Đồng phục áo dài cho nữ sinh – Liệu có thực sự cần thiết và công bằng?

Tác giả: Phan Lê Trung

Phan Lê Trung là học sinh lớp 11B1, Vinschool The Harmony. Trung có đam mê với văn hóa – lịch sử của Việt Nam, đặc biệt là về thời kì phong kiến của đất nước. Trong thời gian rảnh rỗi, Trung thường tìm kiếm tài liệu về lịch sử, hoặc xem các video đề tài lịch sử trên Youtube.

Áo dài từ bao đời nay đã luôn là trang phục truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa của Việt Nam. Cũng giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sườn Xám của Trung Quốc, áo dài là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh văn hoá truyền thống của những người con đất Việt. Để góp phần tôn vinh cũng như nhắc nhở về việc giữ gìn vẻ đẹp của áo dài truyền thống, nhiều trường Trung Học Phổ Thông (THPT) ở nước ta, đặc biệt là tại các tỉnh thành Nam Trung Bộ và Nam Bộ – nơi khởi nguồn của loại trang phục này từ thời chúa Nguyễn, đã đưa áo dài trở thành đồng phục cho các bạn học sinh nữ trong một, hai ngày hoặc thậm chí là xuyên suốt cả tuần[1]. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi nước ta dần mở cửa hội nhập và tiếp thu các tư tưởng mới về bình đẳng giới hay nữ quyền, việc bắt buộc học sinh nữ mặc áo dài đang gây nên một làn sóng tranh cãi đối với thế hệ trẻ Việt Nam[2][3][4][5].

Trước hết, điểm đầu tiên khiến nhiều người, đặc biệt là các nữ sinh, không muốn mặc áo dài chính là bởi sự bất tiện trong môi trường học đường. Rất nhiều học sinh ở Việt Nam phải đến trường bằng xe đạp, mà việc mặc áo dài truyền thống lại đem tới các trở ngại nhất định, ví dụ như việc tà áo dễ bị vướng và cuốn vào bánh xe, gây ra tai nạn đáng tiếc cho học sinh. Sự vướng víu ấy cũng khiến việc di chuyển đơn thuần gặp nhiều bất lợi khi tà áo dài thường xuyên gây cản trở, khiến các bạn khó có thể thể nô đùa hay tham gia vào các hoạt động thể thao mà bắt buộc phải ngồi lại trong lớp. Không chỉ vậy, vào mùa mưa ở miền nam, mặc áo dài trắng đi học rất dễ dính bùn bẩn và nước mưa. Hay đến mùa khô nắng nóng, mồ hôi ra nhiều khiến các lớp vải dính vào người rất khó chịu, lại  dễ tạo nên những hình ảnh nhạy cảm, khiến nữ sinh không thể thoải mái tập trung trong các tiết giảng. Mọi việc càng khó khăn hơn khi nữ sinh luôn phải nơm nớp lo sợ sự ghé thăm của “bà dì” hàng tháng – một tác nhân tạo nên những rắc rối mà họ chỉ muốn chôn vùi vào dĩ vãng trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường. Đồng thời, chi phí may áo dài từ lụa là không hề rẻ, khi mức giá cho áo dài trắng của nữ sinh đều dao động trong khoảng 350.000 – 900.000đ/bộ[6].

Nguồn ảnh: Báo Dân Trí

Có một số lí lẽ đã được đặt lên bàn cân để đong đếm giá trị thiết thực của áo dài, tuy nhiên hầu hết đều chưa thật sự hợp lí và thuyết phục. Lý do dễ thấy nhất là để “giữ gìn truyền thống dân tộc”. Vậy cớ sao chỉ học sinh nữ mới phải mặc áo dài, còn học sinh nam thì không? Tháng ba năm nay, đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh có đề nghị cả nam sinh cũng phải mặc áo dài[7], song sự việc cũng chẳng đi đến đâu. Thay vì cả nam và nữ đều phải mặc áo dài, tại sao ta không cùng mặc quần tây và áo sơ mi nhỉ? Chưa thấy một trường Nhật Bản nào yêu cầu học sinh mặc Kimono để đi học, cũng chẳng có trường học nào tại Hàn Quốc nào lấy Hanbok làm đồng phục cả, vậy mà giá trị của các trang phục truyền thống nước họ vẫn được lưu giữ đấy thôi! Vậy phải chăng, “bảo tồn nét đẹp dân tộc” chưa hẳn đã là một lí lẽ đủ sức thuyết phục để áp đặt áo dài làm đồng phục cho nữ sinh Việt Nam?

Lý do thứ hai được đưa ra để ủng hộ việc mặc áo dài lại nằm ở chỗ áo dài… đẹp. Theo Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh, mặc áo dài là để tạo hình ảnh học sinh “năng động, sáng tạo, giàu truyền thống dân tộc”[8]. Trong khi đó, áo dài với đường may quen thuộc cùng tông màu trắng tinh khôi thường sẽ đem đến một hình ảnh có phần thướt tha và cổ điển, chứ chưa thực sự chạm được đến cái “năng động” và “sáng tạo” mà ta hằng mong muốn. Nói áo dài đẹp vì “giàu truyền thống dân tộc” thì quả là hợp lí, vậy nhưng chính bởi cái đẹp ấy mà nó đã vô tình tạo dựng nên sự bất bình đẳng giữa nữ sinh và nam sinh, một vấn đề thật khó chấp nhận trong thời kì hiện đại hoá ngày nay.

Ảnh minh họa

Áo dài quả là một nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Việt Nam ta, và cũng là một trang phục độc đáo với những điểm riêng biệt làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Mặc dù vậy, trong môi trường giáo dục, vẻ đẹp ấy không phải là trọng tâm chính, mà thay vào đó sự năng động và thoải mái của học sinh mới cần được ưu tiên trong quá trình lựa chọn đồng phục nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các bạn có thể dễ dàng học tập và giải trí. Không chỉ có vậy, điều này còn đi đúng hướng với những nỗ lực chống bất bình đẳng giới của chính phủ nước ta trong vài năm trở lại đây, khi cho các bạn nữ được thoải mái lựa chọn trang phục như các bạn nam. Hiện nay, nhiều trường ở Nhật Bản đã đặt quyền tự quyết định cho học sinh lên trước nhất, cho phép nữ sinh có thể chọn quần làm đồng phục thay vì phải mặc váy như trước kia. [9] Vậy vì sao nữ sinh Việt lại không thể lấy quần tây, áo sơ mi làm đồng phục như nam sinh? Chúng ta vẫn hoàn toàn có thể khuyến khích học sinh và cả người lớn mặc áo dài trong các dịp đặc biệt và những ngày lễ tết cổ truyền. Điều đó không chỉ giúp ta có thể giữ gìn truyền thống quý báu này của dân tộc, mà còn góp phần nâng cao giá trị của tà áo dài theo một góc độ tích cực hơn. Còn trong môi trường giáo dục, có lẽ việc cho phép học sinh có quyền tự quyết một việc đơn giản như chọn một bộ đồng phục để đến trường sẽ là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ Việt Nam kiến tạo nên một môi trường giáo dục văn minh và bình đẳng.

Dẫn nguồn:
[1] Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2020. Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Lấy từ: http://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/lich-su-phat-trien-ao-dai-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-35475-4512.html
[2] Hạ Hồi, 2021. ‘Nên bỏ nội quy bắt nữ sinh mặc áo dài’. Lấy từ: https://vnexpress.net/nen-bo-noi-quy-bat-nu-sinh-mac-ao-dai-4403658.html
[3] Lê Phạm, 2021. Sai lầm bắt nữ sinh mặc áo dài ‘để giữ truyền thống’. Lấy từ: https://vnexpress.net/sai-lam-bat-nu-sinh-mac-ao-dai-de-giu-truyen-thong-4404467.html
[4] Bich Thuy Le, 2021. Ám ảnh mặc áo dài thời học sinh. Lấy từ: https://vnexpress.net/am-anh-mac-ao-dai-thoi-hoc-sinh-4404922.html
[5] Khanh Huỳnh, 2021. Áo dài ‘biến tướng’. Lấy từ: https://vnexpress.net/ao-dai-bien-tuong-4405207.html
[6] Thanh Huyền, 2021. Chọn vải may áo dài học sinh bao nhiêu tiền?. Lấy từ: https://muabannhanh.com/vai-ao-dai/chon-vai-may-ao-dai-hoc-sinh-bao-nhieu-tien-cac-loai-vai-gam-lua-phi-bong-trang-tai-shop-muabannhanh-1915.html
[7] Ngọc Hiến, Tiến Long, 2021. Đề nghị ra luật để nam giới cũng phải mặc áo dài truyền thống. Lấy từ: https://tuoitre.vn/de-nghi-xay-dung-luat-de-nam-gioi-cung-phai-mac-ao-dai-ngu-than-nhu-nu-gioi-20210329175450673.htm
[8] Lê Huyền, 2017. Bắt buộc học sinh mặc áo dài tới trường. Lấy từ: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/bat-buoc-hoc-sinh-phai-mac-ao-dai-toi-truong-355890.html
[9] Dương Tâm, 2021. Trường học được khen vì cho nữ sinh mặc quần đồng phục. Lấy từ https://vnexpress.net/truong-hoc-duoc-khen-vi-cho-nu-sinh-mac-quan-dong-phuc-4403560.html

Chia sẻ bài viết này