Đốt rơm rạ sau thu hoạch: Thói quen xấu cần từ bỏ
– Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, người nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch lúa. Mặc dù việc này giúp người nông dân đỡ vất vả hơn nhưng lại gây hại khá lớn tới cộng đồng, đặc biệt là việc gây ô nhiễm không khí… Do vậy, rất cần chính quyền đoàn thể, cơ quan chuyên môn quan tâm tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen có hại này.
Trước đây, rơm rạ thường được người dân thu gom, chất đống gần nhà dùng làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng trâu, bò trên toàn tỉnh giảm nhiều, diện tích chứa rơm rạ cũng không còn nên hầu như bà con không còn sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò nữa nên người dân thường đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch.
Người dân xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch lúa
Theo ghi nhận của phóng viên, trên cánh đồng tại một số xã thuộc huyện Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình… xuất hiện phổ biến tình trạng người dân đốt rơm rạ. Đơn cử như vào những ngày đầu tháng 12/2021, khi đi dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng không khó để thấy từng làn khói mù mịt bốc lên từ những đống rơm được bà con đốt trên đồng ruộng gây cản trở tầm nhìn của lái xe. Hầu hết các phương tiện qua đây đều phải giảm tốc độ và bật đèn cảnh báo.
Bà Hoàng Thị Hà, thôn Quán Bầu Đồng Ngầu, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Nếu để rơm rạ ở ruộng thì vụ tới này chúng tôi làm đất rất khó, khi cày rơm sẽ vướng bánh cày, đất làm cũng không được tơi. Do vậy, tôi và bà con xung quanh đây đều đốt như này để tốt ruộng, đất bở hơn. Bây giờ gia đình tôi không nuôi gia súc và cũng không dùng việc gì cần đến rơm nên để giải phóng rơm rạ chuẩn bị đất cho vụ sau thì chỉ còn cách đốt tại ruộng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tập quán, thói quen của người nông dân. Bà con cho rằng việc đốt rơm rạ sẽ tiết kiệm công lao động, tận dụng làm tro bón cho cây trồng hoặc có thể làm tiêu diệt được nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng… Tuy nhiên đó chỉ là những lợi ích nhỏ trước mắt mà chúng ta không lường trước được những tác hại về nhiều mặt lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mang lại.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt – Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTT) tỉnh cho biết: Từ trước đến nay, bà con vẫn cho rằng việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng sẽ có lợi cho việc trồng trọt, tuy nhiên đây lại là hành động hủy hoại môi trường, lớp đất canh tác bị phá hủy kết, bị thoái hóa làm cho việc canh tác không đạt năng suất cao.
Theo các nghiên cứu khoa học, khi bị đốt cháy, rơm, rạ sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc như: CO2 (Carbon dioxide), CH4 (metan), SO2 (dioxid sunfur)… Con người hít phải các loại khí độc này sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp. Như vậy, khói từ rơm, rạ không chỉ khiến tầm nhìn bị che khuất gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn tạo ra khí độc theo gió đi xa gây ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe con người. Không chỉ vậy, việc đốt rơm, rạ còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng…
Theo báo cáo của Chi cục TT&BVTV tỉnh, sản lượng lúa hằng năm của cả tỉnh đạt gần 210 nghìn tấn. Tương đương với đó là có khoảng 250 tấn rơm rạ sau thu hoạch/năm (1 tấn thóc sẽ cho 1,1 đến 1,3 tấn rơm rạ). Theo ông Hoàng Văn Lợi, để hạn chế thấp nhất tình trạng đốt rơm rạ, người dân nên tận dụng những khoảng đất trống cạnh bờ ruộng tích trữ rơm rạ để sử dụng dần như: làm vật liệu che phủ cho cây trồng; làm thức ăn trực tiếp cho gia súc; sử dụng trồng nấm rơm hoặc trồng khoai tây bằng kỹ thuật tiết kiệm đất… Đồng thời, người dân có thể vùi rơm rạ vào đất để giúp duy trì đạm và các chất hữu cơ trong đất…. Có thể thấy, việc đốt rơm rạ không những gây hại cho môi trường mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp. Do vậy, để người dân hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, rất cần các cấp chính quyền quan tâm tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức, dần dần từ bỏ thói quen có hại này.