Du lịch là gì ? Giải thích từ ngữ trong ngành du lịch – Marketing Du lịch

Ngành nghề nào cũng có từ vựng và khái niệm định nghĩa riêng cho từng từ ngữ chuyên ngành và du lịch không ngoại lệ, hôm nay Marketing du lịch xin gửi tới các bạn trong một số định nghĩa khái niệm trong ngành du lịch

Du lịch là gì ?

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá tài nguyên du lịch và hoạt động kết hợp mục đích hợp pháp khác.

Khách du lịch là gì ?

Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Hoạt động du lịch là gì ?

Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch

Tài nguyên du lịch là gì ?

Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm đến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

Sản phẩm du lịch ?

Là nơi tập hợp dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch

Khu du lịch là gì ?

Khu du lịch là khu vực có ưu thế tài nguyên du lịch, được quy hoặc đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.

Điều kiện để công nhận khu du lịch quốc gia

1. Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, có khả năng thu hút nhiều khách du lịch.
2. Có diện tích tối thiểu là một nghìn héc ta.
3. Có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một triệu lượt khách du lịch một năm.
4. Có quy hoạch phát triển khu du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Có mặt bằng, không gian đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí trong khu du lịch.
6. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch và dịch vụ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
7. Có cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, thể thao và các cơ sở dịch vụ đồng bộ khác.
khu du lịch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận
(Điều 4 – luật du lịch; Điều 6 – Nghị định số 92/2007/NĐ-CP)

Đô thị du lịch

là đô thị có lợi thế phát triển du lịch và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị.

Điều kiện để công nhận đô thị du lịch

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đô thị du lịch khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các quy định về đô thị theo quy định của pháp luật;
b) Có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc khu vực liền kề với ranh giới đô thị;
c) Có đường giao thông thuận tiện đến các khu du lịch, điểm du lịch;
d) Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch;
đ) Có hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ, tiện nghi đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đô thị du lịch trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.

(Điều 4 – luật du lịch; Điều 11 – nghị định số 92/2007/NĐ-CP)

Điểm du lịch là gì ?

Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư khai thác dịch vụ khách du lịch.

Chương trình du lịch ?

Chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình du lịch, dịch vụ, giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành ?

Là việc xây dựng, bán và tổ tức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch ?

Là hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ rợ khách du lịch sử dụng dịch vụ theo chương trình du lịch.

Theo điểm 2 điều 58 Luật du lịch ban hành 2018 Phạm vi hành nghề hướng dẫn viên du lịch được quy định như sau:
a, Hướng dẫn viên du lịch quốc tế được hướng dẫn du cho khách nội địa, du khách quốc tế đến việt nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài ;
b, Hướng dẫn viên du lịch du lịch nội địa được hướng dẫn cho khách du lịch nội địa là công dân việt nam trong phạm vi toàn quốc;
c, Hướng dẫn viên du lịch tại điểm được hướng dẫn cho khách du lịch trong phạm vi du lịch, điểm du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch ?

Là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch.

Cơ sở lưu trú du lịch ?

Là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Các loại cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:

a) Khách sạn;
b) Làng du lịch;
c) Biệt thự du lịch;
d) Căn hộ du lịch;
đ) Bãi cắm trại du lịch;
e) Nhà nghỉ du lịch;
g) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê;
h) Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương quy định, công bố tiêu chí cụ thể đối với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch; hồ sơ, thủ tục phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
(Điều 4 – luật du lịch; Điều 17 – nghị định số 92/2007/NĐ-CP )

Xúc tiến du lịch ?

Là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch.

Phát triển du lịch bền vững ?

Là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai.

Du lịch cộng đồng ?

Là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Du lịch sinh thái ?

Là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

Du lịch văn hóa ?

Là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh văn hóa mới của nhân loại.

Môi trường du lịch ?

Là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội diễn ra các hoạt động du lịch

Tuyến du lịch là gì ?

Là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không.

Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch

1. Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch quốc gia:
a) Nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế;
b) Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
2. Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch địa phương:
a) Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương;
b) Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.

(Điều 4, Điều 25 – luật du lịch)

Trên đây là những khái niệm cơ bản về ngành du lịch, hi vọng thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn phần nào về ngành du lịch. Bài viết trên được trích lược từ Luật du lịch Việt Nam. Mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của anh chị em trong ngành qua phần bình luận bên dưới.