em
mình.

Với Đức Giê-su, đau khổ là bài học quý giá giúp mọi người hoán cải.
Thánh Lu-ca trình thuật rằng khi nghe người ta kể về việc tổng trấn Phi-la-tô
giết một số người Ga-li-lê cách rùng rợn thì Đức Giê-su cho họ biết rằng không
phải những người Ga-li-lê này tội lỗi nhiều hơn những người Ga-li-lê khác. Người
cũng nói cho họ biết rằng mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết
không phải là những người tội lỗi hơn những người khác ở Giê-ru-sa-lem. Hai lần
Đức Giê-su nói rằng nếu họ không chịu sám hối thì cũng sẽ chết như vậy (Lc
13,1-5). Với Đức Giê-su, hai biến cố chết chóc thảm thương không phải do tội của
những người chết, cũng không phải do sự trừng phạt của Thiên Chúa. Điều người
muốn diễn tả là cuộc đời con người đầy những đau khổ, bất trắc và không ai có
thể biết trước được. Tâm tình quan trọng nhất mà mọi người cần có là hoán cải,
trở về với Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người trong mọi biến cố của cuộc đời.
Khi con người sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Người
thì bất cứ những gì xảy ra trên trần gian này đều không đáng lo sợ.

Theo thánh Mác-cô, khi Đức Giê-su và các môn đệ trên đường lên
Giê-ru-sa-lem thì Người nói với họ: “Này
chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư.
Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc
nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại”
(Mc 10,33-34). Như vậy, đau khổ của Đức Giê-su là đau khổ đã được báo trước,
đau khổ được ứng nghiệm (Mt 26,54). Xa hơn thế, khoảng bảy trăm năm trước sự hiện
diện của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ
I-sai-a cho chúng ta biết: Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh
tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không
đếm xỉa tới”
(Is 53,3); “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng
mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng”
(Is 53,7). Dù biết rằng đau khổ sẽ ập đến, Đức
Giê-su vẫn tự nguyện mang lấy để thông phần đau khổ và ban ơn cứu độ cho mọi
người.

Đau khổ của Đức Giê-su là đau khổ của người công chính, của người vô tội,
của người chịu đựng vì người khác. Điều này cũng đã được tiên báo trong Cựu Ước:
“Sự thật, chính người đã mang lấy những
bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta,
chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình
an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”
(Is 53,4-5).
Trong cuộc thương khó, sau khi phản bội Đức Giê-su, Giu-đa đã nhìn nhận: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người
phải chết oan”
(Mt 27,4). Khi Đức Giê-su tắt thở trên thập giá, viên đại đội
trưởng đã thốt lên: “Người này đích thực
là người công chính!”
(Lc 23,47). Sau này, trong hành trình rao giảng Tin Mừng,
thánh Phê-rô, người môn đệ trưởng của Đức Giê-su viết: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em
dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một
lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng
ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình”
(1 Pr 2,21-23).
Tương tự như vậy, thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, cũng viết: “Đức Giê-su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi,
và nơi Người không có tội lỗi”
(1 Ga 3,5). Như thế, Đức Giê-su chịu đau khổ
do người khác và vì người khác.

Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa hiện diện trong môi trường
thế giới thụ tạo: Vị Thiên Chúa toàn năng, cũng là vị Thiên Chúa mang thân phận
con người; vị Thiên Chúa là nguồn gốc của muôn vật muôn loài, cũng là vị Thiên
Chúa chịu cảnh đau khổ của muôn vật muôn loài; vị Thiên Chúa thi ân giáng phúc,
cũng là vị Thiên Chúa bị người đời khinh khi nhục mạ; vị Thiên Chúa thánh thiện,
cũng là vị Thiên Chúa là nạn nhân của tội lỗi; vị Thiên Chúa trao ban bình an,
cũng là vị Thiên Chúa bị kết án là nguyên nhân chia rẽ; vị Thiên Chúa là Nguồn
Sống, cũng là vị Thiên Chúa chịu chết trên thập giá. Không ai có thể liệt kê hết
những nghịch lý nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su trong hành trình trần thế.
Cách thức Đức Giê-su tiêu diệt tội lỗi, đau khổ và sự chết hoàn toàn mới lạ so
với tâm thức của con người qua mọi thời đại. Quả thực, nơi Đường Đau Khổ của Đức
Giê-su, lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a về tư tưởng và đường lối
của Thiên Chúa được ứng nghiệm (Is 55,8-9).

Con người thường ngạc nhiên trước những điềm thiêng dấu lạ mà Đức Giê-su
thực hiện hơn là những đau khổ của Người. Thực ra, những đau khổ của Người đáng
ngạc nhiên hơn những điềm thiêng dấu lạ Người thực hiện. Hai biến cố quan trọng
trong cuộc đời Đức Giê-su diễn ra trên núi Ta-bo và núi Sọ giúp mọi người hiểu
thêm điều này: Khuôn mặt Đức Giê-su đẫm mồ hôi máu trên núi Sọ đáng ngạc nhiên
hơn khuôn mặt sáng láng của Người trên núi Ta-bo; hình ảnh Đức Giê-su trần truồng
trên núi Sọ đáng ngạc nhiên hơn hình ảnh Người với áo trắng sáng láng tinh tuyền
trên núi Ta-bo; sự cô đơn của Đức Giê-su trên núi Sọ đáng ngạc nhiên hơn sự sum
vầy của Người với những môn đệ thân tín cùng Mô-sê và Ê-li-a trên núi Ta-bo; tiếng
kêu thương của Đức Giê-su trên núi Sọ “lạy
Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
đáng ngạc nhiên
hơn tiếng nói của Thiên Chúa Cha “đây
là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”
trên núi Ta-bo; bóng tối bao
phủ mọi người trên núi Sọ đáng ngạc nhiên hơn mây trắng bao phủ Đức Giê-su và
các môn đệ trên núi Ta-bo. Quả thực, những điềm thiêng dấu lạ Đức Giê-su thực
hiện diễn tả quyền năng vốn có của Người, còn những gì Đức Giê-su chịu đau khổ
diễn tả tình yêu huyền nhiệm vượt quá tư tưởng và hiểu biết của con người qua
muôn thế hệ.

Đức Giê-su là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa bởi vì Người
là Vua mà lại đón nhận đau khổ, là Chúa mà lại chịu khổ đau. Suy niệm và ngắm
nhìn Đường Đau Khổ của Đức Giê-su, con người có thể nhận ra rằng trong gia đình
nhân loại, người vĩ đại nhất là người chịu đau khổ nhiều nhất. Từ muôn thuở, Đức
Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Người thuộc Gia Đình Thiên Chúa.
Trong thân phận con người, Đức Giê-su là con Đức Ma-ri-a và là con của gia đình
nhân loại. Sự vĩ đại nhất của Đức Giê-su không phải là nơi những điều làm cho
người ta vỗ tay tán thưởng nhưng là nơi đau khổ cùng cực mà Người phải chịu để
cứu giúp con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, đau khổ và sự chết muôn đời. Nói
cách khác, quyền năng vĩ đại nhất mà Đức Giê-su thực hiện là quyền năng diễn tả
qua những đau khổ và yếu đuối của Người.

Con người không thể đến với Thiên Chúa nếu không đón nhận tình yêu của
Người được thực hiện nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su. Quả thực, Đường Đau Khổ
là đường cứu độ, là Đường đem lại sự chữa lành chung cuộc và trọn vẹn cho con
người cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chính tình yêu của
Thiên Chúa nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su mới cho con người câu trả lời đầy đủ
nhất về ý nghĩa của đau khổ mà con người phải chịu trên bình diện cá nhân cũng
như tập thể. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói riêng với các môn
đệ của Người về điều này: “Đây là điều
răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình”
(Ga 15,12-13). Tình yêu cứu độ (salvific love) của Đức
Giê-su chính là tình yêu đau khổ (suffering love) của Người. Điều này có nghĩa
rằng thuộc tính của tình yêu Đức Giê-su diễn tả trong hành trình trần thế là
đau khổ. Nói cách khác, tình yêu cứu độ cũng là tình yêu đau khổ và ngược lại.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su
không hứa ban cho các môn đệ của Người cuộc sống sung túc, miễn nhiễm các hình
thức đau khổ nhưng cho họ biết về những đau khổ mà họ phải chịu đựng. Người
nói: “Anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp
anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải
ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết”

(Mc 13,9); “Nếu thế gian ghét anh em, anh
em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì
thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian
và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ
lời Thầy đã nói với anh em: Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy,
họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời
anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang
danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy”
(Ga 15,18-21). Cũng trong bối
cảnh trước khi bước vào cuộc thương khó, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong
Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”
(Ga 16,33). Những điều Đức
Giê-su nói được ứng nghiệm đối với những ai trung tín với Người trong dòng lịch
sử. Chúng ta có thể khái quát rằng càng trung tín với Đức Giê-su bao nhiêu, con
người càng thông phần đau khổ của Người bấy nhiêu.

Đức Giê-su hằng liên đới với mọi người trong đau khổ. Thân xác phục sinh
của Người vẫn còn in đậm những vết thương. Theo thánh Gio-an, khi hiện ra lần
thứ hai sau phục sinh, Người nói với Tô-ma, môn đệ hoài nghi sự phục sinh của
Người: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn
xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng
hãy tin”
(Ga 20,27). Điều này giúp chúng ta hiểu rằng Đức Giê-su vẫn luôn đồng
hành, chia sẻ và liên đới với tất cả mọi người, nhất là những ai đang phải
đương đầu với muôn hình thức đau khổ. Quả thực, trước khi bước vào cuộc khổ nạn,
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy là
cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì
người ấy sinh nhiều hoa trái”
(Ga 15,5). Trước khi về trời, Người cũng nói
với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế”
(Mt 28,20). Hơn ai hết, thánh Phao-lô là gương mẫu điển
hình trong việc cảm nghiệm về sự liên đới với Đức Giê-su và Giáo Hội, thân thể
mầu nhiệm của Người trong hành trình trần thế. Thánh nhân viết: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ
vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy
vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”
(Cl
1,24). Tương tự như vậy, nhờ việc gắn bó với Đức Giê-su và có kinh nghiệm sâu sắc
về sự hiện diện của Người, nhà bác học Blaise Pascal (1623 – 1662) viết: ”Đức Giê-su vẫn còn hấp hối cho đến tận thế”.
Quả thực, Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, sống lại và về trời. Tuy
nhiên, Người vẫn luôn hiện diện, đồng hành, chia sẻ đau khổ với mọi người trong
gia đình nhân loại.

Ai có kinh nghiệm về sự liên kết mật thiết với Đức Giê-su thì luôn phản ứng
tích cực trước các hình thức đau khổ, kể cả sự chết. Chẳng hạn, cảm nhận được sự
liên kết mật thiết với Đức Giê-su, thánh Phao-lô minh định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ,
gươm giáo?”
(Rm 8,35). Cũng theo thánh nhân: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện
tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một
loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên
Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”
(Rm 8,38-39). Đặc biệt,
thánh Phao-lô luôn ý thức về những đau khổ của ngài nhân danh Thiên Chúa, nhân
danh Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Thánh nhân viết cho các tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã đau khổ và
bị làm nhục tại Phi-líp-phê; nhưng vì tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà
chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những
cuộc chiến đấu gay go”
(1 Tx 2,2). Đau khổ là tủi nhục, là yếu đuối theo
nhãn quan người trần mắt thịt. Tuy nhiên, theo nhãn quan đức tin, thánh Phao-lô
xác tín: “Tôi rất vui mừng và tự hào
vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong
tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ
nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu,
chính là lúc tôi mạnh
” (2 Cr 12,9-10).

Chúng ta biết rằng đặc điểm chung của các thánh là chịu nhiều đau khổ.
Thật khó biết bao khi kiếm tìm trong lịch sử một vị thánh không nếm mùi đau khổ.
Đối với các ngài, đau khổ là cần thiết cho việc thanh luyện tâm hồn. Điểm chung
của các ngài là nhận thức về ý nghĩa của chương trình Thiên Chúa cứu độ được thực
hiện nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su. Càng đau khổ bao nhiêu, các ngài càng gắn
bó mật thiết với Người bấy nhiêu. Chính đau khổ đã biến đổi con người và cuộc sống
các ngài. Qua muôn thế hệ, các ngài luôn là những mẫu gương cho mọi người học
đòi bắt chước. Suy niệm về cuộc đời các thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng
người thánh thiện nhất là người chịu đau khổ nhiều nhất. Người gần Thiên Chúa
nhất là người phải chịu đau khổ nhiều nhất hay càng gần Thiên Chúa bao nhiêu,
con người càng phải chịu đau khổ bấy nhiêu. Chúng ta có thể quả quyết rằng châm
ngôn (motto) đáng để các Ki-tô hữu quan tâm nhất là ‘qua đau khổ tới vinh
quang’ (Lc 24,26). Đức Giê-su đã thực thi châm ngôn này và Người mời gọi những
ai theo Người cũng thực thi như vậy.

Đâu là nguyên nhân, nguồn gốc của đau khổ? Đau khổ có ý nghĩa gì không?
Con người có thể tiêu diệt đau khổ không? Đâu là cách thức hữu hiệu nhất để loại
trừ đau khổ? Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại để con người đau khổ? Thiên Chúa
ở đâu khi những người vô tội phải đau khổ? Quả thực, những câu hỏi về đau khổ
quá nhiều so với những giải thích hữu lý về đau khổ. Khi con người càng tìm
cách trả lời những câu hỏi liên quan đến đau khổ cũng là khi con người càng phải
đối diện với nhiều vấn đề không thể vượt qua. Quả thực, sự dữ, gian ác hay đau
khổ thật là nhiệm mầu (2 Tx 2,7). Thánh Au-gút-ti-nô chia sẻ: “Tôi đã truy tìm nguồn gốc sự dữ nhưng không
thu được kết quả nào”
[quaerebam unde malum, et no erat exitus]
(Confessions, VII, 7.11). Cuối cùng, thánh nhân nhìn nhận chương trình Thiên
Chúa được thực hiện nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su như là câu trả lời khả dĩ
nhất cho những trăn trở của ngài. Nhờ kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su và đi
Đường Đau Khổ của Người, thánh nhân đã không ngừng hoán cải và trở thành mẫu
gương sáng ngời cho những ai thành tâm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống mình trong thế
giới thụ tạo cũng như thế giới mai ngày.

Con người cần ý thức rằng bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu
còn phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ. Tự thân, con người không bao giờ có thể
loại bỏ các hình thức đau khổ khỏi cuộc sống mình. Các hình thức đau khổ trong
đời sống con người thật nhiệm mầu nhưng Đường Đau Khổ của Đức Giê-su còn nhiệm
mầu hơn. Như đã được đề cập ở trên, các trình thuật Tân Ước cho chúng ta nhận
thức rằng ưu tiên của Đức Giê-su trong hành trình trần thế không phải để giải
thích mầu nhiệm đau khổ mà là sống và nếm trải các hình hình thức đau khổ. Do
đó, điều cần thiết là con người cần sống với đau khổ theo cách thức Đức Giê-su
đã sống. Mầu nhiệm đau khổ của con người gắn liền với mầu nhiệm đau khổ của Đức
Giê-su, Người là Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa (Is 52,13-53,12). Công Đồng
Vatican II khẳng định rằng mầu nhiệm con người chỉ có thể được sáng tỏ trong mầu
nhiệm của Biến Cố Đức Giê-su (GS 22). Nói cách khác, mầu nhiệm đau khổ của con
người cần được nhìn nhận trong tương quan với mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được
diễn tả nơi Đường Đau Khổ của Đức Giê-su.

Các hình thức đau khổ trong môi trường thiên nhiên giúp chúng ta nhận thức
rằng thế giới này không hoàn hảo. Con người dễ bị tổn thương bởi động đất, núi
lửa, sóng thần, dịch bệnh, chiến tranh và nhiều hình thức tàn phá khốc liệt
khác. Đây là những dấu chỉ giúp chúng ta nhận ra sự mong manh của kiếp người, sự
mong manh của những gì chúng ta cho là bền vững, sự mong manh của thế giới vật
chất, sự mong manh của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Bên cạnh nhiều
điều chúng ta không chắc chắn ở trần gian này thì có hai điều chắc chắn mà
chúng ta cần quan tâm: (1) Sự chết của con người và (2) ‘sự chết’ của muôn vật
muôn loài. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng không phải
chúng ta cũng như muôn vật muôn loài phải chết nhưng được biến đổi (1 Cr 15,51;
Kh 21,1-3). Thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm của ngài: “Tôi nghĩ rằng: Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với
vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta”
(Rm 8,18). Còn tác giả sách Khải Huyền thì diễn tả
tình trạng của những ai trung tín với Đường Đau Khổ của Đức Giê-su như sau: “Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang
tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”
(Kh 21,4).

Đau khổ giúp con người trưởng thành hơn về ba nhân đức quan trọng của
Ki-tô Giáo là đức tin, đức cậy và đức mến. Theo tác giả Thánh Vịnh 119: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học
biết thánh chỉ Ngài”
(Tv 119,71). Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi
ích cho những ai yêu mến Người”
(Rm 8,28). Chúng ta biết rằng dân
Do-thái bị lưu đày ở Ai Cập hay Ba-by-lon là những sự dữ đối với họ. Tuy nhiên,
nhờ đó, họ mới có được kinh nghiệm sâu xa về tình yêu, sự trung tín và giải
thoát của Thiên Chúa. Câu chuyện Giu-se, con Gia-cóp, bị các anh mình bán sang
Ai-cập là ví dụ điển hình diễn tả việc Thiên Chúa biến sự dữ thành sự lành. Bởi
vì, nhờ Giu-se, con cháu và hậu duệ Gia-cóp khỏi phải lâm cảnh chết đói. Khi gặp
các anh mình sang Ai-cập để mua lương thực, Giu-se nói: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó
thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo”

(St 50,20). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trích lại lời của thánh Au-gút-ti-nô: “Thiên Chúa Toàn Năng bởi Người tốt lành vô
cùng, nên không bao giờ để bất cứ một sự dữ nào xảy ra trong các công trình của
Người, nếu Người không đủ quyền năng và lòng nhân lành để rút lấy điều lành từ
chính sự dữ”
(GLGHCG 311). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Từ việc Ít-ra-en chối bỏ và hạ sát Con
Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có do tội lỗi của mọi người gây
nên, Thiên Chúa đã rút ra được sự lành lớn nhất do sự sung mãn của ân sủng: Đức
Ki-tô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì thế mà cái xấu
trở thành cái tốt được”
(GLGHCG 312).

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Không
có bất cứ chi tiết nào của sứ điệp Ki-tô giáo mà không là một phần của câu trả
lời cho câu hỏi về sự dữ
” (GLGHCG 309). Cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công
Giáo: “Thiên Chúa trong sự quan
phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu quả của một sự dữ, cho dù là sự dữ
luân lý do thụ tạo gây nên”
(GLGHCG 312). Như vậy, một mặt, chúng ta
hiểu rằng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của sự dữ và hậu quả của sự dữ
là đau khổ. Mặt khác, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa có thể ‘rút sự lành từ hậu quả của sự dữ’. Điều này có nhiều bằng chứng
trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước. Chẳng hạn, vua Đa-vít là người tội lỗi,
đã làm điều dữ, gây đau khổ cho nhiều Người. Tuy nhiên, vua đã ăn năn hối cải
chân thành, được Thiên Chúa tha thứ và được gọi là ‘vua thánh’. Sự thánh thiện
của vua Đa-vít là sự thánh thiện qua việc hoán cải. Hơn ai hết, Đức Giê-su là
hiện thân của việc ‘rút sự lành từ hậu quả
của sự dữ’
qua hành trình trần thế của Người. Đường Đau Khổ của Người trở
thành Đường cứu độ nhân loại, cứu độ trần gian (Ga 1,29).

Mọi người được mời gọi suy niệm về mầu nhiệm đau khổ trong gia đình nhân
loại. Với sự phát triển của y học, các hình thức đau khổ thể lý ngày càng được
giảm thiểu. Tuy nhiên, những gì con người làm được thì quá ít ỏi so với những
gì con người không thể làm được. Nói cách khác, các hình thức đau khổ của con
người luôn vượt quá sự phát triển của y học. Đặc biệt, không ai có thể làm cho
mình hay người khác thoát khỏi đau khổ tồi tệ nhất là cái chết. Thực ra, có những
hình thức đau khổ không thuộc trật tự của y học. Các hình thức bệnh tật của con
người luôn dồi dào hơn các phương thức và thuốc men chữa bệnh. Hơn nữa, không
ai có thể đếm hết được các hình thức bệnh tật tiềm tàng trong xã hội loài người
cũng như môi trường thiên nhiên. Chẳng hạn, trong bối cảnh hiện tại, nhân loại
đang phải đối diện với Covid-19. Tuy nhiên, môi trường thiên nhiên còn có vô số
loại vi-rút khác nữa chưa xuất đầu lộ diện.

Trong thực tế, con người thường quan tâm đến những đau khổ tự nhiên, đau
khổ thể lý nhưng ít quan tâm đến những đau khổ luân lý. Quả thực, đau khổ luân
lý đáng để con người quan tâm hơn bởi vì hình thức đau khổ này liên quan trực
tiếp đến ‘nội tâm con người’, liên quan đến hữu thể ưu tuyển có tên gọi là ‘con
người’. Nói cách khác, đau khổ thể lý liên quan đến ‘cái con người có’ trong
khi đau khổ luân lý liên quan đến ‘cái con người là’. Chẳng hạn, có những người
tỏ vẻ bề ngoài nhân đạo như hô hào mọi người làm từ thiện hay xoa dịu nỗi đau của
các nạn nhân bị dịch bệnh. Tuy nhiên, tâm hồn họ đầy ác ý, dung dưỡng hận thù,
ghen ghét, đố kỵ, nói xấu người khác hay dàn dựng và phổ biến những thông tin nặc
danh nhằm bôi nhọ, hạ nhục người khác. Thực ra, con người hồn xác nhất thể. Mọi
người được mời gọi cộng tác với nhau trong việc xoa dịu những nỗi đau luân lý
và thể lý của anh chị em đồng loại như Đức Giê-su đã làm. Chẳng hạn, trước người
bại liệt, Đức Giê-su chữa anh khỏi đau khổ luân lý: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Đồng thời, Người cũng
chữa anh khỏi đau khổ thể lý: “Ta truyền
cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”
(Mc 2,11).

Con người hay có cái nhìn phiến diện và thường quan tâm nhiều về những
đau khổ, thiếu sót, khiếm khuyết của thế giới thụ tạo mà không quan tâm đúng mức
về những điều tốt lành trong đó. Chẳng hạn, con người thường quan tâm nhiều về
sự đột biến gen (đơn vị cơ bản của di truyền) diễn ra trong quá trình phân chia
của một phân tử ADN (acid deoxyribonucleic) dẫn đến bệnh tật mà không quan tâm
đúng mức về sự kỳ diệu của toàn bộ phân tử AND; rõ ràng những đột biến diễn ra
trong quá trình phân chia của phân tử ADN dẫn đến bệnh tật quá nhỏ so với sự
phân chia phân tử ADN diễn ra bình thường, giúp con người phát triển lành mạnh.
Con người thường quan tâm nhiều về một số em nhỏ bị bệnh đao (down syndrome) mà
không quan tâm đúng mức về tỷ lệ các em bị bệnh đao quá ít so với các em được
sinh ra khỏe mạnh. Tương tự như vậy, con người thường quan tâm nhiều về một số
trận động đất xảy ra mà không quan tâm đúng mức về việc trái đất đang nuôi dưỡng
khoảng tám tỷ người. Con người thường quan tâm nhiều về cái chết của vài triệu
người do Covid-19 gây nên mà không quan tâm đúng mức về hàng tỷ người đang sống
khỏe mạnh và dịch bệnh ngày càng suy giảm; kinh nghiệm lịch sử cho con người biết
rằng Covid-19 hay bất cứ hình thức dịch bệnh nào rồi cũng sẽ qua đi. Quả thực,
mỗi hình thức đau khổ đều cho con người những bài học quí giá và mời gọi con
người luôn sống tâm tình tạ ơn, phó thác hơn là tâm tình vô ơn, lãnh đạm.

Thập giá Đức Giê-su chính là câu trả lời cho tất cả những ai đặt câu hỏi:
‘Tại sao con người phải đau khổ?’. Trong khi Đức Giê-su không trả lời câu hỏi về
đau khổ bằng lời nói thì Người trả lời bằng hành động gánh chịu đau khổ tột
cùng. Như vậy, thay vì đặt câu hỏi ‘tại sao con người đau khổ?’, chúng ta nên đặt
câu hỏi ‘tại sao Đức Giê-su là Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ và tại sao tình
yêu của Thiên Chúa lại được diễn tả nơi đau khổ của Đức Giê-su?’. Như đã được đề
cập ở trên, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không quan tâm đến những giả
thuyết về đau khổ hay giải thích đau khổ bằng ngôn ngữ trừu tượng nhưng giải
thích bằng việc tự nguyện chấp nhận đau khổ và tham dự vào muôn hình thức đau
khổ của kiếp người. Như vậy, mọi người cần quy chiếu đau khổ của mình về đau khổ
của Đức Giê-su, đặt ‘bức tranh nhỏ về đau khổ của mình’ trong ‘bức tranh lớn về
đau khổ của Người’ để có thể ngày càng nhận diện rõ hơn về tình yêu vô bờ của
Người đối với bản thân mình cũng như tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Chúng ta có thể nhận định rằng, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, niềm tin
không đau khổ là niềm tin giả tạo; tình yêu không đau khổ là tình yêu vô vị; hy
vọng không đau khổ là hy vọng hão huyền. Biểu tượng trung tâm của Ki-tô Giáo là
thập giá Đức Giê-su, biểu tượng đau khổ; cũng là biểu tượng của niềm tin, tình
yêu và hy vọng. Tham dự vào đau khổ của Đức Giê-su và phó thác mọi đau khổ cho
Người là cách thức phù hợp nhất diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của người
Ki-tô hữu. Đức Giê-su đã đi Đường Đau Khổ để đến với gia đình nhân loại và cũng
đi Đường đó để đến với Chúa Cha. Do vậy, mọi người trong gia đình nhân loại
cũng hãy đi Đường Đau Khổ để đến với nhau, đến với muôn vật muôn loài trong thế
giới thụ tạo và đến với Thiên Chúa.

Những ai đón nhận Đức Giê-su thì được mời gọi sống theo Đường Đau Khổ của
Người, diễn tả Đường Đau Khổ của Người và loan báo Đường Đau Khổ của Người cho
anh chị em đồng loại. Nói cách khác, Đường Đau Khổ của Đức Giê-su cần được đón
nhận cách đầy đủ, suy niệm cách thấu đáo và diễn tả cách chân thành trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống. Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng trong biến
cố Phao-lô trở lại và được chọn làm tông đồ có sự tham dự của ông Kha-na-ni-a.
Khi ông phân vân về việc gặp Phao-lô, Đức Giê-su phục sinh nói với ông: “Cứ đi, vì người ấy [Phao-lô] là lợi khí Ta
chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái
Ít-ra-en. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người
ấy phải chịu vì danh Ta”
(Cv 9,15-16). Đau khổ trở thành đặc tính căn bản của
những ai muốn trở thành môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su, Đấng minh định rằng: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ”
(Mt 10,24). Nói cách khác, ai muốn đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su thì hãy
luôn trung tín với Đường Đau Khổ của Người.

Những quan sát, đánh giá và tổng hợp trên đây cho phép chúng ta kết luận
rằng muôn vật muôn loài được Thiên Chúa sáng tạo đều tốt đẹp. Khi con người phạm
tội cũng là khi con người phải chịu muôn hình thức đau khổ trên bình diện cá
nhân cũng như tập thể. Tuy nhiên, không phải các hình thức đau khổ đều gắn liền
với tội lỗi của con người. Điều này có nghĩa rằng đau khổ luôn là mầu nhiệm lớn
lao, vượt quá sự lĩnh hội, hiểu biết và giải thích của con người. Để giải thoát
con người khỏi đau khổ đời đời, Đức Giê-su đã đi Đường Đau Khổ để đến với gia
đình nhân loại. Hành trình trần thế của Người cũng là hành trình nâng đỡ những
người đau khổ. Đồng thời, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Thiên Chúa không
bao giờ để con người chịu đau khổ quá sức mình và rằng mọi người được mời gọi cộng
tác với nhau để xoa dịu các hình thức đau khổ cho anh chị em đồng loại. Đức
Giê-su cũng cho mọi người biết rằng Thiên Chúa cho phép đau khổ hiện diện và hoạt
động để thanh luyện con người, đồng thời, đau khổ giúp con người gia tăng niềm
tin, cậy, mến giữa những khó khăn bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Đức Giê-su đã
chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại để trao ban sự sống vĩnh cửu cho muôn
người. Tiếng nói cuối cùng của gia đình nhân loại, của thế giới thụ tạo không
phải là tiếng nói của tội lỗi, của sự dữ, của đau khổ hay sự chết nhưng là tiếng
nói của Thiên Chúa tình yêu, của Sự Sống vĩnh cửu. Ước gì, Đường Đau Khổ của Đức
Giê-su luôn được mọi người đón nhận, sống và diễn tả trong mọi hoàn cảnh của cuộc
sống mình trên hành trình về với Nước Thiên Chúa viên mãn.