Du lịch quốc tế là gì? Hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế ở Việt Nam

Du lịch được coi là sứ giả hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc với nhau. Hiện nay, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu có tốc độ phát triển cao, thu hút nhiều quốc gia tham gia vì những lợi ích liên quan đến kinh tế – xã hội. Ngày nay, với xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa, du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng đã và đang trở thành ngành dịch vụ hàng đầu, chiếm tỷ trọng GDP cao. Vậy, du lịch quốc tế là gì? Chúng ta cùng giải đáp thắc mắc này thông qua bài viết dưới đây cùng Luận Văn 2S nhé.

Du lịch quốc tế là gì?

Du lịch được hiểu là sự dịch chuyển của con người ra khỏi nơi thường sống và làm việc của mình nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, tầm hiểu biết về đời sống văn hóa con người và môi trường sinh thái mới trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (thường từ ba ngày đến một tháng).

Du lịch quốc tế (Tiếng Anh: International Travel): Là một trong những hình thức cơ bản của du lịch xét theo không gian lãnh thổ di chuyển, cư trú, tham quan, giải trí,…ngày càng trở thành một bộ phận hữu cơ của toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, du lịch quốc tế được coi là động lực tăng trưởng và phát triển nhanh của quốc gia.

Theo Luật du lịch Việt Nam: Du lịch quốc tế là hoạt động du lịch liên quan đến người nước ngoài đi du lịch đến quốc gia nhận khách.

Du lịch quốc tế được định nghĩa là sự dịch chuyển và lưu trú tạm thời của con người ở quốc gia khác (không phải là nơi ở thường xuyên của họ) nhằm thỏa mãn những nhu cầu liên quan đến tham quan, nâng cao hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử,…Ở hình thức du lịch này, khách phải vượt qua biên giới và tiêu ngoại tệ ở nơi đến du lịch.

du_lich_quoc_te_la_gi_luanvan2s
Du lịch quốc tế là gì?

Xem thêm:

→ Dịch vụ lưu trú là gì? Cơ sở lý luận về chất lượng dịch vụ lưu trú

Các loại hình du lịch quốc tế

Du lịch quốc tế được chia làm 2 loại chính bao gồm: Du lịch quốc tế chủ động và du lịch quốc tế bị động, cụ thể như sau:

  • Du lịch quốc tế chủ động: Là hình thức du lịch của khách ngoại quốc đến một đất nước nào đó, ví dụ: Du khách đến Việt Nam và tiêu tiền họ kiếm được từ đất nước của họ. Đối với hình thức này, nó tương tự như nhập khẩu hàng hóa vì có liên quan đến chi ngoại tệ.

  • Du lịch quốc tế bị động: Là các trường hợp các công dân ra ngoài biên giới quốc gia và trong chuyến đi đó, họ tiêu tiền kiếm được ở nước mà họ đến. Ở phương diện kinh tế, du lịch quốc tế chủ động gần giống với hoạt động xuất khẩu vì nó làm tăng thu nhập ngoại tệ cho đất nước du lịch. Khách du lịch quốc tế đổi ra bản tệ để chi tiêu số tiền chi tiêu ở nơi du lịch đẩy mạnh cán cân thanh toán của nước đó.

Vai trò của du lịch quốc tế là gì?

Thứ nhất, du lịch quốc tế tạo nguồn thu nhập ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Ngoại tệ thu được từ hoạt động du lịch quốc tế góp phần cải thiện cán cân thanh toán của đất nước và thường được sử dụng để mua sắm thiết bị máy móc cần thiết cho quá trình tái sản xuất xã hội. Vì vậy, du lịch quốc tế góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng thu nhập quốc dân.

Thứ hai, du lịch quốc tế tạo điều kiện cho đất nước phát triển du lịch. Du lịch quốc tế tạo điều kiện cho đất nước phát triển du lịch, tiết kiệm lao động xã hội khi xuất khẩu một số mặt hàng và nó có lợi hơn nhiều hơn so với xuất khẩu ngoại thương. Xuất khẩu thông qua du lịch quốc tế không tốn chi phí vận chuyển quốc tế, tốn ít chi phí đóng gói và bảo quản vì nó được vận chuyển trong phạm vu đất nước du lịch.

Thứ ba, tiết kiệm thời gian và tăng vòng quay của vốn đầu tư: Du khách phải tự vận động đến nơi có hàng hóa và dịch vụ cho nên không phải vận chuyển hàng háo đến với khách từ đó tiết kiệm thời gian làm tăng nhanh vòng quay của vốn đầu tư. Khi thu hồi vốn đầu tư từ du lịch quốc tế thực chất đã “xuất khẩu” được nguyên vật liệu và lao động.

Thư tư, du lịch quốc tế là phương tiện quảng cáo không mất tiền cho đất nước du lịch chủ nhà. Khi du khách đến địa điểm du lịch, có điều kiện làm quen với một số mặt hàng ở đó khi trở về, họ có thể yêu cầu cơ quan ngoại thương nhập khẩu mặt hàng về quốc gia của mình. Theo đó, du lịch quốc tế góp phần tuyên truyền cho nền sản xuất của nước du lịch chủ nhà.

Thứ năm, du lịch quốc tế góp phần mở rộng và củng cố các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Sự phát triển của du lịch quốc tế giúp ký kết các hợp đồng trao đổi khách giữa các nước tổ chức và hãng du lịch, hợp tác trong lĩnh vực vay vốn,….Ngoài ra, du lịch quốc tế cũng góp phần thúc đẩy các quốc gia bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát triển môi trường thiên nhiên- xã hội và kích thích các ngành nghề khác phát triển như giao thông vận tải, thông tin liên lạc,…

Kinh doanh du lịch quốc tế là gì?

Kinh doanh du lịch được hiểu là việc thực hiện một, một số hay tất cả các công đoạn trong quá trình hoạt động du lịch hoặc thực hiện dịch vụ du lịch trên thị trường với mục đích sinh lời.

Hoạt động kinh doanh bao gồm:

Kinh doanh lữ hành: Là loại hình kinh doanh đảm nhiệm việc giao dịch ký kết với các tổ chức kinh doanh du lịch trong và ngoài nước để xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch đã bán cho du khách. Kinh doanh lữ hành quốc tế đảm nhận việc tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch nước ngoài.

Kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch: Là loại hình kinh doanh thực hiện nhiệm vụ tổ chức, đón tiếp, phục vụ nội trú, ăn uống, vui chơi giải trí và bán hàng cho du khách. Hoạt động này là công đoạn phục vụ khách du lịch để họ hoàn thành chương trình du lịch đã lựa chọn.

Kinh doanh dịch vụ thông tin: Gồm nhiều dạng khác nhau như các dịch vụ môi giới tìm địa chỉ, thông tin giá cả cho đến dịch vụ tư vấn pháp lý, thông tin nguồn khách,…Tổ chức tuyên truyền, quảng cáo hội chợ du lịch, xúc tiến phát triển du lịch,…

Vai trò của việc nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế

Hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế thể hiện ở trình độ tổ chức, quản lý, xây dựng các chiến lược phát triển của đất nước đối với hoạt động du lịch cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quốc tế.

Du lịch phát triển sẽ tạo tiền đề kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, khách sạn,…Du lịch phát triển cũng góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng thu ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế mang lại còn có ý nghĩa trong việc tái xây dựng nền kinh tế, cải thiện trang thiết bị máy móc và phương tiện kinh doanh.

Đạt được hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế cũng giúp tiết kiệm nguồn lực, nguồn nguyên liệu cho xã hội và là cơ sở để các doanh nghiệp có khả năng mở rộng sản xuất, tăng năng lực phục vụ khách hàng, tăng uy tín và mở rộng các mối quan hệ quốc tế.

Hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp du lịch và đất nước. Để đạt được hiệu quả cao, các công ty cần hoàn thành mục tiêu và phương hướng đề ra trong từng giai đoạn và phù hợp với bối cảnh của quốc gia.

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế

Nhân tố bên trong doanh nghiệp

Kinh doanh du lịch mang tính thời vụ cao, để phục vụ trong mùa du lịch, doanh nghiệp cần tập trung toàn bộ vốn kinh doanh của mình để đưa vào hoạt động nên những doanh nghiệp nào có vốn lớn sẽ đáp ứng phục vụ cho nhiều khách hơn từ đó đủ trang trải cho các chi phí cần thiết khác.

Nhân lực: Trong bất cứ hoạt động kinh tế nào, con người đều giữ vai trò quan trọng.Vấn đề nhân sự trong doanh nghiệp du lịch quốc tế cần giỏi về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết xã hội và sắp xếp tổ chức công việc hợp lý, khoa học và được quản lý một cách chắc chắn. Hiệu quả kinh doanh du lịch quốc tế chủ yếu xuất phát từ tài năng người lãnh đạo, người lãnh đạo giỏi sẽ giúp công ty đạt được kết quả mong muốn.

Phương tiện, khoa học công nghệ: Các công ty du lịch quốc tế cần ứng dụng các công nghệ khoa học phục vụ cho việc tiếp cận khách hàng, tìm hiểu thông tin thị trường du lịch, xu hướng du lịch,…từ đó có phương hướng kinh doanh đúng đắn.

Kinh nghiệm kinh doanh, mối quan hệ với bạn hàng, các nhà quản lý: Đây là những cơ sở quan trọng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sự cạnh tranh trên thương trường.Mức độ đem lại hiệu quả kinh doanh đến đâu phụ thuộc nhiều vào nhân tố này bởi du lịch quốc tế liên quan đến người nước ngoài và nó chịu sự chi phối của nhiều tổ chức quản lý cả trong nước lẫn quốc tế.

Các nhân tố bên ngoài

Môi trường pháp luật: Luật về du lịch hay pháp lệnh về du lịch không hoàn thiện sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, gây xáo trộn thị trường. Doanh nghiệp du lịch cần hiểu biết về hệ thống luật pháp của từng quốc gia và các hiệp định giữa các nước thì mới có những quyết định đúng đắn khi lựa chọn thị trường, khu vực kinh doanh,…

Môi trường chính trị: Nó không tác động lớn đến hoạt động kinh doanh nhưng tác động trực tiếp đến cung cầu trên thị trường du lịch, đến số lượng khách hàng. Sự ổn định chính trị thể hiện qua thể chế, quan điểm chính trị được nhân dân đồng tình, uy tín của đảng lãnh đạo,…

Môi trường văn hóa – xã hội: Môi trường văn hóa – xã hội ở một chừng mực nhất định có ảnh hưởng đến phong cách làm việc, mô hình quản lý, điều tiết kinh doanh từ đó ảnh hưởng đến mục đích gia tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch quốc tế.

Môi trường cạnh tranh của công ty: Để đánh giá khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường, doanh nghiệp cần nắm bắt được khả năng nội tại của công ty, những mối đe dọa, thách thức để tiến hành các hoạt động thích ứng để chớp thời cơ, tạo cơ hội để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Có thể thấy rằng, du lịch quốc tế đã và đang là xu hướng được các quốc gia quan tâm phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, vấn đề phát triển du lịch quốc tế cũng được đặt lên hàng đầu với nhiều phương hướng phát triển mới. Hy vọng những nội dung xoay quanh khái niệm du lịch quốc tế là gì mà chúng tôi cung cấp ở trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về du lịch quốc tế. Ngoài ra, nếu như bạn đang gặp khó khăn với bài luận văn du lịch của mình, đừng quên liên hệ với Luận Văn 2S để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng nhất nhé!