Đón đợi một “Âm mưu và tình yêu” dài hơi
TPO – Tối 28/7/2008 vở kịch Đức “Âm mưu và tình yêu” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng có đêm tổng duyệt. Đây là vở kịch cổ điển đầu tiên trong 100 vở kịch kinh điển sắp ra mắt phục vụ khán giả Thủ đô.
>> Một tỉ đồng để dàn dựng “Âm mưu và tình yêu”
Lê Khanh (vai Winfore) và Quang Ánh (vai Ferdinand). Ảnh: H.T
Tới cuối tháng 10/2008 này, “Âm mưu và tình yêu” mới chính thức được giới thiệu trực tiếp trên VTV1, nhưng những suất diễn vẫn liên tục tại Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Bản tình ca tình yêu
Vở diễn là câu chuyện tình tay ba đầy trắc trở giữa con trai ngài tể tướng Ferdinand (do Quang Ánh), yêu con gái Louise của nhạc sĩ nghèo Minler (Quách Thu Phương), trong khi đó, bà ái phi Winfore (NS Lê Khanh) lại yêu say đắm chàng công tử này.
Lời thoại của các nhân vật được cố vấn kịch bản TS Nguyễn Thị Minh Thái khá trau chuốt, mỗi lời của các diễn viên kịch cất lên, có cảm giác như họ đang “hát”, chứ không chỉ… thể hiện nội tâm nhân vật.
Trong một bối cảnh đầy những trắc trở, âm mưu hiểm độc của ham muốn quyền lực và địa vị, đôi tình nhân đã vượt qua những xung đột để bảo vệ tình yêu đến giây phút cuối.
Đỉnh điểm bi kịch cũng là lúc chàng công tử Ferdinand cùng người yêu Louise chọn cái chết để vĩnh viễn thuộc về nhau.
Quách Thu Phương (vai Louise) và Quang Ánh (vai Ferdinand). Ảnh: H.T
Sân khấu đơn giản – hiệu quả
So với đoạn diễn thử mà đạo diễn Lê Hùng giới thiệu hồi đầu tháng 3, thì sân khấu đêm qua không có phông màn sống động. Chỉ đơn giản là 4 thùng gỗ, đại diện cho 4 chiếc thùng rượu đủ cỡ của người dân phương Tây. Chiếc cầu thang lúc có, lúc không và chiếc ghế băng xuất hiện thêm trên sân khấu.
Nhưng dường như đêm tổng duyệt, khán giả cũng không để ý (hay không quá cầu kì tới chi tiết). Toàn bộ khán phòng đã chật kín người, họ ngồi cho đến khi tấm màn phông kéo lại, cùng với những bó hoa đem tặng cho các nghệ sĩ.
Đây là một câu chuyện của Đức, nhưng đã được dịch ra tiếng Việt và đã được độc giả Việt Nam biết tới rộng rãi. Sau 4 tháng tập luyện, các diễn viên của Nhà hát Kịch Tuổi trẻ đêm tổng duyệt đã không hề bị vấp.
Từ nhân vật người cha – tể tướng (do Anh Tú), tới tên trưởng vệ binh, người hầu thân cận của tể tướng đều gây cười, gây ấn tượng cho khán giả trong từng xung đột tình huống đầy kịch tính.
Dường như nội dung câu chuyện, diễn xuất của diễn viên đã truyền cảm hứng cho người xem, cho họ những thấp thỏm lo âu cùng tâm trạng và số phận của các nhân vật trong vở diễn.
Ảnh: H.T
Đây không phải lần đầu tiên “Âm mưu và tình yêu” lên sân khấu Việt. Ở thập kỉ 70 thế kỉ trước, vở diễn đã được nhiều đạo diễn của Việt Nam dàn dựng thành công.
Màn hạ, khán giả đứng dậy dù kêu than… “hơi dài”, nhưng không có tâm trạng mệt mỏi (bực mình), họ ào tới chúc mừng Thu Phương, Quang Ánh, Lê Khanh, đạo diễn Lê Hùng…. cùng dàn diễn viên thực hiện.
Việc dàn dựng vở kịch cổ điển “Âm mưu và Tình yêu” của đại văn hào Schinler trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ chính là bước khởi đầu đáng ghi nhận cho việc thực hiện dự án dàn dựng những kiệt tác sân khấu thế giới và Việt Nam.