Đời sống kinh tế khá lên nhờ trồng dâu nuôi tằm
Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống mới. Riêng năm 2021, tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến đại bộ phận người dân, song kinh tế của các hộ trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng vẫn đảm bảo ổn định, thu nhập tăng cao. Nhà nào cũng mua sắm đầy đủ các nhu yếu phẩm, mừng xuân đón tết vui vẻ cùng với buôn làng.
Từ ngày chị Ka Loan, ở Tổ dân phố Kon Tách Đăng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi diện tích một sào cà phê cằn cỗi cho năng suất thấp sang trồng dâu để nuôi tằm, đời sống kinh tế gia đình đã cải thiện rõ rệt. Chị Ka Loan cho biết, diện tích dâu này chị nuôi 1 hộp tằm giống, bình quân mỗi tháng cho gia đình lãi gần chục triệu đồng. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, giá kén tăng lên 200.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao. Trước đây, cuộc sống kinh tế của gia đình thường xuyên rơi vào cảnh khó khăn, khi đưa mô hình sản xuất trồng dâu nuôi tằm vào phát triển kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập hàng tháng, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu, nợ nần. Vì vậy, tết nhứt cũng được gia đình mua sắm đầy đủ, tổ chức quây quần vui vẻ và no ấm hơn.
Đời sống kinh tế của nhiều hộ DTTS của tỉnh Lâm Đồng vươn lên ổn định cuộc sống nhờ trồng dâu nuôi tằm
“Gia đình mình nghèo, không có nhiều đất đai như người ta. Mình chỉ có mấy sào ruộng và 1 sào cà phê. Làm cà phê thì mỗi năm chỉ thu được từ 3 đến 4 tạ, năng suất thấp. Do vậy, mình chuyển đổi 1 sào cà phê để trồng dâu nuôi tằm. Từ ngày trồng dâu nuôi tằm thì gia đình mình có tiền để chi tiêu trong sinh hoạt gia đình”, chị Ka Loan nói.
Tương tự, gia đình anh K’Du, ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng khá lên nhờ trồng dâu nuôi tằm. Theo anh, lúc đầu chưa quen nên trồng dâu nuôi tằm rất vất vả, lợi nhuận chưa cao. Sau dần nhờ có sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ phía các cơ quan chức năng và Hội nông dân của huyện, thường xuyên mở các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm mới tăng cao. Ngoài chú trọng áp dụng kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo nguồn cung cấp giống tằm chất lượng, việc lựa chọn giống dâu lai cho năng suất và chất lượng lá đạt cao là yếu tố hàng đầu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất của gia đình. Với mức giá thu mua kén tằm của các thương lái trên thị trường dao động từ 170.000 – 190.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình anh thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.
“Được Hội nông dân huyện hỗ trợ tiền mua cơ sở vật chất và gia đình có hơn 1 sào dâu để nuôi tằm. Mình cứ nuôi mỗi lứa nửa hộp tằm giống, nuôi theo phương thức cuốn chiếu. Từ khi đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, đời sống của gia đình mình ổn định hơn. Mình có ý định mở rộng thêm diện tích trồng dâu để nuôi tằm được nhiều hơn”, anh K’Du chia sẻ.
Không chỉ ở Lâm Hà, Di Linh, mô hình trồng dâu nuôi tằm cũng đã phát triển rộng rãi trong nhiều vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng. Theo bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, trồng dâu nuôi tằm là mô hình thoát nghèo, giúp phần lớn người dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện cải thiện cuộc sống, trong số này có nhiều hộ vươn lên trở thành hộ có điều kiện kinh tế khá.
“Đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là trồng dâu nuôi tằm. Trồng dâu nuôi tằm thời gian ngắn, nhanh có thu hoạch, vì vậy bà con rất phấn khởi. Có nhiều hộ nuôi 2 hộp thì cho 1 tạ kén, thời điểm này 1 tạ bán 21 triệu, trong khi chi phí mua 1 hộp tằm là 600.000 nghìn đồng nên chi phí vốn rất ít. Riêng giống dâu thì trồng rất dễ, bà con chăm sóc một năm bón 2 lần phân thì hái lá liên tục luôn. Nói chung, bà con đồng bào dân tộc thiểu số bây giờ càng ngày càng phát triển đi lên, làm ăn có hiệu quả”, bà Bùi Thị Thanh Huyền cho biết.
Thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trong giai đoạn tới. Theo đó, phấn đấu đến năm 2023, nâng diện tích trồng dâu tằm trong tỉnh đạt 10.000 hecta, sản lượng lá dâu đạt 210.000 tấn, cung cấp đủ giống tằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng sản lượng kén tằm đạt 14.500 tấn và sản lượng tơ tằm đạt 1.900 tấn. Cùng với đó, Lâm Đồng sẽ chú trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm tơ tằm của địa phương. Khi đề án này được triển khai sâu rộng chắc chắn sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống ấm no./.