Đổi tiền lẻ, tiền mới: Chẳng lẽ lại bó tay?

(HNM) – Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, dịch vụ đổi tiền lẻ là không được phép và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.
 



Nhiều quầy đổi tiền vẫn công khai hoạt động nhưng không bị xử lý tại khu vực gần Chợ Phủ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (ảnh trái) và tại đường Lê Trọng Tấn đoạn qua phường Dương Nội (Hà Đông).

Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao mỗi dịp Tết đến, Xuân về nên từ cuối tháng 1-2016 đến nay, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại công khai ở nhiều nơi. Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay với những hành vi vi phạm này.

Công khai đổi tiền qua mạng

Thời gian qua, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không phát hành một số loại tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Tuy nhiên, do lượng tiền lẻ, tiền mới mệnh giá nhỏ ngày càng khan hiếm đã khiến cho dịch vụ đổi tiền lẻ ngày càng đắt khách.

Không chỉ đổi tiền lẻ công khai ngoài thị trường, các khu di tích đình, chùa, đền, bia, phủ…, một vài năm trở lại đây dịch vụ đổi tiền online cũng phát triển mạnh. Chỉ cần làm một thao tác đơn giản trên Google, bạn đọc dễ tìm được cho mình rất nhiều website đổi tiền lẻ, tiền mới. Vào trang web doitien.com hay doitienmoi.vn…, người kinh doanh cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại… Mọi giao dịch đều thông qua điện thoại, khách hàng chỉ cần gọi điện vào số hotline của bất cứ website đổi tiền nào cũng được nhân viên “chăm sóc” chu đáo, đưa ra các loại mệnh giá tiền và cam kết tiền mới 100%, nguyên cọc, đầy đủ số tờ, mức phí thấp, giao hàng tận nơi…

Đáng nói, hầu hết các website đổi tiền năm nay đều cam kết có thể đáp ứng mọi nhu cầu về số lượng cũng như các mệnh giá từ nhỏ nhất 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng cho tới các mệnh giá lớn hơn như 20.000, 50.000, 100.000, 200.000 đồng. Riêng loại tiền 200, 500 đồng, năm nay hiếm hơn bởi Ngân hàng Nhà nước không in thêm, vì thế, mức phí đổi 2 loại tiền này cao hơn nhiều so với các mệnh giá khác. Theo quảng cáo, tiền mệnh giá càng lớn thì mức phí càng giảm, ví dụ như 1.000, 2.000 đồng mức phí 16% trở lên, 10.000 đồng mức phí 10% trở lên, 100.000 đồng thì mức phí giảm xuống còn 6%. Nếu khách đổi với số lượng nhiều hoặc lấy buôn thì sẽ liên hệ trực tiếp để được giá tốt hơn.

Mức phí “trên trời”

Không chỉ công khai đổi tiền tại các website, mấy ngày áp Tết và trong tết Nguyên đán Bính Thân, tại một số tuyến đường, khu vực chợ dân sinh, đình, chùa… trên địa bàn Hà Nội, người dân công khai đặt bàn, tủ để đổi tiền lẻ cho khách hưởng chênh lệch. Để thu hút sự chú ý, có người còn in cả áp phích lớn với dòng chữ “đổi tiền mới” kèm theo cả số điện thoại. Tại đường Lê Trọng Tấn đoạn qua phường Dương Nội (quận Hà Đông), sáng 6-2 (tức 28 tháng Chạp) một bàn đổi tiền mới đặt ngay gần khu chợ dân sinh, người dân đến đổi rất đông. Chiều 6-2 và ngày 7-2 (tức 28 và 29 tháng Chạp), tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), khu vực quanh Chợ Phủ cũng xuất hiện một số hộ công khai đổi tiền mới, tiền lẻ. Nhiều tập tiền mới mệnh giá thấp 1.000, 2.000, 10.000, 20.000 đồng được xếp ngay ngắn trong tủ kính.

Khảo sát tại một số khu đình, đền, chùa như Phủ Tây Hồ, khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà La Khê… vẫn xuất hiện tình trạng đổi tiền lẻ, tiền mới công khai. Dù không dám treo biển đổi tiền lẻ, nhưng nhiều sạp hàng vẫn bày tiền trong tủ kính để quảng cáo (chủ yếu tiền cũ mệnh giá thấp). Ai có nhu cầu đổi chỉ cần trao đổi với chủ sạp thì bao nhiêu tiền, mệnh giá nào cũng có. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giá chênh lệch của dịch vụ đổi tiền lẻ ở đây rất cao. Tiền mệnh giá 1.000 đồng có mức phí đổi 40%; mệnh giá 2.000, 5.000 đồng, mức phí đổi là 30%; mệnh giá 10.000 đồng thì mức phí được tính là 17%… Khách ra, vào thực hiện giao dịch đổi tiền rất đông, nhưng lạ một điều không thấy bất cứ lực lượng chức năng nào đến kiểm tra, xử lý?

Trái ngược với hoạt động đổi tiền lẻ trên mạng và trên thị trường, việc đổi tiền lẻ của người dân tại các ngân hàng thương mại dịp cuối năm khá khó khăn. Trong vai người đi đổi tiền, phóng viên đã khảo sát tại một số ngân hàng có trụ sở và văn phòng giao dịch tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Đến bất cứ ngân hàng nào, khi hỏi đổi tiền mới, tiền lẻ phóng viên cũng nhận được câu trả lời hết tiền lẻ hoặc chỉ nhận được cái lắc đầu từ các nhân viên.

Quan sát tại một số ngân hàng, rất ít người đem tiền chẵn đến đây mà đổi được tiền lẻ, tiền mới để mừng tuổi dịp Tết, nếu có đổi được thì chủ yếu là khách hàng quen thuộc với ngân hàng, tiền đổi cũng chỉ là tiền cũ, mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 đồng. Không đổi được tiền lẻ trực tiếp từ ngân hàng, bất đắc dĩ người dân phải đổi tiền lẻ từ nhiều nguồn và đây là cơ hội cho giới buôn tiền lẻ tồn tại và âm thầm phát triển.

Được biết, mấy năm gần đây, ban quản lý nhiều khu di tích, đình chùa, phủ…, chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Nội đều có văn bản chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ bắt chẹt khách, nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ. Ngoài ra, để chấn chỉnh hoạt động đổi tiền lẻ, sử dụng tiền lẻ đi lễ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra việc đổi tiền lẻ, tiền mới trái phép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý, đúng chức năng khi tham gia lễ hội, đình, chùa.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động đổi tiền vẫn diễn ra công khai và để qua mặt các cơ quan chức năng, người đổi tiền lẻ đã bày ra nhiều mánh khóe. Chẳng lẽ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại “bó tay” trước hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới?