Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại tòa án: Quá nhiều “sạn”!
(HNM) – Mặc dù đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý từ ngày 7-8-2013, nhưng đến tháng 3-2014, nghĩa là sau 7 tháng, Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại tòa án do TAND tối cao xây dựng và công bố vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, nhiều nội dung của dự thảo được cho là không bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Không thay đổi, không giải trình
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, thời gian qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cùng một số cơ quan liên quan tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại tòa án. Sau đó, TAND tối cao có công văn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời gian xem xét, cho ý kiến để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và chuẩn bị kỹ hơn. Thế nhưng, dự thảo lần 2 mà cơ quan này nhận được vẫn là dự thảo cũ, không chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào và TAND tối cao cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo đã trình lần 1.
Phóng viên tác nghiệp tại tòa án. Ảnh: Lê Nga
Đáng chú ý, dự thảo có một số quy định chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngay cả nội dung đặc biệt quan trọng là thể chế hóa quyền con người cũng được yêu cầu xem xét lại. Đơn cử, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 quy định, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, song, quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… của dự thảo đã mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng hiện hành, nếu triển khai sẽ làm hạn chế các quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, theo Điều 26 dự thảo thì chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án Quân sự TƯ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; tuy nhiên, theo Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án Quân sự TƯ không được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, chánh án Tòa án Quân sự khu vực, chánh án Tòa án Quân khu được giao thẩm quyền xử phạt tại Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì lại chưa được ghi nhận trong dự thảo pháp lệnh.
Để xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, dự thảo nêu “người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người”. Đề xuất này vừa mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính, vừa trái Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần giao cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự thảo và phải sửa từ tên gọi, vì Nghị quyết của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân”. Thế nhưng, cơ quan soạn thảo đã sửa lại là “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án”. Việc sửa lại tên Pháp lệnh đã làm “thay đổi bản chất” hành vi bị xử lý, hình thức trách nhiệm, phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh và trình tự, thủ tục cũng như các chế tài xử lý không đúng với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.
Phạt báo chí – lệch chuẩn
Một vấn đề khác đang trở thành tâm điểm của dư luận hiện nay, đó là xử lý hành vi đưa tin sai sự thật, TAND tối cao cũng có những đề xuất lệch chuẩn. Như Báo Hànộimới đã có bài phản ánh, hiện nay đang có mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật. Trước thực tế này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ. Sau khi nghiên cứu, 2 cơ quan trên chung quan điểm phải có công văn kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng thống nhất quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đưa tin và cung cấp sai sự thật của báo chí và các cơ quan chức năng. Theo đó, thanh tra các ngành khác khi phát hiện báo chí sai phạm chỉ có quyền đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét ra quyết định xử phạt. Song, không hiểu lý do gì, TAND tối cao vẫn chưa cập nhật thông tin này, để rồi tự cho mình thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng…
Không chỉ ban hành dự thảo lệch chuẩn, dự thảo có 58 điều thì có đến 26 điều, khoản trùng lặp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, trái với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước sự đa dạng, phức tạp của đời sống hiện nay, bất kỳ một dự thảo luật nào ra đời cũng luôn chứa đựng những rủi ro về khả năng thiếu khả thi khi áp dụng. Nhưng để đến mức nhiều sạn ngay trong quá trình xây dựng dự thảo là chuyện không bình thường, khiến không ít người có cảm tưởng các nhà soạn dự thảo cứ ngồi trong phòng rồi vẽ ra các quy định “trên trời”, vô cảm với các đối tượng chịu tác động.