Du lịch Tây Bắc mùa thu đông và những điều không thể bỏ qua

1. Tổng quan về Tây Bắc

1.1. Vị trí địa lý

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc và bao gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Phía đông được giới hạn bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Phía Tây là dãy núi Sông Mã.

Địa hình Tây Bắc là địa hình núi cao và chia cắt sâu, có nhiều khối núi và dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180km, rộng 30km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000m. Dãy núi Sông Mã dài 500km, có những đỉnh cao trên 1800m. Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà.

Với địa hình đồi núi trùng điệp, đây sẽ là một địa điểm thích hợp cho những ai ưa thích du lịch khám phá.

1.2. Khí hậu

Nhiều du khách lựa chọn điểm đến của mình ở Tây Bắc cũng bởi khí hậu lạnh ở nơi đây.
Được thiên nhiên tạo hóa cho những khung cảnh cực hùng vĩ nên nhìn chung đi du lịch vùng Tây Bắc mùa nào cũng có nét riêng tuyệt đẹp, nhưng có thể kể đến những thời điểm đặc sắc nhất là:
– Tháng 2, 3 khi hoa đào, hoa mơ, hoa ban nở rộ khắp những cánh rừng là thời điểm tuyệt vời để săn những bức ảnh thiên nhiên không thể bỏ qua.
– Tháng 5, 6 tiết trời mát mẻ, không khí trong lành, ngắm nhìn thác nước đổ vào núi đồi như được tráng gương.
– Tháng 9, 10 trời xanh ngắt vào mùa lúa chín, màu vàng óng trải dài trên khắp những thửa ruộng bậc thang. Nếu bạn là người thích đi khám phá trên các cung đường Tây Bắc để ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên nơi đây thì không nên bỏ qua khoảng thời gian này nhé.
Tháng 11 – tháng 1 mùa cao điểm săn mây với những biển mây phủ đồi núi siêu hùng vĩ.

Mùa xuân trên cao nguyên Mộc Châu

1.3. Văn hóa dân cư

Không gian văn hóa chính của vùng Tây Bắc là của dân tộc Thái. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như H’Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,… Ai đã từng qua Tây Bắc không thể nào quên được những cô gái Thái với điệu múa xòe tiêu biểu của dân tộc này.


Điệu múa xòe của người Thái

2. Ẩm thực Tây Bắc

2.1. Lợn cắp nách

Lợn cắp nách hay còn gọi là “lợn lửng” chỉ có ở vùng cao. Người ta không nuôi chúng trong chuồng trại như ở dưới miền xuôi mà chăn thả tự nhiên. Lợn được chế biến ra nhiều món như lợn hấp, lợn quay, lòng dồi lợn…


Lợn cắp nách quay lá mắc mật

2.2. Xôi tím

Xôi tím được nấu từ gạo nếp thơm, dẻo. Màu sắc bắt mắt của xôi được lấy từ loài cây có tên là khẩu cắm rất tốt cho sức khỏe và có tác dụng chữa bệnh đường ruột rất tốt.


Xôi tím

2.3. Rêu đá nướng

Rêu có nhiều loại nhưng không phải loại nào cũng ăn được, loại ngon thì tùy theo mùa mới có, nên để thưởng thức được món ăn này, bạn nên đi vào đúng mùa (khoảng từ đầu thu đến tháng 3 âm lịch). Rêu sau khi được lấy về, rửa sạch rồi trộn đều với các loại gia vị rồi mới đem nướng.


Rêu đá nướng

2.4. Măng nộm hoa ban

Nếu ghé chân đến Lai Châu, bạn hãy thử thưởng thức món măng nộm hoa ban với hương vị thơm ngon của núi rừng hòa quyện tất cả các hương vị: chua, cay, mặn, đắng.. Đây là một món ăn đặc sản của người Thái khiến bao thực khách lưu luyến khi đặt chân du lịch miền Tây Bắc Việt Nam.

2.5. Thắng cố

Thắng cố là món ăn được nấu từ thịt ngựa. Hiện nay nó được biến tấu có thêm thịt bò, thịt trâu và thịt lợn cùng với những gia vị truyền thống như thảo quả, muối, địa điền, lá chanh, quế.
Ở chợ phiên Bắc Hà, thắng cố ngựa sẽ có giá 100.000đ/bát, thắng cố trâu thì rẻ hơn – khoảng 80.000đ/bát.


Thắng cố thịt ngựa

2.6. Thịt gác bếp

Món đặc sản thịt gác bếp là đồ ăn người Thái Đen dùng để thiết đãi khách quý. Món này được chế biến từ bắp của trâu, bò, lợn thả rông trên các vùng núi Tây Bắc. Trong đó, thịt trâu gác bếp chấm muối mắc khén là món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa thích. Nếu du khách muốn mua về làm quà thì thịt trâu gác bếp giá giao động từ 700.000 – 800.000vnd/kg.

2.7. Nậm pịa

Nậm pịa là một món ăn nổi tiếng và phổ biến ở vùng Tây Bắc, tuy nhiên không phải thực khách nào cũng có thể thưởng thức được món này bởi nguyên liệu chính của nậm pịa là nội tạng các loài vật ăn cỏ, bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan,phổi, phế lù đem ninh nhừ. Ngoài ra, còn một thành phần không thể thiếu nữa đó chính là pịa. Pịa là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già.

3. Một số lễ hội Tây Bắc mùa thu đông

3.1. Lễ hội tết độc lập của người H’mông

Nếu bạn là người thích hòa mình vào không khí vui tươi của những lễ hội thì Du lịch miền núi Tây Bắc vào tháng 9 này sẽ không làm bạn thất vọng đâu bởi đó là khoảng thời gian diễn ra ngày Tết Độc Lập của người H’mông ở Mộc Châu, Sơn La. Người H’mông không đón Tết Nguyên đán trịnh trọng như người miền xuôi, họ coi Tết độc lập là dịp tết quan trọng nhất trong năm. Suốt những ngày tết, rất nhiều hoạt động, các trò chơi, các tiết mục văn nghệ thể hiện tình yêu quê hương đất nước được diễn ra. Vào ngày này, các cô gái, chàng trai đến tuổi xúng xính váy áo đi chợ phiên để tìm một nửa còn lại cho mình.

3.2. Lễ hội mùa lúa chín

Lễ hội mùa lúa chín được tổ chức thường niên vào mùa lúa chín đầu tháng 9 thu hút rất nhiều người từ nhiều nơi đổ về. Vào dịp này, quý khách có thể thoải mái ngắm nhìn và ghi lại hình ảnh những nếp ruộng mềm mại được hình thành dựa trên địa thế của tự nhiên và bàn tay khéo léo của con người. Cùng với đó, khách du lịch đến đây sẽ được hòa mình vào những hoạt động náo nhiệt của lễ hội chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ.


Mùa vàng trên Mù Cang Chải

3.3. Lễ hội cầu mưa

Lễ hội cầu mưa là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch. Lễ hội có ý nghĩa cầu mong thời tiết ôn hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe phơi phới, gia đình ăn nên làm ra,…


Một nghi thức trong Lễ hội cầu mưa

3.4. Lễ cơm mới

Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm, khắp bản làng người Tày ở Bắc Hà lại rộn ràng tiếng giã gạo làm cốm chuẩn bị cho lễ “cơm mới” – một nghi lễ, một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Tày Bắc Hà.

3.5.Lễ hội Hạn Khuống

Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái, Điện Biên, thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm, bao gồm nhiều thể loại hát, kể chuyện ấm cúng
Lễ hội này do nhà các cô gái tổ chức để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, lễ Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.

4. Những cung đường Tây Bắc

4.1. Cung đường ngắm lúa chín

Đi dọc theo cung đường đèo Khau Phạ bạn sẽ được ngắm nhìn được những cánh đồng bất tận ở Mù Cang Chải đang nhuộm trong sắc vàng óng ả của mùa lúa chín. Các thửa ruộng trải dài từ chân lên đến tận đỉnh nhuộm vàng cả núi rừng tựa như những vòng lốc xoáy của Tây Bắc.

Bên cạnh đó, nếu bạn lựa chọn du lịch ở Lào Cai đồng thời muốn ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín bất tận thì cung đường Bắc Hà sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời. Sắc vàng của lúa chín, sắc xanh xanh của những đồi cọ phối hợp hài hòa sẽ tạo nên một nét đẹp riêng biệt cho nơi đây.

 4.2. Cung đường săn mây

Đối với những khách ưa thích săn mây khi đi du lịch vùng núi cao Tây Bắc thì Y Tý là nơi bạn nhất định phải đến. Nằm ở độ cao trên 2000m so với mặt nước biển, khí hậu Y Tý quanh năm mát mẻ nhưng mùa đông lại vô cùng khắc nghiệt, đây cũng là thời điểm săn mây, săn tuyết lý tưởng của các bạn trẻ.

Ngoài Y Tý thì Tà Xùa cũng là một gợi ý hay khi nơi đây được gọi là “thiên đường săn mây” lý tưởng ở Tây Bắc. Bạn có thể thử sức mình với hành trình chinh phục đỉnh Pha Luông – nóc nhà Mộc Châu, chạm tay vào biển mây bồng bềnh và ghi lại những thước ảnh đáng nhớ nhé.


Săn mây Tà Xùa

4.3. Cung đường ngắm hoa

Một trong những địa điểm du lịch Tây Bắc tiếp theo mà bạn nên khám phá đó là cung đường Hà Nội – Mộc Châu. Các địa điểm này đều thuộc tỉnh Sơn La, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 300km.

 
Hoa cải trắng

Khi đến Mộc Châu vào mùa thu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sắc hoa rực rỡ: hoa dã quỳ, hoa cải trắng, hoa tam giác mạch, hoa xuyến chi (tháng 9 -11). Những bông hoa cải trắng được trồng kín một khoảng không gian rộng lớn, trải dài từ đồi này sang đồi khác mênh mông bất tận khiến ta như lạc vào một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Mỗi lần thấy hoa dã quỳ nở rộ là biết ngay mùa đông đang về. Những cánh hoa vàng óng như mang theo màu nắng sưởi ấm cho cả núi rừng Tây Bắc.

4.4. Cung chinh phục đường đèo

Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ hay còn được gọi là đèo Hoàng Liên, được đánh giá là con đèo dài nằm trên quốc lộ 4D nối Huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu và Huyện Sapa tỉnh Lào Cai. Đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao 2000m so với mặt nước biển với chiều dài của đèo khoảng 50Km. Đây là một con đèo được đánh giá là cảnh sắc tuyệt đẹp, được bao phủ bởi sắc xanh của núi non hùng vĩ đồng thời cũng là đường đèo khúc khuỷu nhất dành cho ai thích phiêu lưu đường dài.

Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ nằm trên Quốc Lộ 32, nối 2 Huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái. Đỉnh đèo Khau Phạ là nơi tổ chức lễ hội du bay “Bay trên mùa vàng” vào mùa lúa chín cuối tháng 9 hàng năm. Với độ cao 1300m so với mặt nước biển và chiều dài 35Km với nhiều cảnh đẹp, đèo Khau Phạ được nhận xét là con đèo đi lại khá dễ dàng.

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin nằm trên quốc lộ 6 nối xã Phổng Lái huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên với độ cao 1648m so với mặt nước biển. Tổng chiều dài là 32km với những đoạn đường đèo quanh co trải dài như một sợi dây mềm mại quấn quanh núi rừng hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm chinh phục khó quên.

Du lịch miền Tây Bắc luôn mang lại những điều bất ngờ và thú vị, vẻ đẹp của những cung đường trải dài bất tận cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ không thể miêu tả hết bằng câu chữ mà nên được cảm nhận bằng trải nghiệm thực tế. Chần chừ gì nữa mà không xách balo lên cùng PYS Travel đi tour Tây Bắc từ Thành phố Hồ Chí Minh hay tour Tây Bắc từ Hà Nội để khám phá mùa đẹp nhất trong năm tại đây bạn nhé!