Đổi mới sáng tạo – động lực mới để tạo ra giai đoạn tăng trưởng tiếp theo
Việt Nam đã bắt kịp theo xu hướng, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực. Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo, tăng năng suất nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đổi mới sáng tạo – tư duy mới trong chiến lược phát triển
Phát biểu tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng ngày 15/12/2021, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ rất nhanh và chưa từng có tiền lệ. Covid – 19 đang diễn ra phức tạp, Việt Nam cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
“Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo (Innovation) là tư duy mới trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và trở thành ngôn ngữ chung, có ý nghĩa toàn cầu. Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu”, ông Huy nói.
Dẫn theo khái niệm của OECD (2018), ông Huy cho biết, đổi mới sáng tạo là một quy trình hay sản phẩm (bao gồm hàng hóa, dịch vụ) mới hoặc được cải tiến (hoặc kết hợp) có sự khác rõ nét với các sản phẩm hoặc quy trình trước đó của đơn vị và đồng thời được cung cấp cho người dùng tiềm năng (đối với sản phẩm) hoặc được đơn vị sử dụng (đối với quy trình).
Đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, ông Huy cũng nhấn mạnh rằng, không phải sự thay đổi nào cũng được coi là một đổi mới sáng tạo mà phải thỏa mãn các đặc tính: Thứ nhất là có tính mới: mới so với thế giới; mới so với thị trường; mới so với doanh nghiệp; Thứ hai là có tính thực tiễn: đưa sản phẩm ra thị trường, hoặc áp dụng quy trình mới trong sản xuất.
Các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp kết nối và vươn lên
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Việt Nam đã bắt kịp theo xu hướng, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực. Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo, tăng năng suất nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quan trọng liên quan đến đổi mới sáng tạo, như: Luật Đầu tư năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 2889/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Ông Huy cho biết, NIC mong muốn kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
“Có thể nói, lần đầu tiên, các chính sách về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là cho đổi mới sáng tạo, đã được quy định cụ thể trong Luật và Nghị định”, ông Huy cho biết.
Dẫn Nghị định 31/2021/NĐ-CP, ông Huy cho biết, tại Nghị định đã quy định rõ, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo điểm e, khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)…
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định về đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo bằng nguồn vốn góp tư nhân thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định 38 đã đặt ra nguyên tắc chung trong hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức với các công ty khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được cụ thể hóa và tập trung, tăng cường theo quy định tại Nghị định 80. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP bao gồm 6 vấn đề với 05 nhóm hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị); quản lý thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, đối với các Trung tâm đổi mới sáng tạo hoạt động theo mô hình của NIC: Được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; Được nhận và sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản tài trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước (bao gồm cả phần lãi tiền gửi các khoản viện trợ, tài trợ), để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động và công tác quản lý, vận hành của Trung tâm; Được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ; Được hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm, thì được NIC hỗ trợ về các thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; Được NIC hỗ trợ văn phòng làm việc và sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và các phương tiện, tiện ích khác của Trung tâm của NIC; Được hưởng ưu đãi trong thủ tục đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; Được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo; Được hưởng các ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
NIC có nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
NIC nỗ lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
NIC được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng. Theo đó, NIC mong muốn kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Cùng với đó, NIC có nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Ông Huy cho biết, NIC ra đời với các nhiệm vụ trọng tâm là: Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng; Hỗ trợ, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Vận hành, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Đặc biệt, NIC nỗ lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam mà NIC muốn thúc đẩy và kết nối bao gồm: khối doanh nghiệp (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, như các tập đoàn lớn); các đơn vị nghiên cứu thuộc khu vực công lập và khu vực tư nhân; các cơ quan trực thuộc chính phủ; các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo khác, ngân hàng, quỹ đầu tư và các đơn vị đầu tư tư nhân khác. Hình thành hệ sinh thái Việt Nam thu nhỏ tại Hòa Lạc.
NIC trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chính là kết nối các đối tác để các đối tác gặp gỡ nhau, đưa ra các giải pháp với nhau, thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
NIC đang hỗ trợ không gian làm việc và kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư, trường đại học. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới tại Trung tâm Trải nghiệm số Không gian sản xuất, hệ thống Fablab.
Bên cạnh đó, thời gian qua, NIC đã tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, như: Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo – VVS; Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam – VIIE.
Phối hợp với các đối tác như Google, Amazon… để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện NIC đang phối hợp với ADB thực hiện dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures); phối hợp với USAID tổ chức hoạt động“Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID-WISE).
NIC cũng được giao vận hành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hiện mạng lưới đã có mặt tại 20 quốc gia (Mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và châu Âu), có khoảng 1.000 thành viên gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước.
“Đây là nguồn lực rất lớn phát triển đất nước, hỗ trợ Việt Nam, đóng góp nhiều trí tuệ, công nghệ, chuyển giao thông tin cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo”, ông Huy nhấn mạnh./.