Động vật hoang dã có phải là động vật rừng thông thường hay không? Cá nhân nuôi động vật hoang dã phải đảm bảo các điều kiện gì?
Em có xem trên mạng thấy có rất nhiều mô hình thu nuôi hoang dã để phát triển kinh tế nông nghiệp như nhím, hươu, cho choi, dúi, cá sấu, cầy hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên em muốn hỏi là em có thể xin thông tin về danh mục các loài động vật hoang dã? Có thể chăn nuôi được không ạ? Em xin cảm ơn.
Động vật hoang dã có phải là động vật rừng thông thường hay không?
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP quy định như sau:
– Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường và các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II, Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Như vậy, động vật hoang dã là động vật rừng thông thường.
Động vật hoang dã có phải là động vật rừng thông thường hay không?
Cá nhân nuôi động vật hoang dã phải đảm bảo các điều kiện gì?
Đối với danh mục động vật rừng thông thường hay đối với động vật rừng hoang dã thì đều có điều kiện nuôi. Điều kiện nuôi động vật hoang dã được quy định tại Điều 11 Nghị định 06/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 11. Nuôi động vật rừng thông thường
Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;
2. Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;
3. Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP có quy định về động vật rừng thông thường là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
* Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Điều kiện về trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật hoang dã?
Điều kiện về trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES được quy định tại Điều 15 Nghị định 06/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8, khoản 9 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP:
1. Đối với động vật:
– Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác;
– Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh;
– Các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự như sau:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên.
– Có phương án nuôi theo Mẫu số 04, Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Đối với thực vật:
– Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở trồng hợp pháp khác;
– Cơ sở trồng phù hợp với đặc tính của loài;
– Có phương án trồng theo Mẫu số 05, Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.