Dự án “Công viên cây xanh” Hà Đông bị “băm nát” như thế nào?

Vụ hoả hoạn xảy ra tại một nhà xưởng có diện tích hơn 800m2 nằm trong dự án “Công viên cây xanh”, thuộc địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, xảy ra ngày 20/10 đã khiến một nhân viên bảo vệ tử vong. Điều đáng nói, nhà xưởng bị cháy là một trong nhiều công trình xây dựng tự phát, không đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH, là hệ lụy tùy tiện, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng…

Từ tiềm ẩn nguy hiểm đến hậu quả chết người

Như Báo CAND đã thông tin, khoảng 7h ngày 20/10/2022, dãy nhà xưởng có diện tích khoảng 800m2 nằm trong dự án “Công viên cây xanh”, thuộc địa bàn phường Hà Cầu bất ngờ bốc cháy. Nhận được tin báo, Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động hơn 50 CBCS và hàng chục phương tiện thuộc các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hà Đông, Công an quận Thanh Xuân và Trung tâm 4 – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP tới hiện trường triển khai phương án chữa cháy và CNCH.

nha in.jpg -0
Dãy nhà xưởng hơn 800m2 không đảm bảo quy định về PCCC dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động dẫn đến xảy cháy khiến 1 nhân viên bảo vệ tử vong vào hôm 20/10.

Đến khoảng 11h cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Hậu quả vụ cháy khiến một nhân viên bảo vệ tử vong, nhà xưởng hơn 800m2 sập đổ, hư hỏng. Điều đáng nói, nhà xưởng xảy cháy là một trong hàng chục công trình xây dựng tự phát đã bị quận Hà Đông đình chỉ hoạt động từ năm 2020, do không đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH.

Ngày 21/10, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự theo Điều 313, Bộ luật Hình sự 2017, quy định về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn.

Được biết, nhà xưởng xảy cháy nằm trong phần đất thuộc khu dự án “Công viên cây xanh” có tổng diện tích hơn 52,8ha. Tuy nhiên, đây là “dự án treo” nên có hơn 12 đơn vị “thầu” lại và sau đó chia nhỏ thành các khu vực cho thuê hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, các chủ cơ sở đã dựng kho xưởng khung thép hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực, nhu cầu của người thuê.

Do các công trình này xây dựng không phép, sử dụng đất dự án sai mục đích nên nên việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC và CNCH là điều không thể thực hiện được. Vì thế, lực lượng Công an cũng không thể hướng dẫn khắc phục tồn tại, điều kiện quy định về an toàn PCCC là điều hiển nhiên.

Năm 2020, Công an quận Hà Đông trong quá trình kiểm tra, rà soát đã nhận thấy các hạng mục làm kho xưởng không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, đồng thời cũng không đủ điều kiện để thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC theo quy định tại các Điều 15 và 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/5/2014 của Chính Phủ (áp dụng tại thời điểm đó).

Ngày 21/4/2020, Công an quận Hà Đông đã có Văn bản số 381 báo cáo UBND quận Hà Đông, đồng thời tham mưu UBND quận ban hành 10 quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ đối với các hạng mục công trình không đủ điều kiện hoạt động nằm trong đất của dự án “Công viên cây xanh” này.

Thế nhưng, kể từ khi có quyết định đình chỉ, các nhà xưởng tại đây vẫn ngang nhiên tồn tại. Thậm chí, ngay sau khi xảy cháy gây chết người, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng của quận Hà Đông có động thái quyết liệt, đình chỉ các hoạt động tại khu vực này. Việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng và việc không chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC của các cơ sở này đã xảy ra nhiều hệ luỵ, gây hậu quả chết người trong vụ cháy vừa qua.

“Khai thác tạm”, hay sự tùy tiện?

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2397/QĐ-UBND ngày 4/12/2008 về việc thu hồi 52,8ha (528.713m2) đất thuộc xã Kiến Hưng (nay là phường Kiến Hưng) và phường Hà Cầu, giao quận Hà Đông thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu “Công viên cây xanh”.

Tuy nhiên, sau khi đền bù và giải phóng mặt bằng (GPMB) xong, không hiểu vì lý do gì khu đất này đã không được đầu tư xây dựng đúng như quy hoạch và bị bỏ hoang gần chục năm. Ngày 8/5/2015, UBND quận Hà Đông có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc đề xuất phương án sử dụng tạm thời đối với diện tích đất đã được GPMB thuộc khu đất quy hoạch công khu công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông và đã được ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT vào ngày 22/5/2015 chấp thuận nội dung này.

Sau đó, Trung tâm phát triển quỹ đất (Trung tâm PTQĐ) quận Hà Đông đã lập phương án kèm theo Tờ trình số 142/TTr-PTQĐ ngày 28/8/2015 do ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông ký, gửi UBND quận Hà Đông đề nghị phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mặt bằng” và “Phương án quản lý, khai thác tạm khu đất đã được GPMB dự kiến xây dựng công viên, thể thao cây xanh quận Hà Đông”.

Tại mục 2, phần 1 về mục đích, yêu cầu của phương án có nội dung: để phục vụ nhu cầu về hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, tạo khu vực xanh sạch, tận dụng nguồn thu, không để thất thu ngân sách Nhà nước; tại mục 1, phần 2 quy định về quy mô khai thác, sử dụng thì loại công trình được xây dựng các công trình tạm thời bằng các vật liệu tạm.

Còn tại điểm 1, mục 1, phần 4 quy định các khoản tiền mà các nhà đầu tư phải nộp trong đó có các khoản phí gồm: Vệ sinh môi trường chung, ANTT, phòng chống cháy nổ, phí vận chuyển các dịch vụ khác và theo bảng thống kê kèm theo Tờ trình 142 của Trung tâm PTQĐ gồm có 111 đề mục, trong đó tại mục 7 có 2 kho chứa hàng kết hợp bãi đỗ xe.

Điều đáng nói, chỉ sau chưa đầy 1 ngày, tức ngày 29/8/2015, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã “thần tốc” ban hành Công văn số 1679/UBND-QLĐL ký, gửi các đơn vị phòng, ban và 2 phường: Hà Cầu và Kiến Hưng chỉ đạo về việc quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án quản lý, khai thác tạm khu đất đã được GPMB dự kiến xây dựng “Công viên cây xanh” quận Hà Đông.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Gần 1 năm sau, ngày 7/7/2016, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông ban hành Văn bản số 1309/UBND-QLĐT gửi Chi nhánh PTQĐ quận Hà Đông chấp thuận phương án chi tiết xây dựng khai thác tạm thời khu đất đã GPMB dự án Công viên cây xanh cùng bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng (có bản vẽ kèm theo). Theo bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng gồm 8 mục lớn và không thể hiện có khu nhà kho (xưởng).

Điều bất thường là ngày 7/7/2016, UBND quận Hà Đông mới ban hành văn bản chấp thuận phương án trên đối với Trung tâm PTQĐ quận Hà Đông nhưng trước đó, ngày 16/12/2015, ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Chi nhánh PTQĐ Hà Đông đã đứng ra là người đại diện ký kết hợp đồng cho thuê mặt bằng đối với Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam (có trụ sở tại  BT1-Lô 1, KĐT Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do bà Nguyễn Hà Thu làm Phó Giám đốc, thuê hơn 29.529m2 mặt bằng khai thác tạm diện tích đất nằm trong dự án Công viên cây xanh Hà Đông với đơn giá tính bằng giá thuê đất nông nghiệp (?!).

Không chỉ doanh nghiệp nói trên mà các doanh nghiệp khác cũng nhanh chóng “đi tắt đón đầu”, ghi tên mình vào danh sách thuê mặt bằng tại đây để triển khai các hoạt động kinh doanh. Đến nay đã gần 7 năm, chưa biết việc khai thác tạm hiệu quả đến đâu và có đúng theo Phương án hay không mà chỉ thấy rằng, khu dự án “Công viên cây xanh” quận Hà Đông giờ đây đã biến thành một tổ hợp: Sân tập golf, chợ, nhà hàng, nhà xưởng, gara ôtô và chỉ có vài sân bóng… xung quanh đường đi cỏ mọc um tùm, nhếch nhác.

Vấn đề tiếp theo là tại Văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT của UBND TP Hà Nội có nội dung nêu rõ về việc xây dựng các công trình tại đây chỉ được phép xây dựng tạm thời, bằng các vật liệu tạm; không xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, chỉ 1 tầng. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình tại đây được xây dựng hoành tráng thành từng dãy, 2 tầng, kiên cố.