Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì? Ý nghĩa quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Đơn phương chấm dứt hợp đồng là một trong số những trường hợp được ghi nhận với khá nhiều sự cẩn trọng từ nhà làm luật. Có thể nói, nhìn ở góc độ pháp luật so sánh, các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động được quy định có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia.
Mục Lục
1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì ?
1.1. Khái niệm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động là hình thức biểu hiện của quan hệ lao động. Mọi sự kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hợp đồng lao động đều kéo theo việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật lao động theo hợp đồng. Quan hệ lao động thường là loại quan hệ mang tính lâu dài nhưng không phải là quan hệ “vĩnh cửu” nên có thể được chấm dứt trong những trường hợp khác nhau bởi những căn cứ khác nhau. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những căn cứ đó. So với các căn cứ khác làm chấm dứt quan hệ lao động (như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hết hạn hợp đồng lao động…) thì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là vấn đề phức tạp hơn bởi đó là hành vi có chủ ý của một bên và không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể còn lại. Trong các vụ tranh chấp lao động xảy ra thì các vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ cao hơn.
“Đơn phương” được hiểu là “có tính chất của một bên, không có sự thỏa thuận hoặc tham gia của bên kia”. Theo Báo cáo tổng kết công tác ngành tòa án năm 1999 thì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc “Một bên chủ thể quyết định chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia”.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Hữu Chí “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là biện pháp mà các bên có thể sử dụng khi những cam kết trong hợp đồng lao động không được thực hiện đúng, đầy đủ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật lao động”.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm cho rằng “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi pháp lý của một bên chủ thể nhằm làm chấm dứt hiệu lực pháp lý của hợp đồng trước thời hạn mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia” Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi pháp lý của một chủ thể trong quan hệ hợp đồng lao động có thể dẫn đến việc chấm dứt hiệu lực pháp lý của hợp đồng lao động trước thời hạn theo quy định của pháp luật mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia.
1.2. Khái niệm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Theo cách hiểu thông thường, thì “quyền” được hiểu là những điều được làm, được hưởng, được đòi hỏi. Theo Từ điển Tiếng Việt, “quyền” là “điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”.
Theo Từ điển Luật học “quyền” được hiểu là khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế”.
Trong quan hệ pháp luật quyền của chủ thể được hiểu là: “Quyền chủ thể trong quan hệ pháp luật là khả năng xử sự của những người tham gia quan hệ được quy phạm pháp luật quy định trước và được bảo vệ bởi sự cưỡng chế của Nhà nước”. Cùng với quyền là nghĩa vụ của chủ thể, “Nghĩa vụ” được hiểu là những điều phải làm, phải tuân thủ.
2. Đặc trưng của quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Thứ nhất, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là một quyền năng pháp lý được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Người sử dụng lao động là một bên chủ thể trong quan hệ pháp luật lao động, có những quyền năng được pháp luật ghi nhận. Một trong những quyền của người sử dụng lao động là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động được quy định trong pháp luật quốc gia và quốc tế trở thành quyền năng pháp lý và được pháp luật bảo vệ. Khi người lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc có hành động cản trở việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động được thực hiện sẽ dẫn đến việc hợp đồng lao động chấm dứt hiệu lực pháp lý trước thời hạn hoặc trước khi công việc theo hợp đồng được hoàn tất. Khi tạo dựng một quan hệ lao động bằng việc giao kết hợp đồng lao động, thôn thường các bên sẽ cùng nhau cam kết làm việc trong một khoảng thời gian và tự nguyện gắn kết mình với công việc trong thời gian đó. Về nguyên tắc, các bên chủ thể trong
Hợp đồng lao động tôn trọng và tự nguyện thực hiện đúng thời gian lao động đã cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, người sử dụng lao động đưa ra các lý do hợp lý theo quy định của pháp luật và thông báo với người lao động thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc hiệu lực của hợp đồng lao động không còn; các bên không còn quyền và nghĩa vụ ràng buộc với nhau nữa ngay cả khi chưa hoàn thành công việc hoặc hết hạn hợp đồng lao động.
Thứ ba, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là quyền có giới hạn theo quy định của pháp luật. Pháp luật lao động thừa nhận quyền chấm dứt hợp đồng lao động của cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quyền năng của các chủ thể này là khác nhau và có giới hạn trong phạm vi quy định của pháp luật. Việc giới hạn các quyền năng này nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh lạm dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động một cách tùy tiện. Việc quy định giới hạn quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của các bên là khác nhau, điều này xuất phát từ vị thế của các chủ thể trong quan hệ lao động. Pháp luật lao động có xu hướng hạn chế nhiều hơn, quy định chặt chẽ hơn đối với quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, Bởi trong quan hệ lao động người sử dụng lao động được xem là “kẻ mạnh”, có tiềm lực kinh tế, là chủ thể có quyền quản lý, giám sát người lao động, có quyền quyết định cơ cấu việc làm trong doanh nghiệp. Còn người lao động là chủ thể phụ thuộc, không có tiềm lực kinh tế, chịu sự quản lý giám sát của Nngười sử dụng lao động. Mặc dù vậy, người sử dụng lao động cũng chỉ được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong phạm vi quy định của pháp luật. Có nghĩa là, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Thứ tư, Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là hành vi pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động. Trong quan hệ pháp luật lao động, xét về địa vị pháp lý thì người lao động và người sử dụng lao động là bình đẳng. Quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Đối với người sử dụng lao động quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những nội dung có tính nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động – đây là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật lao động, chủ đạo, xuyên suốt trong các chế định của Bộ luật lao động. Một trong những quyền hiến định là quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tư liệu sản xuất, vốn và tài sản trong doanh nghiệp. Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định:
“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” và “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…”.
Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh,lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ năm, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động được thực hiện đúng pháp luật sẽ giải phóng cho các bên khỏi các nghĩa vụ ràng buộc trong hợp đồng lao động.
Việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ làm cho người sử dụng lao động không còn bị ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ ràng buộc trong hợp đồng trước đó. Điều này khác hẳn với việc thay đổi hay tạm hoãn hợp đồng. Thay đổi hợp đồng lao động là việc các bên cùng thỏa thuận thêm hay giảm bớt quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, thay đổi một số nội dung trong hợp đồng lao động trước đó. Còn tạm hoãn hợp đồng là sự dừng tạm thời việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật, và hết khoảng thời gian này thì các bên phải thực tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Nhưng việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật sẽ làm cho quan hệ lao động được thiết lập theo hợp đồng lao động trước đó bị chấm dứt hoàn toàn.
Ngoài ra, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động còn là một trong những quyền năng quan trọng của người sử dụng lao động giúp cho người sử dụng lao động điều chỉnh cơ cấu lao động phù hợp với kế hoạch, chiến lược phát triển của đơn vị. Bên cạnh đó, quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động còn là yếu tố tác động rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ, sự phấn đấu của người lao động. Sức ép của nguy cơ bị mất việc làm sẽ thúc đẩy người lao động không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa sức lao động của mình. Khi đó các bên sẽ dễ dàng đạt được mục đích của mình, quan hệ lao động được phát triển một cách hài hòa, ổn định, văn minh và tiến bộ
Như vậy, từ đặc trưng về quyền của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, có thể khái quát: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là khả năng xử sự của người sử dụng lao động nhằm chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động trước thời hạn, không phụ thuộc vào ý chí của người lao động và trên cơ sở các quy định của pháp luật.
3. Ý nghĩa quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
3.1. Ý nghĩa đối với người sử dụng lao động
Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động. Một trong những quyền hiến định của người sử dụng lao động là quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tư liệu sản xuất, vốn và tài sản trong doanh nghiệp. Trong quan hệ lao động quyền tự do kinh doanh được thể hiện thông qua các quyền tuyển dụng, sử dụng, quản lý lao động trong doanh nghiệp. Người sử dụng lao động đầu tư vốn, tư liệu sản xuất vào kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận nên họ có quyền tuyển chọn lao động, phân công lao động phù hợp với cơ cấu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đảm bảo cho người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi quan hệ lao động không còn phù hợp là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh.
Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển của quan hệ lao động và nâng cao chất lượng lao động. Quan hệ hợp đồng lao động được hình thành dựa trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên, mặc dù do yếu tố sở hữu mà vị thế của các bên chưa thật bình đẳng nhưng trên phương diện pháp lý, địa vị của các bên là như nhau. Tham gia vào quan hệ hợp đồng lao động, các bên có những mục đích riêng của mình, quyền và các lợi ích chính đáng đó cần phải được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Khi mà những mục tiêu hướng tới không đạt được, pháp luật cần phải thừa nhận quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của các bên. Sự thừa nhận này chính là biện pháp bảo vệ cụ thể nhất đối với quyền lợi của các bên. Nguyên tắc quan trọng nhất của Luật lao động là bảo vệ người lao động, nhưng việc bảo vệ cần phải xem xét trong mối tương quan với quyền và lợi ích của người sử dụng lao động. Nếu pháp luật không cho phép người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ gây bất lợi cho người sử dụng lao động.
Một số người lao động thường giảm động lực làm việc sau một thời gian công tác. Tư duy chậm đổi mới, ngại tiếp cận công nghệ hiện đại hoặc đơn giản là nhiệt huyết với công việc giảm, người lao động sẽ ngày càng trì trệ, thiếu sáng tạo, năng lực kém. Những điều này sẽ không thể phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay, khi mà sự năng động, sáng tạo của người lao động có một vai trò đặc biệt quan trọng. Việc cho phép người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một mặt có thể loại bỏ người lao động không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất – kinh doanh trong doanh nghiệp, mặt khác còn là yếu tố thúc đẩy người lao động phải tự nâng cao chất lượng hàng hóa sức lao động của mình lên để hoàn thành tốt công việc người sử dụng lao động giao phó nếu muốn tránh việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ phía người sử dụng lao động.
Thứ ba, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giúp người sử dụng lao động chủ động ứng phó với sự biến động của thị trường và thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Nền kinh tế thị trường không phải lúc nào cũng phát triển, nó cũng có những giai đoạn khủng hoảng, trì trệ và với việc hội nhập sâu rộng của nền kinh tế thế giới hiện nay, không có một quốc gia nào lại không chịu sự ảnh hưởng nhất định của sự biến động kinh tế toàn cầu. Các cuộc khủng hoảng tài chính thường gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, trong đó hàng loạt các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Kinh tế thị trường với sự chiếm lĩnh của quy luật cạnh tranh, thì chỉ cần chậm một bước, không chịu thay đổi, không có sự sáng tạo, không đổi mới thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi”. Do đó, doanh nghiệp cần phải luôn có sự thay đổi và sự thay đổi này trên tất cả phương diện: cơ cấu, tính chất, công nghệ, phương thức kinh doanh và lao động… Chính những tác động của nền kinh tế buộc pháp luật lao động phải có cơ chế đảm bảo sự tự chủ của doanh nghiệp bằng cách cho phép người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Thực hiện hiệu quả quyền này sẽ giúp người sử dụng lao động linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động sẵn có, từ đó phát triển lợi thế doanh nghiệp mình phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp
3.2. Ý nghĩa đối với nền kinh tế – xã hội
Ở nước ta, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trên cơ sở của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp mà ở đó trong một thời kỳ dài các quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội, quan hệ lao động được điều chỉnh bằng phương pháp mệnh lệnh – phục tùng, do vậy, vấn đề việc làm, tiền lương, phúc lợi… đều được Nhà nước bao cấp toàn bộ. Từ khi đất nước chuyển mình sang thời kỳ đổi mới, lao động cũng không thể nằm bên ngoài các quan hệ thị trường.
Dù có coi sức lao động mang những phẩm chất đặc biệt như thế nào đi chăng nữa, thì nó vẫn là một thứ hàng hóa để mua bán theo giá trị của nó trên thị trường, xét trong mối tương quan với hàng hóa khác và ngay cả với chính nó. Việc người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tạo điều kiện thúc đẩy thị trường lao động phát triển, thu hút đầu tư các nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế và tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.