Dồn điền đổi thửa theo quy định pháp luật đất đai?

Trong những năm qua một trong những chính sách cải cách lớn và quan trọng nhất trong lĩnh vực đất đai là “dồn điền đổi thửa”, “Cảnh đồng mẫu lớn”. Luật Minh Khuê tư vấn và giải đáp một số câu hỏi pháp lý về vấn đề này:

Câu hỏi: Xin chào luật sư, Làm ơn cho tôi hỏi về chính sách dồn điền đổi thửa nông thôn mới. Nhà tôi có 4 sào ruộng mà sau khi chính quyền địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa thì nhà tôi vẫn còn tới 3 mảnh. Họ trả lời rằng do một mảnh đã chuyển đổi không ai nhận nên để như vậy. Như vậy xin hỏi luật sư địa phương thực hiện như vậy thì đã đúng luật chưa vậy?

Cảm ơn luật sư

 

Trả lời:

Vấn đề dồn điền đổi thửa được quy định tai Điều 78 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP như sau:

Trình tự, thủ tục chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp của HGĐ, cá nhân để thực hiện ” dồn điền đổi thửa”:

–  Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

– Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

–  Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.

– Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính.

–  Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận.

– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

  • Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận.
  •  Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
  •  Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trao Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều 76 của Nghị định này.”

Như vậy, trong quá trình thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, Nhà nước khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp và có lập thành văn bản để làm căn cứ chuyển đổi. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn lên trên Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, phê duyệt dựa trên sự thảo luận thống nhất tại các thôn, xóm, đội và đảm bảo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người dân về việc sử dụng đất, cân đối diện tích đất và đã xử lý xong những vướng mắc sau đăng ký thực hiện dồn điền đổi thửa. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phải thực hiện phương án dồn điền đổi thửa theo đúng phương án đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Với những thông tin quý khách cung cấp thì chúng tôi không đủ cơ sở để khẳng định việc làm của Ủy ban nhân dân xã có đúng pháp luật hay không? Quý khách cần xem xét lại quá trình thực hiện công khai lấy ý kiến của người dân về việc dồn đổi thửa, xem lại những thỏa thuận của quý khách với những hộ gia đình, cá nhân khác nếu có về việc đổi thửa cho nhau và ý kiến cuối cùng của cuộc họp thôn về phân định lại diện tích đất nông nghiệp của từng hộ để xác định xem hành vi của Ủy ban nhân dân xã.

 

Câu hỏi: Xin chào Công ty Luật Minh Khuê. Chúng tôi xin hỏi về vấn đề dồn điền đổi thửa sau: khi dồn điền đổi thửa lại thì đội trưởng có quyền chia ruộng bớt đi của dân không? Và có quyền bắt dân mua thửa ruộng gần và đẹp không? Cảm ơn!

Trả lời:

Theo như quy định pháp luật về vấn đề dồn điền đổi thửa tại Điều trên, khi dồn điền đổi thửa lại được thực hiện dụa trên sự thỏa thuận của những hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất nông nghiệp với nhau và dựa trên phương án dồn điền đổi thửa được Ủy ban nhân dân xã lập sau khi đã tham khảo ý kiến của các hộ gia đình và sự tính toán, phân định công bằng. Mục đích của việc dồn điền đổi thửa là nhằm rà soát, quy hoạch lại việc sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân và sự công bằng về đất nông nghiệp trong toàn xã. Quyết định cuối cùng về diện tích đất của từng hộ dân được thông qua việc biểu quyết đa số thắng thiểu số nên đội trưởng không có quyền quyết định chia ruộng bớt đi của hộ gia đình, cá nhân và cũng không có quyền bắt người những hộ gia đình phải mua thửa đất gần, đẹp. 

 

Câu hỏi: Kính chào luật sư! Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi về việc sau: Tôi hiện tại đang cư trú tại xã Hải Phong huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Năm 2015 toàn bộ UBND xã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa đồng loạt, nhà tôi có 2 mảnh ruộng ở xa thì nay được chuyển đổi về gần nhà. Xin hỏi: sau khi dồn điền đổi thửa nếu không có nhu cầu thì gia đình tôi có bắt buộc phải đổi lại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” không? Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Theo Điều 78 Nghi định số 43/2015/NĐ-CP có quy định về việc hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, sau khi đã đồn điền đổi thửa xong, các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện thủ tục nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thông tin về diện tích đất nông nghiệp sử dụng đã thay đổi.

 

Thân gửi Công ty Luật Minh Khuê. Hiện nay quê tôi ở Sóc Sơn đang tiến hành dồn điền đổi thửa. Gia đình tôi có một thửa đất ruộng được phân trước năm 2004 và đã có giấy chứng nhận, nằm giữa khu dân cư, xung quanh mọi người đã xây nhà. Thửa đất đó gia đình tôi cũng cho đổ đất cao và trồng cây lâu năm. Vậy xin cho tôi hỏi thửa đất đó của gia đình tôi có bị trong diện dồn điền đổi thửa không? Gia đình chúng tôi có thể xây dựng trang trại trên thửa đất đó không? Rất mong được tư vấn của Luật Minh Khuê. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Để xác định diện tích đất của quý khách có nằm trong danh sách diện tích đất phải dồn điền đổi thửa hay không, quý khách liên hệ với cán bộ trưởng thôn, xóm, đội hoặc cán bộ thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa tại địa phương để được trả lời rõ rằng. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về điều kiện để một diện tích đất nông nghiệp không được dồn điền đổi thửa. Song do diện tích đất nêu trên của quý khác nằm tách biệt với các thửa đất nông nghiệp khác, nằm trong khu dân cư và hiện nay đã được chuyển sang hình thức đất trồng cây lâu năm nên có nhiều khả năng diện tích đất đó không thuộc vào diện phải dồn điền đổi thửa mà có thể xin phép Ủy ban nhân dân cấp huyện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu nguồn gốc trước đó của diện tích đất này là đất trồng lúa).

 

Thưa luật sư, xin hỏi: Gia đình tôi được cấp bìa đất nông nghiệp năm 1999 tại Ba Vì, Hà Tây (nay Hà Nội). Do chủ trương nhà nước dồn điền đổi thửa cấp lại bìa đất nông nghiệp mới. Nhưng bìa đất cũ mang tên chồng tôi, nay đã mất và hiện tại tôi có hộ khẩu ở Tỉnh Phú Thọ. Và chính quyền nói là cấp lại bìa đất mới phải người có khẩu tại địa phương. Vậy quý ban luật cho tôi hỏi trình tự làm thế nào để cấp được bìa đất mới cho tôi?

Trả lời:

Chủ trương, chính sách của Nhà nước khi thực hiện việc dồn điền đổi thửa là nhằm mục đích rà soát lại việc sử dụng đất nông nghiệp của người dân và phân lại diện tích đất nông nghiệp cho phù hợp. Đất nông nghiệp được giao cho những hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu tại địa phương vì họ ở đó và trực tiếp thực hiện việc sử dụng đất được. Quý khách đã không còn hộ khẩu và không còn sinh sống tại địa phương nơi có đất nên sẽ không thể thực hiện quyền sử dụng đất nông nghiệp là đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được. Nhưng nếu trước khi thực hiện việc dồn điền, đổi thửa; quý khách đã có quyền sử dụng đất trong diện tích đất nông nghiệp nêu trên và diện tích đất thuộc phần sử dụng của chồng quý khách chưa được phân chia sau khi chết thì quý khách vẫn còn quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã có trước đó của mình và được hưởng thêm một phần diện tích đất trong phần di sản của chồng quý khách. Với quyền này, quý khách có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hộ khác. 

 

Câu hỏi: Thưa luật sư, Ông bà nội em có cho bố mẹ em mảnh đất cùng ao liền kề có diện tích là 258m2 để ở riêng từ năm 1991 đến nay. Năm 2003, ở xã có thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình em đã quy đổi ruộng đất về ao cạnh nhà đó. Năm 2005. bố em không may mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời.em và mẹ vẫn ở đó đến bây giờ. Hiện tại ông em có sang tranh chấp đối với gia đình em để đòi về 50m2 đất, để bán với lí do lấy tiền dưỡng già. Em không đồng ý vì mảnh đất đó ông bà đã cho bố mẹ em và gia đình em đã nộp đủ các loại thuế từ năm 1991 đến nay. Vì vậy ông em đã có hành vi đập phá tường bao nhà em. Trong tình huống này, em có thể xử lý như thế nào? Em xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Theo những thông tin quý khách cung cấp thì bố mẹ quý khách đã xác lập quyền sử dụng diện tích đất nên trên vào năm 1991 đến nay. Nếu gia đình quý khách đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông quý khách không có còn quyền đối với diện tích đất nêu trên. Hành vi đập phá tường bao nhà của quý khách là hành vi xâm phạm quyền sử hữu tài sản đã được pháp luật công nhận. Để bảo vệ quyền lợi của mình, quý khách hoặc bố, mẹ quý khách có quyền yêu cầu ông quý khách dừng hành vi trên và phải bồi thường. Căn cứ cho việc bồi thường dựa trên Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 và hành vi thực tế của ông quý khách.  hoặc được chính quyền địa phương xác nhận về việc sử dụng ổn định, lâu dài ổn định.