“Đột nhập” vườn quýt hồng có thu nhập cao gấp 50 lần so với cây lúa
Quýt hồng là loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Loại cây trồng này được trồng từ rất lâu trên địa bàn huyện Lai Vung. Nhiều cụ cao niên, cũng chẳng nhớ cây quýt hồng được trồng từ năm nào, chỉ biết nó đã tồn tại qua 3 đời.
Cây quýt hồng trồng khoảng 3-4 năm là có thể để trái. Vòng đời cây quýt có thể kéo dài đến 10 năm, bình quân năng suất một cây quýt có thể thu hoạch 200-300 trái; Đối với những cây sai trái, nông dân phải dùng cây chống đỡ và có thể thu hoạch trên 500kg quýt/ cây.
Trước năm 2018, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung trên 700ha, đặc biệt thời vàng kim diện tích trên 1000ha, sản lượng mấy chục nghìn tấn. Tuy nhiên, do thói quen canh tác, nông dân sử dụng phân thuốc hóa học nhiều, ít quan tâm công tác chăm sóc đất nên các năm 2018 đến 2021, cây quýt bị bệnh thối rễ, vàng lá và dẫn đến chết cây. Theo thống kê của ngành chức năng, diện tích cây quýt bị chết hơn 70%, hiện nay chỉ còn khoảng 200ha.
Nông dân Nguyễn Văn Đầy (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) có nhiều năm gắn bó với cây quýt hồng cho biết, khi cây quýt bị bệnh chết cây, nhiều gia đình nông dân rơi vào cảnh khó khăn vì mất đi nguồn thu nhập chính. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương, phối hợp với các nhà khoa học đã “bắt” đúng bệnh và đưa ra quy trình để nông dân khôi phục vườn quýt. Từ năm 2018 đến 2020, các nhà khoa học giúp nông dân chặn đứng dịch bệnh, sau đó cây bắt đầu phát triển trở lại. Sang năm 2021, năm 2022, cây bắt đầu cho trái, dù năng suất chưa đạt 100% như những năm trước.
Nông dân Trần Văn Danh (xã Tân Thành) cho biết, không có cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây quýt hồng. Bởi, một công (1.000m2), có thể thu hoạch 5-7 tấn trái, sau khi trừ hết chi phí, nông dân bỏ túi khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, một công trồng lúa, nông dân thu lời khoảng 2 triệu đồng. Do đó, nhiều nông dân không bỏ cây quýt hồng dù trải qua đợt dịch gây thiệt hại.
Theo nhiều nông dân trồng quýt ở huyện Lai Vung, hiện nay, do những vườn quýt hồng “vừa khỏe lại sau cơn bạo bệnh” nên năng suất chỉ đạt 2-4 tấn/1.000m2, nhưng bù lại giá bán cao, dao động từ 45.000 -70.000 đồng/kg nên bà con trồng quýt đang phấn khởi.
Quýt hồng chỉ thu hoạch một năm một vụ, thời gian thu hoạch quýt rơi vào dịp Tết cổ truyền. Từ 23 âm lịch, nông dân bắt đầu thu hoạch quýt và kéo dài đến 28 Tết. Quýt hồng được các thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi, nhưng chủ yếu là ở TPHCM, Bình Dương,..
Hiện nay các vườn quýt hồng bắt đầu lên màu, nhưng khoảng 14 ngày nữa, trái quýt mới chín hẳn. Khi đó, trái quýt có màu vàng ươm, bóng đẹp. Vì thế, loại trái cây này được rất nhiều người dân ưa thích, mua về chưng dịp Tết.
Thời gian gần đây, nông dân trồng quýt kết hợp làm thêm du lịch. Khi quýt bắt đầu ngả màu vàng, các điểm mở cửa, bán vé đón du khách vào tham quan. Vé người lớn 50.000 đồng, trẻ em 2 vé tính một vé. Khi du khách vào vườn tham quan sẽ được phục vụ nước uống, chủ vườn dẫn đi hái quýt và thưởng thức các món ăn đồng quê tại vườn.
Hiện nay, từ trái quýt hồng, nông dân biết thêm làm thêm du lịch, chế biến ra nhiều món ăn, nước uống, góp phần tăng nguồn thu nhập đáng kể. Như gia đình nông dân Trần Văn Danh, từ 15 tháng Chạp kéo dài đến Tết cổ truyền, gia đình ông trung bình đón từ 1.200 – 2.000 du khách/ngày. Để phục vụ lượng khách này, ông phải thuê thêm 10 lao động.
Nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng đến người tiêu dùng, trong thời gian tới UBND huyện Lai Vung tổ chức Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I – năm 2023. Lễ hội diễn ra từ 5/1 đến 8/1/2023. Đây là dịp để du khách đến tham quan, thưởng thức trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp.