Dự thảo chuyển hệ số lương giáo viên cũ 3,33 đến 3,99 thành 4,0 tôi thấy phù hợp – Giáo dục Việt Nam

GDVN- Thực tế, có giáo viên hệ số lương 3.33 nhưng chưa đủ 9 năm giữ hạng, sẽ không được chuyển lương thành 4.0.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.[1]

Về chuyển xếp lương có hướng dẫn cụ thể như sau:

“Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.

Đối với giáo viên phổ thông: giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non: điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên

Ta có bảng thống kê sau:

Hạng II cũ

2.34

2.67

3.0

3.33

3.66

3.99

4.32

4.65

4.98

Hạng II mới

2.34

2.67

3.0

4

4

4

4.34

4.68

5.02

Chênh lệch

Do chưa đủ thời gian

giữ hạng 9 năm

0.67

0.34

0.01

0.02

0.03

0.04

Vì thế những giáo viên hạng II, có hệ số lương 2.34, 2.67, 3.0, do chưa đủ thời gian giữ hạng 9 năm, sẽ giữ nguyên hệ số lương 2.34, 2.67, 3.0, và hạng hiện hữu, chờ đến khi đủ 9 năm giữ hạng, sẽ được hưởng hệ số lương khởi điểm của hạng II là 4.0.

Dự thảo chuyển hệ số lương giáo viên cũ 3,33 đến 3,99 thành 4,0 tôi thấy phù hợp

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Dự thảo chuyển hệ số lương giáo viên cũ 3,33 đến 3,99 thành 4,0 sẽ gây bất công” của tác giả Minh Khôi, đã thu hút được rất nhiều bạn đọc và chia sẻ nhiều trên các hội nhóm mạng xã hội của giáo viên.

Bài viết “Dự thảo chuyển hệ số lương giáo viên cũ 3,33 đến 3,99 thành 4,0 sẽ gây bất công” cho rằng:

“Có thể thấy rằng, nếu vẫn giữ quy định hệ số lương từ 3,33, 3,66, 3,99 cùng chuyển qua hệ số lương 4,0 sẽ rất bất hợp lý, chênh lệch quá lớn và bất công cho những giáo viên có hệ số lương 3,99 và cả những giáo viên có hệ số lương trên 4,0”.

Thế nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, không đồng ý, khi cho rằng “giáo viên có hệ số lương 3,33 đến 3,99 thành 4,0 sẽ gây bất công”, mà ngược lại rất hợp lý là đằng khác.

Tại sao lại hợp lý?

Thứ nhất, khi thực hiện trả lương cho giáo viên theo Dự thảo thông tư 01-04 sửa đổi, giáo viên chưa bị cắt thâm niên.

Giáo viên có hệ số lương 3,33 bắt đầu hưởng phụ cấp thâm niên 9%. Giáo viên có hệ số lương 3,66 bắt đầu hưởng phụ cấp thâm niên 12%. Giáo viên có hệ số lương 3,99 bắt đầu hưởng phụ cấp thâm niên 15%…

Như vậy, giáo viên công tác lâu năm hơn đã có phụ cấp thâm niên để giúp đảm bảo “công bằng”.

Thứ hai, khi trả lương theo vị trí việc làm, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên, giáo viên cùng vị trí việc làm sẽ có mức lương tương đương.

Hay nói cách khác, tất cả giáo viên sẽ không còn hệ số lương hiện hữu, nếu nói rằng “giáo viên có hệ số lương 3,33 đến 3,99 thành 4,0 sẽ gây bất công”, thì chúng ta không thể thực hiện trả lương theo vị trí việc làm được.

Thứ ba, đã thực hiện “Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác”, chúng ta phải chấp nhận những “sai số”.

Không thể có bất cứ chế độ, chính sách nào đảm bảo công bằng tuyệt đối. Giáo viên có hệ số lương 3,33 đến 3,99 thành 4,0 khi còn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên là chấp nhận được.

Giáo viên có hệ số lương 3,33, 3,66, vẫn chưa thể sống được bằng lương của mình. Tôi tin chắc rằng, bất cứ giáo viên nào đang có hệ số lương 3.99, 4.32, 4.65, 4.98 khi thực hiện trả lương theo dự thảo Thông tư sửa đổi 01-04, sẽ thấy mừng cho đồng nghiệp của mình.

“Đến bao giờ nghề giáo được ưu tiên nhất, thầy cô sống được bằng lương?”, dù chỉ có một bộ phận nhỏ của giáo viên được “hưởng lợi”, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy giữ nguyên vấn đề này như dự thảo.

Đôi điều kiến nghị

Nếu được đề xuất, tôi chỉ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm quy định thời gian giữ hạng từ 9 năm như dự thảo, xuống còn 6 năm.

Thực tế, có giáo viên có hệ số lương 3.33 nhưng chưa đủ 9 năm giữ hạng, do lập thành tích xuất sắc được nâng lương trước thời hạn, sẽ không được chuyển lên 4.0.

Tôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định thêm đối tượng giáo viên có thành tích xuất sắc, được nâng lương trước thời hạn, có hệ số lương 3.33 là được chuyển thành 4.0, khi thực hiện theo dự thảo Thông tư sửa đổi 01-04, (không phụ thuộc thời gian giữ hạng).

Làm được như thế, rất nhân văn, khuyến khích giáo viên cống hiến vì học sinh thân yêu, vì nền giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

– Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai