Du lịch chùa Yên Tử Quảng Ninh – Đất tổ Phật giáo Việt Nam
Chùa Yên Tử ở tỉnh nào? Chùa Yên Tử bao nhiêu bậc thang? Chùa Yên Tử cao bao nhiêu mét? là một vài câu hỏi về “đệ nhất linh sơn” của Việt Nam – Yên Tử Quảng Ninh. Không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh, đi lễ chùa Yên Tử bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và check in những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng. Hôm nay hãy theo chân Digiticket ghé thăm nơi này nhé.
1. Chùa Yên Tử ở đâu?
-
Địa chỉ: Thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Hẳn ai nghe về chùa Yên Tử cũng liên tưởng đây là một ngôi chùa ở Quảng Ninh. Nhưng trên thực tế, chùa Yên Tử là tên gọi xuất phát từ dân gian, gọi chung về Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thuộc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Quảng Ninh.
Khu di tích Yên Tử có nhiều tháp, am và chùa chiền, trải dài từ chùa Bí Thượng đến chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử. Toàn cảnh chùa Yên Tử được khái quát qua lịch trình dưới đây. Bạn hãy tham khảo trước khi xuất phát đến đây nhé.
2. Giới thiệu về chùa Yên Tử
Được mệnh danh là “đệ nhất linh sơn” Việt Nam, khu danh thắng Yên Tử nổi tiếng với nhiều điển tích và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đôi nét về núi Yên Tử
Núi Yên Tử còn có tên gọi là Yên Tử sơn, Bạch Vân Sơn. Ngọn núi cao 1068m so với mực nước biển, quanh năm bảo phủ bởi làn mây trắng bồng bềnh tạo nên khung cảnh huyền bí vô cùng cuốn hút.
Quãng đường từ chân núi lên đỉnh núi (chùa Đồng) dài khoảng 6000m. Bao quanh là các cảnh đẹp kì vĩ như thác Vàng, thác Ngự Dội, cổng trời, rừng trúc… Xen kẽ với thiên nhiên là các ngôi chùa, am, tháp cổ kính, gắn liền với những điển tích xa xưa về sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm.
Ảnh: @blue.nomad
Du lịch Yên Tử sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Những con suối trong vắt tựa như dải lụa vắt ngang rừng trúc. Thấp thoáng xa xa là tiếng nước chảy róc rách qua những viên đá bóng nhẵn. Đứng trên đỉnh núi bạn có thể chiêm ngưỡng cả vùng Đông Bắc rộng lớn và dòng sông Bạch Đằng đang ồn ào cuộn sóng.
Lịch sử về Yên Tử – Đất tổ Phật giáo Việt Nam
Yên Tử trở thành trung tâm Phật Giáo Việt Nam kể từ khi vua Trần Nhân Tông đến đây tu hành vào năm 1299, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà.
Trên núi Yên Tử, trúc là loài cây rất phổ biến. Trúc tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp tao nhã, thanh bạch. Đó có thể là lý do nhà vua chọn Yên Tử làm nơi tu hành và lấy tên “rừng trúc” – Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền mới của mình.
Ảnh: @yentumountain
Trong 19 năm tu hành, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ để giảng kinh, truyền đạo. Trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Đông Triều… Lưu truyền cho đời sau nhiều tác phẩm nổi tiếng như Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Tăng Già Toái Sự…
Sau khi Phật Hoàng viên tịch, sư Pháp Loa và sư Huyền Quang đã kế tục sự nghiệp phát triển thiền phái Trúc Lâm. Và vùng Yên Tử đã trở thành “kinh đô” tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của Việt Nam trong thế kỷ XIII và XIV.
Ảnh: @yentumountain – Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại núi Yên Tử
Thơ về chùa Yên Tử
Từ xa xưa đã có nhiều bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Yên Tử được lưu giữ trong sử sách. Tiêu biểu như “Hải nhạc danh sơn đồ” đời Tống:
Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ,
Yểu điệu hình khe trổ một ngành.
Tiên cỡi loan qua ngồi cảnh tịnh,
Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh
Bài thơ “Đề Yên Tử sơn Hoa Yên Tử” của Nguyễn Trãi:
Trên núi Yên Tử ở ngọn cao nhất
Mới đầu canh năm, mặt trời đã đỏ rực
Cảnh vũ trụ, mắt nhìn cùng tột tít ngoài biển xanh
Tiếng nói cười con người ở trong làn mây biếc
Bao quanh cửa, giáo ngọc rậm nghìn mẫu
Treo trên đá, dải châu rơi xuống lưng trời…
Ảnh: @lipulipulipu
3. Hướng dẫn đường đi chùa Yên Tử Quảng Ninh
Xuất phát từ Hà Nội bạn có thể đến chùa Yên Tử theo nhiều tuyến đường. Độ dài quãng đường khoảng 130km, tương đương với gần 3h lái xe.
-
Tuyến 1: từ Hà Nội bạn đi đường QL8, chạy thẳng đến đền Trình, sau đó rẽ trái 10km là tới Yên Tử
-
Tuyến 2: Bạn đi đến cầu Chương Dương, kế đến đi vào QL5. Đi dọc theo QL5B/ĐCT04 đến Quang Trung rồi đi theo lối ra về hướng QL5/Thái Bình. Sau đó bạn đi vào QL10 và chạy thẳng đến Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí là đến Yên Tử.
-
Tuyến 3: Bạn đi xe khách tuyến Hà Nội – Uông Bí, đến đoạn chùa Trình ở QL18 thì xuống xe. Tiếp theo bạn bắt xe bus vào đến chân núi Yên Tử.
4. Khám phá những điều thú vị nhất tại danh thắng Yên Tử Quảng Ninh
Đến với hành trình tham quan chùa Yên Tử Quảng Ninh, bạn sẽ được khám phá:
Tham quan các ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi
Quần thể chùa Yên Tử Quảng Ninh có những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi. Thông thường, lịch trình của du khách hành hương sẽ bắt đầu ở chùa Trình và kết thúc ở chùa Đồng. Bạn hãy lưu lại lịch trình và bản đồ sau:
Ảnh: Sưu tầm
-
Mục Lục
Đền Trình/ Chùa Trình Yên Tử:
Hành trình tham quan Yên Tử bắt đầu từ chùa Trình (chùa Bí Thượng). Ngôi chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê trên mặt nền kiến trúc hình chữ Nhất. Kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” lợp ngói mũi hài, vì kèo nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Theo lễ nghi “đi trình về”, chùa Trình là điểm xuất phát cũng là điểm kết thúc sau chuyến đi chùa Yên Tử.
Ảnh: Chùa Trình – Đền Trình Yên Tử dịp đầu xuân
-
Chùa Suối Tắm và chùa Cẩm Thực
Từ chùa Trình, bạn đi tiếp đến tham quan chùa Suối Tắm tọa lạc trên thế đất tựa đầu rùa. Ngôi chùa xây trên mặt bằng hình chữ Đinh, kiến trúc ba gian hai chái bái đường (Tả Vu, Hữu Vu) và một gian hậu cung. Sử dụng ngói mũi hài, đầu đao bốn góc mái hình mây cuộn và rồng được chạm trổ công phu, tỉ mỉ.
Ảnh: Sưu tầm
Cách chùa Suối Tắm khoảng 1km là chùa Cẩm Thực. Ngôi chùa được đặt tên để tưởng nhớ công ơn và tấm lòng từ bi bố thí của vua Trần vào hơn 700 năm trước.
-
Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử (Chùa Lân)
Đi tiếp khoảng 4km, bạn sẽ đến Chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử). Xưa kia, chùa Lân là một ngôi chùa lớn, có nhiều công trình đồ sộ nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian. Đến năm 2002, chùa được xây lại dựa trên dấu tích cũ. Chùa Lân là một trong những ngôi chùa quan trọng của trường phái Trúc Lâm. Đây cũng là nơi đầu tiên vua Trần Nhân Tông tu hành khi đến Yên Tử.
Ảnh: Sưu tầm
-
Chùa Giải Oan Yên Tử
Chùa Giải Oan lưng tựa núi, phía trước là dòng suối trong vắt chảy róc rách. Từ sân chùa có thể nhìn thấy mây trắng ôm lấy đỉnh núi Yên Tử. Trong sách sử ghi lại chùa có địa thế rất đẹp, thế đất phong thủy nên rất linh thiêng.
Ảnh: Chùa giải oan Yên Tử
-
Chùa Hoa Yên Yên Tử
Từ chùa Giải Oan đi theo con đường có hai hàng tùng cổ từ 700 năm trước, qua 136 bậc đá đến với chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên hay còn gọi là chùa Vân Yên, chùa Cả. Đây là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất và là chùa chính của núi Yên Tử. Chùa tọa lạc ở lưng chừng núi với độ cao 516m, ẩn hiện trong lớp mây trắng bồng bềnh.
Ảnh: Sưu tầm
-
Chùa Một Mái Yên Tử
Chùa Một Mái là một ngôi chùa vô cùng đặc biệt. Một nửa ẩn sâu trong hang núi, một nửa phô ra bên ngoài nên ngôi chùa chỉ lợp một mái. Nép mình bên sườn núi cao xung quanh là cây cối mây trời nên không gian ở đây rất thanh tịnh.
Ảnh: Sưu tầm
-
Chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu
Chùa Bảo Sái mộc mạc, đơn sơ, là nơi thờ cúng thiền sư Bảo Sái – đệ tử thân tín của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông được vua giao nhiệm vụ ghi lại tất cả các kinh văn của Thiền Phái Trúc Lâm để truyền giảng cho đệ tử trên cả nước.
Men theo sườn núi khoảng 200m, bạn sẽ đến chùa Vân Tiêu lúc ẩn lúc hiện trong những tầng mây. Xưa kia chùa là một am nhỏ nơi vua tu hành, tên gọi là Am Tử Tiêu.
-
Chùa Đồng Yên Tử
Điểm cuối trong hành trình du lịch Yên Tử là chùa Đồng nằm ở vị trí cao nhất của núi Yên Tử. Ngôi chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng, nặng khoảng 60 tấn. Chùa quay hướng Tây Nam, dáng tựa như một bông hoa sen nở ngự trên sập đồng. Đến chùa Đồng bạn sẽ có cảm giác như chạm vào mây, cõi lòng thanh thản với đất trời, phật pháp.
Ảnh: @yeutumountain
Tham gia lễ hội chùa Yên Tử
Lễ hội mùa xuân Yên Tử là nét đẹp văn hóa tâm linh từ nhiều đời nay. Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 tháng giêng đến hết tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Thời tiết lúc này mát mẻ, trăm hoa đua nở là thời điểm vô cùng lý tưởng để du xuân và thưởng ngoạn cảnh chùa.
Trải nghiệm cáp treo chùa Yên Tử có tầm nhìn 360 độ
Tuyến cáp treo Yên Tử gồm hai chặng:
-
Chặng 1 từ chùa Giải Oan đến chân Tháp Tổ.
-
Chặng 2 từ phía đông chùa Hoa Viên đến Bảo tượng Phật Hoàng.
Bạn sẽ được thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh quan hùng vĩ của núi rừng và mây trời, lướt qua những tán rừng xanh mướt, những thác nước tuyệt đẹp sẽ là trải nghiệm thú vị không thể nào quên.
Ảnh: @yeutumountain
5. Gợi ý lịch trình tham quan Yên Tử 1 ngày chi tiết
Với những bạn muốn đi du lịch chùa Yên Tử 1 ngày thì có thể tham khảo lịch trình sau đây của Digiticket:
Buổi sáng: Bạn xuất phát từ Hà Nội đến chân núi Yên Tử. Sau khi gửi xe vào bãi đỗ xe, bạn đi tham quan chùa Giải Oan rồi đi ra ga cáp treo, đi lên Tháp Tổ. Sau khi tham quan Tháp Tổ, bạn đi tham quan chùa Hoa Viên, chùa Một Mái, tháp 9 tầng, sau đó đi cáp treo lên chùa Bảo Sái. Sau khi tham quan chùa, tượng An Kỳ Sinh, bạn đi bộ khoảng 700m lên chùa Đồng ở đỉnh núi.
Buổi trưa: Sau khi tham quan chùa Đồng, bạn đi cáp treo về chùa Hoa Viên, ăn trưa và nghỉ ngơi ở khu vực nhà hàng, nhà nghỉ.
Buổi chiều: Bạn đi cáp treo về điểm ban đầu, lấy xe và đi tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Cẩm Thực, chùa Suối Tắm, chùa Trình.
Chiều tối: Bạn đi xe về Hà Nội, kết thúc một ngày du ngoạn Yên Tử.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp hành trình du lịch Yên Tử – chùa Ba Vàng trong 1 ngày cũng rất thú vị. Hai ngôi chùa này cũng khá gần nhau.
Khám phá ngay:
Ảnh: @yeutumountain
6. Một số lưu ý khi đi du lịch chùa Yên Tử
Để có chuyến đi Yên Tử trọn vẹn nhất, bạn đừng bỏ qua một số lưu ý nhỏ sau đây:
-
Thời điểm đi Yên Tử đẹp nhất là mùa xuân, tiết trời mát mẻ, dễ chịu và có lễ hội vô cùng náo nhiệt.
-
Quãng đường đi có nhiều đoạn phải leo núi, do đó, bạn nên đi giày đế mềm, giày thể thao.
-
Nếu đi cáp treo, bạn nên mua vé khứ hồi để tiết kiệm chi phí và thời gian.
-
Giá vé cáp treo chùa Yên Tử tham khảo:
-
Vé một chiều: 200.000đ/ 1 người/ 1 tuyến
-
Vé khứ hồi: 350 000đ/người/2 tuyến
-
Trẻ em dưới 1,2m và Người già trên 70 tuổi: Miễn phí
-
-
Đường lên đỉnh Yên Tử khá dài, bạn nên chia thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giữ sức khỏe.
-
Trên đường đi tránh giẫm lên rễ cây, không nên ngắt cành, bẻ ngọn, không vứt rác bừa bãi.
-
Vào mùa lễ hội, nơi đây rất đông du khách, vậy nên hãy bảo quản cẩn thận đồ đạc của bạn.
Khu di tích lịch sử và danh thắng chùa Yên Tử sẽ là điểm tham quan vô cùng ý nghĩa với bạn và gia đình. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có chuyến đi trọn vẹn nhất.
Đừng bỏ lỡ những địa điểm văn hoá tâm linh nổi tiếng nhất hiện nay: