Đổi tiền lẻ Tết tràn lan chợ mạng: Cẩn trọng sập bẫy tiền giả
Sắp đến Tết Nguyên đán 2021, hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ đang rất ‘nóng’ trên mạng xã hội, kèm theo đó là nhiều bẫy, nếu người tiêu dùng không cẩn trọng.
Trên mạng xã hội, tại các hội nhóm, xuất hiện liên tục các bài viết quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, đổi tiền mới với đủ mệnh giá, bán những tờ tiền có số seri đẹp hay ngày tháng năm sinh…
Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại tiền mới nào cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, giao hàng nhanh, chi phí rẻ… Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu.
Tràn lan dịch vụ đổi tiền lẻ dịp cận Tết.
Kết nối với trang facebook có tên “Đổi tiền lẻ…”, phóng viên nhận được phản hồi là khách hàng muốn bao nhiêu, loại mệnh giá nào cũng có, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa với các hình thức thanh toán đa dạng như: chuyển khoản, thẻ cào…
Theo khảo sát, phí đổi dao động từ 10-15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền có mệnh giá khác nhau.
Trong đó, phí đổi tiền mệnh giá từ 50.000-500.000 đồng dao động từ 10-12%; tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, phí đổi lên tới 15%.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Chẳng hạn, tiền mệnh giá 1 và 2 USD có giá lần lượt từ 30.000 và 55.000 đồng/tờ, nhưng nếu có seri đẹp thì giá bán có thể lên tới cả triệu đồng một tờ. Ngoài ra, một số tờ tiền được in và phát hành riêng theo năm của nhiều quốc gia cũng được rao bán công khai, ví dụ như tiền hình con trâu của Macao, Australica… thậm chí, cả tiền Việt Nam nhưng có seri đẹp cũng được rao bán.
Theo chủ một facebook chuyên đổi tiền lẻ có tên G., nếu đổi 3 triệu đồng tiền mệnh giá 5.000 đồng thì khách hàng sẽ mất số tiền phí là 450.000 đồng, tương đương 15%.“Mức phí quá cao, trong khi không biết có phải tiền thật hay không”, chị Nga – một khách hàng băn khoăn.
Từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước đã chủ trương không phát hành tiền lẻ, mệnh giá thấp gồm tờ tiền các mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng vào dịp Tết. Thay vào đó, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước tết Nguyên đán.
Mới đây, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó yêu cầu NHNN tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Thực tế, các hành vi đổi tiền không đúng quy định đã có chế tài xử lý từ cơ quan chức năng. Nghị định 96/2014/NĐ- CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn của người dân, các hành vi này vẫn diễn ra mà chưa có “bài học” thật nặng để cảnh tỉnh.
Theo các luật sư, các cá nhân có hành vi đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch cao có thể bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng theo Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Các luật sư cũng đưa ra rất nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo… mà người dân có thể gặp khi đổi tiền tràn lan trên mạng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
(Nguồn: Báo Mới)